Thu nhập hơn 10 triệu đồng đã thuộc nhóm 20% dân số gi;àu nhất nước

Theo Tổng cục Thống kê, nhóm hộ giàu nhất (gồm 20% dân số giàu nhất) có thu nhập bình quân đạt 10,23 triệu đồng/người/tháng năm 2022, cao gấp 7,6 lần so với nhóm hộ nghèo nhất.

Báo Dân Trí ngày 17/04/2024 đưa thông tin với tiêu đề: "Thu nhập hơn 10 triệu đồng đã thuộc nhóm 20% dân số gi;àu nhất nước". Với nội dung như sau:

Kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2022 do Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng theo giá hiện hành đạt 4,67 triệu đồng, tăng 11,1 điểm % so với năm trước đó.

Vùng nào có thu nhập bình quân tháng cao nhất?

2022 là năm đánh dấu sự khôi phục về kinh tế và tình hình đời sống dân cư sau đại dịch Covid-19. Sau 2 năm 2019 và 2020, thu nhập bình quân đầu người giảm liên tiếp do tác động tiêu cực của đại dịch, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2022 quay trở lại xu hướng tăng như các năm từ 2019 trở về trước.

Thu nhập tăng đều ở cả thành thị và nông thôn. Thu nhập bình quân ở khu vực thành thị đạt gần 5,95 triệu đồng/người/tháng (tăng 10,3 điểm % so với năm 2021) cao gấp 1,54 lần thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn là 3,86 triệu đồng (tăng 10,8 điểm % so với năm 2021).

Trong 6 vùng, Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân tháng năm 2022 cao nhất (6,33 triệu đồng/người/tháng). Vùng có thu nhập bình quân thấp nhất là Trung du và miền núi phía Bắc (3,17 triệu đồng/người/tháng).

Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng theo giá hiện hành năm 2022 đạt 4,67 triệu đồng (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Nhóm hộ giàu nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất - nhóm 5) có thu nhập bình quân đạt 10,23 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 7,6 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất - nhóm 1).

Năm 2022 so với năm 2021, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng từ tiền lương, tiền công đạt 2,6 triệu đồng (tăng 8,2 điểm %), thu từ nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 0,47 triệu đồng (tăng 4,3 điểm %), thu từ phi nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 1,1 triệu đồng (tăng 15,9 điểm %), thu từ các nguồn thu khác đạt 0,5 triệu đồng (tăng 27,7 điểm %).

Cơ cấu thu nhập đang chuyển dịch theo hướng ngày càng tiến bộ hơn. Tỷ trọng các khoản thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thủy sản có xu hướng ngày càng giảm, từ 20,1% năm 2010 xuống 10,8% năm 2021 và còn 10,3% năm 2022.

Ngược lại, tỷ trọng các khoản thu từ hoạt động tự làm phi nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng so với năm 2019, 2020 và 2021 (34,6% so với 33,4%, 33,3% và 32,5%)

Tỷ trọng các khoản thu từ tiền lương, tiền công có giảm nhẹ so với năm 2021 (giảm 1,5%) nhưng vẫn duy trì ở mức cao (55,2%). Điều này cho thấy rằng, sau đại dịch các hoạt động tự làm phi nông, lâm nghiệp, thủy sản có sự phục hồi nhanh chóng.

Chi tiêu bình quân đầu người một tháng ở thành thị là 3,3 triệu đồng

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, năm 2022 chi tiêu bình quân đầu người một tháng xấp xỉ 2,8 triệu đồng, giảm 3,3 điểm % so với 2020. Có thể thấy dưới tác động của dịch Covid-19 các hộ gia đình có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là các hộ sống ở khu vực thành thị.

Chi tiêu bình quân đầu người một tháng ở thành thị là 3,3 triệu đồng (giảm 13,6 điểm % so với năm 2020), ở khu vực nông thôn là gần 2,5 triệu đồng/người/tháng (tăng 4,7 điểm % so với năm 2020). Năm 2022, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn được thu hẹp chủ yếu do giảm chi tiêu của người dân sống ở thành thị.

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra, chi đời sống chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi tiêu bình quân đầu người của hộ gia đình.

Năm 2022 chi cho đời sống bình quân một người một tháng là 2,7 triệu đồng (chiếm tới 95,5% trong tổng chi tiêu hộ gia đình), trong đó chi cho ăn uống bình quân đầu người một tháng xấp xỉ 1,3 triệu đồng và không phải ăn uống là 1,4 triệu đồng.

Sự bất bình đẳng trong chi tiêu đời sống bình quân đầu người một tháng quan sát được giữa nhóm giàu nhất (nhóm 5) và nhóm nghèo nhất (nhóm 1) là 3,2 lần năm 2022, với chi tiêu đời sống bình quân đầu người một tháng ở các hộ nhóm 5 gần 4,1 triệu đồng so với gần 1,3 triệu đồng/người/tháng ở các hộ thuộc nhóm 1.

Điểm nổi bật là chênh lệch giữa 2 nhóm giàu nhất và nghèo nhất năm 2022 có phần được cải thiện so với năm 2020 (chênh lệch năm 2020 là 5,7 lần) trong đó chủ yếu là do chi tiêu đời sống của nhóm giàu nhất giảm mạnh (5,7 triệu năm 2020 giảm còn 4,1 triệu năm 2022).

