Mừng rỡ vì được con dâu tặng vòng vàng, nhưng nghe câu nói đùa của con, tôi lặng lẽ về quê

Đây chính là cách né nồm, tránh nồm rẻ nhất hiệu quả nhất miền Bắc!

Sinh nhật tuổi 60, tôi cuối cùng cũng được đeo chiếc vòng vàng đầu tiên trong đời, thứ mà tôi từng khao khát từ rất lâu nhưng chưa bao giờ dám tự mua. Điều bất ngờ hơn cả là chiếc vòng ấy lại đến từ con dâu, người mà tôi vừa thương, vừa dè chừng.

Báo Thời báo VHNT có bài viết: "Mừng rỡ vì được con dâu tặng vòng vàng, nhưng nghe câu nói đùa của con, tôi lặng lẽ về quê", nội dung như sau:

Cái duyên của con dâu tôi với con trai cứ như sắp đặt sẵn. Hai đứa nó là mối tình đầu của nhau, bạn học cùng lớp từ thuở đại học, rồi yêu nhau ròng rã 5 năm trời, ra trường làm việc 3 năm mới chịu về chung một nhà. Hồi đó, tôi ưng con dâu lắm chứ. Nó học hành giỏi giang chẳng kém gì thằng con tôi, lại được cái ngoại hình sáng sủa, ăn nói thì khéo léo, biết trên biết dưới. Thế nhưng, cái gốc gác của nó lại khiến lòng tôi đôi chút bận tâm.

Nó sinh ra ở một vùng quê nghèo, gia cảnh không lấy gì làm khá giả. Bố mẹ nó làm công nhân thời vụ, lại còn có một cậu em trai kém nó đến 5 tuổi. Cả nhà dồn hết tiền bạc cho nó ăn học đại học, còn nó thì từ nhỏ đã quen với việc lo toan, quán xuyến việc nhà, chăm sóc em út.

Tôi không ghét bỏ con dâu, nhưng tôi nhận ra cái tư tưởng hy sinh vì em trai nó rõ ràng quá. Tiền lương đi làm bao nhiêu năm đều gửi về quê nuôi em, đến cả sính lễ 100 triệu nhà tôi đưa cho mà bố mẹ nó cũng giữ lại. Con dâu về nhà chồng gần như tay trắng, nhà gái chỉ cho được đúng 1 chỉ vàng. Lòng tôi dù không nói ra, nhưng cũng không tránh khỏi đôi chút khó chịu.

Thế nhưng, thằng con trai tôi thì nó yêu con bé thật lòng, nhất quyết đòi cưới cho bằng được. Làm bố mẹ, tôi cũng đành chấp nhận. Sau khi cưới, hai vợ chồng nó dọn ra ở riêng, thỉnh thoảng lễ Tết mới chịu về ăn bữa cơm với bố mẹ. Tôi cũng chẳng trách gì chúng nó, vì tôi còn cô con gái út nhỏ tuổi, lại ngoan ngoãn, hiếu thảo và lúc nào cũng thích quanh quẩn bên bố mẹ.

Sau này vợ chồng con trai sinh con, con bé út nhà tôi cũng vào đại học, tôi cũng lên thành phố sống cùng con trai để tiện bề chăm sóc cháu. Thoắt cái cũng đã được 2 năm rồi đó.

Năm nay tôi vừa tròn 60 tuổi. Tôi vốn chẳng định làm sinh nhật rình rang gì đâu. Ở cái tuổi này, sống thêm được ngày nào quý ngày ấy, làm gì cũng nên tiết kiệm cho con cho cháu. Vậy mà con dâu lại chủ động đề xuất làm một bữa tiệc lớn, nó bảo 60 tuổi là tuổi tròn, không nên qua loa. Nghe nó nói vậy, lòng tôi ấm áp vô cùng, ít ra thì nó cũng nghĩ đến tôi.

