Khi sinh con, lao động nữ sẽ được nhận 3 khoản tiền này
Mức trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức tham chiếu tại tháng lao động nữ sinh con, nhận con do nhờ mang thai hộ, nhận nuôi con nuôi.
Ngày 16/07/2025, Đời sống Pháp luật đưa tin "Khi sinh con, lao động nữ sẽ được nhận 3 khoản tiền này". Nội dung chính như sau:
Đối tượng và điều kiện hưởng chế độ thai sản
Điều 50. Đối tượng và điều kiện hưởng chế độ thai sản - Luật Bảo hiểm xã hội 2024
...
2. Đối tượng quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng liền kề trước khi sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi.
3. Đối tượng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng liền kề trước khi sinh con.
...
5. Đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng liền kề trước khi sinh con đối với trường hợp phải nghỉ việc để điều trị vô sinh.
Khi sinh con, lao động nữ sẽ được nhận 3 khoản tiền này!
1. Tiền trợ cấp một lần khi sinh con
Điều 58 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định về chế độ hưởng trợ cấp một lần khi sinh con như sau:
- Lao động nữ sinh con có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 hoặc khoản 5 Điều 50 của Luật này thì được trợ cấp một lần khi sinh con. Lao động nữ sinh con nhưng không đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 hoặc khoản 5 Điều 50 của Luật này mà người chồng có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 50 của Luật này thì người chồng được trợ cấp một lần.
- Lao động nữ mang thai hộ có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 50 của Luật này thì được trợ cấp một lần khi sinh con.
Trường hợp người mang thai hộ không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc không đủ điều kiện thì người mẹ nhờ mang thai hộ đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm nhận con được trợ cấp một lần.
Trường hợp người mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc không đủ điều kiện thì người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm nhận con được trợ cấp một lần.
Trường hợp người mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ và người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc không đủ điều kiện thì người chồng của người mang thai hộ đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm người mang thai hộ sinh con được trợ cấp một lần.
- Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 50 của Luật này thì được trợ cấp một lần.
Mức trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức tham chiếu tại tháng lao động nữ sinh con, nhận con do nhờ mang thai hộ, nhận nuôi con nuôi. Theo khoản 13 Điều 141 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu quy định tại Luật này bằng mức lương cơ sở. Tại thời điểm mức lương cơ sở bị bãi bỏ thì mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở đó.
Hiện nay, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng. Như vậy, trợ cấp 1 lần/con = 2,34 triệu đồng x 2 = 4,68 triệu đồng.

Ảnh minh họa
2.Tiền thai sản trong thời gian nghỉ sinh
Theo quy định tại khoản 1 Điều 139 của Bộ luật Lao động 2019, lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng.
Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Tiền thai sản trong thời gian nghỉ sinh của lao động nữ được tính theo Điều 59 của Luật Bảo hiểm xã hội 2024: Trợ cấp thai sản một tháng của người lao động bằng 100% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của 6 tháng gần nhất trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
3.Tiền dưỡng sức sau sinh
Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội quy định về chế độ dưỡng sức sau sinh như sau: Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của lao động nữ sinh con, lao động nữ chưa phục hồi sức khỏe thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe liên tục bao gồm cả ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định; trường hợp hai bên có ý kiến khác nhau thì người sử dụng lao động quyết định số ngày nghỉ trên cơ sở đề nghị của Ban Chấp hành công đoàn cơ sở, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa có công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tối đa được quy định như sau: 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên; 7 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật; 5 ngày đối với trường hợp khác.
Mức hưởng cho một ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản bằng 30% mức tham chiếu.
Lưu ý, không áp dụng trong trường hợp lao động nữ trở lại làm việc trước khi hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con.
