Quỳnh Mây - nữ sinh Nghệ An vừa trở thành 1 trong 30 người trên toàn thế giới nhận học bổng toàn phần ĐH Oxford là ai?

Ít ai biết được rằng, Quỳnh Mây từng có khoảng thời gian gap year 2 năm để tìm kiếm đam mê.

Mới đây, báo Đời Sống Pháp Luật đăng tải bài viết "Quỳnh Mây - nữ sinh Nghệ An vừa trở thành 1 trong 30 người trên toàn thế giới nhận học bổng toàn phần ĐH Oxford là ai?" có nội dung như sau:

Đại học Oxford là một trong những viện đại học nghiên cứu liên hợp ở Oxford (Anh). Ngày thành lập của Oxford chưa được xác định, có bằng chứng cho thấy hoạt động giảng dạy của trường đã diễn ra từ tận năm 1096.

Bên cạnh việc là viện đại học lâu đời bậc nhất thế giới, Oxford còn nổi tiếng với chất lượng đào tạo hàng đầu. Năm 2024, Đại học Oxford được BXH Times Higher Education (THE) xếp thứ 1; BXH Quacquarelli Symonds (QS) xếp thứ 3 và BXH ShanghaiRanking Consultancy (SRC) xếp thứ 7 trong danh sách những trường đại học tốt nhất thế giới.

Vào được Oxford đã khó, việc giành học bổng của trường đương nhiên còn khó hơn. Bạn cần phải "chiến đấu" với rất nhiều học sinh ưu tú khác trên toàn thế giới để có thể sở hữu cho mình một suất học bổng, mà khó khăn nhất trong số đó không nghi ngờ gì chính là suất học bổng toàn phần.

Đại học Oxford - một trong những ngôi trường lâu đời nhất

Mới đây, Nguyễn Quỳnh Mây (SN 1999) - một nữ sinh sinh ra tại Nghệ An, đã gây bã.o mạng khi trở thành 1 trong 30 người trên thế giới nhận được học bổng toàn phần của Đại học Oxford năm 2024. Được biết, cô nàng nhận học bổng từ chương trình Lãnh đạo và Học bổng Oxford-Weidenfeld và Hoffmann để theo học Chương trình Thạc sĩ Giáo dục (Thay đổi Xã hội và Kỹ thuật số) tại Đại học Oxford.

Trước đó không lâu, nữ "học bá" này còn được nhận vào 2 chương trình Thạc sĩ của Đại học Cambridge (Anh) cùng một số chương trình Thạc sĩ ở Áo, Đức, Bỉ, Thụy Điển...

 

Chân dung nữ sinh Nguyễn Quỳnh Mây

Trước đó, Quỳnh Mây từng là học sinh trường THPT chuyên Đại học Vinh (trường Đại học Vinh). Ít ai biết được rằng, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Mây đã đỗ vào một trường công lập ở TP.HCM nhưng do không phù hợp nên đã quyết định bỏ ngang để gap year 2 năm. Trong khoảng thời gian này, nữ sinh đã nộp đơn và cũng đỗ vào một số đại học khác ở Mỹ, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bulgaria… Mây đã chọn học ở trường có trụ sở ở Tây Ban Nha (theo mô hình mỗi kỳ đi một nước - tức đã dành 1 kỳ ở Trung Quốc). Nhưng sau đó, cô vẫn quyết định chuyển trường và nhận học bổng toàn phần của trường Đại học Nữ Châu Á (Chittagong, Bangladesh) chuyên ngành Triết học, Chính trị, Kinh tế (PPE).

Mây từng có khoảng thời gian gap year 2 năm trước khi theo học tại Asian University for Women

Năm 2022, Mây dành ra nửa năm học tập tại Khoa Xã hội học và Nghiên cứu Xã hội của Đại học Trento (Ý) theo Chương trình Erasmus+ ICM. Đại học Trento là một trường đại học của Ý đặt tại thành phố Trento và Rovereto. Xét trên các tiêu chí về phương pháp sư phạm, chất lượng nghiên cứu, giảng dạy và quan hệ quốc tế, Trento luôn đứng trong top 5 những trường hàng đầu của Ý, theo bảng xếp hạng của Bộ giáo dục Ý.