Trong bữa tiệc, điều khiến tôi bất ngờ nhất chính là món quà con dâu tặng. Đó là một chiếc vòng vàng tôi từng ao ước bấy lâu nhưng không nỡ mua. Con dâu vừa cười vừa đeo lên tay tôi, nói đây là quà chúc thọ. Tôi cảm động vô cùng, miệng không ngừng cảm ơn nó.

Ngắm nghía chiếc vòng lấp lánh trên cổ tay, tự dưng lòng tôi như trẻ lại. Tôi cứ nâng niu, mân mê từng chút một, cứ vài phút lại sờ, lại ngắm, cứ sợ nó rơi mất lúc nào không hay.

Thấy tôi cẩn thận quá mức, mọi người trong nhà cười ồ lên, trêu chọc rằng tôi tham vàng, chưa từng thấy trang sức bao giờ nên bị cái vòng vàng dụ dỗ. Nhưng tôi chẳng bận tâm đâu, bởi vì món quà này khiến tôi thực sự cảm thấy mình được yêu thương, được trân trọng.

Thật ra, tôi không phải là thiếu tiền đến mức không mua nổi một chiếc vòng vàng. Nhưng suốt bao nhiêu năm qua, tôi cứ dành dụm từng đồng cho con cái. Khi thằng con trai cưới vợ, tôi góp tiền mua nhà cho chúng nó, rồi lại phải lo tiền nuôi con gái ăn học.

Chồng tôi cũng nhiều lần ngỏ ý muốn mua vòng vàng tặng vợ, nhưng lần nào tôi cũng từ chối. Tôi nghĩ, phụ nữ ai mà chẳng thích trang sức, nhưng mình còn gánh nặng con cái trên vai, sao dám buông thả, tiêu pha cho bản thân?

Vậy mà giờ đây, được chính con dâu tặng, tôi cảm thấy mãn nguyện vô cùng. Nhưng cái niềm vui ấy lại chẳng kéo dài được bao lâu.

Thấy tôi cứ mãi nâng niu chiếc vòng vàng, con dâu tôi bỗng nửa đùa nửa thật nói:

"Mẹ ơi, cái vòng này không rẻ đâu mẹ, tốn hơn chục triệu của tụi con đấy. Mẹ giữ kỹ nha, đừng đeo lúc làm việc nhà, lỡ trầy xước thì tiếc lắm."

Tôi khựng lại. Đã tặng rồi, sao lại còn dặn dò kỹ lưỡng đến thế? Tôi chưa kịp đáp lời thì nó lại ghé sát tai tôi tiếp lời:

"Với lại, mẹ đừng cho em gái cái vòng này nha. Sau này để dành cho cháu nội, cháu ngoại ạ."

Tôi chột dạ. Hóa ra món quà này có kèm theo điều kiện sao? Vừa tặng vừa tính toán kỹ lưỡng, tặng cho tôi đấy, nhưng lại là để tôi giữ hộ, rồi sau này truyền lại cho cháu?

Tôi thấy nghẹn ứ nơi cổ họng. Bao nhiêu năm qua, tôi đã chu cấp cho gia đình con trai, góp tiền mua nhà, giúp chúng nó trông cháu, thậm chí tháng trước nó còn vay tôi 15 triệu để trả nợ. Vậy mà một chiếc vòng cũng khiến con dâu phải lăn tăn, tiếc rẻ đến vậy sao? Nếu tôi không giúp đỡ chúng nó, với tiền hưu của mình, tôi dư sức tự mua được mấy chiếc vòng vàng rồi.

Con dâu vẫn cười, giải thích là chỉ nhắc vậy thôi chứ không có ý gì, vì vàng mềm, dễ trầy xước. Nhưng, tôi không nói gì thêm. Trong lòng tôi lúc đó đã có một quyết định rõ ràng: sẽ ngừng chu cấp cho con trai, con dâu và dọn về căn nhà của mình sống.

Từ giờ, tôi sẽ sống cho bản thân mình, đừng hy vọng vào thứ tình cảm có đi kèm điều kiện như thế nữa. Mọi người thấy tôi làm vậy có đúng không?