Ngày 10/3/2025, báo Chính Phủ đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Lao động nữ sinh con thứ 2 có thể nghỉ thai sản tới 7 tháng". Nội dung như sau:

Không kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3, mức sinh tăng nhưng không đáng kể
Trao đổi với phóng viên Báo Chính phủ, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế chia sẻ, qua rà soát các văn bản hiện hành cho thấy, việc quy định số con của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân và việc xử lý kỷ luật đối với đảng viên sinh con thứ 3 trở lên hiện không còn phù hợp với thực tiễn do mức sinh của Việt Nam đang giảm xuống dưới mức sinh thay thế: từ 2,11 con/phụ nữ (2021) xuống 2,01 con/phụ nữ (2022), ở mức 1,96 con/phụ nữ (2023) và 1,91 con/phụ nữ (2024), mức giảm thấp nhất trong lịch sử và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.
Theo ông Dũng, quyết định không kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3 trở lên chỉ là một trong những nội dung nhằm duy trì mức sinh thay thế, tránh mức sinh tiếp tục giảm thấp.
Nhiều nghiên cứu hiện nay cũng chỉ ra rằng, mong muốn có hai con trong mỗi gia đình vẫn đang phổ biến nhưng không phải cặp vợ chồng nào cũng hiện thực được mong muốn đó. Các yếu tố trong cuộc sống chi phối rất nhiều đến quyết định sinh con của người dân.
"Do vậy, sau khi sửa quy định không kỷ luật đối với đảng viên sinh con thứ 3 trở lên, có thể mức sinh sẽ tăng trong giai đoạn ngắn, tuy nhiên tăng không đáng kể", ông Lê Thanh Dũng nhận định.
Từ kinh nghiệm thực thi chính sách của các quốc gia trên thế giới cho thấy, lãnh đạo Cục Dân số cho rằng, cần thiết phải triển khai sớm, đồng bộ các giải pháp, chính sách đảm bảo điều kiện cần và đủ cho phụ nữ, cặp vợ chồng sinh con và chăm sóc, nuôi dưỡng con tốt, nhằm ngăn chặn xu hướng mức sinh tiếp tục giảm thấp.
Đồng thời, hy vọng rằng, quyết định này sẽ là khởi đầu tích cực và cùng với các biện pháp, chính sách quyết liệt trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có thể đạt được các mục tiêu của công tác dân số.

Nhiều gia đình vẫn muốn có hai con - Thời cơ quan trọng để duy trì mức sinh thay thế
Hiện nay, hơn một nửa số quốc gia trên toàn cầu có mức sinh dưới mức thay thế (2,1 con/phụ nữ). Gần 1/5 số quốc gia trên thế giới đang trải qua tình trạng mức sinh "rất thấp" (ít hơn 1,4 con/phụ nữ).
Mức sinh thấp kéo dài sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, suy giảm quy mô dân số, đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số, gia tăng các dòng di cư.
Hiện nay, đa số các quốc gia giàu đang phải sử dụng lao động nhập cư để bù đắp thiếu hụt lao động, đảm bảo đủ nguồn nhân lực để phát triển kinh tế.
Nhật Bản, Hàn Quốc là những ví dụ điển hình của "bệnh thu nhập cao, mất khả năng tái tạo đầy đủ con người". Hai quốc gia này đã tập trung phát triển kinh tế và thành công trở thành nước có thu nhập cao song không "tái tạo" được đầy đủ con người cho nước mình.
Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, nhiều nước trên thế giới đã thành công trong việc giảm sinh nhưng chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh rất thấp về mức thay thế, cho dù có nhiều chính sách khuyến sinh với nguồn lực đầu tư lớn.
Nhật Bản, Hàn Quốc là những ví dụ điển hình, dù đã được cảnh báo từ sớm khi mức sinh thấp kéo dài nhưng do không có phản ứng và chính sách kịp thời, mức sinh tiếp tục suy giảm.
Việt Nam chính thức đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 (2,09 con/phụ nữ) và tương đối ổn định xung quanh mức sinh thay thế trong suốt 16 năm tính đến năm 2022. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, 2023-2024, mức sinh bắt đầu có dấu hiệu giảm nhanh hơn và được dự báo tiếp tục giảm trong các năm tới.
