Sự thật gây sốc đằng sau những chuyến xe chở đá lạnh vào quán giải khát: Quy trình sản xuất lạnh gáy!
Hàng tấn đá viên được sản xuất trong điều kiện mất vệ sinh tại các cơ sở không phép ở Phú Thọ vẫn đều đặn tuồn ra thị trường mỗi ngày, len lỏi vào quán xá, nhà hàng dưới mác "đá sạch", tiềm ẩn nguy cơ lớn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Ngày 4 tháng 7 năm 2025, báo Đời sống Pháp luật đăng tải thông tin với tiêu đề "Sự thật gây sốc đằng sau những chuyến xe chở đá lạnh vào quán giải khát: Quy trình sản xuất lạnh gáy!". Nội dung như sau:
Hàng tấn đá viên được sản xuất trong điều kiện mất vệ sinh tại các cơ sở không phép ở Phú Thọ vẫn đều đặn tuồn ra thị trường mỗi ngày, len lỏi vào quán xá, nhà hàng dưới mác "đá sạch", tiềm ẩn nguy cơ lớn cho sức khỏe người tiêu dùng. Nắng nóng đỉnh điểm, xưởng đá viên sản xuất 10 tấn đá mỗi ngày vẫn không đủ phục vụ Ảnh: Người lao động tay trần bắt cá, khiêng đá lạnh để mưu sinh giữa cái rét kỷ lục 8 độ tại Hà Nội
Mỗi ngày, hàng tấn đá viên được đóng gói, gắn nhãn "đá sạch", "tinh khiết", rồi len lỏi vào đủ quán cà phê, nhà hàng sang trọng lẫn quán ăn vỉa hè. Ít ai biết rằng, phía sau lớp túi nilon trong suốt ấy là một "mạng lưới" sản xuất đá hoạt động trong điều kiện tạm bợ, cáu bẩn và thiếu kiểm soát. Những quy định về an toàn thực phẩm bị phớt lờ, kiểm tra lỏng lẻo, trong khi người tiêu dùng vẫn vô tư dùng đá bẩn pha đồ uống, ăn kèm thực phẩm mỗi ngày mà không hề hay biết.
Ảnh cắt từ clip VTV
Mới đây, những hình ảnh cận cảnh về quy trình sản xuất nước đá tại một số cơ sở không phép tại các xã Vĩnh Thành và Vĩnh An, tỉnh Phú Thọ được phát sóng trong chương trình Chuyển động 24h trên Kênh VTV đã làm dấy lên những lo ngại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cơ sở này không được ngành y tế thẩm định, cấp phép đủ điều kiện an toàn thực phẩm, nhưng hàng ngày vẫn sản xuất và cung cấp một lượng lớn nước đá cho thị trường, tiềm ẩn nguy cơ về sức khỏe người tiêu dùng.


Một chiếc xe tải bắt đầu rời cơ sở sản xuất nước đá tại xã Vĩnh An, mang theo các túi đá đã được chất đầy. Điểm giao hàng đầu tiên là một cửa hàng tạp hóa cách cơ sở sản xuất khoảng 2 km. Những túi nước đá lần lượt được chuyển thẳng vào tủ lạnh của cửa hàng, và quá trình giao hàng diễn ra nhanh chóng, chứng tỏ sự quen thuộc với công việc này.
Ghi nhận, những chiếc xe tiếp tục giao hàng cho nhiều cửa hàng tạp hóa khác trên địa bàn. Mỗi lần giao, các cửa hàng chỉ nhập khoảng 20 đến 30 túi đá. Ngoài cửa hàng tạp hóa, xe còn giao nước đá cho các cửa hàng bán nước giải khát trong khu vực.
Một chủ cửa hàng bán nước giải khát chia sẻ: "Một túi đá bán 10K, nhập 7K. Nhập của ông ở trên Kiệu này".

Chỉ tính riêng tại các xã Vĩnh Thành và Vĩnh An, hiện có ít nhất 5 cơ sở sản xuất nước đá không phép, và hàng ngày sản lượng nước đá của các cơ sở này đều được tiêu thụ hết. Khách hàng chủ yếu là các quán tạp hóa, quán nước, nhà hàng và các doanh nghiệp có nhiều người lao động.
Một chủ cửa hàng tạp hóa cho biết: "Đá sạch không anh? Rất sạch. Đá của cơ sở nào vậy? Thanh Mai. Cơ sở đá có giấy phép không? Không. Khi mình mua đá có giấy phép an toàn thực phẩm không? Không... Nhưng tôi nghĩ mua đá thì mua đá thôi, cần gì giấy phép. Người ta làm từ nước, cứ thế mà lấy".
Mặc dù không có giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng giá cả rẻ là yếu tố mà các chủ cửa hàng tạp hóa quan tâm nhất. Các cơ sở sản xuất nước đá không phép thường sử dụng công nghệ lọc thô sơ hoặc không có hệ thống lọc, giúp họ giảm chi phí và tối đa hóa lợi nhuận. Để cạnh tranh, họ thậm chí còn giảm giá bán, chiếm lĩnh thị trường.
Một chủ cơ sở sản xuất nước đá ở xã Vĩnh Thành chia sẻ: "Nhà chị giao tất 6.000-7.000 đồng. Đá gọi lúc nào có lúc đó luôn, thoải mái. Đá to mà, lấy 6.000 đồng. Thôi lấy anh 5.500 đồng".

