Học sinh chưa đạt 1 điểm/môn vẫn đỗ lớp 10 công lập ở Nghệ An: Nhà trường nói lý do
Với 3 môn thi, thí sinh chỉ cần đạt 2,5 điểm (bao gồm cả điểm ưu tiên và khuyến khích nếu có) đã đỗ vào lớp 10 công lập.
Ngày 03/07/2025, Đời sống Pháp luật đưa tin "Học sinh chưa đạt 1 điểm/môn vẫn đỗ lớp 10 công lập ở Nghệ An: Nhà trường nói lý do". Nội dung chính như sau:
Mới đây trên mạng xã hội xôn xao thông tin về việc Trường THPT Nam Đàn 2 (Nghệ An) thông báo tuyển sinh lớp 10 đợt 2 năm học 2025 - 2026 với mức điểm số chỉ là 2,5 điểm/3 môn (Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ).
Theo thông báo của nhà trường, những học sinh có tổng điểm xét tuyển từ 2,5 điểm trở lên (bao gồm cả điểm ưu tiên và khuyến khích nếu có) sẽ trúng tuyển lớp 10 năm học 2025 - 2026 vào Trường THPT Nam Đàn 2. Đối tượng trúng tuyển là những học sinh đã nộp hồ sơ nguyện vọng 1 vào Trường THPT Nam Đàn 2 nhưng chưa trúng tuyển ở đợt 1.
Thí sinh đạt 2,5 điểm (bao gồm cả điểm ưu tiên và khuyến khích nếu có) sẽ trúng tuyển vào lớp 10 Trường THPT Nam Đàn 2.
Thông tin này khiến nhiều người ngỡ ngàng bởi tính ra, học sinh thi chưa đạt 1 điểm/môn vẫn đỗ lớp 10 công lập. Không ít người đặt câu hỏi mức điểm trên có quá thấp hay không? Và lực học của học sinh như vậy thì có đủ năng lực học THPT hay không?
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 3/7, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, hiệu phó Trường THPT Nam Đàn 2 xác nhận thông báo tuyển sinh nói trên là của nhà trường.
Bà Hiền thông tin, năm học 2025 - 2026, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của nhà trường là 450 em/ 10 lớp. Tuy nhiên, do thí sinh thay đổi nguyện vọng, số hồ sơ đăng ký đợt 1 chưa đủ chỉ tiêu tuyển sinh nên nhà trường buộc phải tuyển bổ sung và hạ điểm chuẩn đợt 2.
Trường THPT Nam Đàn 2, Nghệ An.
Năm nay, điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 vào lớp 10 Trường THPT Nam Đàn 2 là 9,5 điểm. Năm học 2024 - 2025, điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 vào trường này là 15,4 điểm. Những năm trước, do đủ chỉ tiêu tuyển sinh nên nhà trường không tuyển nguyện vọng 2.
Ngoài Trường THPT Nam Đàn 2, tại Đắk Lắk cũng có nhiều trường lấy điểm nguyện vọng 1 vào lớp 10 công lập rất thấp. Trong đó, Trường THPT Hai Bà Trưng lấy 2,5 điểm; Trường THPT Krông Bông 2,75 điểm; THPT Phan Đăng Lưu, THPT Cao Bá Quát 3,75 điểm;...
Ngày 4 tháng 6 năm 2025, báo Vietnamnet đưa tin "Thầy giáo coi thi lớp 10 trần tình về phát ngôn 'học cho lắm rồi cũng đi làm thuê'". Nội dung như sau:
Tối 4/6, trao đổi với PV VietNamNet, ông Trần Việt Dũng, giáo viên Trường THPT Nam Đàn 2 (huyện Nam Đàn, Nghệ An) xác nhận việc ông phát ngôn trong quá trình làm nhiệm vụ coi thi :"Học chi cho lắm rồi cũng đi làm thuê, công nhân” và bị phụ huynh đưa lên mạng xã hội là có thật.
Theo ông Trần Việt Dũng, sự việc xảy ra vào cuối buổi sáng ngày 3/6, buổi thi môn Ngữ Văn tại điểm thi Trường THPT Nam Đàn 2. "Lúc đó, còn khoảng 10 phút nữa là hết giờ môn Ngữ Văn. Có một số thí sinh lên xin giấy thi để tiếp tục làm bài, tôi có trêu đùa với giám thị coi thi thứ 2 là 'Học chi cho lắm rồi cũng đi làm thuê'. Tôi không trao đổi với bất cứ học sinh nào và không biết lý do vì sao học sinh nghe được", ông Dũng nói.
Cũng theo ông Trần Việt Dũng, sau sự việc này, hội đồng coi thi đã yêu cầu ông viết bản tường trình, còn hình thức xử lý như thế nào thì ông đang chờ.

Theo lãnh đạo Trường THPT Nam Đàn 2, tường trình với nhà trường, thầy giáo Trần Việt Dũng cho biết đó chỉ trao đổi với đồng nghiệp, khi thí sinh lên xin thêm giấy. Thầy không nghĩ câu chuyện trao đổi riêng tư với đồng nghiệp lại gây ra dư luận không tốt. Thầy đã xin rút kinh nghiệm.
Trước đó, chiều 3/6, trên mạng xã hội, một phụ huynh học sinh tại huyện Nam Đàn có phản ánh đến Ban Giám hiệu Trường THPT Nam Đàn 2 việc giáo viên Trần Viết Dũng coi thi tại điểm thi này có hành vi ứng xử, lời lẽ không phù hợp.
Theo lời phụ huynh, sau buổi thi, học sinh trở về với tâm lý hoang mang và cảm giác bị tổn thương vì thái độ thiếu tôn trọng từ một giám thị trong phòng thi.
Vị phụ huynh phản ánh rằng, thầy giáo Trần Việt Dũng trong quá trình làm nhiệm vụ coi thi đã có lời lẽ khinh thường học sinh. Khi một thí sinh xin thêm giấy thi, thay vì hỗ trợ hoặc động viên, thầy giáo D buông lời: “Học chi cho lắm rồi cũng đi làm thuê, công nhân”.
Không chỉ vậy, khi giáo viên cùng phòng ký cấp giấy cho học sinh, thầy giáo Dũng còn mỉa mai: “Yêu nghề nhỉ”.
“Trẻ em đang ở độ tuổi rất nhạy cảm, mỗi lời nói, ánh mắt, thái độ của thầy, cô giáo đều có thể ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý và niềm tin vào nhà trường, vào giáo dục. Dù học sinh có thể không đạt điểm cao hay không đỗ trường top, nhưng các con xứng đáng được tôn trọng và khuyến khích, chứ không phải bị xem thường và đánh giá bằng những câu nói định kiến”, phụ huynh này viết.
Trước sự việc trên, ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết, sau khi có phản ánh từ phụ huynh, Hội đồng thi Trường Trung học Phổ thông Nam Đàn 2 đã xác minh và đình chỉ công tác coi thi của thầy giáo Trần Viết Dũng trong môn thi Toán sáng 4/6.
Sở cũng chỉ đạo các Hội đồng thi ở các kỳ thi tiếp theo phổ biến nghiêm túc quy chế thi, trong đó xác định vai trò, trách nhiệm, vị trí của người giám thị; trong quá trình coi thi luôn động viên học sinh để các em có tâm lý thoải mái làm tốt bài thi. Các Hội đồng thi không bố trí giáo viên không đảm bảo yêu cầu theo quy định để làm nhiệm vụ trong các kỳ thi sau.