Người mong muốn cầu mưa cho TPHCM khẳng định từng làm ở nhiều tỉnh, thành công 98%

Sau khi tự nhận có khả năng cầu mưa cho TP.HCM, ông Lê Minh Hoàng bất ngờ nhận lỗi về một văn bản trước đây khi làm việc với chính quyền. Vì sao?

Mới đây, báo Thanh Niên đăng tải bài viết "Người tự nhận cầu mưa được cho TP.HCM bất ngờ nhận lỗi: Vì chuyện gì?" có nội dung như sau:

Liên quan vụ ông Lê Minh Hoàng (ngụ xã Bột Xuyên, H.Mỹ Đức, Hà Nội) - người tự nhận có thể cầu mưa cho TP.HCM bằng phương pháp cầu nguyện gây xôn xao dư luận, mới đây, ông Hoàng lại nhận lỗi khi làm việc với chính quyền nơi cư trú.

Vì sao ông Hoàng được mời làm việc?

Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo UBND H.Mỹ Đức cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin Lê Minh Hoàng cư trú tại địa phương tự nhận có khả năng cầu mưa cho TP.HCM và cung cấp văn bản xác nhận chính ông đã cầu nguyện cho nông dân của HTX nông nghiệp Mỹ Thành bớt thiệt hại trong vụ mùa, huyện đã yêu cầu UBND xã Mỹ Thành và UBND xã Bột Xuyên báo cáo sự việc.

Người tự nhận cầu mưa được cho TP.HCM bất ngờ nhận lỗi: Vì chuyện gì?- Ảnh 1.

TP.HCM nắng nóng gay gắt những ngày qua

Theo đó, trong văn bản trên, ông Lê Minh Hoàng viết, sau thời gian quan sát, giữa lúc lúa chín vào tháng 8.2023 thì xảy ra gió giật mạnh, ông Hoàng đã cầu nguyện để bớt thiệt hại cho xã viên.

UBND xã Mỹ Thành cũng làm việc với ông Đinh Quang Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Thành và xác nhận, chữ ký, dấu đóng trên văn bản mà ông Hoàng cung cấp đúng là của ông Thành.

Cùng lúc, UBND xã Bột Xuyên đã mời ông Lê Minh Hoàng lên làm việc.

Theo lãnh đạo UBND H.Mỹ Đức, huyện đang chờ báo cáo chính thức của 2 xã trên. Trước mắt, ông Hoàng xin lỗi về việc công khai văn bản, ông Hoàng nhận sai và xin rút lại các văn bản đã gửi.

Đại diện chính quyền địa phương nhìn nhận, có thể xuất phát từ quê hương thuần nông với nghề trồng lúa nước là chủ yếu, nên phát sinh sự việc trên.

"Huyện đang giao cho cơ quan nội vụ, tôn giáo xem xét thêm về sự việc. Riêng trường hợp ông Thành ký, đóng dấu của HTX vào văn bản của ông Hoàng, chúng tôi sẽ có hình thức xử lý phù hợp", lãnh đạo UBND H.Mỹ Đức nói.

Ông Lê Minh Hoàng giải thích gì?

Sáng 16.4, ông Lê Minh Hoàng chia sẻ, ông đã đến làm việc với chính quyền về văn bản có dấu của HTX Mỹ Thành.

Theo lời ông Hoàng, trong buổi làm việc, ông được cơ quan chức năng nhấn mạnh rằng những gì có liên quan đến dấu đỏ chưa được kiểm chứng thì không nên đưa lên mạng xã hội.

Người tự nhận cầu mưa được cho TP.HCM bất ngờ nhận lỗi: Vì chuyện gì?- Ảnh 2.

Văn bản TS Nguyễn Hoàng Điệp ký gửi Chi cục Thủy lợi TP.HCM giới thiệu ông Lê Minh Hoàng có khả năng cầu mưa nhưng chưa kiểm chứng

Chụp màn hình

"Về báo cáo của tôi, họ hỏi tôi lấy các con số chi tiết về giảm thiệt hại vụ mùa cho bà con HTX Mỹ Thành ở đâu, tôi nói do tôi thương bà con làm nông nên ra bờ ruộng nằm theo dõi, xem gió đến lúa ngã đổ vào thời điểm nào. Từ đó, tôi mới ghi giờ giấc vào được như vậy", ông Hoàng nói.

