Hai cậu bé đi xe đạp từ Điện Biên xuống Hà Nội tìm mẹ

Sáng 19/4, Công an huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình cho biết, hai em trai hiện đang được cán bộ của Công an huyện chăm sóc; đồng thời liên hệ, phối hợp với Công an địa phương để tìm gia đình cho các em.

Báo Công an nhân dân ngày 19/04/2024 đưa thông tin với tiêu đề: "Hai cậu bé đi xe đạp từ Điện Biên xuống Hà Nội tìm mẹ". Với nội dung như sau:

Trước đó, vào khoảng 17h30, ngày 18/4, gia đình nhà anh Hà Văn Chuẩn, trú tại xóm Thung Khe, xã Thành Sơn, huyện Mai Châu phát hiện có hai em nhỏ dắt xe đạp qua cổng nhà có biểu hiện mệt, đói... Sau đó, vợ chồng anh Chuẩn đã đưa các cháu vào nhà, cho thay quần áo, cắt tóc, tắm và nấu cơm cho hai cháu ăn.

Hai em trai đang ở Công an huyện Mai Châu.

Nhận được thông tin, Công an huyện Mai Châu đã cử cán bộ trực tiếp đến gặp. Quá trình hỏi thì biết các em là người dân tộc Mông (khoảng 13 đến 15 tuổi), không  nhớ tên gì, ở xóm, xã nào, chỉ biết là huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Hai em đi xe đạp theo hướng Mai Châu - Hà Nội với mục đích là xuống Hà Nội tìm mẹ. Công an huyện đã đưa hai em về đơn vị chăm sóc.

Hai xe đạp các em sử dụng đi xuống Hà Nội để tìm mẹ.

Ai là người biết thông tin người thân, gia đình hai em có đặc điểm nhận dạng như trong ảnh và thông tin như trên xin liên hệ với Công an huyện Mai Châu để đưa hai em về nơi cư trú; điện thoại liện hệ: 0218.3867213; hoặc cán bộ Bùi Văn Duy, điện thoại: 0392204192.

Tiếp đến, báo Giao thông ngày 27/03/2019 cũng có bài đăng tương tự với thông tin:Cậu bé đạp xe từ Sơn La về Hà Nội thăm em ốm: “Con ngoan nhưng liều quá!". Nội dung được đưa như sau:

Nhiều người cảm động trước việc cậu bé 13 tuổi liều lĩnh đạp xe từ Sơn La về Hà Nội thăm em ốm. Nhưng không ít người gai mình vì điều đó.

img

Chiếc xe đạp mất phanh và hành trình hơn 100 cây số

Câu chuyện của cậu bé Vì Quyết Chiến, 13 tuổi, dân tộc Thái, sống ở Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, Sơn La đạp xe đạp mất phanh từ Sơn La về Hà Nội thăm em trai ốm khiến cộng đồng cảm động trước tình yêu thương của cậu bé dành cho em.

Anh Vì Văn Nam, bố bé Chiến kể: Trưa 25/3, khi vừa đi học về, em được nghe ông nội kể chuyện bố mẹ phải đưa em trai thứ 3 phải xuống BV Nhi TƯ điều trị. Nghe xong, Chiến sốt ruột, lo lắng nên lén lấy chiếc xe đạp vẫn đi học hàng ngày, đạp xuống Hà Nội thăm em.

Cũng theo người bố này, từ bé đến giờ, Chiến chưa ra khỏi nơi mình ở, không biết đường xuống Hà Nội ra sao nên cứ đi thẳng đường lớn, vừa đi vừa hỏi. Trước đây, hàng ngày Chiến chỉ đạp xe quãng đường 4km từ nhà đến trường rồi về.

Đến 18h chiều 25/3, Chiến đi được quãng đường hơn 100km, đến địa phận tỉnh Hoà Bình thì ngất lịm giữa đường vì mệt, đói, khát.

