Nữ sinh phóng xe máy 600 cây số về Tết, cha mẹ nuốt không trôi cơm
Sau gần 20 giờ đồng hồ chạy xe máy, Hà về tới nhà ở Kon Tum trong tiếng quát ầm ĩ đầy lo lắng của bố mẹ.
Báo Dân Trí ngày 4/2/2024 có đăng tải bài viết với tiêu đề: "Nữ sinh phóng xe máy 600 cây số về Tết, cha mẹ nuốt không trôi cơm", nội dung như sau:
Nguyễn Ngọc Hà, sinh viên năm 2 một trường đại học ở TPHCM, cho biết em vừa về đến nhà ở Kon Tum đón Tết sau chuyến "phượt" bằng xe máy.
Chuyến đi kéo dài gần 20 giờ đồng hồ, Hà xuất phát từ TP Thủ Đức, TPHCM từ lúc 3h30 sáng đến gần đêm mới về đến nhà.
Nhiều sinh viên chạy xe máy về quê đón Tết (Ảnh minh họa: Hoài Nam).
Nữ sinh viên cho biết, cô dự định đi xe máy về quê đón Tết từ tháng trước với rất nhiều lý do. Hà ngán ngẩm vé xe khách dịp Tết rất cao, lại hay nhồi nhét khách. Hơn nữa, cô cũng muốn đưa xe máy về quê để đi lại và cả quyết tâm đi một lần cho biết.
Ban đầu, Hà cùng nhóm 3-4 người bạn lên kế hoạch đi chung nhưng đến ngày cuối thì dự tính bất thành. Có bạn đổi sang đi xe khách, có bạn thay đổi quyết định ở lại làm thêm, thành ra cô gái 20 tuổi "một mình một ngựa".
Cô gái tính toán suốt chuyến đi mình đổ hơn 350.000 đồng tiền xăng, dừng chân ở 5 điểm.
"Có điểm dừng chân ở quán cà phê võng tại Đắk Lắk mình còn bị ngủ quên gần một giờ đồng hồ. Lúc đó, có người cũng chạy xe về quê đánh thức, mình mới bật dậy để chạy tiếp", Hà kể.
Cô gái chia sẻ, việc chạy xe máy suốt cung đường dài "mệt bơ phờ" chứ không lung linh, sắc màu như nhiều bạn "phượt" chia sẻ. Mục đích của cô không phải đi du lịch mà đi để về nhà nên bị áp lực thời gian, chủ yếu lo chạy xe, không có tâm trạng ngắm cảnh, chụp ảnh.
Thở phào khi chuyến đi về đích an toàn nhưng Hà cho biết điều cô áy náy nhất là đã làm bố mẹ lo lắng. Lỡ để bố mẹ biết kế hoạch, khi về đến nhà Hà mới hay cả ngày cô chạy xe trên đường, bố mẹ lo đến mức... không ăn nổi cơm.
Bố mẹ dọn mâm cơm ra rồi lại bê vào vì nuốt không trôi. Cả ngày ông bà đi ra vào thấp thỏm, không dám gọi điện hỏi han vì sợ con gái mất tập trung khi chạy xe.
Khi con gái về đến nhà, bố mẹ Hà ra đón và quát ầm ĩ nhưng thật ra phía sau đó là tiếng... thở phào đầy nhẹ nhõm.
Sinh viên, người lao động ở TPHCM chuẩn bị lên đường về quê theo chương trình "Tết sum vầy - Xuân trọn vẹn 2024" (Ảnh: Xuân Trường).
"Nhiều bạn sinh viên chạy xe máy về quê dịp Tết nhưng với mình có lẽ chỉ đi một lần duy nhất này thôi. Ra Tết nhiều khả năng mình sẽ không chạy xe ngược về Sài Gòn nữa mà sẽ đưa cả người cả xe máy lên xe khách ", Hà cho hay.
Cần chú ý sự an toàn
Chạy xe máy về quê đón Tết là lựa chọn của không ít sinh viên xa nhà đang học tập ở TPHCM. Không chỉ ở các tỉnh thành lân cận mà nhiều sinh viên có cung đường chạy xe về quê lên đến cả hàng trăm cây số.