Cũng theo ông Hoàng, cơ quan chức năng giải thích cho ông hiểu rằng, việc giảm thiên tai của năm này so với năm trước hay không, phải do các cơ quan khoa học kiểm chứng, một mình giám đốc HTX là không được. Do vậy, ông Hoàng mới nhận lỗi và được yêu cầu rút lại các văn bản đã báo cáo liên quan đến dấu của HTX Nông nghiệp Mỹ Thành.

Người tự nhận cầu mưa được cho TP.HCM bất ngờ nhận lỗi: Vì chuyện gì?- Ảnh 3.

Đợt nắng nóng này ở TP.HCM kéo dài đến nửa cuối tháng 5

 

Về việc cầu mưa cho TP.HCM, ông Lê Minh Hoàng thông tin, các nơi ông gửi công văn giới thiệu của tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ văn hóa và Khoa học - công nghệ thuộc Liên hiệp các Hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam về khả năng cầu mưa, tới nay đều nói đang chờ xin ý kiến lãnh đạo.

PV đặt câu hỏi: "Tại sao ông phải chờ có giấy mời của chính quyền địa phương mới cầu mưa cho TP.HCM?", ông Hoàng cho biết, ông lo lắng rằng nếu ông tự đi mà không có sự hỗ trợ từ địa phương thì có thể hàng ngàn người kéo ra xem sẽ nguy hiểm. 

"Tôi không lập đàn cầu mưa, mà tôi chỉ xin chính quyền cử cán bộ dẫn tôi đến một vài nơi hỏi ý kiến người dân xong về tôi cầu nguyện xin mưa. Tôi đọc kinh cầu nguyện xin cho các vùng đang bị hạn hán, không có đòi hỏi gì thêm. Tôi chỉ đề nghị người dân khi thấy tôi xin mưa thì bình tâm, không ùn ùn kéo ra đường", ông Hoàng chia sẻ.

Như Thanh Niên đã đưa tin, Chi cục Thủy lợi TP.HCM tuần qua nhận được công văn từ tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp giới thiệu ông Lê Minh Hoàng - người có khả năng cầu mưa cho TP.HCM nhưng chưa được kiểm chứng.

Dù chưa chắc chắn về khả năng này của ông Hoàng, nhưng TS Điệp vẫn ký 10 công văn để ông Hoàng gửi đi vì thấy Nam bộ đang trong đợt hạn hán, nếu khả năng ông Hoàng cầu mưa được thì lợi cho đất nước và phúc cho nhân dân.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT TP.HCM cho biết Chi cục Thủy lợi cũng có báo cáo về đề xuất trên và đang nghiên cứu phúc đáp văn bản trên.

Tuy nhiên, ở góc độ cá nhân, vị này cho rằng rất khó để xem xét đề xuất của trung tâm này vì chính người đề xuất còn chưa chắc chắn về khả năng cầu mưa.

Tiếp đến, báo Tiền Phong từng có bài viết đưa thông tin có liên quan "Người muốn cầu mưa cho TPHCM khẳng định từng làm ở nhiều tỉnh, thành công 98%". Cụ thể như sau:

"Dân khu vực hạn hán mà đủ khát khao sẽ nhanh có mưa hơn. Tôi khẳng định, khả năng cầu mưa của tôi thành công trên 98%", ông Lê Minh Hoàng (quê Hà Nội) chia sẻ.

Mới đây, Chi cục Thủy lợi TPHCM vừa tiếp nhận văn bản đề nghị từ tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ văn hóa và khoa học - công nghệ (CTCS), giảng viên thỉnh giảng cao cấp của 3 trường đại học và nguyên Phó Hiệu trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người, về việc có một nhân vật có thể cầu mưa giúp miền Nam thoát cảnh hạn hán.

