796 em bé bị bỏ rơi trong bể phốt ở Ireland suốt 80 năm trời: Bí mật đau thương đã bị chôn vùi như thế nào?
Hàng trăm đứa trẻ đã chết và hài cốt của chúng bị vứt bỏ, trong khi những người mẹ không bao giờ biết được chuyện gì đã xảy ra với con mình.
Ngày 14/7/2025, Tạp chí Người đưa tin đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "796 em bé bị bỏ rơi trong bể phốt ở Ireland suốt 80 năm trời: Bí mật đau thương đã bị chôn vùi như thế nào?". Nội dung như sau:
Khi Annette McKay chào đón đứa cháu trai đầu lòng, cô cứ ngỡ mẹ mình, Maggie O’Connor, sẽ vỡ òa hạnh phúc khi được lên chức bà cố. Nhưng điều McKay chứng kiến lại là hình ảnh mẹ cô nức nở không ngừng bên ngoài căn nhà, miệng lẩm bẩm: “Là đứa bé, đứa bé.”
McKay cố gắng trấn an rằng cháu trai của bà khỏe mạnh, nhưng O’Connor không nói về đứa bé đó. “Không phải con của con con, mà là con của mẹ,” O’Connor thổn thức, hé lộ một bí mật đã chôn vùi hàng thập kỷ: người con gái đầu lòng của bà, Mary Margaret, đã qua đời vào tháng 6 năm 1943, khi mới 6 tháng tuổi.
Đó là lần duy nhất và cũng là lần cuối cùng O’Connor nhắc đến Mary Margaret, hay quãng thời gian bà sống ở St. Mary’s Home - một trong những “ngôi nhà mẹ và bé” ở thị trấn Tuam, hạt Galway, Ireland.
Những ngôi nhà kín đáo che giấu hàng ngàn số phận bi thảm
Tuam chỉ là một trong hàng chục cơ sở mà những cô gái mang thai và phụ nữ chưa chồng bị ép buộc đến sinh con trong bí mật suốt phần lớn thế kỷ 20. Tại đây, phụ nữ thường bị tách khỏi con cái một cách cưỡng bức. Một số trẻ được đưa đi làm con nuôi ở Ireland, Anh, thậm chí xa hơn tới Mỹ, Canada, Úc. Nhưng đau lòng hơn, hàng trăm đứa trẻ đã chết và hài cốt của chúng bị vứt bỏ, trong khi những người mẹ không bao giờ biết được chuyện gì đã xảy ra với con mình.
Vào ngày 14/7, một nhóm chuyên gia pháp y từ Ireland và quốc tế sẽ bắt đầu cuộc khai quật kéo dài hai năm tại một khu mộ tập thể ở Tuam, được cho là nơi chôn cất của 796 trẻ em.
Từ năm 1922 đến 1998, Giáo hội Công giáo và Nhà nước Ireland đã thiết lập một mạng lưới các thể chế nhằm trừng phạt và kỳ thị những phụ nữ chưa kết hôn. Hệ thống này tạo ra một văn hóa kìm kẹp sâu sắc trong xã hội. Dù thái độ của người Ireland đã thay đổi, nhưng nỗi hổ thẹn, sự bí mật và kỳ thị xã hội do hệ thống này gây ra đã để lại vết sẹo khó phai.

“Trong cái thế giới méo mó, độc tài này, tình dục là tội lỗi lớn nhất đối với phụ nữ, không phải đối với đàn ông,” McKay chia sẻ với CNN. “Những người phụ nữ mang ‘dấu hiệu tội lỗi’ - một cái thai - đã bị ‘biến mất’ khỏi cộng đồng, bị giam giữ sau những bức tường cao ở cuối thị trấn.”
Maggie O’Connor bị đưa đến Tuam khi mới 17 tuổi, mang thai sau khi bị người trông coi trường công nghiệp nơi bà lớn lên hãm hiếp. Bên trong ngôi nhà, bà mẹ và trẻ sơ sinh bị chia cắt. Nhiều phụ nữ sau đó bị đưa đến những xưởng giặt ủi, nơi họ làm việc không lương. Các em bé của họ thì được cho làm con nuôi, đưa vào các trường công nghiệp, hoặc thậm chí bị buôn bán bất hợp pháp ra nước ngoài.
Thế nhưng, rất nhiều đứa trẻ đã không sống sót. Ước tính có ít nhất 9.000 trẻ sơ sinh và trẻ em đã chết trong các tổ chức này, bao gồm cả ngôi nhà ở Tuam. O’Connor chỉ biết con gái mình qua đời khi bà đang phơi quần áo 6 tháng sau đó. “’Đứa con tội lỗi của ngươi đã chết,’” các nữ tu nói với bà, “như thể đó là chuyện không đáng kể.”
Sau này, O’Connor chuyển đến Anh, nơi bà nuôi dạy 6 đứa con khác và sống một cuộc đời tưởng chừng như hào nhoáng. Nhưng như McKay nói, đó chỉ là “chiếc áo giáp” của bà, một “vẻ ngoài bóng bẩy để sinh tồn.” Nỗi kinh hoàng ở Tuam không bao giờ rời bỏ bà.
Sự thật phơi bày và cuộc chiến vì công lý
McKay đã đau buồn vì người chị gái mình chưa từng gặp, nhưng vẫn tìm thấy chút an ủi khi hình dung về một nấm mồ nhỏ nơi Mary Margaret được chôn cất. Nhưng vào năm 2014, hình ảnh yên bình đó vỡ vụn khi cô đọc một tờ báo Anh với dòng tít: “Hố chôn tập thể ‘chứa xương của 800 trẻ sơ sinh’ tại địa điểm của ngôi nhà Ireland dành cho các bà mẹ chưa chồng.”
Sự thật này được phơi bày nhờ công trình nghiên cứu của Catherine Corless, một nhà sử học địa phương ở Tuam. Bà đã tiết lộ rằng 796 trẻ sơ sinh đã chết ở Tuam mà không có hồ sơ chôn cất, và hài cốt của chúng đã bị bỏ vào một bể tự hoại đã ngừng sử dụng.

