Hà Nội - nơi đắt đỏ nhất nước: Lương 50 triệu, tiền ăn đã hết gần một nửa

Báo Dân Trí ngày 17/4 đưa thông tin với tiêu đề: Hà Nội - nơi đắt đỏ nhất nước: Lương 50 triệu, tiền ăn đã hết gần một nửa

Với nội dung như sau: 

Hà Nội - nơi đắt đỏ nhất nước: Lương 50 triệu, tiền ăn đã hết gần một nửa

Báo cáo chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2023 Tổng cục Thống kê mới đây công bố cho thấy, Hà Nội là địa phương có mức giá đắt đỏ nhất cả nước.

Xét theo tỉnh thành, thành phố trực thuộc Trung ương, Hà Nội được lấy làm gốc để so sánh và được tính bằng 100%. Đứng thứ hai là TPHCM với chỉ số SCOLI bằng 98,44% Hà Nội; Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương là 3 địa phương có mức giá đắt đỏ tiếp theo trong top 5.

Nhiều năm liên tiếp, Hà Nội luôn đứng đầu cả nước về chỉ số giá sinh hoạt theo không gian. TPHCM - đô thị đông dân nhất cả nước - đứng thứ hai do một số nhóm hàng của TPHCM có mức giá bình quân thấp hơn. Đơn cử, mặt hàng may mặc, mũ nón, giày dép bằng 82%; văn hóa, giải trí, du lịch bằng 91,8%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống bằng 94,1%; thiết bị và đồ dùng gia đình bằng 94,9%.

Chỉ số SCOLI không gây ngạc nhiên với nhiều người, nhất là với những người dân Thủ đô khi họ từng ngày nếm trải sự đắt đỏ trong sinh hoạt… Nhiều người thậm chí còn khẳng định "Hà Nội cái gì cũng đắt!".

Cố co kéo nhưng ăn uống vẫn hết 15-20 triệu đồng

Sáng cuối tuần, chị Hoàng Thị Oanh (36 tuổi, tên đã thay đổi, ở Hà Đông, Hà Nội) cầm 2 triệu đồng đi chợ để mua thực phẩm chuẩn bị cho gia đình 4 người vào tuần sau.

Số tiền gần như hết veo khi chị chỉ mua được 1kg sườn (140.000 đồng), 1 con gà (350.000 đồng), 1kg tôm (320.000 đồng), 1kg thịt lợn (130.000 đồng), 1 con cá (120.000 đồng), 1 thùng sữa cho con (460.000 đồng) và chút ít rau củ, hoa quả.

Chị Oanh cho biết, với số thực phẩm này, chị sẽ chia đủ cho 7 bữa tối trong tuần, gà và tôm chia đôi ăn được 4 bữa. Trường hợp nhà có khách đột xuất, chị sẽ mua thêm đồ ăn.

"Tính trung bình, chỉ riêng tiền ăn bữa tối, tiền mua sữa chua, sữa tươi cho 2 con mỗi tháng là khoảng 8 triệu đồng", chị Oanh nói.

Hai vợ chồng chị Oanh làm xa nhà và công việc đều phải di chuyển nhiều nên họ thường không mang cơm đi làm mà ăn ở ngoài. Tiền ăn trưa của hai vợ chồng khoảng 2,5 triệu đồng/tháng.

Hà Nội - nơi đắt đỏ nhất nước: Lương 50 triệu, tiền ăn đã hết gần một nửa - 1

Chị Oanh thường chọn mua thực phẩm ở chợ truyền thống để tiết kiệm chi phí ăn uống (Ảnh minh họa: Toàn Vũ).

Chị Oanh chi khoảng 4 triệu đồng cho các khoản bữa sáng, tiền mua vitamin, thực phẩm chức năng, tiền mua thức ăn nếu nhà có khách.

Vì vậy, tính tổng tiền ăn một tháng của nhà chị Oanh hết khoảng 15 triệu đồng.

Theo chị Oanh, số tiền ăn này chiếm một nửa thu nhập của hai vợ chồng chị. Chị Oanh đã cố co kéo nhưng nhiều tháng cũng chỉ giảm được 500.000 đến 1 triệu đồng.

