Bệnh nhân ung thư sắp mổ, gia đình lại xin hoãn vì một câu nói của thầy cúng

Nam bệnh nhân bị ung thư đường tiêu hóa, ê-kíp phẫu thuật đã sẵn sàng nhưng người nhà lại xin hoãn vì “thầy điện lên báo giờ xấu, mổ có thể chết”.

Báo Vietnamnet ngày  04/05/2024 có bài viết  đưa thông tin với tiêu đề: "Bệnh nhân ung thư sắp mổ, gia đình lại xin hoãn vì một câu nói của thầy cúng". Với nội dung như sau:

Ông N.V.T (62 tuổi, quê Hưng Yên) thường xuyên đau tức vùng thượng vị. Khi cơ thể sụt cân kèm theo tình trạng buồn nôn, ông vào Bệnh viện K (Hà Nội) kiểm tra. Bác sĩ phát hiện bệnh nhân có khối u dạ dày, sinh thiết là ung thư, được chỉ định mổ. Gia đình xin về nhà 3 ngày để chuẩn bị.

Trong suốt thời gian đó, vợ con ông T. tìm tới các thầy bói, thầy cúng để giải hạn, cầu cúng với hy vọng bệnh nhẹ. Ngày nhập viện, bệnh nhân được làm thủ tục chiếu chụp và các xét nghiệm cần thiết khác và chờ lên bàn mổ.

Buổi sáng, khi bác sĩ tư vấn trước mổ, người thân của bệnh nhân lại vào xin hoãn bởi "đã xem ngày giờ nhưng sớm nay đột nhiên thầy cúng bấm lại lịch báo giờ xấu, mổ có thể sẽ chết". Do đó, gia đình lo lắng nên xin thay đổi lịch mổ và chờ ngày đẹp.

Sau khi được các bác sĩ đã giải thích và tư vấn tâm lý, người bệnh đồng ý mổ dù gia đình còn lo lắng. Ca mổ kéo dài 2,5 tiếng thành công. Sau mổ, bệnh nhân hồi phục tốt.

Một trường hợp khác là bệnh nhân nam, 53 tuổi, đến phòng khám Tiêu hóa, Bệnh viện K, và được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày đang tiến triển rất nhanh. Ung thư đã di căn nhiều nơi trong gan và ổ bụng. Đặc biệt, bệnh nhân phát hiện mắc ung thư dạ dày giai đoạn rất sớm từ 4 năm trước. Thời điểm đó, bác sĩ tư vấn và khuyên ông nên phẫu thuật. Tuy nhiên, bệnh nhân từ chối vì sợ động dao kéo. Gia đình cũng đi xem bói và được "thầy phán không phải bệnh nan y". Do đó, bệnh nhân đã từ chối phẫu thuật vì “cảm thấy vẫn khỏe” và “không có biểu hiện gì”. 

Hai năm sau, bệnh nhân đau và khó chịu nhiều chấp nhận phẫu thuật. Sau phẫu thuật, bệnh nhân không điều trị hóa chất và tái khám lại định kỳ theo hẹn. Hai năm sau, tình trạng bệnh ung thư đã tiến triển.

Bác sĩ Lê Văn Thành khám cho người bệnh. Ảnh: BSCC.

Theo bác sĩ Lê Văn Thành, Khoa Ngoại tiêu hóa trên, Bệnh viện K, ung thư dạ dày là một trong những ung thư thường gặp. Bệnh đứng thứ 5 về tỷ lệ mắc và đứng thứ 4 về tỷ lệ tử vong trong số các ung thư. Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính, nhất là khi ung thư ở giai đoạn tại chỗ hoặc giai đoạn khu trú.

Theo dõi một số nhóm dành cho bệnh nhân ung thư trên mạng xã hội, bác sĩ Thành sửng sốt khi thấy những bài đăng, bình luận, chia sẻ về việc “chữa khỏi” ung thư bằng các phương pháp không chính thống như thực dưỡng, năng lượng gốc, thuốc đông y, thuốc nam, thuốc bắc… xuất hiện với tần suất dày đặc. Trong đó còn có sự xuất hiện của rất nhiều thầy cúng, thầy bói.

Vị bác sĩ này nhận định khi mắc ung thư, bệnh nhân và người nhà đều rơi vào tình trạng hoang mang nếu không tỉnh táo sẽ rất dễ rơi vào cạm bẫy. Kết quả là tiền mất, tật mang, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

"Thậm chí, có người còn khẳng định mổ giờ xấu bệnh nhân sẽ tử vong. Đến nay người bệnh vẫn khỏe mạnh sau 5 năm. Còn trường hợp khác, gia đình về cầu cúng, chữa thuốc nam chỉ 4 ngày rời Bệnh viện K đã tử vong", bác sĩ Thành chia sẻ. Do đó, ngoài công việc chuyên môn, các bác sĩ ung thư còn phải đấu tranh chống lại những biện pháp điều trị phản khoa học hay những lời "phán" vô căn cứ từ thầy lang, thầy cúng, thầy bói. 

Tiếp đến, báo VnExpress ngày 25/7/2020 cũng có bài đăng liên quan với thông tin: Niềm tin tâm linh không chữa khỏi ung thư. Nội dung được đưa như sau:

Niềm tin với bệnh nhân ung thư rất quan trọng, giúp họ lạc quan hơn, song không thể thay thế phác đồ điều trị, theo bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn.

