Xuất hiện tài khoản lách xác thực sinh trắc học để lừa đảo
Bắt buộc sinh trắc học, siết chặt việc mở tài khoản cá nhân đã ngăn chặn đến 50% số vụ lừa đảo. Tuy nhiên xảy ra tình trạng lách quy định bằng mở tài khoản doanh nghiệp, lách xác thực sinh trắc học để phục vụ mục đích gian lận.
Báo Vietnamnet ngày 31/10 đưa thông tin với tiêu đề: Xuất hiện tài khoản lách xác thực sinh trắc học để lừa đảo. Với nội dung như sau:
Tại Hội thảo và Triển lãm Smart Banking 2024, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, tỷ lệ số hoá của ngành ngân hàng là rất cao với mức tăng trưởng mạnh mẽ, mang vai trò kết nối với các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Ngành ngân hàng đã kết nối và tích hợp với dữ liệu của Bộ Công an, viễn thông,…
Tuy nhiên, Phó Thống đốc cho rằng, việc tích hợp với nhiều đơn vị cũng mang đến những nguy cơ liên quan đến an toàn bảo mật và gián đoạn vận hành.
Mặc dù đã có 38 triệu tài khoản ngân hàng được làm sạch dữ liệu, số vụ việc lừa đảo đối với khách hàng cá nhân đã giảm rõ rệt kể từ sau khi triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN, Thông tư 17/2024/TT-NHNN, dù vậy, Phó Thống đốc khẳng định không có một biện pháp nào triệt để và hoàn hảo.
Theo báo cáo từ các tổ chức tín dụng, sau khi thực hiện xác thực sinh trắc học, số lượng vụ lừa đảo đã giảm đến 50% so với trước đây”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết hồi giữa tháng 10.
“Quyết định 2345, Thông tư 17 đã siết chặt việc mở tài khoản chính chủ khách hàng cá nhân. Tuy nhiên từ đây xảy ra tình trạng lách quy định bằng mở tài khoản doanh nghiệp, lách xác thực sinh trắc học để phục vụ mục đích gian lận”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nói.
Ông Dũng cho biết, trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ chú trọng hơn hoạt động mở tài khoản của doanh nghiệp, để đảm bảo xác thực được người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp. Khi thực hiện giao dịch doanh nghiệp, nếu giao dịch lớn, cần chữ ký để xác định người chịu trách nhiệm, đảm bảo khi xảy ra vấn đề truy vết được người ký.
Đồng thời, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cũng đề nghị có sự phối hợp với các cơ quan bộ, ngành khác, bởi các doanh nghiệp được cơ quan thẩm quyền cấp phép kinh doanh. Nếu để tình trạng không xác định được chủ doanh nghiệp là ai thì không chỉ đối với ngân hàng mà tình trạng lừa đảo sẽ vẫn xảy ra trên mọi lĩnh vực.
Hầu hết ngân hàng đang áp dụng công nghệ xác thực sinh trắc học eKYC để định danh tài khoản, xác minh danh tính của khách hàng, từ đó ngăn chặn nguy cơ lừa đảo, gian lận, giả mạo thông tin.
Tuy nhiên, hiện có tình trạng tội phạm công nghệ cao sử dụng thủ đoạn “lách” xác thực sinh trắc học, như dùng tài khoản doanh nghiệp hoặc dùng các nền tảng như Facebook để “bẫy” khách hàng.
Theo ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc hoạch định an ninh thông tin, Ngân hàng Techcombank, nhà băng đang chủ động làm việc, kết hợp với các công ty IT, kiểm toán, các đối tác kinh doanh nhằm trang bị những khung đánh giá nhằm phát hiện rủi ro sớm, từ đó đưa ra giải pháp bảo mật thông tin khách hàng, xác thực an toàn tốt hơn.
“Nếu không liên tục thu thập thông tin về các vấn đề mà khách hàng đang đối mặt, không có các biện pháp đảm bảo cho khách hàng rất có thể sẽ tạo điều kiện cho hacker lợi dụng để thực hiện gian lận, lừa đảo, tấn công tài chính. Do đó, Techcombank cũng đang áp dụng các công nghệ, biện pháp khác để quản lý dữ liệu khách hàng, đảm bảo an toàn truy cập”, ông Nguyễn Việt Hà chia sẻ.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành xu hướng nổi bật cho các doanh nghiệp trên toàn cầu nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng, 85% ngân hàng đã thiết lập chiến lược ứng dụng AI trong xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới và hơn 59% nhân sự đang sử dụng AI trong hoạt động hàng ngày.