Nguyễn Đức Toàn, sinh viên năm 3 cho hay, đây là năm thứ 2 liên tiếp cậu chạy xe máy về quê đón Tết ở Khánh Hòa. Năm nay, Toàn đi cùng một người bạn khác, đổi nhau lái nên đỡ mệt hơn việc chạy xe một mình.
Trường đại học ở TPHCM lưu ý với sinh viên chạy xe máy về quê đón Tết (Ảnh: Hoài Nam).
Hành trình của Toàn không vội vàng, không bị "ép" về mặt thời gian, cả hai túc tắc nghỉ ngơi, ăn uống dọc đường nên kéo dài gần 15 giờ đồng hồ.
Theo Toàn, chạy xe máy về quê, sợ nhất chính là vấn đề an toàn. Dù tay lái cứng đến mấy nhưng trên đường có thể có nhiều tình huống phát sinh khó lường trước.
Các năm trước đây, đã từng xảy ra những vụ tai nạn vô cùng thương tâm mà nạn nhân là người chạy xe máy từ thành phố về quê đón Tết.
Mới đây, ghi nhận thấy nhiều sinh viên có kế hoạch đi xe máy về quê ăn Tết, Phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã cảnh báo sinh viên về vấn đề này.
Việc đi xe máy về quê ăn Tết tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, rủi ro mất an toàn. Nhiều vấn đề có thể gặp phải trong quá trình di chuyển như đuối sức, giao thông vào dịp Tết đông đúc, ùn tắc, thời tiết thất thường, chở hành lý, quà cáp lỉnh kỉnh...
Với sinh viên chọn xe máy làm phương tiện về quê, Phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tổng hợp và đưa ra các lưu ý cần thiết sinh viên cần trang bị cho hành trình của mình.
Các lưu ý này gồm lưu ý việc xăng xe chạy trên đường, cân nhắc điểm tiếp xăng tránh hết xăng giữa đường; đảm bảo xe máy đang hoạt động tốt, an toàn; hành lý gọn nhẹ; trang phục phù hợp; chia quãng đường nghỉ ngơi hợp lý; tuân thủ luật giao thông; chuẩn bị những đồ dùng sửa xe; chọn thời gian xuất phát hợp lý; tìm bạn đồng hành...
Sinh viên về quê trên chuyến xe "Hành trình mùa xuân" của Đại học Quốc gia TPHCM (Ảnh: Quỳnh Nam).
Tuy nhiên, lãnh đạo trường nhấn mạnh không khuyến khích việc sinh viên chạy xe máy về quê vì sự an toàn của chính các bạn. Nhà trường lưu ý sinh viên nên thu xếp đi lại bằng các phương tiện công cộng như máy bay, tàu, xe khách...
Bên cạnh đó, báo VNExpress cùng ngày đăng tải bài viết với tiêu đề: "Sinh viên của tôi không về quê ăn Tết để ở lại Hà Nội kiếm tiền". Nội dung như sau:
Tranh thủ ở lại xin việc làm thêm dịp Tết, nhiều sinh viên của tôi kiếm được 5-7 triệu đồng, vừa học hỏi nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng sống.
Không khí Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang cận kề. Những ngày này, hầu hết các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đều đã cho sinh viên nghỉ học sớm hai tuần để về quê đón Tết cùng gia đình. Phần lớn các bạn trẻ đang học tập tại Hà Nội đều đã thu dọn hành lý, vui vẻ, háo hức trở về quê nhà đoàn tụ với bố mẹ, anh chị em của mình bên mâm cơm đoàn viên.
Thế nhưng, không phải ai cũng có điều kiện về quê vào dịp Tết. Một số em sinh viên do gia đình ở xa, điều kiện kinh tế khó khăn, không có tiền mua vé máy bay, vé tàu, vé xe để về quê, nên các em vẫn phải ở lại Hà Nội, tranh thủ làm thêm dịp Tết để kiếm tiền ăn học. Sinh viên của mấy trường đại học, cao đẳng mà tôi đang dạy thỉnh giảng đều có những em có hoàn cảnh như vậy.