Ung thư là bệnh lý của thể chất, không phải bệnh tinh thần, theo bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Đơn vị Tâm lý Lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Do đó tin rằng cầu nguyện, tâm linh có thể chữa được bệnh là sai lầm. Nhiều người vì vậy đã bỏ lỡ thời gian vàng điều trị ung thư, khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn, khó chữa, thậm chí đã ra đi nhanh chóng.

Bà Khánh, 53 tuổi, Đồng Nai, một bệnh nhân của bác sĩ Mẫn, là một ví dụ. Bà phát hiện ung thư gan giai đoạn 2 vào năm 2018. Nghe lời người thân, bà không phẫu thuật, hóa trị theo phác đồ của bác sĩ mà về nhà niệm chú, cầu nguyện khỏi bệnh. Đến khi các cơn đau dồn dập, khiến bà "chết đi sống lại", cơ thể suy kiệt, người nhà mới đưa đến bệnh viện. Ung thư gan đã di căn, tiên lượng sống còn vài tháng.

"Chính họ đã tự tước đi cơ hội sống lâu, sống khỏe của chính mình", bác sĩ Mẫn nói.

Bác sĩ Mẫn chăm sóc tâm lý cho bệnh nhân được chân đoán ung thư. Ảnh Minh Trí
Bác sĩ Mẫn chăm sóc tâm lý cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y Dược. Ảnh Minh Trí.

Theo bác sĩ, xưa, ung thư được xếp vào tứ chứng nan y: lao - phong - xơ gan cổ trướng - ung thư, biết bệnh mà không thể chữa khỏi. Song, khi y học hiện đại phát triển, các bốn loại đều có thể điều trị nếu phát hiện sớm. Định kiến "ung thư là chết" đã lỗi thời.

Ung thư là bệnh lý của thể chất, do các tế bào đột biến bất thường phát sinh trong cơ thể. Hậu quả của nó khiến người bệnh mệt mỏi, chán ăn, ốm yếu, mất sức lao động... và tổn thương tinh thần. Ung thư không phải bệnh về tâm lý. Vì vậy, để chữa khỏi ung thư, chỉ có một con đường duy nhất là tiêu diệt và ngăn chặn tế bào ung thư di căn.

Niềm tin với bệnh nhân ung thư rất quan trọng. Cùng với chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học, đông y, sự lạc quan và niềm tin sẽ khỏi bệnh... góp phần làm hệ miễn dịch mạnh hơn. khiến bệnh nhân tin tưởng thầy thuốc, phác đồ, quá trình tiếp nhận và điều trị thoải mái, hiệu quả hơn, cả về thể chất, tâm lý và xã hội.

Nhìn nhận đúng, niềm tin về mặt tôn giáo, tín ngưỡng tác dụng chủ yếu đến đời sống tinh thần, tác động trên thể xác rất ít. Bác sĩ Mẫn khẳng định: "Không có chuyện niềm tin thay thế hoàn toàn thuốc trong chữa trị ung thư. Liệu pháp tinh thần chỉ là hỗ trợ".

Chữa ung thư chỉ bằng niềm tin tâm linh là phản khoa học. Lý do, tế bào ung thư liên tục phát triển, chúng phân chia vượt khỏi tầm kiểm soát, phá hủy hệ miễn dịch. Nếu chỉ tin rằng bệnh sẽ hết mà mặc kệ khối u, thì làm đời sống thu ngắn lại, bỏ lỡ thời gian vàng điều trị.

Bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân ung thư không được nhầm lẫn giữa niềm tin đơn thuần và niềm tin quá đáng, mê muội, mê tín dị đoan. Mắc ung thư là do lối sống thiếu lành mạnh, do môi trường, hoàn toàn không phải vì "nghiệp quật, quả báo". Trả loại "nghiệp" này bằng bùa chú, tạt nước, cúng bái... không có tác dụng, chỉ hao tổn tiền bạc, sức khỏe.

Trong liệu trình điều trị ung thư, các bác sĩ chăm sóc tâm lý cho người bệnh ngay từ đầu, từ khi có chẩn đoán chính xác và kéo dài đến sau khi bệnh nhân đã khỏi, hoặc tử vong. Bệnh càng nghiêm trọng, vai trò tâm lý càng sâu.

Riêng đối với bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, tế bào ung thư đã di căn, thời gian sống còn khoảng một năm, 75% trong số họ bị dày vò bởi các cơn đau vừa đến nặng. Giai đoạn này, bác sĩ điều trị chủ yếu là chăm sóc giảm nhẹ. Liệu pháp tinh thần càng quan trọng, để người bệnh bớt khổ đau, âu lo, chấp nhận sự thật, cải thiện chất lượng sống, có giai đoạn sống cuối cùng nhẹ nhàng.

Bác sĩ Mẫn khuyên người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và can thiệp kịp thời bệnh tật. "Nếu mắc ung thư, bệnh nhân có thể đi chùa, nhà thờ, tâm sự với người thân, gặp bác sĩ tâm lý để có chỗ dựa tinh thần. Nhưng chắc chắn phải điều trị theo phác đồ của bác sĩ mới có thể khỏi bệnh, kéo dài sự sống", bác sĩ nói.

Tổng hợp