Ông bố đề xuất không nên chọn người giàu làm trưởng ban phụ huynh

Nói về lý do không nên chọn người giàu làm trưởng ban phụ huynh, ông Hoàng Văn Minh cho biết: "Phụ huynh giàu không hiểu được cái khó của phụ huynh nghèo".

Báo Dân trí ngày 19/10/2023 có bài viết đưa thông tin với tiêu đề: "Ông bố đề xuất không nên chọn người giàu làm trưởng ban phụ huynh". Với nội dung như sau:

Phụ huynh giàu dùng tiêu chuẩn của người giàu cho số đông?

Ông Hoàng Văn Minh (43 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) có hai con đang học lớp 6 và 10. Mười năm đi họp phụ huynh cho con, ông Minh rút ra kết luận: "Không nên chọn người giàu làm trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh. Bởi họ sẽ dùng mức chi tiêu của người giàu làm tiêu chuẩn".

Theo ông Minh, mỗi năm học có rất nhiều hoạt động cần tổ chức cho học sinh. Hoạt động nào cũng cần đến tiền. Song, một Ban đại diện cha mẹ học sinh gồm những phụ huynh điều kiện kinh tế tốt sẽ đưa ra đề xuất khác biệt so với một Ban đại diện cha mẹ học sinh gồm những phụ huynh điều kiện kinh tế trung bình.

Hoạt động vui Tết Trung thu của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Huệ, Đông Triều, Quảng Ninh (Ảnh: HH).

"Tôi ví dụ, cùng một sự kiện Tết Trung thu, một ban phụ huynh khá giả thường đề xuất sắp mâm cỗ hoành tráng, đặt người làm chó bưởi, tỉa dưa hấu, mua đồ trang trí ở Hàng Mã. Nhanh, gọn, đẹp, nhàn và nhiều tiền. 

Nhưng lớp con tôi, bác trưởng ban là công chức Nhà nước. Bác chốt chỉ có 500.000 đồng cho sự kiện này. Nhà ai có ông bà, cô dì chú bác biết cắt tỉa hoa quả thì lên giúp lớp. Có phụ huynh đề xuất đặt cỗ, tăng thêm chi phí, bác phân tích không nên. Bác nói cứ mỗi phát sinh là phụ huynh sẽ phải đóng thêm tiền. 

Kết quả lớp có mâm cỗ đẹp đoạt giải ba toàn trường mà chỉ hết đúng 500 ngàn mua sắm nguyên vật liệu", ông Minh chia sẻ.

Ông Minh cũng dẫn chứng thêm, dịp con trai tốt nghiệp lớp 9, hầu hết các lớp đều tổ chức chụp ảnh kỷ yếu, tổ chức tiệc ở nhà hàng, tổ chức đi nghỉ dưỡng ở resort qua đêm, chi phí đóng góp lên 2-3 triệu bạc mỗi học sinh.

Riêng lớp con ông Minh, hội phụ huynh đề xuất chỉ chụp ảnh kỷ niệm trong khuôn viên trường học để không tốn kém chi phí đi lại. Tiệc chia tay làm trong công viên Yên Sở theo phong cách dã ngoại giản dị. 

"Tổ chức một sự kiện hoành tráng thì rất thích. Tôi cũng thích. Nhưng tôi muốn các con hiểu được rằng, khi ở trong tập thể, phải hạ tiêu chuẩn vật chất của mình xuống cho gần với thiểu số khó khăn, chứ không phải dùng tiêu chuẩn của số đông làm chân lý", ông Minh bày tỏ.

Ông Minh khẳng định, người làm trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh có điều kiện kinh tế trung bình sẽ hiểu được cái khó của phụ huynh nghèo. Họ biết về mức thu nhập và mức chi tiêu phổ thông. Họ phân tích được đóng góp bao nhiêu thì các gia đình tham gia được đông đủ.

Phụ huynh tham gia cùng học sinh trong một hoạt động ngoại khóa làm tranh sơn mài (Ảnh: HH).

Ngược lại, nếu trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh là người có điều kiện kinh tế tốt, quen với mức tiêu dùng cao, sẽ đưa ra đề xuất không phù hợp. 

