Bất lực cập nhật sinh trắc học sát giờ G

Thử đổi điện thoại, đăng nhập lúc rạng sáng để tránh nghẽn mạng, quay chip NFC 180 độ chị Thục Quyên vẫn không thể cập nhật sinh trắc học cho tài khoản ngân hàng.

Báo VnExpress ngày 2/7/2024 có bài viết đưa thông tin với tiêu đề: "Bất lực cập nhật sinh trắc học sát giờ G". Với nội dung như sau:

Từ cuối tháng 5, người phụ 35 tuổi ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An nhận thông báo phải xác thực sinh trắc học nếu chuyển tiền trực tuyến trên 10 triệu mỗi lần hoặc lũy kế 20 triệu đồng mỗi ngày. Nhưng đang bận con nhỏ, chồng đi công tác xa, nhà cách ngân hàng hơn 10 km nên chị chưa thực hiện.

Một tuần cuối trước khi đến hạn 1/7, mỗi ngày chị đều thử cập nhật nhưng chưa khi nào thành công. Lúc thì "sai thông tin", "hết phiên giao dịch", khi lại "không nhận dạng khuôn mặt" hoặc "không thể quét thẻ NFC" khiến bà mẹ hai con bế tắc.

Quyên thử áp dụng theo các hướng dẫn trên mạng như bỏ ốp ngoài để điện thoại dễ quét chip NFC; đưa chip chạm vào camera trước, camera sau của chiếc iPhone 8; đổi mật khẩu ngân hàng hay thậm chí thức dậy lúc 4-5h sáng thực hiện để không bị nghẽn mạng nhưng đều không thành công.

Loay hoay đủ cách mà không được, vợ chồng chị quay ra mâu thuẫn nhau. Quyên nghi ngờ lỗi không quét được CCCD do điện thoại "cùi", muốn thay máy mới. Nhưng chồng cho rằng chỉ là lỗi của ngân hàng, chờ vài ngày nữa thử lại.

"Nhưng tôi kinh doanh, ngày nào cũng chuyển khoản vài chục triệu đồng một lần, không thể để tài khoản tê liệt", Quyên kể. Cô cũng cho biết trong lúc chưa thể ra ngân hàng đành phải nhờ người thân hoặc bạn bè đã làm sinh trắc học chuyển khoản giúp, dù biết bất tiện.

Một số khách hàng gặp lỗi từ bước không thể chụp được hai mặt trước, sau của căn cước công dân để cập nhật sinh trắc học cho tài khoản ngân hàng. Ảnh minh họa: Quỳnh Nguyễn

Sáng 1/7, anh Trần Cường ở Hưng Yên vừa phải chi 8 triệu đồng mua điện thoại mới loại Android để cập nhật sinh trắc học cho tài khoản ngân hàng do một số người nói iPhone khó làm.

Trước đó, người đàn ông 60 tuổi nhiều lần thử quét thẻ NFC bằng máy cũ, cố xoay con chip trên CCCD 180 độ quanh camera trước sau, liên tục tắt nguồn khởi động lại nhưng không thành công. Nhiều thời điểm app ngân hàng tự động thoát bởi hết thời gian giao dịch, những lần khác không thể truy cập do nghẽn mạng.

"Quét chip đến cạn cả pin, xác thực gương mặt đủ 360 độ đến vẹo cả cổ vẫn không được, tôi nghe các con thử đăng nhập vào điện thoại đời mới", anh Cường kể.

Khi chuyển sang điện thoại mới, do không nhớ mật khẩu, nhập sai quá 5 lần nên bị khóa. Hết cách, anh Cường phải ra ngân hàng mở khóa thẻ, nhờ các nhân viên giúp đăng nhập tài khoản trên điện thoại mới và cập nhật sinh trắc học.

Sử dụng cùng lúc ba tài khoản ngân hàng khiến Đoàn Trang, 30 tuổi ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội mất ăn mất ngủ với vụ cập nhật sinh trắc học. Tài khoản đầu tiên cô dễ dàng xác nhận thông tin nhưng hai tài khoản sau đều không thành công bởi "không thể nhận diện gương mặt", "đã NFC quá số lần cho phép" hoặc "lỗi hệ thống".

