Sự thật gây sốc đằng sau những chuyến xe chở đá lạnh vào quán giải khát: Quy trình sản xuất lạnh gáy!
Hàng tấn đá viên được sản xuất trong điều kiện mất vệ sinh tại các cơ sở không phép ở Phú Thọ vẫn đều đặn tuồn ra thị trường mỗi ngày, len lỏi vào quán xá, nhà hàng dưới mác "đá sạch", tiềm ẩn nguy cơ lớn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Theo báo Người đưa tin ngày 4/7 có bài Sự thật gây sốc đằng sau những chuyến xe chở đá lạnh vào quán giải khát: Quy trình sản xuất lạnh gáy! Nội dung như sau:
Hàng tấn đá viên được sản xuất trong điều kiện mất vệ sinh tại các cơ sở không phép ở Phú Thọ vẫn đều đặn tuồn ra thị trường mỗi ngày, len lỏi vào quán xá, nhà hàng dưới mác "đá sạch", tiềm ẩn nguy cơ lớn cho sức khỏe người tiêu dùng. Nắng nóng đỉnh điểm, xưởng đá viên sản xuất 10 tấn đá mỗi ngày vẫn không đủ phục vụ Ảnh: Người lao động tay trần bắt cá, khiêng đá lạnh để mưu sinh giữa cái rét kỷ lục 8 độ tại Hà Nội
Mỗi ngày, hàng tấn đá viên được đóng gói, gắn nhãn "đá sạch", "tinh khiết", rồi len lỏi vào đủ quán cà phê, nhà hàng sang trọng lẫn quán ăn vỉa hè. Ít ai biết rằng, phía sau lớp túi nilon trong suốt ấy là một "mạng lưới" sản xuất đá hoạt động trong điều kiện tạm bợ, cáu bẩn và thiếu kiểm soát. Những quy định về an toàn thực phẩm bị phớt lờ, kiểm tra lỏng lẻo, trong khi người tiêu dùng vẫn vô tư dùng đá bẩn pha đồ uống, ăn kèm thực phẩm mỗi ngày mà không hề hay biết.
Ảnh cắt từ clip VTV
Mới đây, những hình ảnh cận cảnh về quy trình sản xuất nước đá tại một số cơ sở không phép tại các xã Vĩnh Thành và Vĩnh An, tỉnh Phú Thọ được phát sóng trong chương trình Chuyển động 24h trên Kênh VTV đã làm dấy lên những lo ngại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cơ sở này không được ngành y tế thẩm định, cấp phép đủ điều kiện an toàn thực phẩm, nhưng hàng ngày vẫn sản xuất và cung cấp một lượng lớn nước đá cho thị trường, tiềm ẩn nguy cơ về sức khỏe người tiêu dùng.
Ảnh cắt từ clip VTV
Máy móc thiết bị để sản xuất đá lạnh rất thô sơ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh cắt từ clip VTV
Một chiếc xe tải bắt đầu rời cơ sở sản xuất nước đá tại xã Vĩnh An, mang theo các túi đá đã được chất đầy. Điểm giao hàng đầu tiên là một cửa hàng tạp hóa cách cơ sở sản xuất khoảng 2 km. Những túi nước đá lần lượt được chuyển thẳng vào tủ lạnh của cửa hàng, và quá trình giao hàng diễn ra nhanh chóng, chứng tỏ sự quen thuộc với công việc này.
Ghi nhận, những chiếc xe tiếp tục giao hàng cho nhiều cửa hàng tạp hóa khác trên địa bàn. Mỗi lần giao, các cửa hàng chỉ nhập khoảng 20 đến 30 túi đá. Ngoài cửa hàng tạp hóa, xe còn giao nước đá cho các cửa hàng bán nước giải khát trong khu vực.
Một chủ cửa hàng bán nước giải khát chia sẻ: "Một túi đá bán 10K, nhập 7K. Nhập của ông ở trên Kiệu này".
Nhiều cơ sở sẵn sàng giảm giá chỉ khoảng 6.000-7.000 đồng/túi đá với lời đảm bảo chắc nịch gọi lúc nào là có lúc đấy. Ảnh cắt từ clip VTV
Chỉ tính riêng tại các xã Vĩnh Thành và Vĩnh An, hiện có ít nhất 5 cơ sở sản xuất nước đá không phép, và hàng ngày sản lượng nước đá của các cơ sở này đều được tiêu thụ hết. Khách hàng chủ yếu là các quán tạp hóa, quán nước, nhà hàng và các doanh nghiệp có nhiều người lao động.