"Gia đình tôi hạn chế tối đa việc ăn ngoài, bữa sáng đa số tự nấu. Tuy nhiên, các con đang tuổi ăn, tuổi lớn nên tôi muốn các con được ăn đa dạng thực phẩm, ngoài ra bổ sung thêm sữa, các thuốc bổ khác", chị Oanh nói.

Để tiết kiệm chi phí ăn uống, chị Oanh thường mua thực phẩm ở các khu chợ dân sinh. Khu vực gia đình sinh sống không quá gần trung tâm nên theo chị Oanh giá cả vẫn khá mềm.

Sinh sống ở quận Ba Đình và làm việc ở một công ty nước ngoài, vợ chồng chị Đỗ Kim (42 tuổi) có mức thu nhập khá tốt, trên 50 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, người phụ nữ này cho biết, riêng chi phí cho việc ăn uống của gia đình chị cũng tiêu tốn khoảng 40-45% thu nhập một tháng.

Vì lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm nên chị Kim có thói quen đi siêu thị mua thực phẩm, các loại rau củ, hoa quả phục vụ cho bữa ăn gia đình.

Hà Nội - nơi đắt đỏ nhất nước: Lương 50 triệu, tiền ăn đã hết gần một nửa - 2

Nhiều bà nội trợ chọn mua hàng trong siêu thị vì tin tưởng vào chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (Ảnh: Hồng Anh).

"Hàng được nhập vào siêu thị về cơ bản vẫn được kiểm soát về chất lượng nên tôi an tâm hơn. Để mua sự an tâm thì chấp nhận đắt đỏ. Chẳng hạn giá thịt lợn thường cao hơn ngoài chợ 70.000-80.000 đồng/kg, các loại rau, quả cũng luôn đắt hơn 20-30%", chị Kim nói.

Ngoài ra, vì chị Kim sống ở một quận nội đô nên giá cả tại đây có phần đắt đỏ hơn. Đôi khi chị Kim cùng gia đình ra ngoài ăn sáng, cho 2 con đổi bữa tại nhà hàng hay đi uống cà phê dịp cuối tuần. Để chi cho một bữa ăn ngoài, chị tiêu tốn ít nhất 2 triệu đồng.

Có nguồn hỗ trợ thực phẩm lớn từ quê nhưng anh Nguyễn Văn Dương (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, dù chỉ ăn uống ở mức bình dân nhưng mỗi tháng gia đình anh cũng tốn tới 10 triệu đồng tiền ăn.

Hà Nội - nơi đắt đỏ nhất nước: Lương 50 triệu, tiền ăn đã hết gần một nửa - 3

Bữa cơm đơn giản của gia đình anh Dương với các thực phẩm được gửi từ quê lên (Ảnh: Hồng Anh).

 "Tháng nào chị gái vợ cũng gửi rất nhiều thịt bò, xương bò, gân bò, má lợn… từ quê lên. Nhà tôi nhờ thế cũng đỡ được tiền đi chợ. Tuy nhiên, vì để đổi bữa, trong tuần tôi vẫn phải mua thêm nhiều thực phẩm khác, trung bình mỗi lần đi chợ tôi tiêu từ 200.000 đến 300.000 đồng",  anh Dương kể khoản tiền mua thực phẩm cho gia đình 5 người (3 người lớn, 2 trẻ nhỏ).

Cơm bình dân tăng giá, suất bún đậu cũng trên 100.000 đồng

Làm nghề chạy xe ôm ở Hà Nội 7 năm nay, anh Trương Văn Thành chia sẻ thật khó để kiếm được suất cơm bình dân 30.000-35.000 đồng mà đầy đặn ở khu vực nội đô. Giá nhiều quán cơm, quán phở bình dân ở Hà Nội đều đã tăng từ 5.000-15.000 đồng/suất.

"Với những ai khá giả thì việc tăng giá không ảnh hưởng quá lớn, nhưng với người dân lao động như chúng tôi thì phải rất đắn đo, cân nhắc", anh Thành nói.

