Có 1 tỷ đồng, dư tiền mua ô tô nhưng nhất quyết chi 4 triệu đồng/tháng bắt xe công nghệ

Có gì đằng sau quyết định không chọn mua xe ô tô của người trẻ?

Tạp chí Nhịp sống thị trường ngày 22/04/2024 đưa thông tin với tiêu đề: "Có 1 tỷ đồng, dư tiền mua ô tô nhưng nhất quyết chi 4 triệu đồng/tháng bắt xe công nghệ". Với nội dung như sau:

Hiện tại, mua ô tô không phải là điều quá khó khăn với nhiều người trẻ ở thành phố lớn. Bởi lẽ ô tô đang ngày càng có nhiều mức giá và mẫu mã đa dạng, còn chưa tính đến thị trường xe cũ.

Tuy nhiên, mua xe ô tô là quyết định bạn nên tính toán kỹ lưỡng. Bên cạnh khoản chi phí cần chuẩn bị để trả tiền cho chiếc xe lăn bánh, bạn cần để ý đến các tiêu chí khác như phí nuôi xe hàng tháng, mật độ giao thông, nhu cầu dùng xe có thường xuyên không,...

Cũng vì các lý do trên, dù có nhu cầu dùng xe ô tô và đủ tài chính mua xe, có những người trẻ vẫn chọn di chuyển bằng xe công nghệ. Cùng gặp 2 bạn trẻ dưới đây để hiểu rõ hơn về câu chuyện này.

Mua ô tô không phải lựa chọn ưu tiên

Thuỳ Chi (28 tuổi, Hà Nội) cho biết, cô có khoản tiết kiệm 1 tỷ đồng, và khoản tiền này đủ để cô mua một chiếc ô tô khá xịn. Tuy nhiên, Thuỳ Chi cho rằng khoản chi này sẽ lãng phí, thay vào đó, cô chọn luân phiên giữa 2 hình thức đi xe công nghệ và tự đi xe máy.

“Ngày thường đi làm, mình di chuyển bằng xe ôm công nghệ để thoải mái và tận hưởng cảm giác được người khác lai đi. Còn đi chơi, hoặc trong những trường hợp khó bắt xe, mình sẽ di chuyển bằng xe máy.

Bên cạnh đó, khi đi gặp đối tác và các tình huống cần sự chỉn chu, không muốn khiến trang phục bị nhăn và lớp makeup chảy hết giữa thời tiết nắng nóng, mình sẽ chọn đi xe taxi. Trung bình hàng tháng, mình tốn 3 - 4 triệu đồng cho xe công nghệ, sau khi đã áp cả loại mã giảm giá. Số tiền này tương đương với khoản nuôi xe ô tô 2 tháng và mình nghĩ đây là khoản chi xứng đáng", cô nàng nói.

Ảnh minh hoạ

Thuỳ Chi chia sẻ đến hiện tại cô vẫn chưa có ý định mua xe ô tô. Đồng thời, cô cũng thấy ngạc nhiên khi nhiều người dùng việc có chiếc xe là thước đo của thành công.

Giải thích lý do không mua xe ô tô, Thùy Chi cho biết: “Thứ nhất, mình đang góp tiền mua nhà. Mua xe ô tô sẽ khiến mình hết sạch tiền tiết kiệm, và mình đánh giá đây là khoản chi không khôn ngoan.

Thứ hai, mình thích cảm giác được ngồi sau xe người khác. Nhiều hôm cần di chuyển xa, mình chỉ cần ngồi lên một chiếc taxi. Mình không cần tốn công lái xe và khi lên đó, mình chỉ việc dựa vào ghế ngủ và tỉnh dậy khi đến nơi, rất thuận tiện.

Thứ ba, mật độ giao thông trong nội thành tương đối đông đúc. Do đó, mình nghĩ di chuyển bằng xe máy, kể cả là xe tự lái hay xe công nghệ, đều nhanh chóng hơn so với 1 chiếc ô tô”.

Một trường hợp khác, Tuấn Hùng (27 tuổi, TP.HCM) là dân văn phòng và hàng tháng anh cần tiêu 5 triệu đồng cho chi phí đi lại bằng xe công nghệ. Anh cho biết, hiện tại vẫn thấy ổn với hình thức di chuyển này và chưa có ý định mua ô tô.

Tuấn Hùng nhận định: “Mình là dân văn phòng, nhưng hoạt động ở bộ phận kinh doanh nên cũng có nhu cầu mua ô tô. Tuy nhiên, mình đánh giá việc mua ô tô chưa cần thiết. Vì bên cạnh chi phí mua xe và nuôi xe, mình còn mất tiền thuê chỗ đậu xe hàng tháng vì nhà đi thuê và chi phí đỗ xe khi di chuyển trong thành phố.

