Mẹo xác thực căn cước với ứng dụng ngân hàng, ví điện tử

Từ 1/7, ngân hàng sẽ kiểm tra khuôn mặt người gửi khi chuyển khoản từ 10 triệu đồng. Xác thực căn cước công dân gắn chip với ứng dụng ngân hàng, ví điện tử là thao tác bước đầu.

Báo Vietnamnet ngày 30/6 đưa thông tin với tiêu đề: Mẹo xác thực căn cước với ứng dụng ngân hàng, ví điện tử. Với nội dung như sau: 

Quy định mới về xác thực khuôn mặt người gửi khi chuyển khoản hơn 10 triệu đồng sắp có hiệu lực. Thế nhưng, nhiều người dùng vẫn gặp khó khi xác thực căn cước công dân (CCCD) gắn chip với ứng dụng ngân hàng, ví điện tử. 

Chia sẻ với VietNamNet, đại diện Phygital Labs - đơn vị phát triển giải pháp định danh số của người Việt, cho biết việc một số mẫu smartphone có thể đọc được chip là do máy tích hợp đầu đọc chip trong phần cứng. Tùy vào thiết bị, các mẫu smartphone sẽ có cách đọc chip khác nhau, như đọc trực tiếp trên thiết bị hoặc phải cài thêm phần mềm hỗ trợ.

Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, một số trường hợp do người dùng để ốp điện thoại quá dày, điện thoại bị lỗi NFC hoặc thao tác không đúng dẫn đến xác thực không thành công. 

“Trong trường hợp này, người dùng nên liên hệ trực tiếp với bộ phận hỗ trợ khách hàng của ngân hàng hoặc ra tận quầy giao dịch để được hỗ trợ, không tự mày mò và làm theo các hướng dẫn trên mạng để tránh nguy cơ bị lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản”, ông Sơn nói.

Người dùng cập nhật thành công thông tin CCCD gắn chip lên ứng dụng ngân hàng. Ảnh: Trọng Đạt

Để đảm bảo quá trình xác thực CCCD gắn chip diễn ra trơn tru, trước tiên người dùng cần xác định rõ mẫu điện thoại mà mình đang sử dụng có hỗ trợ NFC (công nghệ kết nối không dây, sử dụng cảm ứng từ trường để kết nối các thiết bị điện tử với chip NFC gắn trên một số đồ vật) hay không.

Theo Phygital Labs, về cơ bản, các mẫu iPhone Từ iPhone XS (đời 2018) trở đi hoặc hệ điều hành iOS 14 trở lên đều có thể đọc chip trực tiếp trên điện thoại. Với hệ điều hành Android, việc đọc chip trực tiếp có thể thực hiện với các mẫu máy thuộc phân khúc tầm trung - cao cấp, được sản xuất từ 2018 và chạy hệ điều hành Android 6.0 trở lên.

Vị trí đặt đầu đọc chip NFC của một số mẫu smartphone phổ biến. Ảnh: Tổng hợp

Trước khi quét chip, người dùng cần đảm bảo rằng điện thoại đã được kết nối với Internet. Đầu đọc chip NFC của iPhone thường nằm ở mặt lưng, phần đầu máy, kế bên camera. 

“Người dùng cần chạm trực tiếp vị trí đọc chip trên thiết bị sát vào CCCD. Lưu ý không để vị trí đầu đọc vượt quá 2/3 chip. CCCD gắn chip nên được để cố định trên mặt phẳng hoặc tránh rung lắc”, đại diện Phygital Labs nói. 

Với các thiết bị hệ điều hành Android, một số máy có thể mặc định tắt tính năng đọc chip NFC. Người dùng cần kiểm tra và bật tính năng đọc NFC trên thiết bị trước khi xác thực. Điều này được thực hiện bằng cách vào “Cài đặt” → chọn “Tìm kiếm” → nhập “NFC”, sau đó chọn kết quả liên quan đến kết nối NFC và “Bật NFC”.

Do tính đa dạng của các thương hiệu và các dòng điện thoại Android, vị trí đầu đọc chip NFC cũng khác nhau. Người dùng cần tìm hiểu xem đầu đọc NFC trên dòng máy điện thoại đang sử dụng ở vị trí nào, sau đó chạm trực tiếp vị trí đầu đọc chip trên thiết bị sát vào CCCD gắn chip. 

Người dùng cần đặt đúng vị trí đầu đọc NFC của thiết bị Android chạm vào chip. Thời gian chờ để thiết bị kích hoạt và nhận tín hiệu từ chip mất trung bình 1-2 giây.

