Lâm nợ sau lũ

Quảng BìnhTích góp, vay mượn được gần 500 triệu đồng mua 4.500 con gà nuôi bán Tết, anh Mai Văn Hòa lâm cảnh nợ nần khi gà cùng 3 tấn cám bị lũ nhấn chìm.

Báo Vnexpress ngày 31/10 đưa thông tin với tiêu đề: Lâm nợ sau lũ. Với nội dung như sau:  

"Trận lũ quá kinh hoàng, nước dâng quá sức tưởng tượng, không thể đối phó" anh Hòa, 46 tuổi, trú thôn Hương Thi, xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, kể.

Chiều 27/10, trời mưa tầm tã, nước từ khe suối đổ về ào ào, chảy qua các con đường liên thôn Hương Thi gây ngập cục bộ. Anh Hòa vội huy động cả nhà kê ba chuồng với 4.500 con gà lên cao 1,5 m, nhờ hàng xóm sang chuyển hơn 1.000 con vào nhốt trong nhà.

"Nhà nằm sát đồi, nền đất cao hơn các hộ trong thôn hơn nửa mét, tôi nghĩ đưa lên vị trí cao như vậy là an toàn rồi", anh Hòa nói. Nhưng nước lên quá nhanh, sau 10 phút đã ngập cả vùng.

Người dân thu gom gà chết tại trang trại của gia đình anh Hòa đưa đi tiêu hủy. Ảnh: Hùng Lê

Đến tối, nhà đã ngập gần 2 m, anh Hòa phải lên gác xép tránh lũ. Sáng hôm sau, 1.000 con gà nhốt trong phòng khách chết ngạt nổi lềnh bềnh. Bên ngoài trang trại cách nhà chính 30 m, ba chuồng với 3.500 con lâm cảnh tương tự. Ba tấn cám để lại kho ướt nhão, hư hỏng.

Sau 8 năm nuôi gia cầm, anh Hòa tích góp xây dựng hệ thống chuồng trại khang trang, trị giá hơn 600 triệu đồng. Vụ này anh bỏ ra gần 500 triệu đồng, trong đó vay hơn 200 triệu đồng của ngân hàng và người thân để mua gà giống về nuôi, dự tính cuối năm nay bán dịp Tết.

"Năm nay mất Tết rồi", anh Hòa nói. Nhẩm tính lỗ 500 triệu đồng, anh Hòa bảo sau lũ lâm cảnh nợ nần, nhưng nếu buông xuôi thì càng tồi tệ hơn. Anh dự tính khi nước rút sẽ dọn sạch chuồng trại, cuối năm mong ngân hàng tạo điều kiện cho vay thêm vốn để nuôi lứa mới vớt vát.

Dụng cụ nuôi gà bị lũ cuốn trôi, được anh Cường gom lại để sắp tới vay mượn tiền làm vụ mới. Ảnh: Hùng Lê

Cách nhà anh Hòa khoảng 500 m, trang trại rộng 500 m2 của gia đình anh Đỗ Văn Cường, 30 tuổi, cũng ngập khiến 4.200 con gà giống chết ngạt. "Mấy hôm nay vợ chồng không ngủ được, trằn trọc suy nghĩ không biết sắp tới xoay trở đâu ra tiền để trả lãi", anh Cường nói.

Vụ này anh Cường đầu tư hơn 400 triệu đồng nuôi gà, có một lứa 1.500 con khoảng 20 ngày nữa xuất bán, còn lại bán Tết. Sáng 28/10, vợ chồng anh sốc khi thấy gà nổi lềnh bềnh giữa dòng lũ. "Mất hết rồi", anh Cường bảo đó là câu trả lời lặp đi lặp lại nhiều lần khi hàng xóm, họ hàng tới hỏi thăm.

Nếu thuận lợi, lứa gà này sẽ giúp gia đình anh Cường thu về hơn 100 triệu đồng để trang trải các chi phí thức ăn, vật tư, nhân công. Mất trắng tài sản, anh nợ khoảng 150 triệu đồng tiền vốn vay ngân hàng. Mấy hôm nay vợ buồn rầu không thiết ăn uống, anh chỉ biết động viên "thôi mình cố vụ sau".

Theo lãnh đạo xã Trường Thủy, mưa lũ khiến 32.000 con gà và 200 con lợn trên địa bàn bị chết ngạt và cuốn trôi, thiệt hại hàng tỷ đồng. Chính quyền đã đến động viên chủ nuôi cố vượt qua mất mát, sắp tới tìm phương án hỗ trợ tái đàn.

Các ao nằm sát bờ biển xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch bị sóng đánh vỡ đê bao, cuốn trôi 7 tấn tôm. Ảnh: Đức Hùng

Tại xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, 6 ao tôm nuôi sát bờ biển ở thôn Thanh Xuân bị sóng đánh tan đê bao, cuốn 7 tạ tôm giống ra ngoài biển. Nhiều máy móc, thiết bị trong ao cũng bị những lớp cát dày vùi lấp. Tôm tuổi 15-60 ngày, chủ đầm tính toán thiệt hại hơn 2 tỷ đồng.