May mắn, một tài xế ngang qua nhìn thấy đã đỡ cậu bé dậy, cho ăn uống và gọi điện cho anh Nam để báo tin. Lúc này, chân cậu bé đã sưng vù, dép rách bươm. Cậu bé chia sẻ, do xe bị đứt phanh nên mỗi lần xuống dốc hay qua các đoạn khúc khuỷu, em phải lấy chân để hãm. Tài xế tốt bụng đã đưa cả Chiến cùng xe đạp lên ô tô của mình rồi chở cậu bé đến Bệnh viện Nhi T.Ư. Khi nghe tin cậu con trai, anh Nam ở viện đứng ngồi không yên ngóng tin con, không tin cậu con trai của mình liều lĩnh và thương em đến thế.

Hành động liều lĩnh, không nên biểu dương, cổ súy?

Cảm động trước tình yêu thương của Chiến dành cho em trai, cộng đồng cũng thán phục cậu bé 13 tuổi chưa một lần đi ra khỏi bản lại có thể vượt hơn 100 km đường đèo núi, trắc trở, không xu dính túi. Bên cạnh đó, sự “liều mình” của cậu bé Chiến cũng không khiến ít người "nổi da gà" khi nghĩ đến bao điều bất trắc có thể cậu bé gặp phải trên hành trình đó. Và thực tế là em đã bị ngất lịm vì mệt, đói, khát song rất may mắn là cậu bé đã được phát hiện, cứu giúp kịp thời.

"Khổ thân con. Con ngoan nhưng con liều quá con ạ. May cho con gặp những người tốt", một độc giả thốt lên!

Nhận định về câu chuyện này, ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội cho rằng: Tình yêu của cậu bé dành cho em là rất tuyệt vời, tuy nhiên hành động liều lĩnh tự ý đạp xe đạp từ Sơn La về Hà Nội lại bộc lộ việc thiếu sự giáo dục về tính kỷ luật cũng như kỹ năng sống từ gia đình.

Ví dụ như khi ra khỏi nhà phải xin phép và được sự chấp thuận của người lớn. Bên cạnh đó, bé cũng không dự phòng được những bất trắc có thể xảy đến, như: Chẳng may bị tai nạn, bị bắt cóc, hay đơn giản là bị đói, bị khát, bị mất sức khi đi một chặng đường xa như vậy... "Yêu thương em cũng có nhiều cách để thể hiện, nhưng không phải bằng hành động liều lĩnh bất chất sự an toàn cho chính mình như vậy. Chưa kể gây lo lắng cho rất nhiều người thân trong gia đình", ông An nói.

Ông An chia sẻ thêm, không riêng với bé Chiến, nhiều tai nạn thương tâm xảy ra với trẻ em cũng một phần vì thiếu những kỹ năng sống cơ bản, mà vụ 8 học sinh đuối nước ở hồ Hòa Bình mới đây là một ví dụ. Không ít trẻ có thể là biết bơi, chưa biết giỏi hay không, đã học kỹ năng cứu đuối nước hay chưa nhưng cứ thấy bạn gặp nạn không suy nghĩ nhảy xuống cứu. Các em thiếu kỹ năng đối phó trước các tình huống bất trắc, để rồi tất cả kéo nhau cùng chết chìm dưới dòng nước.

Do đó, theo ông An, với những vụ việc như thế này, việc thông tin cũng không nên chỉ khen ngợi tình yêu thương hay sự hi sinh mà cần phân tích, hướng dẫn thêm các em về kỹ năng sống, về cách ứng phó hợp lý, hợp tình. Còn nếu chỉ khen ngợi, biểu dương, sẽ không khác gì cổ súy cho hành động dại dột đó.

"Nhìn góc độ chăm sóc và bảo vệ trẻ em, điều tối quan trọng cần phải giáo dục cho các em kỹ năng sống chứ không phải là “đề cao” những hành động liều lĩnh, mất an toàn của trẻ", ông An nhấn mạnh.

Tổng hợp