7 thứ “ăn cắp tiền điện” còn hơn cả điều hòa: Nhiều nhà không bao giờ tắt, bảo sao hóa đơn điện liên tục tăng
Một số thiết bị quen thuộc trong gia đình thực sự là "kẻ ngốn điện" âm thầm nhưng đáng gờm.
Ngày 03/07/2025, Đời sống pháp luật đưa tin "7 thứ “ăn cắp tiền điện” còn hơn cả điều hòa: Nhiều nhà không bao giờ tắt, bảo sao hóa đơn điện liên tục tăng". Nội dung chính như sau:
Nhiều người vẫn nghĩ điều hòa nhiệt độ là "thủ phạm" duy nhất nhất khiến hóa đơn tiền điện mỗi tháng đội lên cao.
Tuy nhiên, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), một số thiết bị quen thuộc khác trong gia đình cũng là "kẻ ngốn điện" âm thầm nhưng đáng gờm.
1. Bếp điện
Đứng đầu bảng xếp hạng là bếp điện, đặc biệt là bếp hồng ngoại và bếp từ. Với thời lượng sử dụng trung bình khoảng 3 giờ mỗi ngày, bếp đơn có thể tiêu thụ từ 85–95 kWh/tháng. Bếp đôi có thể tiêu tốn đến 170–190 kWh/tháng.
Điều đáng chú ý là nhiều người nấu ăn hàng ngày mà không để ý rằng việc sử dụng công suất cao liên tục sẽ tạo ra mức tiêu thụ điện rất lớn. So với điều hòa (thường chỉ chạy vào mùa nóng), bếp điện hoạt động quanh năm, làm tăng đáng kể tổng điện năng tiêu thụ.
2. Bình nóng lạnh
Nếu sử dụng hợp lý, một bình nóng lạnh dung tích 20 lít chỉ tiêu tốn khoảng 70–80 kWh/tháng (khi bật 1 tiếng mỗi ngày). Tuy nhiên, nếu bật liên tục cả ngày: Lượng điện tiêu thụ có thể tăng vọt lên 320–340 kWh/tháng.
Nhiều gia đình có thói quen bật bình nóng lạnh cả ngày để “luôn sẵn sàng”, điều này không chỉ làm tăng tiền điện mà còn rút ngắn tuổi thọ của thiết bị.
3. Tủ lạnh
Là thiết bị hoạt động 24/7, nhưng mức tiêu thụ điện của tủ lạnh lại khá ổn định. Tủ lạnh cỡ trung bình: 30–45 kWh/tháng. Tủ lạnh lớn: 50–65 kWh/tháng. Tủ lạnh mini: 10–15 kWh/tháng.
Tuy nhiên, hiệu suất điện năng còn phụ thuộc vào tuổi đời và công nghệ. Tủ lạnh cũ có thể tiêu tốn nhiều điện hơn đáng kể so với các mẫu mới có nhãn năng lượng tiết kiệm điện.
4. Máy tính để bàn
Máy tính để bàn hoạt động 12 giờ mỗi ngày có thể tiêu thụ khoảng 72–75 kWh/tháng. Nếu đi kèm với màn hình rời hoặc card đồ họa cao cấp, con số này còn cao hơn.
Mức tiêu thụ điện của các bộ phận, linh kiện trong hệ thống một dàn PC (mang tính chất tham khảo)
Đối với những người làm việc từ xa hoặc sử dụng máy tính cho các tác vụ nặng (dựng video, chơi game), mức tiêu thụ điện tăng lên đáng kể mà không hề hay biết.
5. Tivi
Một chiếc TV LCD có công suất khoảng 150W, nếu được sử dụng 5 tiếng mỗi ngày sẽ tiêu thụ khoảng 20–25 kWh/tháng. Với các loại TV lớn hơn như OLED hoặc QLED, mức tiêu thụ điện còn cao hơn. Nhiều gia đình có thói quen để tivi ở chế độ chờ chứ không bao giờ tắt hẳn. Điều này có thể gây lãng phí điện hơn họ tưởng.
