Phía sau sự hồi sinh, nỗi buồn vẫn còn âm ỉ ở Làng Nủ mới
Làng Nủ mới kiên cố, hiện đại, đầy đủ, bà con ai cũng hài lòng và yên tâm sinh sống. Nhưng phía sau sự hồi sinh ấy, nỗi buồn vẫn còn âm ỉ trong mỗi người, nhất là khi trời chuyển mưa, hay có tin báo bão từ báo đài.
Ngày 4/7/2025, báo Vietnamnet đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Phía sau sự hồi sinh, nỗi buồn vẫn còn âm ỉ ở Làng Nủ mới". Cụ thể như sau:
Khoảng 2 tuần nay, tại khu vực Tây Bắc mưa nhiều, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia liên tục phát đi cảnh báo về lũ quét, sạt lở đất khiến người dân sinh sống tại các khu vực miền núi thấp thỏm, lo lắng.
Mới đây nhất, tại phường Yên Bái (tỉnh Lào Cai) sạt lở đất trong đêm đã khiến em P.T.H. (15 tuổi) tử vong thương tâm.

Tại Làng Nủ (xã Phúc Khánh, tỉnh Lào Cai), nơi từng xảy ra trận lũ quét tàn khốc vào tháng 9/2024, thời gian dần trôi đi, cuộc sống của người dân nơi đây cũng đã dần ổn định. Những cây sim tím đang được trồng mới xen kẽ những vườn hoa nở rộ.
Nhưng phía sau sự hồi sinh ấy, nỗi buồn vẫn còn âm ỉ trong lòng mỗi người dân – nhất là khi trời chuyển mưa, hay có tin báo bão từ báo đài.

Ký ức đau buồn vẫn in đậm trong ánh mắt anh Hoàng Văn Nhầm (38 tuổi) – người mất vợ và 3 con nhỏ trong cùng 1 buổi sáng định mệnh. Hiện giờ, anh Nhầm sống một mình trong căn nhà số 33, nằm ở khu vực cao nhất của làng.

Chia sẻ với PV, anh Nhầm cho biết, sau biến cố, anh mất khoảng 3 tháng để hồi phục sức khoẻ, tập đi và cũng ngần ấy thời gian để dần vơi đi nỗi thương nhớ vợ con. Mặc dù sức khoẻ không được như trước kia nhưng những công việc xây dựng, lắp đặt nội thất nhẹ nhàng anh vẫn nhận làm.
"Nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi nhưng ở có một mình cũng buồn lắm, chỉ có tivi làm bạn. Nhất là những ngày trời mưa là ký ức buồn lại ùa về. Tiếng mưa rơi lên mái tôn kêu lộp độp, cảm giác lồng ngực cũng đập nhanh hơn, vừa sợ vừa nhớ vợ, nhớ con", anh Nhầm bồi hồi.

Theo anh Nhầm, sau khi lo hậu sự cho vợ con hoàn tất, anh đi học lái xe để tìm kế mưu sinh và được bạn bè tạo điều kiện góp vốn mở quán nước nhỏ ở TP Lào Cai (cũ). Mỗi tháng quán đem lại thu nhập khoảng 4-5 triệu đồng.
"Giờ ở một mình, ăn uống, sinh hoạt không hết bao nhiêu, kinh tế tạm ổn, tôi cũng chỉ mong có việc làm thường xuyên, hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn, đặc biệt là về tinh thần", anh Nhầm chia sẻ.

Gần về trưa, cạnh khu phòng học của trường mầm non, ông Hoàng Văn Diệp - trưởng thôn Làng Nủ đang theo dõi đôn đốc anh em thợ thi công khu tập thể dục mới của làng. Bất chợt những đám mây tối sầm kéo về, xuất hiện vài hạt mưa rơi. Ông Diệp thở dài, thốt lên: "Trời lại mưa rồi!".
Ông Diệp thông tin thêm, Làng Nủ mới kiên cố, hiện đại, đầy đủ, bà con ai cũng hài lòng và yên tâm sinh sống, nhưng cứ mưa là ánh mắt mọi người lại đượm buồn, nhất là những đợt mưa dài ngày. Mấy hôm nay trời mưa nhiều, một số vị trí trong làng có hiện tượng sạt đất nhỏ nên xã đã huy động máy móc, nhân lực đến để gia cố đảm bảo an toàn.

