7 khoản tiền nhà trường không được thu của cha mẹ học sinh

Hà Nội quy định 7 khoản tiền ban đại diện cha mẹ học sinh các trường học ở Hà Nội không được thu của học sinh trong năm học 2024 - 2025.

Ngày 2/9/2024, báo Lao Động đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "7 khoản tiền nhà trường không được thu của cha mẹ học sinh". Nội dung cụ thể như sau:

Chuẩn bị cho năm học mới 2024-2025, nhằm tăng cường công tác quản lý thu, chi, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội thông tin, đối với kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, các nhà trường thực hiện theo quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22.11.2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh.

Trong quá trình thực hiện, Sở GDĐT Hà Nội lưu ý tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT.

Hà Nội quy định 7 khoản tiền không được thu của cha mẹ học sinh. Ảnh: Vân Trang

Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, không được thu 7 khoản sau: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng học tập cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Việc thu, chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ. Sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể ban đại diện cha mẹ học sinh trường; không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.

Chỉ Nguyễn Phương Thảo (Hoàng Mai, Hà Nội) - ủng hộ việc siết chặt hoạt động thu chi của các trường đầu năm học.

"Rất nhiều gia đình có con trong độ tuổi đến trường như tôi cảm thấy lo lắng, áp lực bởi họp phụ huynh đầu năm là nghe nhà trường phổ biến học phí, rồi vận động phụ huynh, phát đơn tự nguyện xin học thêm,...." - chị Thảo chia sẻ.

Phụ huynh này kiến nghị, các cơ quan quản lí cần tạo thêm các kênh thông tin để phụ huynh có thể phản ánh kịp thời những việc làm sai quy định, tình trạng lạm thu,... Đồng thời, cần có chế tài xử phạt mạnh hơn với những trường học, cá nhân vi phạm. Như vậy, mới có thể ngăn chặn việc lạm thu núp bóng "tự nguyện".

Ngày 13.5, Bộ GDĐT đã có Công văn số 2179/BGDĐT-KHTC gửi các Bộ, cơ quan Trung ương (có cơ sở giáo dục trực thuộc) và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học 2024-2025. Đến ngày 11.7, Bộ GDĐT có Công văn số 3476/BGDĐT-KHTC báo cáo Thủ tướng Chính phủ đánh giá tác động của việc điều chỉnh học phí năm học 2024-2025 đến chỉ số giá tiêu dùng CPI năm 2024.

Bộ GDĐT cũng tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt, phổ biến rộng rãi các văn bản chỉ đạo chấn chỉnh thực hiện các khoản thu, chi đến các cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục; yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ biến, tuyên truyền cho cha mẹ học sinh, ban đại diện cha mẹ học sinh, giáo viên hiểu rõ quy định, từ đó thực hiện quyên góp, ủng hộ trên cơ sở tự nguyện, công khai minh bạch giữa phụ huynh và cơ sở giáo dục theo đúng quy định.

Tiếp đó, báo Thanh Niên đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Hà Nội quy định 7 khoản không được thu của cha mẹ học sinh". Nội dung cụ thể như sau:

Chuẩn bị cho năm học mới 2024 - 2025, nhằm tăng cường công tác quản lý các khoản thu, chi từ cha mẹ học sinh, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu.

Đối với kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, các nhà trường thực hiện theo quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22.11.2011 của Bộ GD-ĐT ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh.

Sở GD-ĐT Hà Nội nêu rõ 7 khoản tiền không được thu từ cha mẹ học sinh (ảnh minh họa)

Trong quá trình thực hiện, Sở GD-ĐT Hà Nội lưu ý tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định tại Thông tư nói trên.

Sở GD-ĐT Hà Nội cũng nêu rõ, ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, không được thu 7 khoản sau: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường.

Không thu của cha mẹ học sinh để mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng học tập cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu: "Việc thu, chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ. Sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể ban đại diện cha mẹ học sinh trường; không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh".

Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc thực hiện việc giãn thời gian thu các khoản; không tổ chức thu gộp nhiều khoản thu trong cùng một thời điểm.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thu, chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục; kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu hoặc thu các khoản trái quy định. Các địa phương cần có hình thức xử lý nghiêm, kịp thời đối với hiệu trưởng những cơ sở giáo dục thực hiện thu chi không đúng quy định.

Trước đó, Bộ GD-ĐT đã có văn bản chỉ đạo về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực GD-ĐT đối với năm học mới 2024 - 2025. Theo đó, yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và có trách nhiệm giải trình với người học và xã hội về các mức thu, khoản thu của cơ sở giáo dục; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học. Thực hiện công khai về cam kết chất lượng GD-ĐT, các điều kiện đảm bảo chất lượng và thu chi tài chính.