6. Nồi cơm điện
Dù là thiết bị sử dụng đơn giản, nồi cơm điện công suất 500W dùng khoảng 2 tiếng/ngày cũng tiêu thụ tới 20–25 kWh/tháng. Nếu sử dụng thêm chức năng hâm nóng nhiều lần hoặc giữ ấm liên tục, lượng điện tiêu thụ sẽ tăng đáng kể.
7. Bàn là điện
Với công suất trung bình khoảng 1.100W, nếu dùng 30 phút mỗi ngày, bàn là điện sẽ “ngốn” 14–24 kWh/tháng. Việc là quần áo nhiều trong một lần thay vì rải rác hàng ngày có thể giúp giảm chi phí điện đáng kể.
Ngoài ra, các thiết bị khác như lò vi sóng hay thiết bị mạng, camera an ninh… trong nhà cũng được nhắc đến. Chẳng hạn, một chiếc lò vi sóng có công suất 1.000W, nếu sử dụng 30 phút/ngày sẽ tiêu thụ 10–20 kWh/tháng. Lò vi sóng thế hệ mới thường có chức năng tiết kiệm điện hoặc tự động tắt khi không dùng, giúp giảm lượng điện tiêu thụ.
Các thiết bị như router, modem internet có công suất thấp nhưng lại hoạt động liên tục không ngừng nghỉ. Trung bình, mỗi thiết bị này tiêu tốn 8–12 kWh/tháng. Con số này sẽ tăng nếu trong nhà có nhiều thiết bị mạng riêng lẻ như repeater, bộ phát Wi-Fi, camera an ninh...
Lưu ý để tiết kiệm điện hiệu quả trong gia đình
- Chọn thiết bị có nhãn năng lượng cao (5 sao) hoặc chứng nhận Energy Star
- Tắt hẳn thiết bị khi không sử dụng, tránh để ở chế độ chờ (standby)
- Không bật các thiết bị 24/24 nếu không cần thiết
- Bảo dưỡng định kỳ để tăng hiệu suất vận hành, tránh hao tổn điện
Việc nắm rõ mức tiêu thụ điện của từng thiết bị không chỉ giúp bạn chủ động trong việc sử dụng, mà còn là chìa khóa để kiểm soát hóa đơn điện mỗi tháng một cách thông minh hơn.
Trước đó, báo Phụ nữ Việt Nam ngày 12/05/2023 cũng có bài đăng với thông tin: "Tranh cãi chuyện tủ lạnh dùng riêng nhưng tiền điện trả chung ở ký túc xá". Nội dung được báo đưa như sau:
Tủ lạnh dùng riêng nhưng tiền điện trả chung
Cùng với những chuyến vi vu khắp nơi hay các loại hoa quả nhiệt đới ngon lành, mùa hè còn đem đến một nỗi ám ảnh mang tên tiền điện. Nhìn dãy số dài dằng dặc trên hóa đơn mà nhiều người "ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa".
Cũng chính vì vậy mà mới đây cư dân mạng Trung Quốc đã để lại nhiều bình luận bàn tán xôn xao về một bài đăng liên quan đến chuyện tiền điện. Theo đó người đăng bài là một sinh viên năm 2, đang ở chung phòng KTX với 3 người nữa. Một trong số đó (tạm gọi là bạn A) phải tiêm insulin hàng ngày vì lý do sức khỏe nên đã mua một chiếc tủ lạnh mini để sử dụng. Nguồn cơn của rắc rối cũng bắt nguồn từ đây.
Nguyên văn chia sẻ của người đăng bài:
"Từ năm nhất, chúng tôi đã hỏi A xem chiếc tủ lạnh có tiêu thụ nhiều điện không và cô ấy khẳng định là không, tốn rất ít điện. Vì nghĩ con số không nhiều nên chúng tôi quyết định chia đều hóa đơn cho 4 người.