Ban đầu, chính quyền và các Nữ tu Bon Secours (những người điều hành ngôi nhà) đã phủ nhận và bác bỏ những phát hiện của Corless. Tuy nhiên, Corless, những người sống sót và các thành viên gia đình đã không ngừng đấu tranh cho những đứa bé Tuam và các bà mẹ của chúng.
Cuộc đấu tranh đã có kết quả.
Năm 2015, chính phủ Ireland thành lập một cuộc điều tra về 14 ngôi nhà mẹ và bé, tìm thấy “số lượng đáng kể” hài cốt người tại Tuam. Cuộc điều tra kết luận có “mức độ tử vong trẻ sơ sinh khủng khiếp” trong các tổ chức này, và nhà nước đã không đưa ra bất kỳ cảnh báo nào, dù điều này đã được “biết đến bởi các cơ quan chức năng.” Báo cáo cũng chỉ ra rằng trước năm 1960, các ngôi nhà này “không cứu sống những đứa trẻ ‘ngoài giá thú’; trên thực tế, chúng dường như đã làm giảm đáng kể khả năng sống sót của chúng.” Điều này dẫn đến một lời xin lỗi chính thức từ chính phủ vào năm 2021, thông báo về một kế hoạch bồi thường, và lời xin lỗi từ các Nữ tu Bon Secours.
Dù nhiều người thân và những người sống sót vẫn cảm thấy phản ứng của chính phủ chưa thỏa đáng, nhưng tại Tuam, đã có một cảm giác nhẹ nhõm chung khi cuộc khai quật được tiến hành.
Tìm kiếm sự khép lại
Trong hai năm tới, các chuyên gia pháp y sẽ làm việc tại Tuam để khai quật và phân tích hài cốt của trẻ em. Niamh McCullagh, một nhà khảo cổ học pháp y thuộc Văn phòng Giám đốc Can thiệp được ủy quyền, Tuam (ODAIT) - cơ quan giám sát dự án - cho biết một cuộc khai quật thử nghiệm đã phát hiện 20 buồng trong bể tự hoại chứa hài cốt trẻ sơ sinh từ 35 tuần đến 3 tuổi.
McCullagh cho biết nếu có bằng chứng về cái chết bất hợp pháp, họ sẽ thông báo cho cảnh sát. Tuy nhiên, việc xác định hài cốt và nguyên nhân tử vong sẽ rất khó khăn do thời gian dài đã trôi qua, hài cốt bị phân mảnh và thiếu mẫu DNA đầy đủ.
Đứng trước địa điểm nơi hai người anh trai mình, John và William, đã chào đời, Anna Corrigan, 70 tuổi, hy vọng cuộc khai quật sẽ mang lại công lý và sự khép lại. Cô chỉ mới biết về hai anh trai mình sinh ra ở Tuam vào năm 2012, sau khi mẹ cô qua đời.
John của Corrigan đã chết vì bệnh sởi khi mới 13 tháng tuổi. Corrigan tin rằng anh mình đang nằm trong ngôi mộ tập thể. “Họ không có phẩm giá khi còn sống. Họ không có phẩm giá khi chết. Họ đã bị từ chối mọi quyền con người,” Corrigan đau lòng nói.