Trước đó, báo Vnexpress từng đăng tải bài viết "Đường đến Đại học Oxford của cô gái miền Tây". Cụ thể như sau:

Bảo Tiên, sinh năm 1992, nhận học bổng toàn phần Chevening của Chính phủ Anh để theo học thạc sĩ về Khoa học thần kinh lâm sàng và Trị liệu tại Đại học Oxford hồi tháng 9/2022.

Tiên sinh ra và lớn lên ở Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, bố cô là thợ mộc, mẹ là lao động thủ công. Nơi mà gia đình bốn người sinh sống là căn nhà cấp bốn cũ, chưa đầy 10m2, sách vở bị ướt dột mỗi khi trời mưa. Tiên nói vì gia cảnh khó khăn, từ lớp 5, cô đã nhận trông giữ trẻ con cho hàng xóm hay phụ mẹ sửa đồ may mặc để lấy tiền may áo dài, mua sách. Bảo Tiên học hết cấp ba cũng nhờ nhận được hỗ trợ từ các quỹ học bổng cho học sinh nghèo vượt khó ở Mỹ Tho. "Mình hiểu rất rõ sự nhọc nhằn, thiếu thốn khi cuộc sống của gia đình mỗi ngày chỉ quanh quẩn với vấn đề cơm gạo", Tiên nói, cho biết đó là động lực thôi thúc cô phải vào đại học. Từ lớp 1 đến lớp 12, Tiên luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ba năm theo học lớp chọn khối A (Toán, Lý, Hoá) tại trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, cô đứng nhất lớp với điểm trung bình 9.0.

Tháng 8/2010, Tiên giành học bổng cho nữ sinh khu vực Đông Nam Á trong gia đình chưa có người học đại học sang Bangladesh, theo đuổi bậc cử nhân song song hai ngành Khoa học Sinh học và Tâm lý học tại Đại học Phụ nữ châu Á (AUW). Ngôi trường này đào tạo sinh viên đến từ 15 quốc gia, ngôn ngữ chung là tiếng Anh.

Thời điểm đó, nhiều người quen và họ hàng xì xào, nói Tiên đừng viển vông, nên tìm công việc kiếm tiền rồi lấy chồng. Nhưng với Tiên, đây là cơ hội phù hợp để cô thực hiện ước mơ của mình. Vì không có điều kiện học tiếng Anh để đạt IELTS 6.5, cô khó ứng tuyển những học bổng lớn hơn.

Bảo Tiên tại sự kiện "Chevening Orientation Day", tháng 10/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm năm học tập tại AUW đã giúp Tiên rèn luyện tư duy phản biện, phát triển khả năng lãnh đạo, thành thạo tiếng Anh và hiểu tầm quan trọng của sức khoẻ tinh thần (Mental health) với mọi người.

Vừa học vừa đi làm thêm nhiều công việc như trợ lý y tế, gia sư, trợ lý nghiên cứu, Bảo Tiên vẫn tốt nghiệp loại giỏi với điểm trung bình học tập (GPA) 3.9/4, lọt top ba người có điểm tốt nghiệp cao nhất khoá. "Các giáo sư khuyến khích tôi học lên tiếp nhưng kể cả có học bổng thì tôi cũng không thể tạo thu nhập cho gia đình. Tôi phải về Việt Nam, nếu cứ đi học hoài thì ở nhà không ai lo", Tiên nhớ lại.

Bảo Tiên trong ngày nhập học ở Đại học Oxford, tháng 10/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tháng 5/2015, Tiên về nước. Theo Tiên, sức khoẻ tinh thần quyết định khả năng tiếp thu và chọn lọc kiến thức, khả năng đối mặt với áp lực, vượt qua tổn thương và hoạch định tương lai. Tuy nhiên, vì thiếu kinh nghiệm thực tế, những lý thuyết về sức khoẻ tinh thần mà cô trình bày không nhận được sự đồng cảm.