Với mức giá rẻ như vậy, chỉ 5.500 đồng/túi đá 5kg (thậm chí có thời điểm còn hạ giá còn 5.000 đồng/túi), dù sản xuất không phép và không đảm bảo vệ sinh, nước đá từ các cơ sở "chui" vẫn thu hút khách hàng. Thời gian cao điểm, mỗi ngày, một cơ sở có thể tiêu thụ 700-800 túi đá.
Ông Đào Anh Thái, Chi Cục trưởng Chi Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ cho biết: "Các cơ sở chưa được cấp phép bởi cơ quan chuyên môn có thẩm quyền, yêu cầu phải dừng ngay. Việc đưa sản phẩm ra thị trường này tiềm ẩn nguy cơ lớn đối với sức khỏe người tiêu dùng và có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm".
Với nhu cầu tiêu thụ lớn hàng ngày, không ai có thể xác định được bao nhiêu túi nước đá từ các cơ sở sản xuất không phép đã tuồn ra thị trường, gây nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe cộng đồng.
Chia sẻ trong chương trình chuyển động 24h, đại diện Sở Y tế tỉnh Phú Thọ cho biết sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra và đóng cửa các cơ sở sản xuất nước đá "chui" trong thời gian sớm nhất, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Trước đó, ngày 27 tháng 6 năm 2025, báo Hà Tĩnh cũng đăng tải thông tin tương tự với tiêu đề "Sản xuất đá lạnh sạch bằng công nghệ... bẩn?". Nội dung như sau:
“Đá tinh khiết” hay “đá sạch” là sản phẩm được sử dụng ở hầu hết các nhà hàng, quán cà phê, quán ăn, quán nước vỉa hè bởi công dụng làm mát nhanh, tiện lợi, giá cả phải chăng… Thế nhưng, đằng sau sự vô tư, thoải mái sử dụng của khách hàng, một quy trình sản xuất không hề sạch đang diễn ra…




Các loại máy móc đều đã hoen rỉ, không được vệ sinh nên xuống cấp trầm trọng
Tìm tới một cơ sở sản xuất đá lạnh nằm sâu trong con ngõ tại thị trấn Thạch Hà (huyện Thạch Hà), trong vai là khách hàng cần mua đá lạnh, nhóm PV không khỏi choáng váng bởi những cảnh tượng nhếch nhác, mất vệ sinh đang diễn ra.
Máy móc đều đã hoen rỉ, xập xệ, xuống cấp trầm trọng. Trong mỗi công đoạn sản xuất, người của cơ sở này đều dùng bằng tay trần, việc đóng gói hoàn toàn thủ công. Đá sau khi cho vào bì đựng được thả ngay trên nền nhà nhớp nháp.


Rêu xanh bám ngay ống dẫn đá thành phẩm.
Điều đáng nói, tại máy làm đá bào, rêu xanh bám ngay ống dẫn – nơi thành phẩm đá sẽ được đẩy ra, thế nhưng cơ sở vẫn thản nhiên lấy đá từ nơi đó ra để đóng gói. Theo tìm hiểu của phóng viên, một ngày cơ sở bán 7 - 8 tấn đá, máy móc chạy liên tục 17 - 18 tiếng. Điều này cũng đồng nghĩa rằng, rất nhiều khách hàng đã sử dụng sản phẩm đá lạnh có quy trình sản xuất không đảm bảo.

Ở cơ sở sản xuất đá lạnh ở xã Cẩm Lộc (huyện Cẩm Xuyên), máy làm đá đặt tại nơi sinh hoạt của gia đình; người bán thản nhiên đóng gói cho khách bằng tay không; máy móc hoen rỉ, máy lọc nước phủ đặc kín rêu xanh...


Điều đáng lo ngại là nguồn nước làm đá không phải nước máy mà được lấy từ giếng khoan. Cơ sở này cũng cung cấp một số lượng đá lạnh lớn cho người dân trên địa bàn mà theo người bán... "phải chạy máy làm đá cả ngày không nghỉ".
Chỉ với 5 - 10 nghìn đồng cho một túi đá cục, đá bi, đá bào 5 kg. Mức giá rẻ cộng thêm sự tiện lợi, nhanh gọn nên đá lạnh đang là mặt hàng “hot”. Theo các quy định hiện hành, đối với sản xuất đá tinh khiết đạt tiêu chuẩn, nguồn nước phải được lấy từ độ sâu 90m, xử lý qua hệ thống lọc thẩm thấu ngược và diệt vi khuẩn bằng tia cực tím. Các bộ phận của hệ thống máy sản xuất đá bằng i-nốc, không bị rỉ sét. Quy trình sản xuất nước đá khép kín, tiến hành hoàn toàn tự động, không có sự tiếp xúc trực tiếp với bàn tay con người mới bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm... Tuy nhiên, qua thực tế khảo sát, số ít cơ sở sản xuất đá sạch đáp ứng được điều đó.

Thông tin về những khó khăn trong công tác quản lý, giám sát, phát hiện các cơ sở đá lạnh chưa đạt đủ tiêu chuẩn để được kinh doanh trên địa bàn, ông Võ Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Thạch Hà cho biết: “UBND huyện cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra, tuy nhiên, thời điểm đi kiểm tra thì các cơ sở đóng cửa, không làm việc. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm chuyên môn liên quan đến lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm đa số là không chuyên nên việc kiểm tra, xử lý cũng không dễ dàng”.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện nay có hàng chục cơ sở sản xuất đá lạnh. Không ít cơ sở chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Vấn đề đặt ra là công tác quản lý cần được tăng cường và người dân cần cân nhắc, lựa chọn khi sử dụng mặt hàng này.