Ô tô cải tạo thành xe tập lái chưa đổi đăng ký có được đăng kiểm không?

Hiện có nhiều xe ô tô con sau khi cải tạo sang xe tập lái, được nghiệm thu cải tạo, cấp giấy chứng nhận đăng kiểm mới nhưng chưa làm thủ tục đổi thông tin trên giấy đăng ký xe.

Báo Giao thông ngày 28/04/2024 đưa thông tin với tiêu đề: "Ô tô cải tạo thành xe tập lái chưa đổi đăng ký có được đăng kiểm?". Với nội dung như sau:

Đường dây nóng Báo Giao thông nhận được phản ánh của chủ xe tập lái cho biết người này đã làm nghiệm thu cải tạo, được cấp giấy chứng nhận cải tạo, giấy chứng nhận đăng kiểm xe cải tạo sau khi thực hiện lắp thêm bàn đạp phanh phụ trên ô tô con để trở thành xe tập lái. 

Tuy nhiên, do sau đó không thực hiện đổi thông tin trên giấy đăng ký xe là xe tập lái nên gần đây khi đi đăng kiểm đã bị từ chối kiểm định.

Ô tô cải tạo thành xe tập lái chưa đổi đăng ký có được đăng kiểm?- Ảnh 1.

Ô tô con cải tạo thành xe tập lái nếu không đổi thông tin trên giấy đăng ký xe thành xe tập lái sau cải tạo sẽ bị từ chối đăng kiểm ở lần kiểm định tiếp theo (ảnh minh họa).

Về vấn đế này, lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm trên địa bàn Hà Nội cho biết, trong hai tháng gần đây, đơn vị này đã hướng dẫn và thực hiện kiểm định cho nhiều chủ phương tiện xe tập lái trong tình trạng tương tự.

Theo đó, nếu chủ xe vẫn giữ giấy chứng nhận cải tạo của phương tiện còn hiệu lực, có thể đưa giấy chứng nhận này đến cơ quan công an để làm thủ tục đổi thông tin trên giấy đăng ký xe thành xe tập lái, sau đó, đưa xe đến trung tâm đăng kiểm để kiểm định bình thường.

Trường hợp chủ xe còn giấy chứng nhận cải tạo nhưng đã hết hiệu lực (thời điểm xe cải tạo theo Thông tư 85/2014, giấy chứng nhận cải tạo chỉ có thời hạn trong 6 tháng), chủ xe đến trung tâm đăng kiểm thực hiện nghiệm thu cải tạo cho phương tiện trước đây để khai thông tin và xin cấp lại giấy chứng nhận cải tạo mới (không có thời hạn sử dụng theo quy định mới ở Thông tư 43/2023).

Sau đó, đưa giấy chứng nhận cải tạo này đến cơ quan công an làm thủ tục đổi thông tin trên giấy đăng ký xe thành xe tập lái và đưa phương tiện đi đăng kiểm bình thường.

Trường hợp chủ xe không còn giấy chứng nhận cải tạo (bị mất), theo quy định, chủ xe hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật phải gửi thông báo bằng văn bản cho đơn vị đăng kiểm đã nghiệm thu, trình báo và có xác nhận của cơ quan công an nơi mất giấy tờ, thực hiện thông báo tìm kiếm trên phương tiện thông tin đại chúng.

Sau 30 ngày kể từ ngày đơn vị đăng kiểm nhận được văn bản thông báo, nếu không tìm được giấy tờ đã mất thì chủ phương tiện hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật khai báo theo mẫu quy định của Thông tư 43/2023 kèm theo các giấy tờ liên quan cùng các bằng chứng đã thông báo tìm kiếm, giấy xác nhận của cơ quan công an đến đơn vị đăng kiểm để được in lại Giấy chứng nhận cải tạo trong 1 ngày làm việc kể từ ngày khai báo.

Sau đó, mang giấy chứng nhận cải tạo đến cơ quan công an làm thủ tục đổi thông tin trên giấy đăng ký xe thành xe tập lái và đưa xe đi đăng kiểm bình thường.

"Trường hợp này chủ xe khá mất thời gian để được cấp lại giấy chứng nhận cải tạo, do đó, để tháo gỡ cho người dân, trung tâm hướng dẫn chủ xe thực hiện phương án khác.

Đó là cải tạo tháo bàn đạp phanh phụ để được nghiệm thu cải tạo xe tập lái thành ô tô con. Sau đó tiếp tục lắp bàn đạp phanh phụ để trung tâm đăng kiểm thực hiện nghiệm thu xe cải tạo từ ô tô con thành xe tập lái, cấp giấy chứng nhận cải tạo, giấy chứng nhận đăng kiểm và tem kiểm định mới.

Sau đó chủ xe đưa giấy chứng nhận cải tạo đến cơ quan công an làm thủ tục đổi thông tin trên đăng ký xe thành xe tập lái, tạo thuận lợi cho lần đăng kiểm định kỳ tiếp theo.

Với phương án này, tuy tiết kiệm thời gian nhưng chi phí sẽ tốn kém hơn vì chủ xe phải trả phí nghiệm thu cải tạo, đăng kiểm và cấp giấy chứng nhận đăng kiểm, tem kiểm định hai lần", lãnh đạo trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội cho biết thêm.