Ông Hoàng Minh Thái, Chủ tịch huyện Bố Trạch, cho biết đang yêu cầu các phòng ban chuyên môn kiểm tra, đánh giá mức độ sạt lở tại các ao tôm, sau đó làm báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Bình xem xét việc đầu tư xây dựng bờ kè.

Ảnh hưởng của bão Trà Mi và không khí lạnh, từ ngày 25/10 đến 29/10, Quảng Bình liên tục mưa to. Tổng lượng mưa ở hồ Sông Thai đã lên 1.210 mm, hồ An Mã 870 mm. Rạng sáng 29/10, lũ sông Kiến Giang tại Lệ Thủy đã lên cao nhất 4,14 m, vượt báo động ba 1,38 m, gây ngập diện rộng.

Người dân huyện Lệ Thủy chèo thuyền đi tránh lũ, ngày 30/10. Ảnh: Đức Hùng

Ngày 30/10, lũ rút chậm, vùng ngập vẫn rất lớn với 32.880 hộ dân (Lệ Thủy 19.700, Quảng Ninh 12.000 và TP Đồng Hới 1.000 hộ), mức ngập 0,5-1,5 m.

Đây là trận lũ lớn thứ hai trong 4 năm qua ở Quảng Bình, sau trận lũ tháng 10/2020. Năm đó toàn bộ vùng đồng bằng huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy bị ngập 2-4 m, kéo dài hơn 10 ngày, làm 25 người chết, thiệt hại kinh tế 3.500 tỷ đồng.

Tiếp đến, báo Lao Động cũng có bài đăng tương tự với thông tin: Cấp bách ổn định đời sống và khôi phục kinh tế sau bão lũ

Nội dung được báo đưa như sau:   

Trước thiệt hại do mưa bão gây ra đối với người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều giải pháp đã được gấp rút triển khai để ổn định và phục hồi kinh tế tại nhiều địa phương.

Cấp bách ổn định đời sống và khôi phục kinh tế sau bão lũ
Quảng Ninh là địa phương chịu thiệt hại nặng nề do bão số 3. Ảnh: Nguyễn Hùng

Ngân hàng và các tổ chức tín dụng sớm vào cuộc

Ngay từ cuối tháng 9.2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Chỉ thị số 04 nhằm góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Chỉ thị nêu rõ, thực hiện Nghị quyết số 143/NQ-CP của Chính phủ ngày 17.9.2024, Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hiệp hội trong ngành Ngân hàng thực hiện khẩn trương, kịp thời nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Đáng chú ý là giải pháp thực hiện khoanh nợ đối với khách hàng bị thiệt hại nặng nề về vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay do hậu quả bão lũ xảy ra trên phạm vi rộng.

Ngay sau chỉ đạo của NHNN, nhiều ngân hàng lớn đã triển khai gói tín dụng hỗ trợ cho khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh. Điển hình như Quảng Ninh, theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh, trong tổng số gần 18.000 khách hàng vay vốn các tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng nặng nề do hậu quả cơn bão số 3, dư nợ bị thiệt hại trên 10.000 tỉ đồng.

Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã thống kê, rà soát, nắm bắt thiệt hại; thực hiện giảm từ 0,5 - 2%/năm lãi suất cho vay; miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả; cơ cấu lại thời gian trả nợ; đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính theo quy định; triển khai có hiệu quả các giải pháp tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế; xây dựng các gói tín dụng mới với lãi suất phù hợp.

Đến nay, Quảng Ninh có 32/40 ngân hàng đăng ký các gói tín dụng mới, như: BIDV ban hành gói tín dụng 100.000 tỉ đồng, lãi suất giảm từ 0,5-2% cho cả khoản vay hiện hữu và vay mới để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 3; VietinBank triển khai gói tín dụng 100.000 tỉ đồng hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay vốn để phục hồi hoạt động sau ảnh hưởng của bão kể cả cho vay ngắn, trung, dài hạn với mức lãi suất ưu đãi hơn mức cho vay thông thường…

Bên cạnh đó, có nhiều ngân hàng còn có nhiều chính sách về lãi suất ưu đãi với khách hàng bị thiệt hại, như: Agribank cũng căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và lũ lụt để điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5-2%/năm và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6.9.2024 đến hết ngày 31.12.2024; giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay so với lãi suất cho vay đối với khoản vay phát sinh từ ngày 6.9.2024 đến ngày 31.12.2024. Vietcombank giảm 0,5% lãi suất cho các khách hàng vay vốn sản xuất kinh doanh ở khu vực bị thiệt hại do bão, từ ngày 6.9 đến hết năm nay.

Còn tại Hải Phòng, lãnh đạo NHNN Chi nhánh thành phố Hải Phòng cho biết, sau bão số 3, có tổng số 13.181 khách hàng bị thiệt hại do bão, với tổng dư nợ hơn 27.000 tỉ đồng, riêng Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hải Phòng có 11.769 khách hàng, tổng dư nợ bị ảnh hưởng 530 tỉ đồng.