Báo Thời báo VHNT có bài viết: "Mẹ gọi điện bảo về gấp vì bố ốm nặng, đến nơi thấy người ngồi cạnh bố, tôi đưa mẹ vào viện", nội dung như sau:

Trong cuộc đời, có những khoảnh khắc mà chỉ một tiếng chuông điện thoại cũng đủ sức thay đổi mọi thứ. Hôm ấy, khi đang vùi đầu vào công việc, chiếc điện thoại của tôi bỗng reo liên hồi. Là mẹ. Ba cuộc gọi nhỡ liên tiếp hiện lên màn hình khiến trái tim tôi như lửa đốt. Mẹ tôi vốn là người kín đáo, ít khi làm phiền con cái, nhất là trong giờ làm, trừ phi có chuyện gì thật sự nghiêm trọng.

Tôi vội vàng bấm gọi lại.

"Bố con... nhập viện rồi. Về nhà đi con, mẹ... không biết phải làm sao...", giọng mẹ nghẹn ngào, đứt quãng. Chỉ một câu nói ấy thôi, mọi suy nghĩ trong đầu tôi dường như tan biến. Tôi xin nghỉ việc gấp, vơ vội đồ đạc rồi bắt chuyến xe sớm nhất về quê. Suốt quãng đường dài đằng đẵng, tâm trí tôi chỉ quẩn quanh hình ảnh bố nằm trên giường bệnh, mẹ ngồi khóc nức nở bên cạnh, và nỗi sợ hãi tột cùng khi nghĩ đến việc mất đi người thân cứ thế bóp nghẹt tim tôi.

Khi tôi về đến cổng nhà, trời đã nhá nhem tối. Tôi lao vào sân, hơi thở hổn hển, nhưng cảnh tượng đập vào mắt lại khiến tôi chết sững ngay trước bậc thềm.

Bố tôi đang ngồi đó, ngay trong phòng khách. Trông ông có vẻ mệt mỏi, nhưng hoàn toàn không phải hình ảnh một người đang cấp cứu hay nằm viện như tôi đã tưởng tượng. Bên cạnh ông là một người phụ nữ trẻ trung, ăn mặc rất sành điệu. Cô ta ngồi vắt chân đầy tự tin, ánh mắt nhìn thẳng vào tôi chẳng chút e dè.

Tôi chết lặng. Mọi thứ trong đầu như sụp đổ. Tôi chưa từng gặp cô ta bao giờ, nhưng một linh cảm kinh hoàng mách bảo rằng, người này có một mối liên hệ mật thiết và khủng khiếp với gia đình tôi.

Đúng lúc ấy, mẹ tôi từ trong bếp bước ra, gương mặt bà tái nhợt khi thấy tôi đã về. Bà định nói điều gì đó, nhưng tôi đã cất tiếng trước, giọng khàn đặc:

"Bố không nằm viện à?"

Không ai trả lời. Không khí trong phòng đặc quánh, nặng nề đến nghẹt thở. Cuối cùng, mẹ tôi khẽ thở dài, nhìn tôi với đôi mắt đau đáu: "Mẹ... mẹ chỉ nói vậy để con chịu về..."

Tôi gần như không thể tin vào tai mình. Thì ra tất cả chỉ là một cái cớ? Mẹ đã phải dựng lên câu chuyện bố nhập viện chỉ để gọi tôi về quê. Nhưng vì điều gì?

Người phụ nữ kia bỗng đứng dậy, đặt tay lên bụng, rồi thản nhiên bước vài bước về phía mẹ tôi. Giọng cô ta ngọt ngào đến đáng sợ: "Chị nên hiểu, người đàn ông mà chị đang giữ đã chọn em. Và đứa bé này là con của anh ấy. Em không hiểu sao chị vẫn cố níu kéo. Anh ấy không còn yêu chị nữa rồi. Chị nên biết điều mà rút lui đi."