Kinh phí của các ngân hàng cho AI tạo sinh (GenAI) được dự đoán sẽ tăng lên 85 tỷ USD vào năm 2030, tăng mạnh so với mức 6 tỷ USD năm 2024, đánh dấu mức đầu tư tăng hơn 1.400%. Xu hướng đầu tư mạnh mẽ này cho thấy rõ sự chuyển dịch từ ngân hàng truyền thống, Digital Bank sang AI Bank.
Tiếp đến, báo Lao Động cũng có bài đăng tương tự với thông tin: Xuất hiện chiêu lách xác thực sinh trắc học để mở tài khoản ngân hàng
Nội dung được báo đưa như sau:
Nhiều đối tượng lách quy định, lách xác thực sinh trắc học bằng cách mở tài khoản ngân hàng dành cho doanh nghiệp để phục vụ mục đích gian lận.
Xu hướng dịch chuyển sang thanh toán không tiền mặt
Ngày 29.10, dưới sự chủ trì của Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Tập đoàn IEC phối hợp tổ chức Hội thảo và triển lãm Smart Banking 2024. Hội thảo và triển lãm được tổ chức với mục tiêu kết nối những lãnh đạo và chuyên gia hàng đầu trong ngành tài chính – ngân hàng, cung cấp góc nhìn chuyên sâu về các công nghệ mới nhất, góp phần tìm ra những chiến lược đột phá nhằm xây dựng một tương lai số an toàn và bền vững cho ngành ngân hàng.
Với chủ đề “Định hình tương lai số cho ngành Ngân hàng: Chiến lược vận hành an toàn và bền vững”, sự kiện năm nay nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp bảo vệ an toàn và chiến lược phát triển bền vững ngành ngân hàng trên không gian số.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 58,44% về số lượng và 35,13% về giá trị. Giao dịch qua ATM giảm 13,35% về số lượng và giảm 6,13% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
"Điều đó cho thấy xu hướng dịch chuyển của người dân sang thanh toán không tiền mặt. An ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và các hệ thống thông tin ứng dụng nghiệp vụ ngân hàng, cũng như hoạt động phòng chống tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng tiếp tục được tăng cường. Đã có khoảng hơn 37 triệu lượt khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thành công, là một bước tiến tích cực giúp giảm thiểu rủi ro và bảo vệ người dùng trước các gian lận, lừa đảo" - ông Hùng cho biết.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhấn mạnh, chuyển đổi số có nhiều yếu tố mới, phức tạp và thay đổi nhanh chóng. Vì vậy, cần phải liên tục tiếp thu những thành tựu, kinh nghiệm quốc tế và vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.
Lách quy định bằng mở tài khoản doanh nghiệp
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, sau khi triển khai Quyết định 2345, Thông tư 17, số tài khoản lừa đảo đã giảm rõ rệt. Dù vậy, không có biện pháp nào triệt để và hoàn hảo.
Quyết định 2345, Thông tư 17 đã siết chặt việc mở tài khoản chính chủ khách hàng cá nhân. Tuy nhiên từ đây xảy ra tình trạng lách quy định bằng mở tài khoản doanh nghiệp, lách xác thực sinh trắc học để phục vụ mục đích gian lận.
"Đề nghị các ngân hàng chú trọng việc mở tài khoản của doanh nghiệp, để đảm bảo xác thực được người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp. Khi thực hiện giao dịch doanh nghiệp, cần chia cấp độ. Với những giao dịch lớn cần thực hiện bằng các chữ ký an toàn, đảm bảo khi xảy ra vấn đề thì người ký phải chịu trách nhiệm" - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị.
Theo ông Dũng, các doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh bởi cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước. Nếu để xảy ra tình trạng không xác định được chủ doanh nghiệp thì tình trạng lừa đảo sẽ diễn ra trên mọi lĩnh vực: Chứng khoán, nhà đất, du học, tuyển dụng...
Do đó, ông Dũng đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp với ngân hàng để đảm bảo được nguồn gốc, người đại diện pháp luật có căn cước công dân để truy xuất.
Để đảm bảo an toàn thông tin trong lĩnh vực ngân hàng, ông Lê Văn Tuấn - Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các ngân hàng thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn thông tin.
"Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục An toàn thông tin sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn thông tin trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng" - ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo Cục trưởng Cục An toàn thông tin, từng đơn vị trong ngành ngân hàng cần có kế hoạch, chiến lược toàn diện để giám sát, phát hiện, bảo vệ, phản ứng nhanh, phục hồi sau sự cố cho chính đơn vị của mình; cần đầu tư công nghệ hiện đại và tăng cường khả năng phòng ngừa....