Hà Nội - nơi đắt đỏ nhất nước: Lương 50 triệu, tiền ăn đã hết gần một nửa - 4
Hà Nội - nơi đắt đỏ nhất nước: Lương 50 triệu, tiền ăn đã hết gần một nửa - 5

Suất cơm bình dân có giá 40.000 đồng và suất bún đậu có giá 200.000 đồng ở Hà Nội (Ảnh: Hồng Anh).

Có dịp đi công tác nhiều tỉnh thành, chị Ngọc Ánh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhận thấy rằng, nếu chỉ ăn uống ở mức bình dân thì Hà Nội cũng tương đương ở các thành phố lớn khác, nhiều quán khá rẻ.

Tuy nhiên, nếu lựa chọn ăn ở khu vực phố cổ, vào các nhà hàng hoặc các địa điểm vui chơi, giải trí, các nơi tiếp khách sang trọng thì đương nhiên giá thực đơn sẽ cao hơn.

"Một suất bún đậu khu vực Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy chỉ 35.000 đồng nhưng nếu suất bún đậu đó trên phố cổ có thể được bán với giá 50.000 đồng, nếu thêm vài miếng thịt, chút lòng lợn thì giá có thể tăng lên trên 100.000 đồng.

Nhiều quán ở trung tâm một bát bún ngan, phở gà có giá 50.000-65.000 đồng, khách đôi khi còn phải trả thêm 10.000 đồng tiền gửi xe. Thực tế những suất bún ấy nếu ở địa phương khác, có lẽ không quá 30.000-35.000 đồng", chị Ánh nói. 

Hà Nội - nơi đắt đỏ nhất nước: Lương 50 triệu, tiền ăn đã hết gần một nửa - 6

Một quán bún bình dân có giá 20.000 đồng được đánh giá là ít ỏi ở Hà Nội (Ảnh: Toàn Vũ).

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của lao động quý I/2024 là 7,6 triệu đồng/tháng. Nhiều lao động ở Hà Nội, đặc biệt ở nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất ở Hòa Lạc (Thạch Thất), Đông Anh… chia sẻ họ phải rất chật vật để trang trải cuộc sống do tình hình lạm phát, người lao động phải chịu nhiều chi phí như thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao...

Trung gian "ăn dày", giá lên rồi không chịu xuống

Trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương Mại (nay là Sở Công thương) Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị thành phố Hà Nội cho hay, Hà Nội có chỉ số giá sinh hoạt đắt đỏ nhất cả nước xuất phát từ nguyên nhân chủ quan lẫn nguyên nhân khách quan.

Hà Nội - nơi đắt đỏ nhất nước: Lương 50 triệu, tiền ăn đã hết gần một nửa - 7

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Đa số lương thực, thực phẩm, hoa quả, mặt hàng thiết yếu cung cấp cho Hà Nội đều chở từ phía Nam ra nên hàng hóa sẽ phải gánh thêm chi phí vận chuyển, trung gian.

"Nhiều khâu trung gian ăn dày khiến người dân phải mua hàng với giá đắt đỏ.

Đặc biệt, nhiều chợ truyền thống khó triển khai quản lý giá, giá cả không được niêm yết, xăng chưa tăng nhưng giá hàng hóa đã bị đẩy lên, giá khi đã tăng thì lại không chịu hạ nhiệt…. Giá thịt, gạo xuống, nhưng giá bánh cuốn vẫn lên…", ông Phú dẫn chứng một vài ví dụ.

Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa cũng là thành phố thu hút hàng chục triệu khách du lịch mỗi năm. Đây cũng là yếu tố khiến giá cả dễ biến động.

"Nhiều siêu thị đòi chiết khấu cao đẩy giá hàng hóa tăng cao. Khi giá lợn hơi từ 70.000 -80.000 đồng đã xuống 60.000 đồng/kg, giá thịt lợn ở chợ dân sinh xuống 130.000-140.000/kg đồng, thì tại một số siêu thị lớn thống lĩnh thị trường giá bán vẫn ở trên mức 200.000 đồng/kg", ông Phú nói.