Hiện tại, mình không có nhiều nhu cầu đi bằng xe ô tô. Nếu di chuyển trong nội thành thì sợ cảnh tắc đường, còn du lịch đến vùng xa thì không có thời gian đi chơi. Tổng kết lại, nếu sau này có nhu cầu để phục vụ kinh doanh tăng lên thì mình mua ngay, chứ hiện tại mình thấy chưa cần thiết".

Tuấn Hùng nói thêm về lý do anh chọn bỏ tiền di chuyển bằng xe công nghệ, thay vì tự đi để tiết kiệm chi phí. “Đi xe người khác lái thì vẫn luôn thoải mái hơn mình tự di chuyển”, anh chàng nhận định.

Ảnh minh hoạ

Thời điểm nào là phù hợp để mua xe ô tô?

Với Thuỳ Chi, cô cho biết sau khi đã mua được nhà và có tiền dư thì sẽ tính chuyện mua ô tô. Bên cạnh đó, nếu lập gia đình và đã có con thì việc sở hữu một chiếc xe để thuận tiện di chuyển cũng là yếu tố đáng cân nhắc.

“Khi có con, mọi quyết định tài chính của mình sẽ thay đổi nhiều hơn. Chẳng hạn như nếu bạn độc thân thì ở nhà thuê cũng được nhưng sau khi có gia đình, bạn sẽ cần một tổ ấm của riêng mình với đầy đủ tiện nghi. Điều này cũng tương tự với chuyện có một chiếc xe ô tô. Đi xe của mình thì sẽ tự chủ hơn, đồng thời không gian xe sạch sẽ, được làm mọi thứ theo ý thích cá nhân", cô bạn cho biết.

Còn về phía Tuấn Hùng, anh bày tỏ mục tiêu “an cư lạc nghiệp", tức là có 1 căn nhà mới cần thiết hơn chuyện mua xe. Đồng thời, nếu công việc kinh doanh phát triển tốt hơn và nhu cầu gặp khách hàng nhiều, việc sở hữu một chiếc xe là cần thiết để “tiền đẻ ra tiền" thì anh sẽ không ngại xuống tiền trước tài sản này

Tiếp đến, báoVnExpress ngày 1/10/2018 cũng có bài đăng liên quan với thông tin: Xe công nghệ thay đổi thói quen người dùng Việt. Nội dung được đưa như sau:

Sự xuất hiện của ứng dụng đặt xe công nghệ giúp người dân đô thị di chuyển thuận tiện, tiết kiệm chi phí, tạo thu nhập ổn định cho tài xế.

12h trưa, giữa cái nắng chói chang của Sài Gòn, bà Tư núp vội vào trạm chờ xe buýt. Hai phút sau, một thanh niên mặc áo khoác màu xanh lá cây xuất hiện trên chiếc Honda Wave RS. Người phụ nữ ngoài 60 tuổi nhanh chóng nhận ra đây là bác tài của mình khi liếc nhìn biển số.

Cảnh tượng quen thuộc này đã lặp đi lặp lại suốt 3 năm qua, kể từ ngày bà Tư được cháu ngoại hướng dẫn đặt xe qua Grab.

"Bấm bấm" để gọi xe 

Nhà ở Tiền Giang, cứ mỗi tháng bà Tư lại đón xe khách lên Sài Gòn khám bệnh ở quận 10. Hơn chục năm bà quen với cảnh bước xuống bến xe miền Tây và rảo mắt nhiều vòng để tìm một người xe ôm "nhìn có vẻ đàng hoàng" chở mình tới bệnh viện. Mất cả buổi trời cho các xét nghiệm, vào phòng khám gặp bác sĩ, mua thuốc, chỉ đến khi nắng đã lên đến đỉnh của ngày bà mới vật vờ bước ra cổng bệnh viện. Một lần nữa bà lần tìm một người xe ôm cho chuyến đi ngược lại hoặc ghé thăm cháu gái đang sống ở quận 5.

"Mỗi lần như thế là một lần mệt. Tôi đã có tuổi nên cứ đi tìm xe ôm hoài mệt lắm nhưng không thể nhắm mắt đi đại vì sợ bị lừa", bà nhớ lại.

Ba năm trước, cháu gái mua tặng bà chiếc điện thoại thông minh bình dân, cài ứng dụng Grab và hướng dẫn cách đặt xe. Lần đầu tiên tiếp xúc với công nghệ, người phụ nữ lục tuần bối rối, liên tục trỏ ngón nhầm vào các phím trên màn hình. Phải mất 2 tháng bà mới quen nhấn gọi và sử dụng các tính năng cơ bản trên điện thoại.