"Đôi khi trong lớp chỉ có vài ba phụ huynh không có điều kiện kinh tế thôi. Họ có tự trọng nên không xin ai miễn giảm cả. Nếu phải đóng góp ở mức cao theo số đông, họ vẫn cố gắng được. Nhưng với tôi như thế là không hay.

Không nên để người nghèo phải kiễng chân với. Thay vào đó, người có điều kiện nên hạ thấp tiêu chuẩn của mình xuống", ông Minh nêu quan điểm.

Phụ huynh cần học cách nêu ý kiến thẳng thắn 

Chị Trần Huyền Trang (36 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, sở dĩ chuyện chi tiêu của quỹ hội phụ huynh gây tranh cãi một phần do phụ huynh chưa có thói quen bày tỏ ý kiến công khai.

"Thông thường, các khoản đóng góp, thu chi cần được lấy ý kiến đa số. Trong quá trình lấy ý kiến, rất hiếm phụ huynh phản hồi. Sau đó, phụ huynh mang băn khoăn, thắc mắc của mình lên mạng xã hội để "tám" chuyện thay vì bày tỏ chính những băn khoăn ấy trong nội bộ phụ huynh lớp. 

Người cần nghe thì không được nghe. Người không liên quan thì được bàn luận, thậm chí tùy ý vẽ nên chân dung méo mó của người mà họ không hề quen biết", chị Trang nêu thực trạng.

Chị Trang khẳng định, các vấn đề tiêu cực về chủ đề hội phụ huynh, quỹ lớp, quỹ trường đều có thể giải quyết khi các bậc cha mẹ có thói quen đóng góp ý kiến trên tinh thần tích cực, xây dựng.

"Nếu cha mẹ không đồng tình với mức thu, mức chi, hãy chỉ ra những khoản mục chưa hợp lý, đề xuất một con số khác. Hội phụ huynh rất cần những ý kiến như thế.

Hội phụ huynh không phải một hội chuyên môn. Không có nghề làm Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Họ không tự nhận làm mà do chúng ta cử ra. Họ có quyền được biết nhu cầu, mong muốn của từng phụ huynh, cũng cần được các phụ huynh có hiểu biết và kinh nghiệm hơn hỗ trợ, chỉ ra những gì chưa đúng, chưa hợp lý để điều chỉnh. Cuối cùng là vì tất cả các con chúng ta", chị Trang phân tích.

Giải đấu bóng tiểu học của học sinh tại Hà Nội (Ảnh: HH).

Trước câu hỏi có nên bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh hay không, chị Trang cho rằng tùy vào thực tế của mỗi trường, mỗi địa phương mà có câu trả lời. 

Theo quan điểm của chị Trang, mô hình trường ngoài công lập không cần tới Ban đại diện cha mẹ học sinh do nhà trường có tài chính lẫn nhân sự phụ trách các hoạt động ngoại khóa của học sinh.

Tuy nhiên, trường công lập thiếu cả ngân sách lẫn nhân sự. Giáo viên và học sinh cần sự hỗ trợ tích cực của gia đình để làm phong phú các hoạt động giáo dục trong nhà trường. 

"Tuy nhiên, ban phụ huynh hoạt động có hiệu quả hay không thì các phụ huynh không thể vô can.

Một ban phụ huynh nhiều nhất chỉ có 5 người. Một lớp học bậc phổ thông trung bình có 45 học sinh với 90 phụ huynh. Đổ lỗi cho ban phụ huynh có thật sự đúng đắn hay là thói quen đổ lỗi của người Việt chúng ta?", chị Trang đặt câu hỏi.

Tiếp đến, báo Lao động ngày 23/10/2023 cũng có bài đăng liên quan với thông tin: Tranh luận chủ đề không nên chọn người giàu làm trưởng hội phụ huynh. Nội dung được đưa như sau:

Trước việc trên mạng xã hội xuất hiện ý kiến cho rằng không nên chọn người giàu làm trưởng hội phụ huynh - bạn đọc cũng đưa ra nhiều quan điểm trái chiều xoay quanh vấn đề này.