Vào đợt học quân sự của sinh viên năm nhất, mặt tôi đỏ ửng vì nắng nóng đến muốn gửi chiếc mặt nạ vào tủ lạnh của A. Tuy nhiên cô ấy từ chối vì không có chỗ để và từ đó trở đi, tôi không bao giờ đề cập đến việc đặt bất cứ món đồ nào vào tủ lạnh của A. Nhưng với hai người bạn cùng phòng còn lại, thấy họ vừa mua trái cây về, A liền chủ động hỏi có muốn cho vào tủ lạnh không rất vui vẻ, thoải mái.
Sang năm thứ 2, khi nói chuyện với một vài người bạn trong CLB, tôi phát hiện ra phòng KTX của chúng tôi sử dụng điện gần gấp đôi so với các phòng khác. Tôi nghĩ một phần lý do dẫn đến sự chênh lệch này đến từ chiếc tủ lạnh của A đã tiêu thụ nhiều điện. Những người bạn cùng CLB cho rằng phòng chúng tôi nên thảo luận về chuyện tiền điện.
Sau khi tôi nói chuyện với hai người còn lại, họ không mấy quan tâm và bảo nếu muốn chia lại tiền điện thì tôi tự đi nói với A. Bây giờ tôi đang rất bối rối vì không biết phải làm gì. Tôi hơi hướng nội, không giỏi giao tiếp hay trò chuyện và mối quan hệ của tôi với các thành viên trong phòng cũng chỉ ở mức xã giao".
(Ảnh minh hoạ)
Ngay sau khi bài đăng xuất hiện, cư dân mạng đã nổ ra một cuộc tranh cãi khá dữ dội. Một nửa cho rằng người đăng bài nên nói chuyện thẳng thắn với các thành viên trong phòng KTX và đề nghị chia lại tiền điện. Trong khi đó không ít ý kiến lại khẳng định người đăng bài đang tính toán nhỏ nhặt, không biết thông cảm cho bạn cùng phòng.
Tại sao phải chia đều tiền điện tủ lạnh nếu bạn chưa một lần sử dụng?
Những người đồng tình với việc chia lại tiền điện đưa ra loạt lý do cho thấy chủ nhân bài đăng không phải trả tiền điện. Chẳng hạn như người này chưa từng sử dụng chiếc tủ lạnh, dù ít hay nhiều thì đó cũng là tiền và hơn hết, mối quan hệ của họ cũng không tốt đẹp gì. Vì vậy tốt nhất là chia tiền cho sòng phẳng:
- Tại sao phải chia đều tiền điện tủ lạnh nếu bạn chưa một lần sử dụng? Nhất là như bạn nói, mối quan hệ của hai bạn khá lạnh lùng. Tôi nghĩ bạn nên tìm thời gian phù hợp, tập trung mọi người lại để tính toán và nói rằng bạn chưa bao giờ sử dụng tủ lạnh nên không muốn chia đều. Đến cuối cùng, nếu vấn đề quá phức tạp bạn có thể xin chuyển phòng KTX.
- Tôi nghĩ việc chia đều tiền điện là vô lý. Dù bạn vẫn còn là sinh viên thì cũng nên học cách đối phó với các mối quan hệ cá nhân và xã hội. Bạn có thể xem đây là một cơ hội rèn luyện. Đầu tiên hãy đi tìm sự thật và đi kèm bằng chứng về chuyện tiêu thụ điện của chiếc tủ lạnh. Sau đó là nói chuyện trên tinh thần thiện chí, chỉ cần số tiền điện được chia một cách hợp lý là được, không cần phải quá chi li. Nếu không thể giải quyết được thì nhờ đến ban quản lý KTX hoặc ai đó có thể hỗ trợ. Hãy học cách làm điều đúng đắn và cách từ chối, nó sẽ hữu ích cho bạn trong tương lai.
- Nếu A là một người tinh tế, khi muốn sử dụng một thiết bị điện đặc biệt trong KTX hay không gian sinh hoạt chung thì cô ấy nên đề nghị thanh toán tiền điện cho thiết bị này. Bên cạnh đó cô ấy cũng nên chia sẻ để mọi người thông cảm cho những bất tiện do thiết bị của mình gây ra nếu có. Còn việc mọi người trả lời thế nào, có thể chia tiền điện cùng nhau hay không là tuỳ cảm tình của mỗi người, không phải nghĩa vụ hay trách nhiệm.