Mẹ tôi đứng chết trân. Gương mặt bà cứng đờ, đôi tay run rẩy. Tôi thấy bà cố gắng lắm để giữ bình tĩnh, nhưng ánh mắt đã nhòe lệ. Bàn tay bà bấu chặt vào mép bàn như muốn níu lấy chút tự trọng cuối cùng còn sót lại.

Tôi như bật dậy, giọng gắt lên: "Cô im đi! Cô đang đứng trong căn nhà của mẹ tôi. Đứa bé trong bụng cô không thay đổi được sự thật rằng cô là kẻ chen chân vào gia đình người khác!"

Cô ta nhún vai, vẫn giữ nguyên vẻ lạnh lùng: "Tôi không tranh cãi. Tôi chỉ nói sự thật. Nếu không vì mẹ cô thì bố cô đã chẳng phải sống tẻ nhạt suốt bao năm qua."

Ngay lúc đó, mẹ tôi chợt loạng choạng. Bà lùi lại một bước, rồi khuỵu xuống sàn nhà. Tôi vội vàng lao đến, đỡ lấy thân hình gầy guộc ấy. Mẹ ngước lên nhìn tôi, ánh mắt trống rỗng, miệng thì thầm: "Mẹ... không sao... mẹ chỉ... choáng một chút..."

Tôi dìu mẹ ra xe ngay lập tức, không buồn ngoái đầu nhìn lại. Bố tôi vẫn ngồi đó, như một pho tượng đá, không nói một lời nào. Còn cô ta, người đang mang thai đứa em cùng cha khác mẹ với tôi, thì lạnh lùng quay đi.

Tại bệnh viện, bác sĩ cho biết mẹ bị tụt huyết áp và sốc tâm lý, phải truyền nước và theo dõi thêm. Tôi ngồi suốt bên giường bệnh, nắm chặt tay mẹ. Lần đầu tiên, tôi thấy mẹ nhỏ bé và mỏng manh đến vậy.

Tối hôm đó, bố gọi điện. Giọng ông nghẹn lại: "Bố xin lỗi. Bố không ngờ mọi chuyện lại thành ra thế này."

Tôi không nói gì. Thật ra, tôi chẳng biết phải nói gì nữa, bởi vì có những lời xin lỗi, dù chân thành đến mấy, cũng chẳng thể hàn gắn được những vết thương đã quá sâu.

Vài hôm sau, mẹ xuất viện. Tôi dọn dẹp lại nhà, thay khóa cổng và tuyên bố dứt khoát với bố rằng ông muốn ở lại hay đi theo người phụ nữ kia thì tùy. Nếu ông chọn ở lại, ông phải cắt đứt mọi mối quan hệ với cô ta, và cô ta sẽ không bao giờ được phép bước chân vào căn nhà này thêm lần nào nữa. Và, bố tôi đã chọn người phụ nữ kia.

Tôi quyết định xin tạm nghỉ việc một thời gian, ở lại chăm sóc mẹ. Không phải vì tôi sợ mẹ sẽ gục ngã thêm lần nữa, mà vì tôi biết có những vết thương, dù đã từng chịu đựng rất nhiều, vẫn có thể rách toạc chỉ bởi một cú tát nghiệt ngã của số phận.

Tôi không còn là đứa con gái vô tư nghĩ rằng bố mẹ rồi sẽ tự ổn. Tôi hiểu rằng, nếu tôi không đứng bên mẹ lúc này, thì sau này có hối hận cũng đã muộn rồi.

Nguồn:

https://arttimes.vn/gia-dinh/mung-ro-vi-duoc-con-dau-tang-vong-vang-nhung-nghe-cau-noi-dua-cua-con-toi-lang-le-ve-que-c59a64573.html

https://arttimes.vn/gia-dinh/me-goi-dien-bao-ve-gap-vi-bo-om-nang-den-noi-thay-nguoi-ngoi-canh-bo-toi-dua-me-vao-vien-c59a64513.html

Nước giặt quốc dân không cần nước xả vẫn thơm, hơn 1,2 triệu người dùng Shopee cho 5 sao!