Mới đây, những người thân và những người sống sót đã tập trung tại địa điểm để nghe các chuyên gia giải thích các bước tiếp theo.
“Đáng lẽ đó có thể là tôi. Mỗi người trong chúng tôi sống sót ở đó chỉ cách việc nằm trong các bể tự hoại một sợi tóc,” Teresa O’Sullivan, một người sống sót, chia sẻ với CNN. O’Sullivan sinh ra tại ngôi nhà vào năm 1957. Cô chỉ tái kết nối với mẹ mình ở tuổi 30.
O’Sullivan cảm nhận sâu sắc sự gần gũi với những đứa trẻ đã khuất. “Chúng tôi ở ngay bên cạnh họ. Họ ở trong các căn phòng với chúng tôi, họ ở trong tòa nhà với chúng tôi,” cô nói về những em bé có thi thể cuối cùng nằm trong bể tự hoại.
“Chúng tôi phải đưa họ ra khỏi đó,” cô kiên quyết.
Trước đó, báo Dân Trí đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Phát hiện gần 800 bộ hài cốt của trẻ nhỏ trong bể phốt của một nhà thờ". Cụ thể như sau:
Từ ngày 16/6, các đội bắt đầu dựng hàng rào phong tỏa khu vực tại thị trấn Tuam, hạt Galway (Ireland) để chuẩn bị cho buổi khai quật quy mô lớn dự kiến diễn ra vào 14/7 tới đây.
Mục tiêu chính cuộc khai quật lần này nhằm xác định danh tính hài cốt của gần 800 trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tại một nhà hộ sinh vốn dành cho những cô gái chưa kết hôn đã mang thai. Khu vực này từng thuộc sự quản lý của nhà thờ.

Bà Catherine Corless, một nhà sử học địa phương, là người đầu tiên đưa vụ việc ra ánh sáng khi phát hiện danh sách 796 trẻ sơ sinh được cho là đã được chôn cất tại đây từ năm 1925 đến 1961. Thậm chí có những hài cốt bị chôn trong bể tự hoại bỏ hoang dưới lòng đất. Không có bất kỳ hồ sơ chôn cất chính thức nào được lưu lại.
"Có quá nhiều trẻ nhỏ, những sinh linh bé bỏng từng bị vứt bỏ ở đây", bà Corless nói với hãng tin AFP.
Nhờ sự phát hiện của bà Corless dẫn tới việc chính phủ Ireland thành lập Ủy ban Điều tra về nhà hộ sinh - nơi suốt nhiều thập kỷ các thiếu nữ và phụ nữ trẻ từng tới để sinh con thay vì đến bệnh viện.
Truyền thông địa phương nhận định, những nơi này từng là biểu tượng của sự kỳ thị với tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cao, nhưng bị xã hội làm ngơ suốt nhiều năm ở thế kỷ 20.
Năm 2021, chính phủ Ireland đưa ra lời xin lỗi chính thức sau khi công bố báo cáo điều tra toàn diện.
Tại thị trấn Tuam, khu vực khai quật giờ nằm giữa một khu dân cư và được dựng tường rào bao quanh. Công việc chuẩn bị dự kiến kéo dài trong 4 tuần trước khi bước vào giai đoạn khai quật toàn diện vào ngày 14/7.
Khu đất này từng là một trại tế bần trong quá khứ. Việc tìm kiếm hài cốt trẻ sơ sinh được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn vì khả năng có cả hài cốt nạn nhân của nạn đói lớn thế kỷ 19 được chôn cất tại đây.

"Đây là thử thách vô cùng phức tạp do quy mô khu vực và thực tế rằng chúng tôi phải xử lý hài cốt trẻ sơ sinh lẫn trong khu vực tưởng niệm", ông Daniel MacSweeney, người phụ trách chiến dịch khai quật cho biết.
Trước đó vào năm 2014, nhà sử học Catherine Corless lần đầu công bố kết quả điều tra gây chấn động khi tìm thấy giấy chứng tử của gần 800 trẻ nhỏ từng ở trại Tuam, nhưng chỉ duy nhất một trường hợp có hồ sơ chôn cất.
Điều tra sau đó xác nhận, có một ngôi mộ tập thể nằm dưới cấu trúc chứa nước thải trong khuôn viên của khu vực này. Tại đây tìm thấy hài cốt của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với tuần tuổi từ 35 tuần thai tới 3 tuổi.
Trong quá khứ, những phụ nữ trẻ chưa kết hôn nhưng đã có thai được tới đây để sinh con. Họ bị tách khỏi con mới sinh. Những em bé sẽ được nuôi dưỡng ở nhà thờ cho tới khi tìm thấy gia đình nhận nuôi mới.
Sau đó, một cuộc điều tra quy mô lớn về các trại mẹ và bé trên toàn Ireland cho thấy có khoảng 9.000 trẻ em đã chết tại 18 cơ sở tương tự. Nguyên nhân tử vong chủ yếu là viêm đường hô hấp và tiêu chảy cấp.
Trong buổi phát biểu với báo giới, Thủ tướng Ireland, ông Micheal Martin thừa nhận "đây là một câu chuyện rất đau lòng" và phải chờ xem cuộc khai quật hé lộ thêm những điều gì.
Khi khai quật, các chuyên gia pháp y sẽ tiến hành phân tích, bảo quản hài cốt. Những hài cốt nào xác định được danh tính sẽ trao trả lại cho thân nhân. Trường hợp nào không xác định được, chính phủ tuyên bố sẽ chôn cất trang trọng và đầy đủ nghi lễ.
Dự kiến toàn bộ công việc khai quật sẽ kéo dài khoảng 2 năm.