Đồng tình với quan điểm này, anh Nguyễn Văn Hưng (26 tuổi, Thái Bình) có con học lớp mầm non 4 tuổi chia sẻ một câu chuyện của bản thân khiến anh cảm thấy khá khó chịu.

“Đầu năm học mới 2023 - 2024, nhà trường có đề xuất lắp thêm điều hòa cho các con. Vị đại diện phụ huynh có điều kiện kinh tế nên đã đồng ý với đề xuất của nhà trường và nêu ý kiến khiến chúng tôi không thể đáp ứng được ngay” - anh Hưng chia sẻ.

Theo anh Hưng, người đại diện phụ huynh này đề xuất lắp 2 chiếc điều hòa 2 chiều cho phòng học 30m2, công suất mỗi loại 12.000 BTU tổng trị giá 17 triệu đồng. Chia theo số học sinh theo học, mỗi học sinh phải đóng gần 600.000 đồng.

Tuy nhiên, điều đáng nói là vị đại diện phụ huynh này đề nghị lắp ngay đầu năm học để phục vụ cho mùa đông. Anh Hưng đã phản đối với lý do số tiền này khá nhiều so với hoàn cảnh của vài phụ huynh khác.

“Hầu hết phụ huynh ở nông thôn đều lo lắng ngày khai giảng đầu năm vì thời điểm này rất nhiều khoản phải chi, số tiền dồn đóng một lúc khá lớn. Bây giờ đóng thêm gần 600.000 đồng nhiều phụ huynh không thể đáp ứng được, nên không thể đề xuất là lắp ngay” - anh Hưng bày tỏ.

Một lý do nữa khiến anh Hưng phản đối đó là nhiều lớp khác lắp điều hòa 1 chiều để tiết kiệm. Lớp con anh Hưng theo học được đề nghị lắp 2 chiều trong khi chỉ dùng 6 tháng rồi sang năm lên lớp mới có phải rất lãng phí?

Trên mạng xã hội, nhiều người cũng tán thành với ý kiến không nên chọn người giàu làm trưởng hội phụ huynh. “Tôi thấy hầu hết các đại diện, trưởng phụ huynh hiện nay là người có điều kiện kinh tế, họ luôn đồng ý với các khoản thu chi của nhà trường, rất hiếm khi từ chối” - bạn đọc có tên Phạm Hương chia sẻ.

Ngược lại, chị Phạm Thị Ngọc (31 tuổi, Thái Bình) có con học lớp 2 cho biết, ở trường con chị theo học, trưởng phụ huynh hay đại diện phụ huynh lớp đều lấy danh sách từ năm ngoái. Và phần lớn các phụ huynh khác đều chấp nhận.

“Tôi thấy đại diện phụ huynh giàu hay nghèo đều khó tác động thay đổi được các khoản chi của nhà trường. Đâu phải phụ huynh nào có điều kiện kinh tế cũng chi tiêu không kiểm soát. Phụ huynh lớp con tôi luôn tôn trọng ý kiến mọi người, muốn chi thêm họ sẽ tự bỏ tiền túi chứ không yêu cầu chi chung” - chị Ngọc nói.

Đồng tình quan điểm, phụ huynh có nickname Vũ Hảo nói: “Người có điều kiện kinh tế cũng có cái lợi riêng. Họ biết tính toán, chi tiêu cẩn thận thế nên họ mới giàu. Đại diện phụ huynh lớp tôi thường xuyên tặng thêm tiền và hiện vật cho lớp".

Cùng bàn luận về vấn đề bầu chọn trưởng hội phụ huynh, bạn đọc Hoài Phương cho rằng, nhà trường nên bỏ ban đại diện hội phụ huynh. Khi cần trao đổi ý kiến và thông báo, thầy cô có thể làm các khảo sát trên Group Zalo rất tiện lợi mà kết quả vẫn khách quan, chính xác.

Trái lại, bạn đọc Nguyễn Anh nêu quan điểm: Bầu trưởng hội phụ huynh là dựa theo kết quả chung, không phải do nhà trường quyết định. Không quan trọng ai làm, miễn sao họ làm tốt, công bằng là được.