Thực hư lương giáo viên lên đến hơn 27 triệu đồng mỗi tháng

Trên một số diễn đàn của giáo viên chia sẻ lương của giáo viên trung học phổ thông lên đến hơn 27 triệu đồng/tháng. Đây có phải bảng lương chính thức của giáo viên từ 01/7/2024?

Mới đây, Tạp chí Công Dân Khuyến Học đăng tải bài viết "Thực hư lương giáo viên lên đến hơn 27 triệu đồng mỗi tháng" có nội dung như sau:

Hiện tại chưa có bảng lương chính thức của cán bộ, công chức, viên chức nói chung và của giáo viên nói riêng khi Nhà nước thực hiện cải cách tiền lương. Cùng với đó, các cơ quan liên quan cũng chưa ban hành dự thảo bảng lương mới từ ngày 01/7/2024.

Tuy nhiên, ngày 01/7/2024 sắp đến gần nên rất có thể trong thời gian sắp tới sẽ có dự thảo chính thức về việc cải cách tổng thể chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Do đó, những bảng lương đang được chia sẻ trên các mạng xã hội chưa phải bảng lương chính thức và cũng không nằm trong dự thảo bảng lương khi cải cách tiền lương.

Khi thực hiện cải cách tiền lương, giáo viên sẽ bãi bỏ cách tính lương hiện nay theo mức lương cơ sở (1,8 triệu đồng/tháng) và hệ số lương tương ứng với chức danh, chức vụ, công việc đang thực hiện. Đồng thời, xây dựng bảng lương mới bằng con số cụ thể.

Theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, giáo viên còn được hưởng bảng lương mới theo con số cụ thể như sau:

- Bảng lương chức vụ: Áp dụng với các đối tượng là giáo viên đang giữ chức vụ lãnh đạo do được bầu cử và bổ nhiệm.

- Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ: Áp dụng với giáo viên không giữ chức vụ lãnh đạo và được xây dựng theo chức danh nghề nghiệp của viên chức, căn cứ vào vị trí việc làm của giáo viên trong cơ sở giáo dục công lập.

- Mở rộng quan hệ tiền lương tức là thay vì bảng lương của giáo viên mới ra trường bắt đầu bằng bậc 1 với hệ số lương là 2,34 và cao nhất có 10 bậc lương thì khi cải cách tiền lương sẽ mở rộng bậc 1 tương ứng với hệ số lương là 2,68 (hay chính là hệ số lương bậc 2) và bậc lương cao nhất là 12.

Việc mở rộng quan hệ tiền lương nhằm từng bước khiến bảng lương của giáo viên trong cơ sở giáo dục công lập tiệm cận với tiền lương của khu vực doanh nghiệp.

- Thay đổi cơ cấu tiền lương của giáo viên gồm lương cơ bản và các khoản phụ cấp. Đồng thời, bổ sung thêm tiền thưởng chiếm 10% tổng quỹ lương nhưng không bao gồm trong phụ cấp.Bên cạnh việc cải cách tiền lương thì chính sách tiền lương cũng sắp xếp lại các khoản phụ cấp:

- Vẫn áp dụng các khoản phụ cấp gồm: Phụ cấp kiêm nhiệm; phụ cấp khu vực; phụ cấp trách nhiệm công việc; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp lưu động.

- Gộp các khoản phụ cấp: Phụ cấp ưu đãi theo nghề, trách nhiệm theo nghề, độc hại, nguy hiểm thành phụ cấp theo nghề; phụ cấp đặc biệt, thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn thành phụ cấp công tác vùng đặc biệt khó khăn.

- Bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề của giáo viên; phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội, phụ cấp công vụ, phụ cấp độc hại, nguy hiểm.

Bao giờ có bảng lương mới 2024 khi cải cách tiền lương?

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 135/QĐ-TTg về kế hoạch triển khai thực hiện cải cách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Theo Quyết định này, Thủ tướng đã đưa ra thời hạn ban hành các văn bản liên quan đến bảng lương mới của cán bộ, công chức, viên chức áp dụng từ 01/7/2024 như sau:

Như báo Dân Trí đăng tải trước đó trong bài viết "Bảng lương giáo viên trước và sau cải cách tiền lương từ 1/7". Cụ thể như sau:

Hiện nay lương của giáo viên được tính bằng công thức: Lương giáo viên = Lương cơ sở x Hệ số lương.

Theo quy định tại Nghị định 24/2023/NĐ-CP, lương cơ sở hiện nay là 1,8 triệu đồng /tháng.

Bên cạnh đó, hệ số lương của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT được quy định tại các thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gồm Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT và được sửa đổi bởi Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT.

Bảng lương hiện nay của giáo viên các cấp như sau:

Bảng lương giáo viên mầm non (Ảnh: Thư viện pháp luật).

Bảng lương giáo viên tiểu học (Ảnh: Thư viện pháp luật).

Bảng lương giáo viên THCS (Ảnh: Thư viện pháp luật).

Bảng lương giáo viên THPT (Ảnh: Thư viện pháp luật).

Như vậy, mức lương giáo viên cao nhất ở một số cấp học hiện nay là hơn 12 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm phụ cấp và mức lương thấp nhất là 3,78 triệu đồng/tháng.

Khi thực hiện cải cách tiền lương đối với giáo viên từ 1/7, sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới. Do đó, giáo viên sẽ được thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản và các khoản phụ cấp.

Trong đó, lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương); các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương), bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp) (nếu có).

Theo Nghị quyết 27, sẽ có hai bảng lương gồm một bảng lương chức vụ dành cho cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo do bầu cử và bổ nhiệm trong cả hệ thống chính trị từ cấp Trung ương đến cấp xã và một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ dành cho các ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.

Trước đó, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp).

Từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%/năm.

Khi thực hiện cải cách tiền lương với công chức, viên chức, nhất là viên chức giáo dục và y tế sẽ cao hơn so với mặt bằng chung. Lý giải về việc này, Bộ Nội vụ cho rằng, Việt Nam đang thực hiện cải cách chính sách tiền lương gắn với việc thực hiện nghị quyết về phát triển căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, y tế.