Gia đình sinh 8 con ở An Giang: Bé nào cũng hiểu chuyện, cha mẹ chỉ ước mong đúng điều này

“Con cái là lộc trời cho, hơn cả tôi nghĩ “trời sinh voi ắt có cỏ” nên cứ đẻ thôi. Tôi biết cuộc sống giờ còn khó khăn nhưng không thể bỏ máu mủ được, nó làm gì có tội mà mình làm thế cơ chứ. Vì vậy tôi đành động viên vợ cứ để đẻ, có khó khăn gì hãy để mình tôi gánh vác”, anh Cảnh bộc bạch.

Ghé Long Xuyên (An Giang) hỏi thăm cặp vợ chồng nghèo có 8 đứa con ai cũng hay biết, thậm chí có thể kể tường tận hoàn cảnh không đất, không nhà, không việc làm. Anh Hai – người hàng xóm cho biết: “Họ là người dân chính gốc ở đây nhưng chẳng có đất canh tác, cũng không có nơi để dựng nhà ở.

Họ hiện sống đậu trên mảnh đất của người anh kế trước, trong chiếc chòi rộng vỏn vẹn chục mét vuông. Chồng làm thợ hồ, vợ ở nhà trông coi 7 đứa nhỏ và chuẩn bị sinh thêm đứa thứ 8. Tôi thấy cuộc sống cực lắm nhưng bà con trong ấp đều khó khăn, chẳng giúp đỡ được gì cả”.

Nói rồi người đàn ông chỉ về phía nơi ở của cặp vợ chồng đông con. Đó là căn chòi được dựng tạm bợ, bên trong chẳng có thứ gì đáng giá ngoài chiếc giường cũ kỹ. Thậm chí gian bếp rất tuềnh toàng với thùng gạo chỉ còn vài hạt.

Thấy người lạ ghé tới, người đàn ông sở hữu mái tóc điểm bạc, gương mặt khắc khổ tự giới thiệu: “Tôi tên Minh Cảnh, năm nay 43 tuổi. Còn kia là vợ tôi, kém 2 tuổi. Chúng tôi cưới nhau ở cái độ tuổi có thể gọi là muộn, tầm 26-28 nhưng chẳng hiểu sao lại đông đúc con đến thế.

Chúng tôi liên tục bị vỡ kế hoạch do không biết cách phòng tránh. Thế rồi tôi không nỡ bỏ con nên động viên vợ sinh, ngờ đâu cuộc sống cứ dần khó khăn”.

Gia đình anh Cảnh dù nghèo khó nhưng luôn rộn rã tiếng cười.

 

7 đứa con cứ lần lượt chào đời, anh Cảnh và vợ bàn nhau không sinh nữa để có thời gian làm lụng kiếm tiền nuôi nấng các con trưởng thành. Cả hai phân chia công việc cụ thể, anh đi làm hồ với mức thu nhập 250.000 – 300.000 đồng/ngày, còn chị ở nhà chăm sóc mấy đứa nhỏ chưa đến tuổi đi học mẫu giáo.

Lúc này hàng xóm thở phào nhẹ nhõm nghĩ cặp đôi đã… dừng đẻ thật. Song đời chẳng biết chữ ngờ, chị vợ lại mang thai đứa con thứ 8. Anh Cảnh thảng thốn, không tin nhưng cũng chẳng dám khuyên vợ đi bệnh viện bỏ thai.

“Con cái là lộc trời cho, hơn cả tôi nghĩ “trời sinh voi ắt có cỏ” nên cứ đẻ thôi. Tôi biết cuộc sống giờ còn khó khăn nhưng không thể bỏ máu mủ được, nó làm gì có tội mà mình làm thế cơ chứ. Vì vậy tôi đành động viên vợ cứ để đẻ, có khó khăn gì hãy để mình tôi gánh vác”, anh Cảnh bộc bạch.

Người vợ (áo chấm bi) hiện mang thai đứa thứ 8, sắp đến ngày vượt cạn.

Vợ mang bầu ở tuổi ngoài 40, đồng nghĩa với việc sức khoẻ đi xuống rất nhiều. Bởi vậy anh Cảnh không dám để chị lao động nặng nhọc, thậm chí mấy việc nội trợ cũng nhờ con gái lớn 16 tuổi làm giúp.