Bất lực, Trang ra ngân hàng kiểm tra mới phát hiện ngày cấp CCCD trên app là ngày cũ, không quét được. Sau khi được hỗ trợ, cô cập nhật thành công nhưng một ngày sau thiết bị lại báo lỗi. Hết cách, cô gái trẻ đành xin nghỉ làm để ra ngân hàng. Trang cho biết thời gian xử lý lỗi quét CCCD chỉ một, hai phút nhưng việc chờ đến lượt tốn hàng giờ.

Thục Quyên, Đoàn Trang và anh Trần Cường nằm trong 87% số người gặp khó khăn khi xác thực sinh trắc học cho tài khoản ngân hàng, theo khảo sát của VnExpress hôm 24/6 với gần 18.000 người. Chỉ 13% nói Không.

Khoảng một tuần nay, số bài đăng trên mạng xã hội chia sẻ vướng mắc khi cập nhật sinh trắc học cho tài khoản ngân hàng gia tăng. Dưới phần bình luận đa số than phiền gặp lỗi, phải ra ngân hàng nhờ xử lý trực tiếp.

Từng chia sẻ trên VnExpress, ông Huy Nguyễn, đồng sáng lập Phygital Labs - startup nghiên cứu chuyên sâu giải pháp liên quan đến NFC để định danh số vạn vật, nói hai yếu tố ảnh hưởng đến quét NFC là hành vi người dùng và kỹ thuật.

Đầu tiên là hành vi người dùng. Nhiều người xác định vị trí của chip NFC trên thẻ, đầu đọc trên smartphone bằng cách liên tục rà khắp vị trí. Nhưng để NFC hoạt động, người dùng cần cố định chip, đặt thiết bị đủ gần và để smartphone có thời gian đọc, do vậy việc rà thẻ khiến chip chưa được tích đủ từ trường để truyền dữ liệu đã mất kết nối.

Hai là yếu tố kỹ thuật. Theo đó ăng-ten là phần quan trọng nhất của chip NFC. Chip càng lớn, ăngten bắt sóng càng lớn. Nếu chip quá nhỏ, việc quét sẽ gặp khó khăn. Chip trên thẻ hiện tại của người dân gần như không có vấn đề gì về kích thước. Chuyên gia rằng không loại trừ khả năng điện thoại có hỗ trợ NFC nhưng phần vi mạch đọc thẻ bị lỗi, xác suất này "rất nhỏ" nhưng vẫn có thể xảy ra.

Xác định vị trí đầu đọc NFC trên smartphone. Nguồn: Phygital Labs

Tiến sĩ Trần Mạnh Dũng, nguyên trưởng phòng đào tạo Học viện Ngân hàng (Hà Nội), cho biết việc cập nhật sinh trắc học cho tài khoản ngân hàng thời gian đầu sẽ gặp những khó khăn, bất cập, đặc biệt là với những người không quen sử dụng công nghệ hoặc thiết bị nhận chip NFC trên thẻ có thể xảy ra lỗi.

"Nhưng thao tác này là cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân, nhất là khi liên tục xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng", ông Dũng cảnh báo.

Chuyên gia cho biết thêm, việc này cũng hạn chế vấn nạn dùng tài khoản ngân hàng đi thuê để rửa tiền lừa đảo. Trong trường hợp không thể cập nhật được sinh trắc học, ông Dũng khuyên có thể nhờ những người rành về công nghệ hoặc trực tiếp đến phòng giao dịch của ngân hàng để nhận trợ giúp.

Từng chia sẻ tại một hội thảo hồi giữa tháng 6/2024, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cũng cho biết lệnh chuyển khoản trực tuyến trên 10 triệu đồng chiếm 11% giao dịch, số người phát sinh giao dịch trên 20 triệu đồng mỗi ngày chỉ chiếm 0,5%. Do đó, việc áp dụng xác thực sinh trắc học vào giao dịch trực tuyến giá trị lớn sẽ không làm gián đoạn trải nghiệm của khách hàng.

Là kế toán của một công ty xuất nhập khẩu dầu nhớt ở Hải Phòng, chị Kim Giang, 40 tuổi, đã cập nhật sinh trắc học cho tài khoản ngân hàng ngay khi được thông báo từ đầu tháng 6. Không tự làm được tại nhà dù thử nhiều cách, người phụ nữ 40 tuổi đã ra ngân hàng nhờ hỗ trợ và hoàn thành cập nhật chỉ sau hai phút.