Theo ông Diệp, cuộc sống bà con đã hoàn toàn ổn định, một số người đã tìm được việc mới và đi làm. Một số thì đợi sau hoàn tất chu toàn việc gia đình sẽ đi làm.
Ngay trong làng, một lớp học thêu được mở ra, thu hút khoảng 50 người trong đó quá nửa là chị em phụ nữ Làng Nủ theo học. Nếu đi học đầy đủ 26 ngày công mỗi tháng, mỗi người cũng được chủ doanh nghiệp trả khoảng 5 triệu tiền công.
"Mỗi căn nhà đều được quy hoạch vườn tăng gia sản xuất, cơ bản cuộc sống kinh tế của bà con trong làng đã đảm bảo. Nhưng nói gì thì nói, nỗi buồn về tinh thần vẫn chưa thể nguôi ngoai một sớm một chiều được", ông Diệp trải lòng.


Trước đó, báo Lao động đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Làng Nủ tái sinh từ những ngôi nhà mới". Cụ thể như sau:

Nhộn nhịp công trường tái thiết
Trở lại thôn Làng Nủ sau gần 3 tháng xảy ra thiên tai, ghi nhận của PV Báo Lao Động cho thấy, cuộc sống của người dân nơi đây đang dần thay đổi. Tại khu tái định cư mới, hàng chục ngôi nhà kiên cố đang được gấp rút hoàn thiện.
Trên công trường, nhộn nhịp tiếng hàng trăm công nhân, lao động cùng các máy móc công suất lớn đang làm việc liên tục để kịp tiến độ bàn giao nơi ở mới cho người dân. Phía ngoài ngôi nhà, đường giao thông nội bộ, cống rãnh thoát nước đang cùng lúc được triển khai thi công.
Cùng với đó, các công nhân đang tập trung xây dựng những hạng mục cuối là nhà sinh hoạt cộng đồng và trường học của khu tái định cư. Đối với người dân Làng Nủ, đây không chỉ là nhà, mà còn là hy vọng cho một khởi đầu.
Hòa cùng với khí thế làm việc rộn ràng, sục sôi trên công trường tái thiết, bà con còn tự tay làm hàng rào, trồng những luống hoa rực rỡ bên trong khu vườn nhỏ cạnh nhà sàn đã hoàn thiện.

Dành mọi điều tốt đẹp cho Làng Nủ
Bà Hoàng Thị Dâu (cư dân Làng Nủ) phấn khởi nói: “Sau những tháng ngày sống tạm bợ, chuyện có một căn nhà mới khang trang, sạch đẹp, đã không còn xa vời. Chúng tôi mong sớm có thể nhanh chóng ổn định cuộc sống, bắt tay vào trồng trọt, chăn nuôi để vực dậy kinh tế gia đình”.
Nhiều người dân khác cũng chia sẻ, có nhà cửa kiên cố họ sẽ an tâm làm ăn, không còn nơm nớp lo sợ mỗi khi mùa mưa bão tới.
Được biết, tại khu tái định cư Làng Nủ, 40 căn nhà đã xây dựng xong phần thô, chỉ còn các hạng mục nhỏ như lắp cửa, kéo điện và hoàn thiện hệ thống cấp nước. Những căn nhà được thiết kế chắc chắn, có các công trình phụ trợ như nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học, và hệ thống giao thông được xây dựng đồng bộ.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Vũ Thị Tư - Bí thư Đảng ủy xã Phúc Khánh - cho biết: “Cuối tháng 12, những ngôi nhà ở khu tái định cư sẽ hoàn thành để đón bà con vào ở. Với sự hỗ trợ của chính quyền, các nhà hảo tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ của người dân, Làng Nủ đang từng bước khôi phục, hướng tới một tương lai mới tràn đầy niềm tin và hy vọng”.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Phúc Khánh, ngoài việc hỗ trợ đất thổ cư, xây dựng nhà ở, người dân trong thôn còn nhận được các chính sách khác như về chăn nuôi, nông nghiệp. Thông qua đó giúp các hộ có cuộc sống ổn định, sớm khôi phục hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế.
"Những điều gì tốt đẹp nhất phải làm và cần làm, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương đều dành cho Làng Nủ. Đau thương rồi sẽ qua đi, chúng tôi mong người dân ổn định tâm lý để bắt tay vào làm lại, tái thiết thôn ngày càng tươi đẹp và hạnh phúc hơn", bà Vũ Thị Tư bày tỏ.
Ông Trần Trọng Thông, Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết: Hoàn thiện đến đâu chúng tôi triển khai dọn dẹp, tạo cảnh quan đến đó, đảm bảo khi bàn giao thì mọi điều kiện từ môi trường, xây dựng, cảnh quan cho từng căn nhà cũng như tổng thể toàn khu vực được đồng bộ.