Theo dự báo, kịch bản mức sinh tiếp tục giảm, đến năm 2039, Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ dân số vàng, năm 2042 quy mô dân số trong độ tuổi lao động đạt đỉnh và sau năm 2054 dân số sẽ bắt đầu tăng trưởng âm. Tại thời điểm này, hệ lụy của mức sinh thấp kéo dài sẽ dẫn đến thiếu hụt lực lượng lao động, suy giảm quy mô dân số.

Với bài học kinh nghiệm rút ra từ hầu hết các nước có mức sinh thấp hiện nay, khi đã đạt mức sinh thay thế, từ góc nhìn của nhà quản lý, ông Lê Thanh Dũng cho rằng, cần và ngay lập tức linh hoạt về chính sách, biện pháp can thiệp đối với mức sinh nhằm ngăn chặn việc mức sinh giảm xuống thấp hoặc quá thấp.
Bên cạnh đó, mong muốn có hai con trong mỗi gia đình người Việt hiện nay vẫn đang phổ biến. Vì vậy, đây sẽ là thời cơ quan trọng, cần tận dụng để duy trì mức sinh thay thế. Chúng ta cần có những đột phá trong chính sách kinh tế, xã hội, dân số và gia đình để có thể ngăn chặn giảm sâu, kéo dài, giữ được mức sinh thay thế, ngăn chặn suy thoái lao động, suy thoái dân số, suy giảm tăng trưởng kinh tế.
Lao động nữ sinh con thứ 2 có thể nghỉ thai sản tới 7 tháng
Hiện nay, Cục Dân số đã tham mưu Bộ Y tế trình Chính phủ Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dân số và dự thảo Luật Dân số có đề xuất gồm 3 nhóm chính sách. Đó là duy trì mức sinh thay thế; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; nâng cao chất lượng dân số.
Đối với chính sách duy trì mức sinh thay thế, dự thảo Luật dự kiến quy định, mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền quyết định bình đẳng, tự nguyện trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cá nhân, cặp vợ chồng.
Đồng thời, đề xuất cho phép lao động nữ khi sinh con thứ 2 được kéo dài thời gian nghỉ thai sản từ 6 tháng lên 7 tháng; tạo điều kiện cho phụ nữ sinh đủ 2 con ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp được hỗ trợ thuê, mua nhà ở xã hội.
Hiện nay, Bộ Chính trị đã giao Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ phối hợp, lãnh đạo chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Dân số trong năm 2025.
Nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, ngăn chặn xu hướng mức sinh tiếp tục giảm thấp tại một số tỉnh, thành phố, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030. Trong đó, một số giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc.
Đó là khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi…
Đồng thời, xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp với các gia đình nuôi con nhỏ như các dịch vụ thân thiện với người lao động: đưa, đón trẻ, trông trẻ, ngân hàng sữa mẹ, bác sỹ gia đình... Quy hoạch, xây dựng các điểm trông, giữ trẻ, nhà mẫu giáo phù hợp với điều kiện của bà mẹ, nhất là các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị.
Bên cạnh đó, hỗ trợ phụ nữ khi mang thai, sinh con như tư vấn, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, bao gồm sàng lọc vô sinh, sàng lọc trước sinh và sau sinh, phòng chống suy dinh dưỡng; tạo điều kiện trở lại nơi làm việc cho phụ nữ sau khi sinh con...
Hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con: mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; ưu tiên vào các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em; xây dựng mô hình quản lý, phát triển kinh tế gia đình.
Mới đây nhất, trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội vào ngày 6/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, bây giờ không hạn chế sinh con để chống già hóa dân số, nhưng nhà ở chỉ có 10 m2, 15 m2, 20 m2 thì làm sao sinh ba được. Đây là động lực phát triển dân số chứ không chỉ là vấn đề ăn ở