Tiếp dến, báo Dân Trí cũng có bài đăng tương tự với thông tin: Chi tiết hướng dẫn quét căn cước công dân để xác thực sinh trắc học

Nội dung được báo đưa như sau: 

Theo Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/7, giao dịch chuyển tiền trực tuyến trên 10 triệu đồng một lần hoặc lũy kế trên 20 triệu đồng một ngày phải xác thực khuôn mặt với mẫu khớp với cơ sở dữ liệu tập trung về dân cư. Việc này nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng.

Trước khi quyết định có hiệu lực, các ngân hàng, ví điện tử liên tục thúc giục người dùng xác thực tài khoản. Theo hướng dẫn, người dùng có thể chủ động thực hiện trên điện thoại theo 3 bước: chụp ảnh mặt trước và sau của căn cước công dân (CCCD) gắn chip; quét NFC (Near - Field Communications - kết nối không dây trong phạm vi ngắn) trên CCCD gắn chip; quét gương mặt và xác thực.

Đa số cho biết quá trình này diễn ra đơn giản, nhanh chóng. Tuy nhiên, không ít người phản ánh tình trạng gặp khó khăn , phần lớn ở khâu quét NFC trên CCCD.

Dưới đây là hướng dẫn triển khai của Ngân hàng Nhà nước: 

1. Đối với khách hàng chưa có căn cước, căn cước công dân (gọi tắt là CCCD) gắn chip

Với các khách hàng chỉ có chứng minh nhân dân hoặc CCCD không gắn chip còn thời hạn sử dụng theo quy định, biện pháp xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng đối với giao dịch loại C, D được thực hiện bằng cách khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong Cơ sở dữ liệu sinh trắc học về khách hàng đã thu thập và kiểm tra, trong đó việc kiểm tra được thực hiện bằng phương thức gặp mặt trực tiếp.

Các đơn vị thực hiện hướng dẫn khách hàng thuộc đối tượng này nếu có nhu cầu thực hiện giao dịch trực tuyến trên 10 triệu đồng hoặc lũy kế trên 20 triệu đồng một ngày thì đăng ký thông tin sinh trắc học trực tiếp tại quầy giao dịch.

Ngân hàng Nhà nước phân loại giao dịch xác thực sinh trắc học thành 4 loại A,B,C,D (Ảnh chụp màn hình).

2. Đối với khách hàng có CCCD gắn chip nhưng sử dụng điện thoại không hỗ trợ NFC

Với nhóm này, biện pháp xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng đối với giao dịch được thực hiện theo 2 cách.

Thứ nhất là thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của khách hàng do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.

Thứ 2 là khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong Cơ sở dữ liệu sinh trắc học về khách hàng đã thu thập và kiểm tra.

Trong đó, việc kiểm tra phải khớp đúng giữa dữ liệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng với dữ liệu sinh trắc học trong chip của thẻ CCCD của khách hàng do cơ quan công an cấp bằng cách thực hiện tại quầy giao dịch, thông qua thiết bị/điện thoại đọc CCCD gắn chíp của đơn vị; hoặc khớp đúng giữa dữ liệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của khách hàng do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.

Các ngân hàng những ngày gần đây giục khách hàng cập nhật khuôn mặt và căn cước công dân gắn chip để tránh gián đoạn giao dịch online giá trị lớn (Ảnh minh họa: IT).

3. Đối với giao dịch nạp, rút tiền từ ví điện tử thông qua tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ liên kết chính chủ

Nếu khách hàng đã thực hiện xác thực chính chủ với ngân hàng khi thực hiện liên kết bằng biện pháp xác thực đối với giao dịch loại B hoặc cao hơn (trừ biện pháp xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học gắn liền với thiết bị cầm tay thông minh) thì không bắt buộc áp dụng biện pháp xác thực đối với các giao dịch nạp, rút tiền từ ví điện tử có hạn mức giá trị giao dịch dưới 10 triệu đồng hoặc lũy kế giao dịch của một tài khoản ngân hàng hoặc một ví điện tử dưới 20 triệu đồng. Các giao dịch khác được thực hiện theo quy định tại Quyết định 2345.

Để sẵn sàng cho việc triển khai áp dụng Quyết định 2345 từ ngày 1/7, nhà điều hành tiền tệ lưu ý các ngân hàng tổ chức truyền thông, hướng dẫn thực hiện đến toàn bộ khách hàng về việc triển khai các biện pháp xác thực giao dịch tương ứng với hạn mức giao dịch theo quy định.

Các đơn vị cũng được yêu cầu chuẩn bị sẵn phương án, kênh hotline và bố trí cán bộ trực 24/7 để hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời khách hàng đăng ký, sử dụng thông tin xác thực sinh trắc học.