Không cần biết tiền điện là bao nhiêu nhưng nếu đúng như bạn nói thì A đang cho cô ấy là trung tâm, người khác có nghĩa vụ phải hỗ trợ cô ấy. Tất nhiên cô ấy cũng giúp các bạn cùng phòng khác cất trái cây nhưng đó không phải là báo đáp tình cảm mà dùng tài sản của mình để kết thân với người khác, muốn thì buông - không muốn thì giữ lại.
- Tính điện năng tiêu thụ của tủ lạnh và yêu cầu A tự trả số tiền đó, còn lại chia đều.
- Số tiền điện có thể nhỏ nhưng chắc chắn giải quyết được nhiều vấn đề, nhất là với sinh viên. Bạn có thể thông cảm cho bệnh tật của A nhưng không có nghĩa vụ phải trả tiền điện giúp cô ấy, trong khi cô ấy không biết trân trọng những gì bạn đã bỏ ra. Ngay cả khi A bị bệnh thì cũng không ai nợ nần gì cô ấy cả. Cô ấy không xót cho gương mặt bị cháy nắng của bạn thì tại sao bạn phải thông cảm cho cô ấy?
(Ảnh minh hoạ)
Không thể hiểu nổi có người vì chuyện vặt vãnh này mà đem lên mạng
Ngược lại cũng có không ít bình luận cho rằng chia đều tiền điện là bình thường, chủ nhân bài đăng đang làm quá một chuyện vặt vãnh. Những người này lập luận rằng tiền điện không đáng là bao, đừng để số tiền nhỏ đó mà đánh mất tình bạn. Một số bình luận từ cư dân mạng:
- Bạn chỉ thấy tiền điện mà không thấy người bạn đang gặp vấn đề sức khỏe. Tôi nghĩ đó là một chuyện khá buồn. Hãy quan tâm đến bạn bè nhiều hơn, có thể bạn sẽ có được một người bạn tốt, một tình bạn đáng nhớ thời đi học.
- Tôi không thể hiểu nổi tại sao lại có người đem một chuyện vặt vãnh như vậy lên mạng làm ầm lên. Nếu thấy không trả được tiền điện thì bạn có thể xin chuyển phòng KTX đúng không?
- Nhiều năm sau, khi nhớ lại những kỷ niệm thời đi học, bạn sẽ thấy nó quan trọng hơn nhiều so với tiền bạc.
- Bạn không nghèo vì số tiền này mà cũng chẳng giàu lên nhờ nó. Năng lượng của bạn nên tập trung vào những thứ có giá trị. Suy nghĩ về một vấn đề đáng giá có thể mang lại cho bạn rất nhiều tiền, suy nghĩ về một vấn đề vô giá trị chỉ có thể giúp bạn tiết kiệm một vài đồng bạc lẻ. Sau này khi nhìn lại vấn đề này bạn sẽ tự hào rằng hồi đó mình đã không quan tâm đến nó.
- Không nên gây chuyện trong phòng KTX làm gì, nhất là khi tình hình của bạn có vẻ như 1 đấu 3. Số tiền điện có lẽ không nhiều, sau này đi làm bạn sẽ thấy nó không đáng kể chút nào. Tất nhiên nếu hiện tại kinh tế khó khăn bạn có thể bớt một vài khoản chi nhỏ, rồi sẽ vượt qua thôi. Đó là cách ít rắc rối nhất. Cư dân mạng có thể giúp bạn giải quyết vấn đề này nhưng không thể lúc nào cũng có mặt để giúp bạn điều chỉnh mối quan hệ cá nhân hàng ngày. Nếu bạn không thể thay đổi tình huống 1 đấu 3 thì đừng khiến mọi chuyện tồi tệ hơn. Bởi hành động mà bạn làm lúc này có thể là cái cớ để những người còn lại nhắm vào và cô lập bạn về sau.