Để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, NHNN Chi nhánh thành phố Hải Phòng chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho khách hàng như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới… để khôi phục sản xuất cho những khách hàng bị thiệt hại sau bão.

Ghi nhận của phóng viên Lao Động tại Lạng Sơn, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã chỉ đạo xem xét giãn nợ, miễn lãi cho khách hàng bị thiệt hại sau bão số 3 với các giải pháp như xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ đối với các món vay bị ảnh hưởng, phát sinh nợ đến hạn từ tháng 9.2024. Chưa thực hiện thu lãi tiền vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão đến hết tháng 12.2024 và đánh giá mức độ thiệt hại từng khoản vay của khách hàng để áp dụng biện pháp xử lý rủi ro phù hợp.

Ngoài ra, NHCSXH Lạng Sơn cũng yêu cầu các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác nắm bắt kịp thời khách hàng vay vốn bị thiệt hại để đề xuất các biện pháp xử lý như miễn, giảm lãi, xử lý nợ bị rủi ro theo quy định.

Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ xử lý nợ bị rủi ro đối với các khách hàng vay vốn bị thiệt hại do cơn bão số 3, chỉ đạo các tổ tiết kiệm và vay vốn trực thuộc bình xét cho vay đảm bảo công khai, dân chủ, đúng đối tượng, tập trung tuyên truyền, tổng hợp nhu cầu triển khai cho vay tại các địa bàn bị ảnh hưởng của bão lũ.

Còn tại Bắc Kạn NHCSXH Ba Bể là một trong những đơn vị sớm triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân. Trong đó thực hiện các thủ tục tạm dừng thu lãi tiền vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng sau bão tại địa phương đến hết ngày 31.12.2024 theo quy định. Đối với những hộ vay bị ảnh hưởng nếu đủ điều kiện để xử lý rủi ro theo quy định, Phòng Giao dịch sẽ chỉ đạo cán bộ trong việc thực hiện hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro, hướng dẫn lập hồ sơ rủi ro, kiểm tra, thẩm định, tính hợp pháp, hợp lệ đảm bảo đúng với thực tế của hồ sơ đề nghị xử lý nợ bị rủi ro trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Một gia đình người dân vùng lũ Mường Pồn, Điện Biên sống trong căn nhà tạm. Ảnh: Quang Đạt
Một gia đình người dân vùng lũ Mường Pồn, Điện Biên sống trong căn nhà tạm. Ảnh: Quang Đạt

Những chính sách an sinh kịp thời

Mới đây, HĐND tỉnh Yên Bái vừa thống nhất thông qua nghị quyết về chính sách hỗ trợ học phí với trẻ em mầm non, học sinh, học viên đang học tại các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn năm học 2024-2025. Theo đó, mức hỗ trợ 100% với khoảng hơn 22.000 học sinh, học viên (không bao gồm các trường hợp đã được miễn theo quy định của Luật Giáo dục và Nghị định 81 của Chính phủ về học phí). Tổng số tiền dự kiến hơn 48 tỉ đồng được trích từ ngân sách địa phương.

Việc hỗ trợ học phí cho học sinh mầm non, học sinh, học viên trên địa bàn tỉnh là rất kịp thời và cần thiết, cấp bách và thể hiện tính nhân văn nhằm chia sẻ khó khăn, hỗ trợ phụ huynh và học sinh trên địa bàn chịu ảnh hưởng của bão lũ trong thời gian qua.

Như vậy, đến nay, Yên Bái là địa phương thứ 7 trên cả nước thông qua nghị quyết miễn 100% học phí cho học sinh các cấp từ mầm non đến phổ thông trong năm học 2024-2025. Các địa phương khác miễn học phí gồm: Quảng Nam, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa.

Còn tại Hà Giang, mưa lớn kéo dài khiến một số khu vực tại tỉnh Hà Giang sạt lở, lũ quét nghiêm trọng gây nhiều thiệt hại về người, tài sản. Đặc biệt, hàng trăm người dân buộc phải di dời đến nơi an toàn khi tiếp tục xuất hiện các vết nứt, nguy cơ sạt trượt trên các đồi cao.

Điển hình là vụ sạt lở QL2 đoạn qua địa phận thôn Nậm Buông (xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang) vào sáng 29.9, vụ sạt lở vùi lấp nhiều người, phương tiện cùng một số nhà dân dọc tuyến đường. Cách điểm sạt lở trên chừng 500m, hàng trăm hộ dân tại thôn Thượng Mỹ (xã Việt Vinh) buộc phải di dời ngay trong đêm. Hiện người dân đã được đưa đến nhà văn hóa, trường học để đảm bảo an toàn.

Thông tin với Lao Động, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết, đã yêu cầu huyện Bắc Quang cần làm tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai. Yêu cầu các lực lượng chức năng nỗ lực triển khai các biện pháp tìm kiếm cứu nạn, có phương án xử lý khi xảy ra sự cố bất ngờ. Các địa phương đảm bảo an toàn, di dời người dân đến nơi an toàn, hỗ trợ nhu yếu phẩm để những hộ di dân ổn định cuộc sống tạm thời.