Nghỉ lễ 30/4-1/5, cả nước nắng nóng chưa từng có trong 10 năm qua

Thống kê từ Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, 10 năm qua, chưa có năm nào cả 3 miền Bắc - Trung - Nam cùng xảy ra nắng nóng trong giai đoạn 30/4-1/5.

Báo VTC News ngày 25/04/2024 đưa thông tin với tiêu đề: "Nghỉ lễ 30/4-1/5, cả nước nắng nóng chưa từng có trong 10 năm qua". Với nội dung như sau: 

Tối 25/4, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay là kỳ nghỉ lễ có thời tiết đặc biệt. 10 năm qua, chưa năm nào cả 3 miền Bắc - Trung - Nam cùng xảy ra nắng nóng trong giai đoạn 30/4-1/5.

Những ngày tới, đáng lưu ý nhất vẫn là tình trạng nắng nóng. Những ngày nghỉ lễ dịp 30/4, Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung chịu tác động của hoàn lưu vùng áp thấp nóng phía Tây.

Với tác động của hoàn lưu vùng thấp nóng phía Tây, từ 26/4 đến khoảng 30/4, Bắc Bộ sẽ nắng nóng gay gắt, mức nhiệt cao nhất trong ngày ở Tây Bắc Bộ từ 36-39 độ C, có nơi trên 40 độ C; Đông Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội nhiệt độ cao 36-38 độ C, có nơi trên 38 độ C.

Các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa-Phú Yên sẽ xảy ra nắng nóng gay gắt và nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ 37-40 độ C, có nơi trên 40 độ C.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ từ 26 đến 30/4 nắng nóng trên diện rộng với mức nhiệt cao 35-37 độ C, có nơi trên 38 độ C.

Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, cả nước nắng nóng gay gắt. (Ảnh minh họa)
Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, cả nước nắng nóng gay gắt. (Ảnh minh họa)

Dự báo sau kỳ nghỉ lễ 30/4, trong 1-2 ngày đầu tháng 5/2024, khối không khí lạnh yếu từ lục địa Trung Quốc di chuyển xuống, ở Bắc Bộ giai đoạn từ 1-2/5 khả năng xuất hiện mưa rào và dông trở lại. Ở miền Nam, gió Tây Nam cũng có xu hướng xuất hiện, gây mưa dông.

Giai đoạn những ngày đầu tháng 5/2024 ở miền Bắc, miền Nam cần đề phòng hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Dự báo xa hơn, từ nay cho đến tháng 6 (trọng tâm là tháng 5) là giai đoạn có sự chuyển biến thời tiết từ mùa lạnh sang mùa nóng, mùa khô sang mùa mưa ở Bắc Bộ nên các hiện tượng dông mạnh kèm lốc, sét, mưa đá có thể xuất hiện nhiều nhất trong năm. Ở vùng núi do tác động của địa hình có thể tạo ra các ổ mây đối lưu phát triển mạnh, hệ quả là gây ra các trận dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Tiếp đến, báo CAND ngày 22/4 cũng có bài đăng liên quan với thông tin: Thời tiết dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 như thế nào? Nội dung được đưa như sau:

Ngày 21/4, Phó Trưởng phòng Dự báo khí hậu - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Đức Hòa cho biết, trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 tới, thời tiết các khu vực trên cả nước phổ biến nắng nóng và nắng nóng gay gắt.

Tuy nhiên các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá vẫn có thể xảy ra, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.

Từ nay đến ngày 20/5, ông Hòa cho biết nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 1-2 độ C. Riêng phía Tây Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ, nhiệt độ trung bình có nơi cao hơn từ 2-3 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Hiện nay áp thấp nóng phía Tây đang hoạt động mạnh dần nên nắng nóng có xu hướng gia tăng nhiều hơn tại khu vực Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên. Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ dự báo cũng sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều ngày nắng nóng diện rộng, có nơi nắng nóng gay gắt.

“Dự báo khô hạn ở khu vực Tây Nguyên và khu vực Nam Bộ còn tiếp diễn. Tại khu vực Trung Bộ, khô hạn cũng có khả năng xuất hiện và kéo dài trong suốt thời kỳ dự báo - từ nay đến ngày 20/5,” ông Hòa lưu ý.

Về xu thế mưa, chuyên gia Nguyễn Đức Hòa cho biết trong thời gian dự báo trên, tổng lượng mưa tại tại các khu vực trên cả nước phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Cụ thể tại khu vực Bắc Bộ, tổng lượng mưa thấp hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ; riêng vùng núi phía Đông Bắc Bộ có nơi ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; khu vực Trung Bộ thấp hơn từ 20-40%; khu vực Tây Nguyên và khu vực Nam Bộ phổ biến thấp hơn từ 10-30%. “Với sự thiếu hụt mưa và khả năng nắng nóng gia tăng hơn so với trung bình nhiều năm, nguy cơ cao sẽ kéo dài thêm tình trạng khô hạn, thiếu nước và tiềm ẩn các nguy cơ cháy nổ rất cao,” ông Hòa nhấn mạnh.

Tuy vậy, đại diện cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia cũng lưu ý khoảng thời gian từ nay ngày 20/5 đang là thời kỳ giao mùa nên các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá vẫn có khả năng xảy ra trên phạm vi toàn quốc, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.

Trước mắt, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo từ ngày 23-24/4, tại khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và khu vực Thanh Hóa đến Phú Yên, nắng nóng có xu hướng giảm. Từ ngày 25/4, các khu vực này có khả năng sẽ xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt. Tại các nơi khác ở Bắc Bộ, cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia dự báo từ ngày 25/4 sẽ có nắng nóng cục bộ. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ từ ngày 22-20/4 dự báo có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt.

Từ nay đến ngày 30/4, nguy cơ hạn hán sẽ làm giảm năng suất, sản lượng cây trồng, giảm diện tích gieo trồng, tăng chi phí sản xuất nông nghiệp; tăng giá thành và giá cả các lương thực; giảm tổng giá trị sản phẩm chăn nuôi. Bên cạnh đó, hạn hán cũng có khả năng gây khó khăn cho các nhà máy thủy điện trong quá trình vận hành, làm suy giảm, ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến dân sinh, kinh tế-xã hội.

Tổng hợp