Nữ sinh bật khóc khi thành thủ khoa khối C00 toàn quốc
Biết tin đạt 29,75 điểm khối C00, Yến Nhi bật khóc vì nhớ về người bố đã khuất và những vất vả của mẹ, dự định chọn theo ngành Sư phạm.
Ngày 16 tháng 7 năm 2025, báo VnExpress đã đăng tải bài viết với tiêu đề "Nữ sinh bật khóc khi thành thủ khoa khối C00 toàn quốc". Nội dung như sau:
guyễn Trần Yến Nhi là học sinh lớp 12D1, trường THPT Cửa Lò, nay thuộc phường Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Theo dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố sáng 16/7, nữ sinh đạt 9,75 điểm Văn, 10 điểm ở cả môn Lịch sử và Địa lý, trở thành thủ khoa toàn quốc tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa).
Nhi cho hay hôm thi xong, Nhi đã dò đáp án và tin rằng có thể đạt trên 29 điểm, song khi Bộ công bố điểm, em vẫn hồi hộp.
"Thấy tổng điểm hiện lên là 29,75 khối C00, em bật khóc vì quá xúc động. Mẹ ngồi cạnh cũng ôm chầm lấy em rồi khóc theo. Trong 1-2 tiếng ban đầu, em vẫn chưa dám tin mình đã trở thành thủ khoa toàn quốc", Nhi nói.
Nhi là chị cả, dưới còn có em trai đang học lớp 10. Nữ sinh kể bố mất khi em 4 tuổi, mọi gánh nặng đều đổ lên vai mẹ. Ba mẹ con nhiều lần phải chuyển nhà theo nơi công tác của mẹ, vốn là giáo viên Sinh học ở bậc THCS.
Hiểu sự vất vả của mẹ, hai chị em luôn cố gắng học tập. Suốt 12 năm, Nhi là học sinh giỏi toàn diện. Năm lớp 12, em đoạt giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn.
Sáng 16/7, điện thoại của Nhi liên tục báo tin nhắn, cuộc gọi chúc mừng từ thầy cô, bạn bè, người thân. Không ít lần, Nhi khựng lại, rơi nước mắt.
"Thật tiếc khi bố không thể chứng kiến thành công này của em".

Nữ sinh cho biết đề thi khối C00 năm nay có tính phân hóa cao, đặc biệt là môn Ngữ văn - môn học sở trường của em. Khi đọc đề, Nhi hơi lúng túng vì chưa nhận ra ngay chủ thể cần phân tích, phải mất vài phút để định hình.
"Em thích nhất là câu nghị luận xã hội với chủ đề 'vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc'", Nhi nói. "Em đã phân tích, liên hệ việc sáp nhập tỉnh, thành; đồng thời nói về trách nhiệm và nỗ lực của thế hệ trẻ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".
Với môn Lịch sử và Địa lý, Nhi tự tin vì đã ôn luyện đầy đủ, việc đạt điểm tuyệt đối hai môn này là điều nằm trong dự tính.
Sắp tới Nhi sẽ đăng ký xét tuyển vào Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn. Nhi cho hay từ khi học THCS đã ước mơ theo nghề giáo viên, bởi gia đình có truyền thống trong ngành, mẹ và bà ngoại đều làm nghề này.
"Hình ảnh giáo viên rất đẹp, thôi thúc em theo đuổi từ rất lâu", Nhi nói.

Cô Nguyễn Thị Út Sương, giáo viên chủ nhiệm lớp 12D1, đánh giá học trò có nghị lực rất lớn, luôn tìm cách vượt qua mọi giới hạn của bản thân.
"Thành tích này không hề bất ngờ. Trong các cuộc kỳ thi thử của trường và Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, Yến Nhi luôn nằm trong nhóm học sinh có điểm số cao nhất", cô Sương cho hay.
Nhi cho hay, trong ba môn khối C00, em đầu tư thời gian nhiều nhất cho môn Ngữ văn. Em quan niệm môn này cần học từ gốc nên luôn chăm chú nghe giảng, ghi chép đầy đủ, sau đó kết hợp học thêm online để nâng cao kỹ năng viết. Với môn Lịch sử và Địa lý, em đã chú ý ôn tập từ năm lớp 11, chủ yếu rèn tư duy phân tích, hệ thống hóa sự kiện, con số để ghi nhớ nhanh và lâu.
Mỗi ngày, Nhi học ở nhà từ 19h30 đến 23h. Khi căng thẳng, Nhi nghe nhạc hoặc xem phim.
"Những bản nhạc giúp em cảm thấy nhẹ lòng. Khi buồn, chỉ cần được mẹ ôm một cái là em phấn chấn hơn", nữ sinh nói.
Vào đại học, Nhi đặt mục tiêu học tốt, tham gia các câu lạc bộ tình nguyện để có thêm những trải nghiệm, rèn kỹ năng sống.
Nhi nói khắc ghi lời mẹ dặn, luôn nhắc nhở bản thân không ỷ lại vào vận may mà cần nỗ lực, dù là thành tích nhỏ nhất cũng phải trân trọng.
Cùng ngày, báo Lao Động cũng đưa tin với tiêu đề "Thủ khoa khối C toàn quốc mơ ước nối nghiệp bảng đen phấn trắng". Nội dung như sau:

