Chưa thể an táng người thân vì nước lũ

Hai ngày kể từ khi mẹ mất, anh Trương Tấn Bình ở xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, vẫn chưa thể đưa bà về nơi an nghỉ cuối cùng vì nước lũ dâng cao.

Báo VnExpress ngày 29/10 đưa thông tin với tiêu đề: "Chưa thể an táng người thân vì nước lũ" cùng nội dung như sau:

Chiều 29/10, ngôi nhà cấp 4 của anh Trương Tấn Bình, 38 tuổi, ở thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy vẫn ngập sâu gần hai mét. Anh phải treo quan tài người mẹ 74 tuổi lên gác xép. Sáng qua, bà qua đời vì bạo bệnh.

Khi họ hàng hoặc người làng đến chia buồn, anh Bình ló đầu qua mái nhà chào hỏi và cảm tạ, nhưng không dám mời vào trong bởi không gian quá chật chội. "Tôi hẹn mọi người chờ nước rút vì trong nhà đồ đạc trôi lềnh bềnh, thuyền tròng trành rất dễ ngã", anh Bình nói.

Chiếc quan tài của cụ bà Dương Thị Hẹ được 7 người con treo sát lên gác xép để tránh lũ. Bà mất trong lúc cả làng đang chống chọi với lũ, may mắn có một người trong xã chèo thuyền đến hỗ trợ khâm liệm. "Chúng tôi mong nước mau rút để làm lễ an táng cho mẹ ở nghĩa trang cách nhà 16 km", anh Bình nói.

Hai chị gái của anh Bình là Trương Thị Hạp 49 tuổi (góc phải) và Trương Thị Hai 51 tuổi liên tục khóc bên quan tài mẹ. "Bố tôi mất từ năm 2020 trong trận lũ lịch sử. Năm nay mẹ tôi lại ra đi trong hoàn cảnh tương tự. Ông bà cả đời bươn chải nuôi các con khôn lớn, đến khi nhắm mắt ông trời cũng không thương", bà Hạp nói.

Trận lũ từ đêm 27/10 đến nay khiến mọi vật dụng trong nhà anh Bình hư hỏng.

Nước trong nhà ngập gần nóc, những bát hương thờ cúng tổ tiên bị ngấm nước phải mang phơi trên mái nhà lúc trời tạnh.

Xung quanh ngôi nhà bị bủa vây bởi rác và các vật dụng sinh hoạt, đường duy nhất vào nhà là phần mái đã tháo bỏ nhiều viên ngói.

Thỉnh thoảng, anh Bình trèo lên mái nhà, thẫn thờ nhìn về phía dòng sông Kiến Giang. "Lũ đang rút rất chậm, hôm nay chỉ khoảng 5-10 cm, không biết khi nào mới cạn để gia đình tôi chôn cất mẹ", anh nói.

Cách nhà anh Bình vài chục mét, nhiều nhà dân ở thôn Tuy Lộc cũng đang bị dòng lũ từ sông Kiến Giang bủa vây.

Toàn tỉnh Quảng Bình ghi nhận 32.000 hộ dân bị ngập, trong đó huyện Quảng Ninh 12.000, Lệ Thủy gần 20.000; hơn 9.000 hộ phải sơ tán tại chỗ. Chính quyền khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài.

Đây là trận lũ lớn thứ hai trong 4 năm qua ở Quảng Bình, sau trận lũ tháng 10/2020. Năm đó toàn bộ vùng đồng bằng huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy bị ngập 2-4 m, kéo dài hơn 10 ngày, làm 25 người chết, thiệt hại kinh tế 3.500 tỷ đồng.

    Nước lũ bủa vây vùng rốn lũ Lệ Thủy

Trước đó, báo Tuổi trẻ ngày 29/10 cũng có bài đăng với thông tin: "Xót xa cảnh người mất trên đỉnh lũ Lệ Thủy, quan tài 'treo' sát mái nhà". Nội dung được báo đưa như sau:

Hai ngày qua trên đỉnh lũ Lệ Thủy, cộng đồng mạng vô cùng xót xa trước hình ảnh chiếc quan tài nằm trong không gian chật chội trên gác xép sát mái nhà một gia đình ở thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thủy.

Người thân cũng xin sự hỗ trợ từ cộng đồng khi chưa tìm được cách đưa người mất đi án táng vì nước quá cao.

Bà Trương Thị Dứa, trú thôn Tuy Lộc, xác nhận hình ảnh trên là của gia đình mình. Người mất là mẹ bà Dứa, tên Dương Thị Hẹ, 74 tuổi.

Theo lời bà Dứa, bà Hẹ mắc bệnh đã vài tháng qua. Đầu tuần rồi thì bệnh trở nên nặng nên gia đình đưa đi bệnh viện. Đến thứ sáu tuần rồi, bà Hẹ yếu dần nên gia đình xin đưa về nhà. Một ngày sau bà mất.

Ngày bà mất đúng lúc mưa cực lớn ở Lệ Thủy. Nước lũ dâng lên rất nhanh. Gia đình không còn cách nào khác phải khâm liệm rồi đưa quan tài bà Hẹ lên gác xép sát mái nhà "tránh lũ". Cả những người thân cũng ngồi co ro trên không gian chật hẹp đó, không còn chỗ nào để thoát.

"Đến tối 27-10, nước lũ lên rất cao. Nhà mệ lại ở nơi quá thấp. Trong nhà nước đã ngập đến 1,6m. Anh em chúng tôi đã tính phương án đi thuê giàn giáo để bỏ quan tài lên cao. Suốt một ngày đêm, cả nhà như nín thở nhìn con nước. Thương mẹ đứt ruột rồi còn bất an vì nước lũ lên sợ không có chỗ bỏ quan tài", bà Dứa kể.

Cũng theo bà Dứa, nơi gia đình dự kiến an táng cách nhà hơn 10km, trong khi nước lũ mênh mông, các tuyến đường đều ngập không thể thuê xe đến chở. Giờ gia đình rất cần sự hỗ trợ của chính quyền trong việc đưa bà đến nơi an táng.

"Nước đang cao, sóng và gió cũng to. Gia đình chỉ mong chính quyền địa phương hỗ trợ giúp tìm tàu thuyền loại lớn để đưa bà đi", bà Dứa nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Dương Công Nhân - chủ tịch UBND xã Lộc Thủy - nói chính quyền đã nắm được hoàn cảnh của gia đình này. Khi bệnh bà Hẹ trở nặng vào cuối tuần, chúng tôi đã có liên lạc hỏi có cần đưa bà đi bệnh viện không để hỗ trợ.

Tuy nhiên, sau đó lũ lên nhanh quá. Nhóm trực của lãnh đạo xã phải dốc hết sức để đi hỗ trợ người dân di tản lên những nhà cao tránh lũ, nên chưa cập nhật được tình hình của bà Hẹ.

"Đến hôm nay nước đã rút được 30cm. Chính quyền địa phương sẽ phối hợp cùng gia đình thuê cano từ Ngư Thủy lên đưa người mất đi an táng. Nếu gia đình cần hỗ trợ gì thêm, có thể liên lạc trực tiếp với chính quyền xã.

Chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ hết sức", ông Nhân nói.

Mưa xối xả suốt đêm khiến nhiều vùng ở Lệ Thủy (Quảng Bình) ngập trong biển nước. Lực lượng cứu hộ đã phải hoạt động suốt đêm để ứng cứu những nơi ngập sâu.