Tháng 6/2016, Tiên nhận lời làm chuyên gia tư vấn tâm lý online cho một công ty có trụ sở ở Mỹ. Công việc này giúp cô rèn luyện kỹ năng tham vấn và học cách tiếp cận cộng đồng. Ngoài ra, Tiên còn dạy Anh văn và làm thông dịch viên cho một số người Việt ở Mỹ và Anh. Vì thế, nhiều thời điểm, Bảo Tiên làm việc liên tục cả chục tiếng đồng hồ mỗi ngày. Sau ba năm, Tiên mua được một căn nhà mới cho gia đình ở khu vực ngoại ô thành phố Mỹ Tho.

Hoàn thành mục tiêu kiếm tiền mua nhà, Tiên muốn quay lại theo đuổi ước mơ học tập và nghiên cứu. "Đối với mình, tri thức và đam mê nghiên cứu quan trọng hơn dù là con đường này cực nhọc và không mang lại thu nhập bằng đi làm", Tiên nói.

Trong thời gian dịch Covid-19, ngoài những kiến thức thu thập được khi làm thông dịch viên y tế, Tiên cũng chủ động kết nối với bạn bè để chia sẻ và giúp đỡ sức khoẻ tinh thần cho người dân. Tháng 11/2021, Bảo Tiên nộp hồ sơ ứng tuyển học bổng Chevening, rồi ứng tuyển vào chương trình thạc sĩ về Khoa học thần kinh lâm sàng và Trị liệu tại Đại học Oxford. Tháng 2/2022, Tiên cùng lúc nhận tin trúng tuyển cả hai chương trình này.

Tiên cho biết, bí quyết giúp cô chinh phục học bổng toàn phần Chevening đến Oxford, ngôi trường đứng đầu bảng xếp hạng đại học thế giới liên tục bảy năm (theo Times Higher Education) là sự xuất sắc trong học vấn, sự đam mê, kiên nhẫn và kiên định với môn học, kinh nghiệm nghiên cứu, làm việc ở một ngành ít người chọn – Khoa học thần kinh lâm sàng. Tiên chứng minh được cô hiểu ngành học này, hiểu các bệnh lý và các phương pháp điều trị sức khoẻ tâm thần cũng như những thử thách của các phương pháp điều trị hiện tại. Từ đó, cô đề xuất hướng nghiên cứu để vượt qua những thử thách này.

Bảo Tiên (thứ ba hàng trên, bên phải sang) với các bạn cùng lớp tại lễ nhập học của Đại học Oxford, tháng 10/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong bài luận 500 từ, Bảo Tiên nêu rõ lý do cô nộp hồ sơ vì muốn trở thành một nhà nghiên cứu có kiến thức chuyên môn vững chắc để xây dựng các nghiên cứu hữu ích về sức khoẻ não bộ cho người Việt Nam. Đại học Oxford, một trong số ít trường có chương trình thạc sĩ nghiên cứu chuyên sâu về đề tài chăm sóc sức khoẻ thần kinh thông qua dinh dưỡng sẽ giúp cô thực hiện mục tiêu. Cô cho hay, cách tiếp cận này đạt được những tiêu chí chăm sóc sức khoẻ tinh thần thực tế, toàn diện, hiệu quả, và tiết kiệm.

Tiến sĩ Sharon M. Flicker, Giáo sư Tâm lý học tại Đại học California State - người từng giảng dạy nhiều năm ở AUW, nhận xét Bảo Tiên là một sinh viên đặc biệt nghiêm túc, gây ấn tượng về khả năng ghi nhớ cũng như tư duy phản biện. "Sự cống hiến và tận tâm của Tiên được thúc đẩy bởi trí tò mò, sự chân thành và mong muốn học hỏi", bà nói.

Tiên cho biết, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại Anh, cô muốn trở về Việt Nam làm việc tại trung tâm nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford, hay một trường đại học hoặc bệnh viện trong nước có trung tâm nghiên cứu về não bộ. Cô hy vọng xây dựng một hệ thống tham vấn tâm lý dễ tiếp cận hơn cho người dân.

"Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ thấy; hãy gõ cửa, sẽ mở cho", Tiên tâm niệm, cho rằng các bạn trẻ hãy mạnh dạn để chinh phục ước mơ của mình.