"Đúng là có nhiều bất tiện nhưng bảo vệ được tài khoản của bản thân, tránh bị chiếm đoạt tài sản nên tôi thấy không vấn đề gì. Cái gì mới cũng khó, nhưng làm dần sẽ quen", chị Giang nói.

Tiếp đến, báo Thanh Niên ngày 1/7 cũng có bài đăng liên quan với thông tin: Ngày đầu xác thực khuôn mặt, app Vietcombank thường xuyên 'bất động'. Nội dung được đưa như sau:

Trong ngày đầu thực hiện áp dụng sinh trắc học trong chuyển khoản ngân hàng, nhiều khách hàng gặp khó khăn khi không thể truy cập vào app của các nhà băng.

Hàng loạt khách hàng sử dụng dịch vụ Vietcombank đã gặp khó khăn khi truy cập vào ứng dụng tài khoản ngân hàng vào sáng ngày 1.7. Chị T.X (Q.3, TP.HCM) thực hiện chuyển tiền trên VCB Digital thì nhận được màn hình thông báo: "Dịch vụ không thực hiện trong lúc này. Quý khách vui lòng thử lại sau".

Đây cũng là tình trạng của nhiều khách hàng trong sáng nay, ngày đầu tiên thực hiện chuyển tiền trên 10 triệu đồng phải xác thực khuôn mặt. App VCB Digital liên tục thông báo: "Có lỗi phát sinh trong quá trình xử lý dữ liệu. Quý khách vui lòng kiểm tra hoặc liên hệ các điểm giao dịch của Vietcombank hoặc Hotline 1900545413 để được hỗ trợ" hay "Yêu cầu của quý khách đến hệ thống tạm thời gián đoạn. Vui lòng thử lại sau", "Dịch vụ không thực hiện trong lúc này. Quý khách vui lòng thử lại sau".

Một số khách hàng phản ánh, do trục trặc khi quét chip CCCD nên phải đến ngân hàng đăng ký nhưng nhân viên ngân hàng VCB cho biết, hệ thống quá tải. Nếu chưa có nhu cầu chuyển trên 10 triệu đồng thì có thể chọn ngày thấp điểm vắng khách ra cài đặt để không mất thời gian.

Ngày đầu xác thực khuôn mặt, app Vietcombank thường xuyên 'bất động'- Ảnh 1.

Khách hàng không thực hiện được chuyển khoản qua app ngân hàng

Khách hàng của một số nhà băng khác cũng gặp tình trạng tương tự. Anh N.Đ.T (Q.1, TP.HCM) sáng nay có việc cần chuyển khoản 2 triệu đồng qua tài khoản của SHB thế nhưng cũng không giao dịch. Anh N.Đ.T đến ngân hàng thì nhân viên báo hệ thống đang bị lỗi.

Theo Quyết định số 2345 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, kể từ ngày 1.7, các loại giao dịch trực tuyến của khách hàng cá nhân bắt buộc phải xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học (hiện nay là xác thực bằng thông tin khuôn mặt). Cụ thể, chuyển tiền trong ngân hàng khác chủ tài khoản, chuyển tiền liên ngân hàng trong nước, nạp ví điện tử có giá trị trên 10 triệu đồng/giao dịch hoặc giá trị từ 10 triệu đồng trở xuống nhưng tổng giá trị giao dịch trong ngày đạt trên 20 triệu đồng; chuyển tiền ra nước ngoài; thanh toán hóa đơn hàng hóa dịch vụ với tổng giá trị giao dịch trên 100 triệu đồng trong ngày; kích hoạt dịch vụ ngân hàng số lần đầu hoặc đổi thiết bị sử dụng ứng dụng ngân hàng số. Để làm cơ sở xác thực giao dịch theo quy định, hình ảnh khuôn mặt của khách hàng khi thực hiện giao dịch sẽ được kiểm tra và so khớp với dữ liệu sinh trắc học của khách hàng đã được cập nhật tại ngân hàng (có đối khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu căn cước hoặc được kiểm tra trực tiếp bởi cán bộ ngân hàng).

Tổng hợp