Nữ sinh tố sai điểm thi, cả nhà kiện Sở Giáo dục nhưng kết cục lại khiến dư luận bất ngờ
Họ tổ chức tiệc ăn mừng, báo tin cho họ hàng, thậm chí còn mua vé xem ca nhạc để thưởng cho con gái.
Ngày 13 tháng 7 năm 2025, báo Đời sống Pháp luật đã đăng tải bài viết với tiêu đề "Nữ sinh tố sai điểm thi, cả nhà kiện Sở Giáo dục nhưng kết cục lại khiến dư luận bất ngờ". Nội dung như sau:
Năm 2013, tại Phúc Kiến (Trung Quốc), một vụ việc hy hữu liên quan đến điểm thi đại học đã gây xôn xao dư luận suốt nhiều tháng trời. Nhân vật chính là nữ sinh Dương Tĩnh Đình (tên đã thay đổi), người từng khẳng định mình đạt 586 điểm trong kỳ thi đại học, nhưng sau đó lại phát hiện điểm thực chỉ là 364 điểm. Gia đình cô sau đó đã kiện Sở Giáo dục địa phương, nghi có gian lận hoặc tráo điểm. Tuy nhiên, kết cục của vụ kiện lại đầy bất ngờ.
Từ niềm vui đỗ đại học đến cú sốc điểm số thật
Ngày 25/6/2013, khi hệ thống tra cứu điểm thi mở cửa, Dương Tĩnh Đình hồi hộp nhập thông tin. Kết quả hiển thị: 586 điểm – cao hơn điểm chuẩn đại học năm đó 29 điểm. Cả gia đình vỡ òa trong hạnh phúc. Họ tổ chức tiệc ăn mừng, báo tin cho họ hàng, thậm chí còn mua vé xem ca nhạc để thưởng cho con gái.
Thế nhưng, hai tuần sau, khi không thấy thông tin trúng tuyển, cô tái tra cứu thì hệ thống báo điểm chỉ còn... 364. Gia đình sốc nặng và nghi có tiêu cực. Cha của Tĩnh Đình liên hệ bạn trong Sở Giáo dục tra cứu nội bộ và được xác nhận điểm thật là 364, không sai lệch.
Nghi vấn tráo điểm, cha nữ sinh đệ đơn kiện
Tin rằng con mình bị "đánh tráo điểm", cha cô đã đưa sự việc ra tòa và yêu cầu được kiểm tra bài thi gốc. Cơ quan chức năng đồng ý mở niêm phong bài làm. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra khiến cả gia đình sững sờ: bài thi của Dương Tĩnh Đình gần như bỏ trống phần lớn, bài văn không có, chỉ làm được các phần trắc nghiệm cơ bản.
Dù vậy, nữ sinh vẫn một mực khẳng định đó không phải chữ viết của mình và cô "chắc chắn đã viết một bài văn dài 800 chữ". Để chứng minh, cô cố gắng viết lại bài văn theo trí nhớ, nhưng kết quả là một bài viết lủng củng, cắt dán từ các bài mẫu trên mạng. Điều này càng khiến Sở Giáo dục nghi ngờ cô đang nói dối.
Tòa án ra lệnh giám định chữ viết. Giáo viên và bạn học xác nhận nét chữ trong bài thi khớp với chữ viết của Tĩnh Đình. Cùng lúc đó, cộng đồng mạng cũng chỉ ra nhiều điểm phi lý: ví dụ một học sinh 586 điểm không thể có thứ hạng sau người 585 điểm trong bảng xếp hạng.
Bị dồn đến đường cùng, Dương Tĩnh Đình cuối cùng thừa nhận đã tự tạo một trang web giả mạo để chỉnh sửa điểm số thành 586, nhằm che giấu sự thật với cha mẹ. Trước đó, vì từng thi trượt và chịu áp lực lớn từ gia đình, cô đã tự ôn tập ở nhà suốt một năm nhưng kết quả không như kỳ vọng.