Tiếp đến, trang tin Thư viện pháp luật cũng có bài đăng liên quan với thông tin: Từ ngày 01/11/2022, thay đổi điều kiện của xe tập lái theo Nghị định 70/2022/NĐ-CP? Thủ tục cấp giấy phép xe tập lái mới nhất? Nội dung được đưa như sau:

Theo Nghị định mới thay đổi điều kiện của xe tập lái như thế nào? Thủ tục cấp giấy phép xe tập lái mới nhất? Câu hỏi của anh Bình đến từ Bình Dương.

Từ ngày 01/11/2022, thay đổi điều kiện của xe tập lái theo Nghị định 70/2022/NĐ-CP?

Cụ thể, khoản 2 Điều 2 Nghị định 70/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị định 65/2016/NĐ-CP về xe tập lái tại các sơ sở đào tạo lái xe như sau:

- Bổ sung quy định phải có xe tập lái các hạng thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo lái xe;

- Được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xe tập lái;

- Trường hợp cơ sở đào tạo có dịch vụ sát hạch lái xe, căn cứ thời gian sử dụng xe sát hạch vào mục đích sát hạch, được phép sử dụng xe sát hạch để vừa sát hạch lái xe, vừa đào tạo lái xe nhưng số lượng xe sát hạch dùng để tính lưu lượng đào tạo không được quá 50% số xe sát hạch sử dụng để dạy lái.

Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 2 Nghị định 70/2022/NĐ-CP bãi bỏ các quy định:

- Xe tập lái phải thuộc sở hữu của cơ sở đào tạo lái xe.

- Có thể sử dụng xe hợp đồng thời hạn từ 01 năm trở lên với số lượng không vượt quá 50% số xe sở hữu cùng hạng tương ứng của cơ sở đào tạo đối với xe tập lái các hạng B1, B2, C, D, E;

- Xe tập lái hạng FC có thể sử dụng xe hợp đồng với thời hạn và số lượng phù hợp với nhu cầu đào tạo. Riêng xe hạng B1, B2 có số tự động được sử dụng xe hợp đồng.

Nghị định 70/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022.

 Từ ngày 01/11/2022, thay đổi điều kiện của xe tập lái theo Nghị định 70/2022/NĐ-CP? Thủ tục cấp giấy phép xe tập lái mới nhất?
Từ ngày 01/11/2022, thay đổi điều kiện của xe tập lái theo Nghị định 70/2022/NĐ-CP? Thủ tục cấp giấy phép xe tập lái mới nhất? (Hình từ Internet)

Thủ tục cấp giấy phép xe tập lái được quy định như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 12 Nghị định 65/2016/NĐ-CP (một số cụm từ được thay thế bởi điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị định 70/2022/NĐ-CP) như sau:

* Hồ sơ bao gồm:

- Danh sách xe đề nghị cấp giấy phép xe tập lái theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII kèm theo Nghị định này;

- Giấy đăng ký xe (bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực).

* Trình tự thực hiện

- Tổ chức gửi danh sách quy định tại điểm a khoản 1 Điều này kèm hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đào tạo lái xe trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xe tập lái quy định tại khoản 2 Điều 11 của Nghị định này;

- Sở Giao thông vận tải hoặc Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức kiểm tra cấp giấy phép xe tập lái cho tổ chức đề nghị cấp phép tại thời điểm kiểm tra cấp giấy phép đào tạo lái xe;

- Trong thời hạn không quá 01 ngày làm việc, kể từ ngày cấp giấy phép đào tạo lái xe cho cơ sở đào tạo, Sở Giao thông vận tải hoặc Cục Đường bộ Việt Nam cấp giấy phép xe tập lái. Trường hợp không cấp, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

- Trường hợp cấp lại giấy phép xe tập lái hoặc bổ sung xe tập lái: Cơ sở đào tạo lập 01 bộ hồ sơ bao gồm các thành phần nêu tại khoản 1 Điều này, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xe tập lái theo quy định tại khoản 2 Điều 11 của Nghị định này.

Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Sở Giao thông vận tải hoặc Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức kiểm tra, cấp giấy phép xe tập lái cho cơ sở đào tạo. Trường hợp không cấp, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Thủ tục cấp giấy phép đào tạo lái xe ô tô như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Nghị định 65/2016/NĐ-CP (điểm c khoản 1 Điều này bị bãi bỏ bởi Điều 2 Nghị định 138/2018/NĐ-CP; một số cụm từ bị thay thế bởi điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị định 70/2022/NĐ-CP), thủ tục cấp giấy phép đào tạo lái xe ô tô như sau:

* Hồ sơ bao gồm:

- Văn bản kèm báo cáo đề nghị cấp giấy phép đào tạo lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục X kèm theo Nghị định này;

- Quyết định thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp của cơ quan có thẩm quyền (bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực);

- Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe (bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực);

- Giấy đăng ký xe (bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực).

* Trình tự thực hiện

- Sau khi hoàn thành xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư phương tiện, trang thiết bị dạy lái xe theo tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn của cơ sở đào tạo lái xe ô tô; tổ chức, cá nhân lập 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp phép gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép đào tạo lái xe ô tô theo quy định tại khoản 3 Điều 13 của Nghị định này;

- Trường hợp hồ sơ chưa đủ theo quy định, trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Giao thông vận tải hoặc Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân;

- Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Sở Giao thông vận tải hoặc Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý giáo dục nghề nghiệp tổ chức kiểm tra thực tế cơ sở đào tạo, lập biên bản theo mẫu quy định tại Phụ lục XI kèm theo Nghị định này và cấp giấy phép đào tạo lái xe ô tô cho cơ sở đủ điều kiện. Trường hợp không cấp, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Tổng hợp