Cũng theo chuyên gia này, hệ thống phân phối và hệ thống chợ đầu mối, chợ dân sinh hoạt động chưa hiệu quả. Nhiều chợ như chợ Mơ, chợ Hàng Da, chợ Hôm… cải tạo nhưng thất bại, tiểu thương bỏ sạp vì giá thuê cao.

Để điều tiết giá cả tại Thủ đô, chuyên gia này cho rằng, trước mắt cần quan tâm đến chợ dân sinh, chấn chỉnh cải tạo, xây dựng chợ và coi chợ là mũi chủ lực, tạo điều kiện cho tiểu thương buôn bán, quan tâm đến đời sống người dân lao động.

Tiếp đến là tổ chức hệ thống chợ đầu mối vùng, gắn kết giữa sản xuất và phân phối thành chuỗi cung ứng nhằm bớt các khâu trung gian.

Chợ đầu mối vùng không chỉ giúp quản lý chất lượng hàng hóa an toàn thực phẩm mà còn tạo điều kiện mua bán công khai minh bạch, không ép giá người có hàng hóa muốn bán tại chợ để xây dựng thương hiệu cho mình.

Hà Nội - nơi đắt đỏ nhất nước: Lương 50 triệu, tiền ăn đã hết gần một nửa - 8

Nhiều khu chợ truyền thống ở Hà Nội đìu hiu vắng người mua (Ảnh: Nguyễn Hải).

Ngoài ra, cần xây dựng văn hóa kinh doanh, chia sẻ, nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về quản lý giá, thị trường.

Các cơ quan chức năng cần xây dựng chiến lược phát triển thương mại và hệ thống phân phối của Thủ đô kết nối các vùng miền, đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ.

"Giá cả đắt đỏ không chỉ ảnh hưởng đến hơn 8 triệu dân Hà Nội mà còn ảnh hưởng đến đầu tư, du lịch, thương mại. Vì vậy, việc điều tiết giá cả vô cùng quan trọng", ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

 Tiếp dến, báo Vnexpress cũng có bài đăng tương tự với thông tin: Hà Nội đắt đỏ nhất cả nước

Nội dung được báo đưa như sau: 

Tổng cục Thống kê vừa công bố SCOLI năm 2023. Đây là thước đo phản ánh xu hướng, mức độ biến động giá sinh hoạt của 63 tỉnh thành, 6 vùng kinh tế xã hội theo chu kỳ hàng năm. Thủ đô Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Hồng được lấy làm gốc để so sánh, được tính 100%.

Có tất cả 11 nhóm hàng dịch vụ được xem xét, bao gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống; đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón và giày dép; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình; thuốc và dịch vụ y tế; giao thông; bưu chính viễn thông; giáo dục; văn hóa, giải trí và du lịch; hàng hóa và dịch vụ khác.

Hà Nội đắt đỏ nhất cả nước với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ như: may mặc, mũ nón, giày dép; văn hóa giải trí, du lịch; hàng ăn và dịch vụ ăn uống; thiết bị và đồ dùng gia đình.

Đứng thứ hai là TP HCM bằng 98,44% so với Hà Nội do một số nhóm hàng có mức giá bình quân thấp hơn, như may mặc, mũ nón, giày dép xấp xỉ 82%; văn hóa, giải trí, du lịch bằng 91,8%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống bằng 94,1%; thiết bị và đồ dùng gia đình bằng 94,9%.

Tổng cục Thống kê lý giải ngoài nguồn cung hàng hóa dồi dào, TP HCM đẩy mạnh tổ chức kết nối cung cầu bán lẻ hàng hóa nên giá tiêu dùng hàng thiết yếu có xu hướng thấp hơn Hà Nội. Song thành phố có một số nhóm hàng giá bình quân cao hơn Thủ đô, như giáo dục bằng 116,8%; đồ uống và thuốc lá bằng 114,5%; hàng hóa và dịch vụ khác bằng 120,5%.