Áp lực học hành và bi kịch của kỳ vọng
Hồ sơ điều tra tiết lộ: sau khi thi trượt năm 2011 với 512 điểm, Tĩnh Đình bị ép học lại trong điều kiện cực kỳ áp lực: mỗi ngày học từ 5 giờ sáng đến tận 2 giờ đêm, tham gia hơn 10 lớp học thêm, chưa kể còn bị tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến phải hoãn thi năm 2012. Đến năm 2013, cô tự ôn thi tại nhà và không chia sẻ tình hình học tập với ai. Vì không muốn bị coi là thất bại, cô đã làm giả điểm số.
Tòa án sau cùng bác đơn kiện và tuyên bố điểm số 364 là chính xác. Gia đình Dương Tĩnh Đình thua kiện. Cô bị tước quyền thi đại học trong các kỳ tiếp theo do hành vi gian dối.
Vụ việc khép lại với một bài học đau đớn: áp lực từ gia đình, xã hội và việc không dám đối mặt với thực tế có thể đẩy một học sinh vào bi kịch. Một lời nói dối nhỏ khởi đầu cho một chuỗi hành động sai lầm, khiến cả gia đình lao vào cuộc chiến pháp lý vô vọng.
Sự việc của Dương Tĩnh Đình cho thấy kỳ vọng quá cao đôi khi chính là gánh nặng giết chết sự phát triển tự nhiên của con trẻ. Bố mẹ cần học cách chấp nhận con mình không hoàn hảo, và tạo không gian cho các em được thất bại, được sửa sai – thay vì buộc chúng phải "thành công" bằng mọi giá.
Và cuối cùng, trung thực vẫn là lựa chọn an toàn và bền vững nhất.
Trước đó, ngày 12 tháng 5 năm 2025, báo VietNamNet cũng đăng tải bài viết với tiêu đề "Nữ sinh thoát án tù sau khi chỉnh sửa điểm thi để được xét tuyển đại học". Nội dung như sau:
Một nữ sinh Hồng Kông (Trung Quốc) đã được tòa án khoan hồng và không phải ngồi tù sau khi sử dụng ứng dụng làm đẹp Meitu để chỉnh sửa điểm thi đầu vào đại học, nhằm xin nhập học. Thẩm phán chủ tọa đánh giá hành vi này là nghiêm trọng nhưng ghi nhận bị cáo còn trẻ và đã thể hiện sự ăn năn.
Theo SCMP, ngày 11/6, tại Tòa án Fanling, Ng Tsz-ying (22 tuổi) bị tuyên án 12 tháng thử thách vì nộp bảng điểm giả kỳ thi tốt nghiệp THPT Hong Kong (HKDSE) để xin vào Đại học Giáo dục Hồng Kông (EdUHK) vào năm ngoái.
Trước đó, bị cáo đã nhận tội "mưu toan chiếm đoạt dịch vụ bằng cách gian dối" và thừa nhận đã sử dụng chức năng chỉnh sửa của ứng dụng Meitu để làm cho bảng điểm trông như đạt Level 3 môn tiếng Anh, trong khi thực tế chỉ đạt Level 2.

Sau khi vượt qua vòng phỏng vấn trực tuyến vào tháng 7/2024, Ng Tsz-ying đã nhận được thư mời nhập học ngành Cử nhân tiếng Anh của trường. Tuy nhiên, hành vi gian lận bị phát hiện khi nhà trường kiểm tra chéo điểm số do thí sinh khai báo với bảng điểm chính thức từ Cơ quan Khảo thí và Đánh giá Hồng Kông.
Thẩm phán Veronica Heung Shuk-han nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của vụ việc nhưng cho biết Ng vẫn còn trẻ và đã có thời gian suy ngẫm trong hai tuần bị tạm giam trước khi tuyên án. Bà mô tả hành động chỉnh sửa ảnh của Ng là "dại dột", đồng thời chỉ ra rằng với kết quả học tập ở chương trình cao đẳng cùng phần thể hiện tốt trong buổi phỏng vấn, Ng hoàn toàn có thể được nhận vào trường mà không cần phải gian lận.
Tòa đã chấp thuận đề xuất của nhân viên quản chế, áp dụng hình phạt thử thách 12 tháng. Trong thời gian này, bị cáo buộc phải tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát, tham gia tư vấn tâm lý và các hoạt động cải tạo.