Cảnh báo khẩn cho những ai đang "khoe ảnh nhà mình" trên Google Maps: Đừng trở thành nạn nhân
Nhiều người dùng Việt Nam có thể gặp rủi ro khi khi chạy theo trào lưu khoe ảnh nhà mình qua chế độ xem phố (Street View) của Google Maps.
Ngày 3 tháng 7 năm 2025, tạp chí Nhịp sống Thị trường đã đăng tải bài viết với tiêu đề "Cảnh báo khẩn cho những ai đang "khoe ảnh nhà mình" trên Google Maps: Đừng trở thành nạn nhân". Nội dung như sau:
Nhiều người dùng Việt Nam có thể gặp rủi ro khi khi chạy theo trào lưu khoe ảnh nhà mình qua chế độ xem phố (Street View) của Google Maps. Đừng khoe ảnh nhà mình trên Google Maps
Gần đây, việc khoe ảnh nhà hay những địa điểm hoài niệm nhờ chế độ xem phố (Street View) của Google Maps đã trở thành trào lưu trên mạng xã hội. Tính năng này không quá mới mẻ trên thế giới nhưng chỉ mới khả dụng ở Việt Nam thời gian qua.
Tuy nhiên, có những cảnh báo từ chuyên gia về hành động khoe hình ảnh nhà mình có thể gây ra những rủi ro về riêng tư và an ninh.
Năm ngoái, trang Forbes dẫn một cảnh báo nghiêm trọng liên quan đến tính năng Street View của Google Maps, kêu gọi hàng triệu người sử dụng cần thực hiện các thao tác thay đổi để bảo vệ chính mình.
"Kẻ trộm có thể sử dụng Street View để tìm hiểu cách bố trí nhà của chúng ta, cho phép chúng lập kế hoạch đột nhập dễ dàng hơn", công ty an ninh ADT chỉ ra.
Theo đó, kẻ gian sẽ sử dụng mạng xã hội để "xác định thời điểm chủ nhà đi vắng" (trong trường hợp biết rõ đối tượng), trong khi sử dụng Street View để "tìm hiểu cách bố trí nhà cửa và đường đi".
Thông thường, khuôn mặt và biển số xe của người đi đường được Google ghi lại sẽ được làm mờ, nhưng mặt nhà hướng ra đường của bạn trên Street View thì không. Và khi kết hợp với chế độ xem trên không thông qua vệ tinh, kẻ gian sẽ thu được thông tin đáng kể.
"Tội phạm có thể sử dụng chế độ xem phố để rình rập trước khi trộm cắp", chuyên gia Jake Moore của công ty bảo mật ESET cảnh báo. "Chúng có thể gây nhiều thiệt hại khi có nhiều thông tin hơn về mục tiêu của mình. Internet tràn ngập thông tin cá nhân bị lộ, nhưng nếu chúng ta càng cung cấp thêm thông tin, thì những kẻ trộm thực hiện hành vi càng dễ dàng hơn".
Chuyên gia Michele Bennett của ADT cảnh báo: "Tùy thuộc vào bức ảnh được sử dụng trong Street View, một ngôi nhà không bị làm mờ có thể trở thành mục tiêu nằm trong tầm nhắm. Đặc biệt khi có những đồ vật đắt tiền lộ ra, bạn càng nhiều khả năng trở thành nạn nhân của một vụ cướp".
Có một giải pháp dễ dàng, một thiết lập mà bạn nên thay đổi ngay lập tức. Moore khuyên rằng: "Bạn có thể chọn ẩn nhà của mình khỏi internet bằng cách đưa ra lý do như gây phiên phức vì có nhiều người hoặc xe cộ qua lại. Google sẽ làm mờ vĩnh viễn ngôi nhà đó".
Nhấn vào báo cáo sự cố (report problem) để yêu cầu Google làm mờ ngôi nhà.
Bạn thực hiện việc này bằng cách đăng nhập vào Google Maps bằng trình duyệt, dùng Street View chỉ đến ngôi nhà của mình và nhấp vào hình ảnh ngôi nhà, sau đó nhấp vào "báo cáo sự cố" ở menu hình ba chấm.
Thao tác này sẽ cho phép bạn đánh dấu vào ngôi nhà của mình, sau đó yêu cầu Google làm mờ địa chỉ. Về lý do, chỉ cần ghi là có các mối quan ngại về an ninh hoặc an toàn cá nhân là đủ.
