Vụ cô giáo xin ủng hộ tiền mua máy tính: Phụ huynh run sợ sau tin nhắn sốc
Ba ngày sau khi sự việc cô giáo Trường Tiểu học Chương Dương, quận 1, TPHCM xin ủng hộ tiền mua máy tính được báo chí phản ánh, người cha bị hỏi "Phụ huynh của bé nào?" vẫn cảm thấy bất an, lo lắng.
Ngày 30/9/2024, báo Dân Trí đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Vụ cô giáo xin ủng hộ tiền mua máy tính: Phụ huynh run sợ sau tin nhắn sốc". Nội dung cụ thể như sau:
Anh Hoàng Nam (* tên phụ huynh đã được thay đổi) là 1 trong 3 người ấn nút bình chọn không đồng ý hỗ trợ tiền mua máy tính (laptop) theo đề xuất của cô giáo T.P.H. - giáo viên chủ nhiệm lớp 4/3, Trường Tiểu học Chương Dương, quận 1, TPHCM.
Phụ huynh này cho biết bản thân ấn nút "không đồng ý" vì cho rằng việc phụ huynh hỗ trợ giáo viên mua máy tính cá nhân là không chính đáng.
"Về hỗ trợ, bản thân tôi cũng muốn đóng góp nhưng phải là cho tập thể nhưng việc mua laptop này, cô nhấn mạnh sẽ là của cô. Như vậy, cô xin riêng cho cô chứ không phải cho tập thể. Cho nên, tôi không đồng ý", anh Nam bày tỏ.
Là một phụ huynh, anh cũng lo sợ con bị phân biệt, đối xử nếu cha mẹ nói khác ý cô giáo. Đặc biệt, khi cô giáo hỏi người ấn nút "không đồng ý" là phụ huynh của bé nào.
"Tâm lý sợ con bị "đì", nói thật, tôi cũng có. Vì con mới học lớp 4 chưa thể nhận thức được như người lớn. Vì thế, khi tôi vừa ấn nút "không đồng ý", cô giáo đã hỏi là phụ huynh của bé nào. Lúc đó, tôi chỉ im lặng", anh Nam giãi bày.
Người cha nói thêm, cảm giác lúc đó vừa bực bội, vừa sợ. Bực bội vì cách hỏi không chuẩn mực trong trường hợp lúc đó rất nhạy cảm bởi được đưa ra ngay sau khi phụ huynh ấn nút không đồng ý. Còn sợ thì cha mẹ sợ ảnh hưởng đến con.
Anh Hoàng Nam cho hay phụ huynh chỉ mong nhà trường sớm đổi cô giáo khác vì con học cô giáo này thì phụ huynh không còn an tâm nữa.
"Cô có những lời lẽ, hành động không còn tin tưởng được nữa. Từ hôm phản ánh tới nay, tôi cảm thấy bất an, cũng sợ con sẽ bị để ý. Mong nhà trường sắp xếp một cô giáo có tâm, có tầm, không để ý việc phụ huynh phản ánh chuyện không tốt của trường. Ngày mai, tạm thời tôi vẫn cho con ở nhà đợi phương án chính thức từ phía nhà trường", người cha bày tỏ.
Cùng tâm trạng, anh Nguyễn (*) cũng áp lực khi thấy cô hỏi phụ huynh không đồng ý là cha mẹ của bé nào.
Anh Nguyễn kể, khi anh bấm không đồng ý xong, cũng đã ân hận vì sợ con mình bị "đì". Chưa kịp bấm bình chọn lại, cô giáo H. đã hỏi luôn trong phụ huynh không đồng ý là phụ huynh của bé nào.
Anh sốc hơn khi ngày hôm sau, nghe con kể lại, trước mặt cả lớp, cô hỏi các con, tên phụ huynh đã ấn không đồng ý là cha mẹ của bé nào.
"Con tôi đứng lên thưa là ba của con. Sau đó con về kể, bị cô mắng chửi thậm tệ đến mức con run rẩy sợ hãi. Con về xin tôi, nói ba đóng cho cô đi nếu không con không dám đi học", anh Nguyễn thuật lại.
Trong khi đó, một phụ huynh khác đã ấn thay đổi ý kiến từ không đồng ý thành đồng ý sau câu hỏi trên của cô giáo.
Nhiều phụ huynh của lớp 4/3 cũng trong cảm giác lo sợ mất lòng cô giáo nên có những việc dù không đồng thuận vẫn phải cố gắng.
Điển hình là ngày 9/9, khi chỉ mới bắt đầu năm học được ít ngày, cô giáo H. đã thông báo mở lớp dạy thêm ngay trong nhóm lớp để phụ huynh đăng ký.
"Khi giáo viên chủ nhiệm đã thông báo dạy thêm, làm sao phụ huynh nào không dám đăng ký", chị Hoa (*) - một phụ huynh khác chia sẻ.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, tối ngày 29/9, nhiều phụ huynh lớp 4/3, Trường Tiểu học Chương Dương cho biết đã thông qua bảo mẫu gửi thông báo xin nghỉ học cho con vào ngày 30/9.
Lý do bởi họ chưa nhận được thông tin chính thức nào từ phía nhà trường về việc tạm dừng đứng lớp của cô giáo T.P.H. và phương án bố trí lớp học cho học sinh vào tuần học tiếp theo.