Cuộc sống của tôi đã thay đổi từ đó, đi xe ôm công nghệ giá rẻ hơn chỉ bằng cách bấm bấm vài cái, an toàn mà không sợ bị lừa. 
bà Tư hồ hởi kể về những chuyến đặt Grab đầu tiên

Một năm 12 lần đi khám bệnh, cộng thêm vài dịp lên thăm cháu gái, tất cả những chuyến xe di chuyển quanh Sài Gòn của bà giờ đây đều gắn bó với Grab. Bà tự nhẩm tính số tiền tiết kiệm được từ ngày chuyển sang sử dụng ứng dụng so với hồi còn đi xe ôm không hề ít.

Xuân - cháu gái bà Tư lên Sài Gòn học từ năm 2012. Cô không quên ngày đầu một mình chân ướt chân ráo đến thành phố mà không có bố mẹ đi cùng và bị một nhóm xe ôm vây lấy chèo kéo, thậm chí họ muốn đánh nhau. Xuân quyết định ra trước bến đón xe buýt dù không rành đường vì thấy thiếu thiện cảm.

Nhưng xe ôm lúc bấy giờ vẫn là phương tiện chính cho những cuốc đi trong nội thành nếu người ta ngại lên xe buýt hay không dư dả để đón taxi. Khách và tài mặc cả giá rồi lên xe, người ngồi phía sau thường có cảm giác bị hớ nếu lỡ phát hiện đoạn đường không xa mấy. Trong tâm trí những vị khách, tài xế xe ôm luôn hiện ra như những người lừa đảo, cố đẩy cao giá cho bằng được. Còn trong mắt tài xế, khách hàng lúc nào cũng ép giá, xem thường công việc của họ. Có một lằn ranh vô hình giữa hai phía, họ chỉ tin tưởng nhau khi có sự thân quen, tức nhiều lần chạm mặt và đón đưa, khi đã trò chuyện và hiểu phần nào về đối phương.

Xuân cũng vậy, cô có một "mối ruột". Vào một ngày mưa nhẹ nhưng dai dẳng không thể đi bộ tới trạm xe buýt, cô sinh viên lúc này đành bấm bụng tìm một tài xế chở đến trường. Nhìn bộ dạng người đàn ông bặm trợn, cô hoài nghi nhưng vẫn đến trả giá, leo lên xe và cảm thấy hoàn toàn an tâm khi ông chạy rất đàng hoàng. Những lần sau có việc phải đi đâu đó, ra đầu ngõ là Xuân tìm đến người xe ôm ấy.

Nhưng đến một ngày, mối quen đột nhiên không còn đậu xe đón khách chốn cũ, không rõ là chuyển nhà hay đổi việc. Cô gái trẻ quyết định dùng thử ứng dụng Grab để gọi xe và gắn bó đến khi ra trường rồi đi làm.

Giới trẻ bây giờ ai mà chẳng biết Grab, mình nghĩ họ đã thật sự tạo được lòng tin với người dùng Việt.
Xuân nhận xét

Với nhiều người thành thị, đây đã trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu khi cần đến phương tiện di chuyển giữa phố phường náo nhiệt. Bước ra đường, người ta có thể bất chợt nhìn thấy màu xanh lá cây đã trở thành đặc trưng của các tài xế GrabBike. 

"Bấm bấm" để kiếm tiền

Huỳnh Kim Long trở thành tài xế của GrabCar từ tháng 7/2014. Tài xế sẽ được Grab hỗ trợ tiền cuốc xe, càng chạy nhiều thì càng có thêm tiền thưởng.

Đơn cử là chạy trên 12 cuốc được thưởng 400.000 đồng, chạy chuyến ngắn thì được hỗ trợ 40.000 đồng, trong ba tháng đầu không phải chia phần trăm cho công ty. Có khi một ngày chỉ chạy hơn 100 km nhưng Long đã kiếm được gần 500.000 đồng.

Tổng kết, tháng ấy thu nhập lên tới 36 triệu sau khi đã trừ chi phí xăng xe. Trước đó, Long chạy hợp đồng cho công ty Hàn Quốc với mức lương chỉ 10 triệu đồng nhưng bị động thời gian, thường phải làm khuya, có khi đến 23h vẫn chưa thể về nhà. Từ khi chạy GrabCar, Long hoàn toàn chủ động, không bị ai làm phiền, có thể nghỉ nếu nhà có công việc hay mỗi khi mệt là tắt ứng dụng.

Thời gian đầu, số lượng tài xế đăng ký Grab còn ít, Long càng chạy càng hăng vì tiền đổ vào túi ngày càng nhiều, đỉnh điểm có tháng kiếm được gần 60 triệu đồng chỉ bằng cách làm tài xế công nghệ cho mỗi ứng dụng Grab.

"Từ ngày xuất hiện ứng dụng đã bước tạo đột phá ngay cả với tài xế và khách hàng, tôi thấy mình tự làm chủ công việc và không bị phụ thuộc vào ai. Bản thân tôi cũng gọi Grab mỗi khi đi nhậu cho an toàn", Long nói.

Tổng hợp