Theo cơ quan thống kê, mặc dù chi tiêu bình quân đầu người giảm nhưng thu nhập bình quân đầu người có xu hướng tăng so với năm trước, đánh dấu sự phục hồi của đời sống hộ gia đình sau đại dịch.

Bất bình đẳng trong xã hội vẫn còn tồn tại giữa các khu vực thành thị nông thôn, các vùng và giữa nhóm người thu nhập thấp và nhóm người thu nhập cao; do vậy các chính sách phục hồi sau đại dịch cần trọng tâm vào nhóm người yếu thế hơn trong xã hội.

Trước đó, báo Tuổi trẻ, ngày 30/03/2023 cũng có bài đăng liên quan với thông tin:Sống ở Hà Nội đắt đỏ nhất cả nước, tiếp đến là Quảng Ninh, TP.HCM. Nội dung được đưa như sau:

Chi phí sinh hoạt của người dân ở Hà Nội đắt đỏ nhất cả nước, tiếp đến là Quảng Ninh, TP.HCM. Ở chiều ngược lại, chi phí sinh hoạt của người dân các tỉnh Quảng Trị, Trà Vinh và Bến Tre rẻ nhất cả nước.

Sống ở Hà Nội đắt đỏ nhất cả nước, tiếp đến là Quảng Ninh, TP.HCM - Ảnh 1.

Nhóm hàng hóa thực phẩm thiết yếu tại TP.HCM có xu hướng rẻ hơn ở Hà Nội - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thông tin được Tổng cục Thống kê đưa ra trong báo cáo chỉ số giá sinh hoạt theo không gian năm 2022, công bố ngày 29-3. Nhiều nơi chi phí sinh hoạt đắt đỏ hay siêu rẻ ra sao?

Chi phí sinh hoạt Hà Nội đắt đỏ nhất, Quảng Trị rẻ nhất

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá sinh hoạt theo không gian là chỉ tiêu tương đối, phản ánh sự chênh lệch giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phục vụ đời sống hằng ngày của người dân giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, giữa các vùng kinh tế - xã hội trong một thời gian nhất định. Thông thường, mỗi năm Tổng cục Thống kê sẽ công bố chỉ số này một lần.

Báo cáo chỉ số giá sinh hoạt theo không gian năm 2022 ghi nhận Hà Nội dẫn đầu 63 tỉnh, thành phố trên cả nước về chỉ số giá sinh hoạt đắt đỏ.

Đây là năm thứ 2 liên tiếp cơ quan thống kê ghi nhận Hà Nội có giá cả sinh hoạt đắt đỏ nhất cả nước, tiếp đó là các địa phương Quảng Ninh, TP.HCM, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong khi đó, 5 tỉnh, thành phố có chi phí sinh hoạt hằng ngày rẻ nhất cả nước xếp theo thứ tự trong năm 2022 gồm: Quảng Trị, Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, và Nam Định.

Các tỉnh, thành phố có mức giá thấp nhất trong cả nước phần lớn là những địa phương có giá các mặt hàng trong nhóm ăn và dịch vụ ăn uống; may mặc, mũ nón và giày dép; nhà ở, tiền thuê nhà; thiết bị và đồ dùng gia đình; giao thông; bưu chính, viễn thông; dịch vụ giáo dục; dịch vụ vui chơi, giải trí ở mức thấp.

Sự chênh lệch trong chi tiêu giữa người dân ở địa phương có chi phí đắt đỏ nhất với địa phương có chi phí sinh hoạt thấp nhất cả nước như sau: khi mua cùng nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, nếu người dân Hà Nội phải chi trả 100 đồng/1 sản phẩm, dịch vụ thì người dân sống tại Quảng Trị chi trả khoảng 86,8 đồng/1 sản phẩm, dịch vụ.

Giá nhiều nhóm hàng thiết yếu tại TP.HCM rẻ hơn Hà Nội đắt đỏ

Và nếu so với Hà Nội đắt đỏ, chi phí sinh hoạt một số nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tại TP.HCM rẻ hơn. Ví dụ giá các sản phẩm may mặc, mũ nón và giày dép ở TP.HCM chỉ bằng 78,07% giá bán tại Hà Nội; tương tự chi phí dịch vụ văn hóa, giải trí và du lịch bằng 91,72%; giá các thiết bị đồ dùng gia đình 94,43%.

Các yếu tố làm cho giá một số loại hàng hóa thiết yếu tại TP.HCM rẻ hơn Hà Nội, theo lý giải của Tổng cục Thống kê là do nguồn cung hàng hóa dồi dào và tổ chức kết nối cung cầu bán lẻ hàng hóa tốt hơn.

Mức độ đắt đỏ trong sinh hoạt của người dân các tỉnh, thành phố những năm qua được Tổng cục Thống kê xác lập dựa trên ghi nhận giá cả của 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính.

Đó là các nhóm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống; đồ uống và thuốc lá; thuốc và dịch vụ y tế; may mặc, mũ nón, giày dép; nhà ở, điện nước, chất đốt; vật liệu xây dựng; thiết bị đồ dùng gia đình; giáo dục; giao thông; văn hóa giải trí và du lịch; hàng hóa dịch vụ khác.

Xét rộng hơn ở không gian cấp vùng, trong năm 2022, chi phí sinh hoạt của người dân Đồng bằng sông Hồng đắt đỏ nhất, tiếp đó là vùng trung du miền núi phía Bắc, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long.

Tổng hợp