Một khu chợ dân sinh ở Thanh Xuân (Hà Nội), tháng 3/2023. Ảnh: Ngọc Thành

Quảng Ninh xếp thứ ba với chỉ số bằng 97,9% so với Hà Nội. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, Quảng Ninh có 6 nhóm giá bình quân thấp hơn, gồm: Nhóm văn hóa, giải trí, du lịch; bưu chính viễn thông; thiết bị và đồ dùng gia đình; giao thông; may mặc, mũ nón, giày dép; hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Năm nhóm hàng cao hơn Thủ đô gồm: Thuốc, dịch vụ y tế; nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng; đồ uống, thuốc lá; giáo dục và hàng hóa và dịch vụ khác.

Chi phí sinh hoạt đắt thứ ba cả nước do Quảng Ninh là trung tâm du lịch, kinh tế biển, cửa ngõ vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Kinh tế phát triển sôi động khiến giá một số nhóm hàng dịch vụ cao hơn so với địa phương khác.

Hải Phòng giữ vị trí thứ tư với chỉ số hơn 96% so với Hà Nội. Thành phố cảng có hệ thống tổ chức thương mại đa dạng với sự tham gia tích cực của tất cả thành phần kinh tế. Một số nhóm hàng có mức giá bình quân thấp hơn Thủ đô, như giáo dục; văn hóa, giải trí và du lịch; may mặc, mũ nón, giày dép; hàng ăn, dịch vụ ăn uống; thuốc, dịch vụ y tế và một số nhóm lại có mức giá cao hơn, như bưu chính viễn thông; thiết bị và đồ dùng gia đình.

Bình Dương xếp thứ năm với chỉ số bằng 94,2% so với Thủ đô, tăng mức đắt đỏ 3 bậc so với năm 2022. Hầu hết nhóm hàng của Bình Dương thấp hơn Hà Nội, song nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng cao hơn do tập trung nhiều khu công nghiệp, đông lao động làm việc.

Năm địa phương có mức giá thấp nhất cả nước là Bến Tre bằng 85,9%; Nam Định 86,3%, Quảng Trị 86,6%; Sóc Trăng 87,8% và Gia Lai bằng 87,9% so với Hà Nội. Nguyên nhân là mặt hàng giá dịch vụ ăn uống, may mặc, nhà cho thuê, giao thông, dịch vụ giáo dục, giải trí của nhóm này thấp.

Bến Tre giữ mức chi phí sinh hoạt rẻ nhất nước với giá bình quân các nhóm hàng dao động 72-101% so với Thủ đô. Tỉnh này có mạng lưới giao thông đường thủy, chợ nổi, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ cùng với phát triển nông nghiệp, chăn nuôi để đáp ứng mặt hàng thiết yếu trên địa bàn.

Năm qua, 32 tỉnh thành giảm mức độ đắt đỏ, ngược lại 28 địa phương tăng và 3 tỉnh không biến động so với năm 2022. Lai Châu thay đổi lớn nhất, giảm mức đắt đỏ xuống 15 bậc. Thành phố trực thuộc trung ương có mức chi phí sinh hoạt cao hơn tỉnh miền núi chủ yếu ở các nhóm dịch vụ giáo dục, nhà ở, giải trí và du lịch.

Xét theo vùng kinh tế, Đồng bằng sông Hồng có mức chi phí sinh hoạt đắt nhất, các vị trí sau lần lượt là trung du và miền núi phía Bắc; Đông Nam Bộ; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; Tây Nguyên và thấp nhất là Đồng bằng sông Cửu Long.

Tổng cục Thống kê đánh giá năm 2023 kinh tế trong nước vẫn chịu nhiều tác động của thế giới, tổng cầu sụt giảm, thời tiết cực đoan. Trong nước, Chính phủ đã có nhiều biện pháp quản lý, điều hành giá, giúp kiểm soát lạm phát ở mức 3,25%. Hàng hóa tiêu dùng dồi dào nên giá cả tại các địa phương không biến động nhiều.

Được công bố lần đầu năm 2015, SCOLI có ý nghĩa trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội, đánh giá kết quả xóa đói giảm nghèo, trợ cấp tiền lương, là cơ sở tính toán Chỉ số phát triển con người (HDI) và Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Doanh nghiệp có thể dùng chỉ số này để đánh giá tính cạnh tranh liên quan giá, thị phần, chi phí sản phẩm...