Gia đình là điểm tựa vững chắc
Chia sẻ về khoảnh khắc biết tin mình đứng đầu toàn quốc khối C00, Yến Nhi cho biết bản thân vô cùng hạnh phúc và biết ơn. “Khoảnh khắc tra điểm cùng mẹ, khi con số hiện lên màn hình, cả gia đình vỡ òa cảm xúc. Đó là giây phút em sẽ không bao giờ quên bởi công sức của cả một hành trình đã được đền đáp” - Yến Nhi xúc động nói.
Dự định xét tuyển vào ngành Sư phạm Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nữ sinh nói đó không phải lựa chọn ngẫu nhiên mà xuất phát từ ước mơ trở thành giáo viên – một khát vọng được nuôi dưỡng từ những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường. Yến Nhi sinh ra trong một gia đình có truyền thống nhà giáo, khi cả mẹ, bác và bà ngoại đều là những người từng đứng trên bục giảng.
“Em luôn cảm thấy ấm áp và tự hào khi nhìn thấy hình ảnh mẹ hay bà cặm cụi bên những trang giáo án, tận tụy với học trò. Em yêu hình ảnh người thầy, người cô truyền đạt tri thức, nuôi dưỡng những ước mơ. Việc chọn khối C chính là cách em chạm gần hơn tới ước mơ của mình, cũng mong muốn được tiếp nối truyền thống gia đình theo cách đầy trân trọng” - Nhi bày tỏ.
Suốt hành trình ôn luyện căng thẳng, gia đình luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc giúp Yến Nhi vững vàng vượt qua những áp lực học hành. Đặc biệt, mẹ chính là điểm tựa lớn nhất, lặng lẽ đồng hành cùng con gái trong từng giai đoạn chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng của đời học sinh.
“Mẹ em không bao giờ tạo áp lực hay đặt ra kỳ vọng quá lớn cho em. Thay vào đó, mẹ luôn quan tâm sát sao, động viên nhẹ nhàng để em ôn thi trong tâm thế thoải mái nhất. Có những lúc mệt mỏi hay hoang mang, chỉ cần một lời nói dịu dàng an ủi của mẹ cũng đủ giúp em lấy lại tinh thần” - Yến Nhi nói.
Chính sự thấu hiểu và ủng hộ ấy từ gia đình đã giúp nữ sinh xứ Nghệ giữ vững tinh thần, tập trung cao độ trong quá trình ôn tập, tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT với tâm thế tốt nhất và đạt được kết quả cao.

Bí quyết ôn tập đạt kết quả cao
Để chạm tay đến ước mơ, Yến Nhi đã không ngừng nỗ lực trong suốt hành trình học tập. Ngay từ kỳ nghỉ hè sau lớp 11, Nhi đã chủ động lên kế hoạch ôn luyện một cách bài bản. Song song với việc tham gia đội tuyển học sinh giỏi, em dành thời gian củng cố nền tảng các môn khối C (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý), xây dựng lộ trình học phù hợp với năng lực cá nhân. Ngoài ra, nữ sinh còn tự tìm kiếm các khóa học trực tuyến, tài liệu chất lượng và nghiêm túc thực hiện thời khóa biểu tự học mỗi ngày.
Chia sẻ về bí quyết chinh phục điểm số gần như tuyệt đối, Yến Nhi cho biết em luôn giữ bên mình một cuốn sổ tay, ghi lại những câu hỏi đã làm sai, phần kiến thức chưa vững hoặc dễ nhầm lẫn. “Em thường xuyên rà soát lại cuốn sổ đó, học đi học lại những phần mình yếu để không mắc lại lỗi cũ. Đó là cách giúp em ghi nhớ sâu và học một cách có hệ thống” - Nhi chia sẻ.

Với môn Ngữ văn, nữ sinh nhận được sự đồng hành sát sao của các thầy cô, được hướng dẫn kỹ về phương pháp làm bài, cách trình bày và triển khai ý để đạt điểm cao. Bên cạnh đó, Nhi còn chủ động tìm thêm đề từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, tập viết theo hướng chia nhỏ bài thành các đoạn để luyện kỹ năng diễn đạt, rèn tính mạch lạc và sâu sắc trong cách hành văn.
Riêng hai môn Lịch sử và Địa lý, Yến Nhi xác định rõ chiến lược học tập từ sớm: đầu tiên là nắm vững kiến thức cơ bản, sau đó chuyển sang giai đoạn luyện đề chuyên sâu. Những tuần cuối trước kỳ thi, nữ sinh tập trung cao độ cho việc hệ thống hóa toàn bộ nội dung, giải đề liên tục để rèn khả năng tư duy tổng hợp, kết nối kiến thức và nâng cao tốc độ làm bài.
“Em nghĩ điều quan trọng nhất là phải biết cách cân bằng. Khi cảm thấy quá tải, em cho phép mình nghỉ ngơi, nghe một bản nhạc nhẹ hoặc đơn giản là nhắm mắt thư giãn vài phút. Em không ép bản thân phải học liên tục nếu tâm trí đã rơi vào trạng thái mệt mỏi. Giữ tinh thần thoải mái giúp em hấp thụ kiến thức hiệu quả hơn và không bị cuốn vào những thông tin gây hoang mang” - Yến Nhi chia sẻ.