“Chúng tôi có tất thảy 7 đứa con: 4 gái, 3 trai và đứa đang trong bụng. Cái lớn năm nay 16 tuổi, sau đó đến cặp song sinh trai, thêm một bé gái, bé trai và 2 đứa con gái nhỏ. Giờ đứa trong bụng tôi cũng là con gái, còn vài ngày nữa sẽ đến ngày sinh.

Tôi buồn lắm, vì sự thiếu hiểu biết về sức khoẻ sinh sản mà để các con không có cuộc sống đủ đầy như chúng bạn. Tôi quyết định rồi, sinh xong đứa út sẽ nhờ bác sĩ thắt vòi trứng hoặc đặt vòng tránh thai”, người vợ tâm sự.

Người vợ cũng cho biết, 7 đứa nhỏ rất ngoan và hiểu chuyện. Chúng biết cha mẹ vất vả mưu sinh nên hay đỡ đần việc nhà, chịu khó học hành. Thậm chí bé lớn còn trông em, cơm nước, giặt đồ giúp chị những lúc chị mệt mỏi. Và chị vất vả nhất là cặp song sinh, hay ốm đau cùng một lúc khiến chị không thể xoay kịp.

“Chúng hay bệnh, lại còn cùng nhau. Mỗi lần chúng bệnh khiến cả nhà lao đao vì tốn một khoản mua thuốc hoặc đi bệnh viện. Còn lại đám nhỏ trộm vía lắm. Có lẽ trời thương vợ chồng tôi vất vả vì đẻ nhiều mà cho con ngoan ngoãn, hiểu chuyện. Tôi chỉ hi vọng chúng luôn mạnh khoẻ, ngoan ngoãn… Sau này chúng lớn trở thành người tốt, chứ không mưu cầu giỏi giang gì”, chị vợ tâm sự.

Về phía anh Cảnh, anh chỉ mong có ông việc ổn định bởi hiện tại cứ làm một ngày, nghỉ 2 hôm. Như vậy anh mới có thể gánh vác được gia đình nhỏ có đông thành viên. Anh chia sẻ: “Người ta nói tôi giàu con cái. Tôi thừa nhận nhưng sòng phẳng mà nói sinh nhiều là vi phạm pháp luật về kế hoạch hoá gia đình, nghèo khó chồng chất. Tôi chẳng ước mơ gì ngoài mong vợ chồng, con cái khỏe mạnh”.

Gia đình người mẹ 29 tuổi sinh 8 con: Tiêu vặt 10 triệu/tháng, con giúp bố xây nhà

Hơn 2 năm trước, chị Nguyễn Thị Hồng (ở Quốc Oai, Hà Nội) hạ sinh đứa con gái út, cũng là con thứ 8 trong gia đình, khi ấy chị mới 29 tuổi. Thời điểm đó, chị Hồng được nhiều người biết đến khi trở thành người mẹ “mắn đẻ” nhất nhì Hà Nội trong thời hiện đại. Vốn vợ chồng chị Hồng cũng không muốn sinh nhiều con vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhưng do vỡ kế hoạch nên cứ chửa là đẻ.

Sinh cháu thứ 8 được 14 ngày, chị Hồng đã phải đi làm kiếm tiền nuôi con.

 

Bữa cơm của gia đình chị Hồng và các con cách đây hơn 2 năm khi chị mới sinh con út.

May mắn thay, chị Hồng là người dễ trở dạ sinh con. 8 đứa con của chị (1 cháu đã mất), chỉ 1 cháu được sinh ở bệnh viện huyện, còn lại đa phần là sinh ở trạm y tế xã. Cá biệt có cháu còn sinh trên xe bò (xe kéo tay) khi chồng chị Hồng là anh Đỗ Công Trường (SN 1985) đang đưa chị ra trạm y tế.

Mới sinh cháu út được 14 ngày, chị Hồng đã phải đi làm thuê kiếm tiền nuôi con. Lúc đó, gia đình chị Hồng không chỉ đông con mà còn thuộc diện nghèo “bền vững” ở làng Phú Hạ.