Ông Lê Công Minh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chương Dương - cho biết ngày 30/9, nhà trường vẫn tổ chức đón học sinh lớp 4/3 đi học bình thường.
Đồng thời, nhà trường đã bố trí giáo viên mới dạy lớp 4/3 theo tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân quận 1, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 1.
Ông cho hay, nhà trường đang tập trung giải quyết vụ việc và mong phụ huynh an tâm cho học sinh đến trường.
(*) Tên các phụ huynh đã được thay đổi.
Cùng ngày, báo Tiền Phong đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Cô giáo trong vụ xin tiền phụ huynh mua laptop: 'Tôi nghĩ xin là bình thường'". Nội dung cụ thể như sau:
Xin tiền mua máy tính vì nghĩ xã hội hóa giáo dục
Sáng 30/9, cô giáo Trương Phương Hạnh (giáo viên chủ nhiệm lớp 4/3, Trường Tiểu học Chương Dương, quận 1, TPHCM) - người bị phản ánh xin phụ huynh ủng hộ tiền mua máy tính - đã trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong về các vấn đề liên quan.
Cô Hạnh nói mình bị mất máy tính ngay tại trường trong năm học 2022-2023. Thời điểm này, cũng có một số giáo viên khác bị mất tài sản ngay trong trường. Tới năm học này, lớp 4/3 được trang bị tivi nên cô muốn có máy tính mới để soạn bài và kết nối với tivi để giảng dạy.
“Tôi không xin ý kiến hiệu trưởng từ đầu về việc này vì nghĩ xin mua laptop là việc bình thường, đúng chủ trương xã hội hóa giáo dục, nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhiều người cũng làm như vậy. Tôi không cào bằng mà dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh. Nếu không có máy tính thì tivi để không sẽ rất lãng phí', cô Hạnh nói.
Nữ giáo viên cho biết thêm hiệu trưởng khi biết được sự việc đã chỉ đạo cô không được nhận tiền hỗ trợ của phụ huynh. Đến ngày 16/9, cô Hạnh đã tạo một bình chọn trên nhóm lớp (đồng ý và không đồng ý hỗ trợ tiền mua máy tính cho giáo viên).
Đã có chỉ đạo từ ban giám hiệu, vì sao cô không từ chối ngay mà phải tạo bình chọn?
Trả lời câu hỏi của phóng viên, cô Hạnh giải thích: “Tất cả phụ huynh đều đồng ý hỗ trợ tiền mua laptop trong cuộc họp phụ huynh trước đó nên tôi không có cớ để không nhận. Tôi tạo bình chọn là có cớ để từ chối vì đã có người phản ánh lên nhà trường thì sẽ có người không đồng ý”.
Nữ giáo viên cho rằng mình bị phụ huynh thưa kiện vì không nhận máy tính. "Nếu tôi đồng ý nhận thì mọi việc đã không ồn ào", cô Hạnh giải bày.
Sau khi có 3 phụ huynh bày tỏ ý kiến không đồng ý, cô giáo đã hỏi: “Phụ huynh của bé nào?”. Giải thích vấn đề trên, cô Hạnh nói trong lớp có 38 phụ huynh nhưng nhóm lên đến 47 người nên cô giáo "không biết ai là ai".
“Tôi muốn hỏi phụ huynh này là ai để biết thôi. Nhiều người nghĩ là tôi dỗi nhưng tôi không giận dỗi gì phụ huynh. Tôi vẫn yêu thương, giảng dạy các con bình thường”, cô Hạnh nói.
Về nội dung không soạn đề cương, cô giáo Hạnh cho rằng đây không phải là nhiệm vụ của giáo viên chứ cô không giận dỗi gì phụ huynh sau sự việc không ủng hộ tiền mua máy tính.
Bán đồ ăn trong lớp
Phụ huynh lớp 4/3 còn phản ánh cô Hạnh bán mì tôm, xúc xích, bánh tráng trộn cho học sinh. Những em không mua đồ ăn của cô sẽ bị ăn ở ngoài cửa lớp.
Cô Hạnh phủ nhận thông tin cho học sinh đứng bên ngoài và nói thêm: "Tôi ở xa trường nên đem đồ ăn lên lớp. Học sinh kêu đói nên tôi có bán cho các cháu. Những học sinh mua đồ ăn nơi khác vẫn được ngồi trong lớp ăn bình thường".
Nữ giáo viên cũng cho biết có dạy thêm học sinh từ ngày 9/9 nhưng đã dừng từ tuần trước. “Tôi đã sai khi không hiểu thông tư về xã hội hóa và cũng mong sự việc sớm được giải quyết”, cô Hạnh chia sẻ.
Cô Hạnh đã có 30 năm làm việc trong ngành giáo dục và 18 năm dạy học tại Trường Tiểu học Chương Dương.
Sáng 30/9, ông Lê Công Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chương Dương (quận 1, TPHCM) xác nhận buổi sáng cùng ngày, có 24 trên tổng số 38 học sinh lớp 4/3 không đến lớp. “Trước mắt, chúng tôi tạm đình chỉ công tác chủ nhiệm, giảng dạy của cô H. và sẽ mời giáo viên có chuyên môn giảng dạy học sinh lớp 4/3. Nhà trường đang xử lý rốt ráo sự việc. Chúng tôi không bao che. Xin phụ huynh cho chúng tôi thời gian để giải quyết”, ông Minh nói.