"Xin chào kẻ biến thái"
Ngoài ra, Malwarebytes Labs còn phát hiện ra một chiến dịch mới, được gọi với cái tên "Xin chào kẻ biến thái" dựa trên cách những gì kẻ lừa đảo xưng hô với nạn nhân trong email.
Chúng sẽ gửi mai với nội dung: "Tôi đang theo dõi bạn", kèm bức ảnh chụp chính ngôi nhà của bạn được lấy từ Google Maps. Kẻ gian nói rằng chúng đã xâm nhập máy tính của bạn bằng phần mềm gián điệp và lấy được các hình ảnh hay thông tin nhạy cảm.
Việc bỗng nhiên có một kẻ lạ gửi ảnh ngôi nhà của mình kèm lời hăm dọa sẽ khiến nạn nhân bối rối, lo sợ. Đánh vào tâm lý này, kẻ gian sẽ yêu cầu nạn nhân phải trả một khoản phí nếu không muốn chúng phát tán những hình ảnh nhạy cảm đó cho gia đình và bạn bè.
Trên thực tế, chúng chỉ đơn giản là thu thập được các thông tin cá nhân về tên, địa chỉ email từ những rò rỉ trên mạng và lấy ảnh trên Google Maps để tạo kịch bản tống tiền. Không có sự thâm nhập thực sự nào ở đây. Lời khuyên là hãy bỏ qua và không trả bất kỳ khoản tiền nào được yêu cầu.
Tính năng Street View của Google Map rõ ràng rất hữu ích, nhưng có lẽ chúng chỉ nên thể hiện các địa điểm công cộng như cửa hàng, địa danh hay lối vào tòa nhà văn phòng là hữu ích, không có lý do gì để hiển thị hàng triệu ngôi nhà riêng trên Internet công cộng.
Việc nhìn thấy ngôi nhà của mình trên Google Maps chỉ mang lại niềm vui trong chốc lát. Còn lại, bạn không có lý do gì để tổ ấm của mình phơi bày một cách hớ hênh như vậy trên môi trường mạng.
Chúng chỉ giúp cho những tên trộm đánh giá từ xa về bố cục, lối vào, xác định con phố có đông đúc hay không để tiến hành phi vụ hoặc để kẻ gian lợi dụng cho những mục đích xấu xa khác.
Hãy dành vài phút để che giấu ngôi nhà của mình ngay từ bây giờ.
Cùng ngày, báo VietNamNet cũng đăng tải bài viết có tiêu đề "Mặt trái của trào lưu ‘xuyên không’ trên Google Maps". Nội dung như sau:
Chế độ xem phố Google Street View trên Google Maps giúp con người "du hành" ảo qua hàng tỷ bức ảnh toàn cảnh đường phố từ khắp nơi trên địa cầu.
Tuy nhiên, dịch vụ này cũng liên tục vướng vào những tranh cãi gay gắt liên quan đến việc thu thập dữ liệu, xâm phạm quyền riêng tư và các nguy cơ tiềm ẩn về bảo mật.
Đặc biệt, trào lưu "xuyên không" trên Google Maps gần đây tại Việt Nam một lần nữa làm dấy lên mối lo ngại về dữ liệu quá khứ và cách chúng có thể bị lợi dụng.
Tranh cãi dai dẳng
Ngay từ khi ra mắt vào năm 2007, Google Street View đã phải đối mặt với sự phản đối từ nhiều quốc gia và các tổ chức bảo vệ quyền riêng tư.
Nguyên nhân chính bắt nguồn từ cách thức hoạt động của dịch vụ này: các xe ô tô của Google, được trang bị camera 360 độ, di chuyển khắp các con đường, chụp lại hình ảnh công cộng.

Dù Google cam kết làm mờ khuôn mặt và biển số xe, không phải lúc nào quy trình này cũng hoàn hảo, dẫn đến việc thông tin cá nhân của người dân vô tình bị công khai.
Các cáo buộc ban đầu tập trung vào việc Street View chụp ảnh các cá nhân đang thực hiện hoạt động riêng tư trong không gian công cộng, hình ảnh nhà riêng, sân vườn, hoặc thậm chí là biển số xe và khuôn mặt người đi đường mà không có sự đồng ý.