Một chủ cửa hàng tạp hóa cho biết: "Đá sạch không anh? Rất sạch. Đá của cơ sở nào vậy? Thanh Mai. Cơ sở đá có giấy phép không? Không. Khi mình mua đá có giấy phép an toàn thực phẩm không? Không... Nhưng tôi nghĩ mua đá thì mua đá thôi, cần gì giấy phép. Người ta làm từ nước, cứ thế mà lấy".
Mặc dù không có giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng giá cả rẻ là yếu tố mà các chủ cửa hàng tạp hóa quan tâm nhất. Các cơ sở sản xuất nước đá không phép thường sử dụng công nghệ lọc thô sơ hoặc không có hệ thống lọc, giúp họ giảm chi phí và tối đa hóa lợi nhuận. Để cạnh tranh, họ thậm chí còn giảm giá bán, chiếm lĩnh thị trường.
Một chủ cơ sở sản xuất nước đá ở xã Vĩnh Thành chia sẻ: "Nhà chị giao tất 6.000-7.000 đồng. Đá gọi lúc nào có lúc đó luôn, thoải mái. Đá to mà, lấy 6.000 đồng. Thôi lấy anh 5.500 đồng".
Hàng ngày những chiếc xe chở theo hàng trăm túi đá giao đến các quán giải khát trên địa bàn. Ảnh cắt từ clip VTV
Với mức giá rẻ như vậy, chỉ 5.500 đồng/túi đá 5kg (thậm chí có thời điểm còn hạ giá còn 5.000 đồng/túi), dù sản xuất không phép và không đảm bảo vệ sinh, nước đá từ các cơ sở "chui" vẫn thu hút khách hàng. Thời gian cao điểm, mỗi ngày, một cơ sở có thể tiêu thụ 700-800 túi đá.
Ông Đào Anh Thái, Chi Cục trưởng Chi Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ cho biết: "Các cơ sở chưa được cấp phép bởi cơ quan chuyên môn có thẩm quyền, yêu cầu phải dừng ngay. Việc đưa sản phẩm ra thị trường này tiềm ẩn nguy cơ lớn đối với sức khỏe người tiêu dùng và có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm".
Với nhu cầu tiêu thụ lớn hàng ngày, không ai có thể xác định được bao nhiêu túi nước đá từ các cơ sở sản xuất không phép đã tuồn ra thị trường, gây nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe cộng đồng.
Chia sẻ trong chương trình chuyển động 24h, đại diện Sở Y tế tỉnh Phú Thọ cho biết sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra và đóng cửa các cơ sở sản xuất nước đá "chui" trong thời gian sớm nhất, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Ngày 3 tháng 7 năm 2025, tạp chí Nhịp sống Thị trường đã đăng tải bài viết với tiêu đề "Cảnh báo khẩn cho những ai đang "khoe ảnh nhà mình" trên Google Maps: Đừng trở thành nạn nhân". Nội dung như sau:
Nhiều người dùng Việt Nam có thể gặp rủi ro khi khi chạy theo trào lưu khoe ảnh nhà mình qua chế độ xem phố (Street View) của Google Maps. Đừng khoe ảnh nhà mình trên Google Maps
Gần đây, việc khoe ảnh nhà hay những địa điểm hoài niệm nhờ chế độ xem phố (Street View) của Google Maps đã trở thành trào lưu trên mạng xã hội. Tính năng này không quá mới mẻ trên thế giới nhưng chỉ mới khả dụng ở Việt Nam thời gian qua.
Tuy nhiên, có những cảnh báo từ chuyên gia về hành động khoe hình ảnh nhà mình có thể gây ra những rủi ro về riêng tư và an ninh.
Năm ngoái, trang Forbes dẫn một cảnh báo nghiêm trọng liên quan đến tính năng Street View của Google Maps, kêu gọi hàng triệu người sử dụng cần thực hiện các thao tác thay đổi để bảo vệ chính mình.
"Kẻ trộm có thể sử dụng Street View để tìm hiểu cách bố trí nhà của chúng ta, cho phép chúng lập kế hoạch đột nhập dễ dàng hơn", công ty an ninh ADT chỉ ra.
Theo đó, kẻ gian sẽ sử dụng mạng xã hội để "xác định thời điểm chủ nhà đi vắng" (trong trường hợp biết rõ đối tượng), trong khi sử dụng Street View để "tìm hiểu cách bố trí nhà cửa và đường đi".