Đã hơn 2 năm trôi qua kể từ lần sinh cháu thứ 8, bằng sự cố gắng, lao động không biết mệt mỏi của anh Trường - chị Hồng, giờ đây cuộc sống gia đình đã cải thiện đáng kể. Ngôi nhà của vợ chồng anh Trường đã được sơn sửa lại, có đầy đủ tiện nghi hơn…

Hình ảnh ngôi nhà cũ (ảnh trên) và ngôi nhà được sửa lại, đang xây dựng dở dang.

Vẫn tiếng cười giòn tan của những đứa trẻ thơ, nhưng giờ đây chúng “có da, có thịt” hơn trước rất nhiều. Hàng sáng đi học, những đứa trẻ được bố mẹ cho tiền ăn sáng thay vì phải ăn chung 1 nồi mỳ tôm như trước…

Gặp chúng tôi, anh Trường nở nụ cười rất tươi, hoan hỉ nói: “Nhà anh thoát nghèo rồi chú ạ”. Nhấp chén nước chè đặc, anh Trường chia sẻ gia đình không ở diện hộ nghèo vào cuối năm 2019. Anh mừng vì đều đó bởi không ai thích nghèo cả.

Chỉ ra phía trước sân, anh Trường nói liến thoắng rằng tranh thủ lúc nghỉ dịch COVID-19, anh ở nhà tự xây lại cái bếp cho rộng rãi hơn. Trước đó, anh Trường cũng xây thêm được 2 gian phòng mới để làm chỗ học, chỗ ngủ cho các con.

Chị gái thứ 2 tên Nguyễn Thị Duyên đang chăm đứa em út tại căn phòng mới được xây dựng.

 

“Giờ các con lớn hết cả rồi, ngủ chung 1 giường chật không chịu nổi. Thôi thì làm ăn cũng để ra chút ít, mình sửa lại nhà để sinh hoạt cho thoải mái”, anh Trường nói.

Ảnh hưởng của dịch bệnh, các con anh Trường không phải đến lớp, dù ở nhà nhưng vẫn học online. Để phục vụ cho việc học, anh Trường sắm một chiếc tivi đời mới và cả smartphone để các con có điều kiện học tập tốt nhất.

Ngoài giờ học, anh lại huy động các con đứa đưa gạch, đứa xách vữa để xây thêm phòng ở mới. “Đông con cũng có cái lợi vậy đó. Xây gần hết tường mà chỉ tôi và các con làm lấy. Còn mẹ các cháu vẫn đi làm bình thường”, ông bố 8 con nói.

Phần nhà đang được bố con anh Trường xây dựng trong thời gian cách ly do dịch bệnh.

Điều hai vợ chồng anh Trường tự hào nhất là các con anh đều ngoan ngoãn, chăm chỉ và khỏe mạnh. “Chị cả và chị thứ 2 thay nhau làm những công việc nặng như nấu cơm, lau nhà… Còn chị thứ 3, thứ 4 thay nhau chăm các em nhỏ. Được cái đứa út cũng lanh lợi và ngoan, không quấy bố mẹ.

Còn việc học thì các con tôi bình thường, chỉ có cháu thứ 2 là nhỉnh hơn. Cháu mới được đi thi học sinh giỏi cấp huyện và được chủ tịch huyện tặng giấy khen”, anh Trường nói đầy tự hào về các con của mình.

 

   

Chia sẻ về công việc hiện tại, anh Trường cho biết thời gian gần đây 2 vợ chồng nhận sơn và hoàn thiện nội thất 1 số công trình nên công việc cũng đều và có chút ít tiền để mua sắm và sửa sang nhà cửa. “Tính ra hàng tháng gia đình tôi tiền tiêu vặt cũng đến 10 triệu đồng, nào là ăn uống, xăng xe đi lại, tiền điện, tiền nước… Đó là chưa kể tiền học cho con”, anh Trường cho biết.

Thời gian tới, hai vợ chồng anh Trường sẽ nỗ lực hơn nữa trong công việc với hy vọng tích cóp được chút ít tiền vì các con càng lớn, chi phí càng nhiều và đặc biệt là phải lo tương lai sau này cho các con.