Người có khả năng "siêu nhiên" được ông Điệp giới thiệu tên Lê Minh Hoàng (SN 1967, ngụ huyện Mỹ Đức, Hà Nội).

Nên cho cơ hội thử nghiệm

Trong văn bản gửi Cục Thủy lợi TPHCM, tiến sĩ Điệp cho biết có gặp gỡ ông Hoàng 2 lần. Người đàn ông có khả năng "hô mưa, gọi gió" nhờ CTCS giới thiệu ông với lãnh đạo các tỉnh phía Nam tạo điều kiện trổ tài.

Ông Điệp dù chưa kiểm chứng được khả năng của ông Hoàng, nhưng ông rất xót xa khi hạn hán kéo dài làm mùa màng thất bát ở các tỉnh phía Nam.

Ông Điệp giới thiệu ông Hoàng với Chi cục Thủy lợi TPHCM, hy vọng người này có khả năng kỳ diệu gúp ích được đất nước.

Người muốn cầu mưa cho TPHCM khẳng định từng làm ở nhiều tỉnh, thành công 98% ảnh 1
Người dân một số tỉnh miền Tây đang khan hiếm nước ngọt nghiêm trọng do hạn hán. Họ phải đi lấy nước từ xe bồn (Ảnh: Bảo Kỳ).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Hoàng Điệp cho biết, Việt Nam và thế giới có rất nhiều người sở hữu năng lực đặc biệt, đến nay khoa học chưa kiểm chứng được. Vật lý lượng tử hiện làm đảo lộn toàn bộ các nghiên cứu vật lý trước đây.

Ví dụ, một người đàn ông tên Thế Trường ở nước ta gần 100 tuổi, bác sĩ chẩn đoán ông ta chết từ năm 1960 vì bị cắt gần hết dạ dày và phổi. Tuy nhiên, ông này luyện tập yoga và có khả năng ngồi vào chậu, hút nước từ hậu môn qua đại tràng.

Bên cạnh đó, ở Việt Nam có một nhà địa chất cầm cành cây đi trên đường. Nếu khu vực nào cành cây quay, khi đào xuống sẽ có mạch nước ngầm.

Ông Điệp tiếp tục dẫn chứng thời ông Donald Trump còn làm Tổng thống Mỹ, có một cơn bão dự báo đổ bộ vào bang Taxas. Lúc này, một nhà thờ đã rung chuông, hàng nghìn con chiên hướng não bộ vào tâm bão. Quả thật cơn bão không đổ bộ vào bang này.

Ông Điệp cho rằng khả năng của ông Hoàng chưa ai kiểm định. Ông không phủ định cũng không khẳng định ông Hoàng có khả năng "hô mưa, gọi gió", nhưng ông tin rằng con người có năng lực vô tận.

"Nhìn vào khoa học hiện tại phán xét sẽ không ổn. Tôi nghĩ nên để ông Hoàng có điều kiện phát huy hết khả năng để chứng minh sức mạnh của mình, thử nghiệm. Biết đâu ông cứu được hàng triệu nông dân ở miền Nam đang khốn khổ vì thiếu nước", tiến sĩ này nói.

Người "hô mưa, gọi gió" nói gì?

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Minh Hoàng cho biết, ông khám phá ra năng lực siêu nhiên của bản thân từ những năm 2000-2004. Năng lực cầu mưa của ông đã được hàng triệu người ở các tỉnh thành chứng kiến và công nhận. Sau mỗi lần cầu mưa thành công, ông đều lấy sổ ghi chép lại.

"Năm 2015, tôi vào Lâm Đồng cầu mưa cho người dân tưới cà phê, lượng mưa đổ xuống hơn 100mm. Tôi cầu đến 7 trận tầm tã, ngập nương rẫy mới về quê. Năm 2019, tôi cầu mưa lớn ở Bến Tre. Các tỉnh khác, tôi cầu mưa không biết bao nhiêu lần", ông Hoàng nói.

Tổng hợp