Điều này gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ, đặc biệt ở các quốc gia châu Âu với luật bảo vệ quyền riêng tư nghiêm ngặt.
Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn vào năm 2010, khi Google thừa nhận các xe Street View không chỉ chụp ảnh mà còn thu thập dữ liệu từ các mạng Wi-Fi không dây không được bảo mật trong quá trình di chuyển.
Chúng có thể bao gồm địa chỉ MAC, SSID của các điểm truy cập Wi-Fi, thậm chí là các gói dữ liệu truyền tải qua mạng không mã hóa.
Ít nhất 12 quốc gia đã vào cuộc điều tra vụ việc. Năm 2010, sau khi Google thừa nhận thu thập dữ liệu Wi-Fi, Đức yêu cầu Google phải xin phép trước khi chụp ảnh đường phố và mở quyền cho người dân yêu cầu làm mờ nhà cửa của họ trên Google Street View.
Năm 2011, Cơ quan Giám sát Quyền riêng tư Canada kết luận Google vi phạm luật riêng tư khi thu thập dữ liệu Wi-Fi và yêu cầu xóa bỏ dữ liệu.
Tại Mỹ, Bộ Tư pháp tiến hành điều tra và năm 2013, Google phải nộp phạt 7 triệu USD vì vụ việc thu thập dữ liệu Wi-Fi. Năm 2022, Google đồng ý nộp 60 triệu AUD cho Australia vì thu thập dữ liệu từ các mạng Wi-Fi không mã hóa.
Trước làn sóng phản đối và áp lực pháp lý, Google đã thực hiện nhiều biện pháp khắc phục.
Công ty đã cải thiện công nghệ làm mờ khuôn mặt và biển số xe, đồng thời cung cấp các công cụ dễ dàng hơn để người dùng yêu cầu làm mờ nhà cửa, tài sản hoặc các đối tượng nhạy cảm khác.
Google cũng công khai chính sách thu thập dữ liệu của mình và cam kết không thu thập dữ liệu Wi-Fi không được bảo mật nữa.
Mối lo ngại mới từ trào lưu "xuyên không"
Gần đây, một trào lưu "xuyên không" về quá khứ để xem lại những ngôi nhà, con phố quen thuộc trên Google Maps đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng Việt Nam.
Bằng cách sử dụng tính năng Chế độ xem phố (Street View) và kéo thanh trượt thời gian (nếu có), người dùng có thể nhìn thấy hình ảnh của những địa điểm cũ từ nhiều năm trước. Hoạt động này mang lại cảm xúc hoài niệm sâu sắc, nhưng cũng đồng thời làm dấy lên những mối lo ngại mới về quyền riêng tư và dữ liệu quá khứ.

Trào lưu có thể vô tình tiết lộ những thông tin mà người dùng không muốn công khai. Đó có thể là hình ảnh ngôi nhà cũ, nơi làm việc trước đây, hoặc các địa điểm riêng tư.
Kẻ gian có thể lợi dụng dữ liệu quá khứ để thu thập thông tin về lịch sử di chuyển của một người, các mối quan hệ (nếu có người thân xuất hiện trong ảnh), thậm chí là đặc điểm kiến trúc nhà cửa để lên kế hoạch phạm tội.
Để tránh rủi ro, người dùng nên thường xuyên kiểm tra các địa điểm cá nhân (nhà riêng, nơi làm việc) trên Google Street View.
Nếu phát hiện hình ảnh chưa được làm mờ đầy đủ hoặc có thông tin nhạy cảm, hãy sử dụng tính năng "Report a problem" (Báo cáo sự cố) của Google để yêu cầu làm mờ hoặc gỡ bỏ.
Khi đăng tải ảnh hoặc video lên mạng xã hội, đặc biệt là những nội dung liên quan đến nhà ở, nơi làm việc, hoặc nơi thường xuyên lui tới, hãy kiểm tra kỹ xem có dữ liệu vị trí hay không và cân nhắc tắt tính năng gắn thẻ địa lý.
Nâng cao nhận thức về quyền riêng tư trong kỷ nguyên số là điều cần thiết. Mọi thông tin công khai trên Internet, dù là từ lâu, đều có thể được truy xuất và sử dụng.