Thông thường, khuôn mặt và biển số xe của người đi đường được Google ghi lại sẽ được làm mờ, nhưng mặt nhà hướng ra đường của bạn trên Street View thì không. Và khi kết hợp với chế độ xem trên không thông qua vệ tinh, kẻ gian sẽ thu được thông tin đáng kể.
"Tội phạm có thể sử dụng chế độ xem phố để rình rập trước khi trộm cắp", chuyên gia Jake Moore của công ty bảo mật ESET cảnh báo. "Chúng có thể gây nhiều thiệt hại khi có nhiều thông tin hơn về mục tiêu của mình. Internet tràn ngập thông tin cá nhân bị lộ, nhưng nếu chúng ta càng cung cấp thêm thông tin, thì những kẻ trộm thực hiện hành vi càng dễ dàng hơn".
Chuyên gia Michele Bennett của ADT cảnh báo: "Tùy thuộc vào bức ảnh được sử dụng trong Street View, một ngôi nhà không bị làm mờ có thể trở thành mục tiêu nằm trong tầm nhắm. Đặc biệt khi có những đồ vật đắt tiền lộ ra, bạn càng nhiều khả năng trở thành nạn nhân của một vụ cướp".
Có một giải pháp dễ dàng, một thiết lập mà bạn nên thay đổi ngay lập tức. Moore khuyên rằng: "Bạn có thể chọn ẩn nhà của mình khỏi internet bằng cách đưa ra lý do như gây phiên phức vì có nhiều người hoặc xe cộ qua lại. Google sẽ làm mờ vĩnh viễn ngôi nhà đó".
Nhấn vào báo cáo sự cố (report problem) để yêu cầu Google làm mờ ngôi nhà.
Bạn thực hiện việc này bằng cách đăng nhập vào Google Maps bằng trình duyệt, dùng Street View chỉ đến ngôi nhà của mình và nhấp vào hình ảnh ngôi nhà, sau đó nhấp vào "báo cáo sự cố" ở menu hình ba chấm.
Thao tác này sẽ cho phép bạn đánh dấu vào ngôi nhà của mình, sau đó yêu cầu Google làm mờ địa chỉ. Về lý do, chỉ cần ghi là có các mối quan ngại về an ninh hoặc an toàn cá nhân là đủ.
"Xin chào kẻ biến thái"
Ngoài ra, Malwarebytes Labs còn phát hiện ra một chiến dịch mới, được gọi với cái tên "Xin chào kẻ biến thái" dựa trên cách những gì kẻ lừa đảo xưng hô với nạn nhân trong email.
Chúng sẽ gửi mai với nội dung: "Tôi đang theo dõi bạn", kèm bức ảnh chụp chính ngôi nhà của bạn được lấy từ Google Maps. Kẻ gian nói rằng chúng đã xâm nhập máy tính của bạn bằng phần mềm gián điệp và lấy được các hình ảnh hay thông tin nhạy cảm.
Việc bỗng nhiên có một kẻ lạ gửi ảnh ngôi nhà của mình kèm lời hăm dọa sẽ khiến nạn nhân bối rối, lo sợ. Đánh vào tâm lý này, kẻ gian sẽ yêu cầu nạn nhân phải trả một khoản phí nếu không muốn chúng phát tán những hình ảnh nhạy cảm đó cho gia đình và bạn bè.
Trên thực tế, chúng chỉ đơn giản là thu thập được các thông tin cá nhân về tên, địa chỉ email từ những rò rỉ trên mạng và lấy ảnh trên Google Maps để tạo kịch bản tống tiền. Không có sự thâm nhập thực sự nào ở đây. Lời khuyên là hãy bỏ qua và không trả bất kỳ khoản tiền nào được yêu cầu.
Tính năng Street View của Google Map rõ ràng rất hữu ích, nhưng có lẽ chúng chỉ nên thể hiện các địa điểm công cộng như cửa hàng, địa danh hay lối vào tòa nhà văn phòng là hữu ích, không có lý do gì để hiển thị hàng triệu ngôi nhà riêng trên Internet công cộng.
Việc nhìn thấy ngôi nhà của mình trên Google Maps chỉ mang lại niềm vui trong chốc lát. Còn lại, bạn không có lý do gì để tổ ấm của mình phơi bày một cách hớ hênh như vậy trên môi trường mạng.
Chúng chỉ giúp cho những tên trộm đánh giá từ xa về bố cục, lối vào, xác định con phố có đông đúc hay không để tiến hành phi vụ hoặc để kẻ gian lợi dụng cho những mục đích xấu xa khác.
Hãy dành vài phút để che giấu ngôi nhà của mình ngay từ bây giờ.