Tết là dịp về quê để đoàn tụ gia đình. Với người xa quê điều đó lại càng có ý nghĩa. Nhưng với nhiều người, trong đó có những sinh viên nghèo học tập xa nhà, quyết định về quê lại là cả một nỗi đắn đo, trăn trở. Có em quê ở mãi Quảng Bình, Huế, Sóc Trăng, Bến Tre, Cà Mau, Vũng Tàu... mỗi lần về quê đón Tết và trở lại trường là phải mất vài triệu đồng tiền vé máy bay hay vé tàu. Mà nhà các em vốn đã khó khăn, nếu về quê, bố mẹ các em phải chạy vạy lo cho các em tiền tàu xe, rồi tiền ăn học.
Nghĩ đến cảnh Tết khi mọi người được sum vầy bên người thân, các em cũng tủi thân, nhớ nhà. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, muốn học tập để ra trường nên các em đành nén lòng mình lại. Không về quê, các em phải tìm một việc làm thêm thích hợp để vừa có tiền tiêu Tết vừa để vơi đi nỗi nhớ nhà.
Có em sinh viên chia sẻ với tôi rằng: "Bố mẹ em làm nông dân, phải nuôi bốn đứa con đang ở độ tuổi ăn học, nhà lại ở tận Bạc Liêu, phải đi máy bay nên em không có tiền về quê. Em ở lại Hà Nội xin việc làm thêm dịp Tết với hy vọng kiếm thêm một khoản tiền để đóng học cho học kỳ mới". Bạn tôi làm chân giò muối để bán dịp này phải thuê người làm việc, trả tiền công 500.000 đồng mỗi ngày và nuôi ăn cơm ba bữa. Có nhiều sinh viên xin làm luôn cả nửa tháng Tết để kiếm tiền trang trải việc học hành và phụ giúp gia đình.
Một em sinh viên khác tâm sự: "Quê em ở Quảng Bình nghèo lắm, để lo cho em đi học gia đình đã vất vả lắm rồi. Nếu Tết em chịu khó đi làm thì sẽ có một khoản đóng học phí, trả tiền sinh hoạt, đỡ được bao nhiêu cho bố mẹ. Từ trước khi được nghỉ, em đã xin được việc tại một quán cà phê nhưng phải làm đến 30 Tết, sau đó nghỉ một ngày rồi Mùng Hai Tết lại đi làm. Mỗi ngày người ta trả 400.000 đồng, được nuôi ăn ngày ba bữa. Vậy là sau Tết em sẽ kiếm được một khoản tiền kha khá, không phải xin tiền của bố mẹ".
Những công việc sinh viên thường làm là lau dọn nhà cửa, giúp việc, phục vụ nhà hàng, khách sạn, quán café, bán quần áo, bán bánh kẹo, bán hoa, hướng dẫn viên du lịch, đi giao hàng, trông giữ xe, bảo vệ công trình... Mấy ngày Tết, được trả lương cao gấp ba lần ngày thường. Một ngày các em có thể kiếm được 300.000-500.000 đồng và còn được nuôi ăn cả ngày. Thế nên, mỗi dịp Tết, các em sẽ kiếm được 5-7 triệu đồng, đủ để đóng học phí cho cả một học kỳ tiếp theo.
Chẳng ai lại không muốn về quê đón Tết cùng gia đình, bạn bè trong dịp năm mới. Thế nhưng, với những sinh viên nghèo lại là cả một khó khăn dài. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, làm thêm trong dịp Tết đối với sinh viên không chỉ là kiếm thêm thu nhập mà còn là dịp để học hỏi kinh nghiệm trong việc ứng xử giao tiếp, nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng sống của bản thân.
Tôi rất vui vì những năm qua, cứ đến dịp Tết Nguyên đán, Ban giám hiệu của nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội lại lên kế hoạch bố trí chỗ ở cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn không về quê đón Tết. Thấu hiểu nỗi niềm xa quê khi Tết đến của các em sinh viên, nhiều trường tổ chức các hoạt động giúp đỡ sinh viên. Ban quản lý Ký túc xá nhiều trường tổ chức buổi gặp mặt, chuẩn bị chu đáo các hoạt động văn nghệ và trao quà Tết tặng những sinh viên nội trú có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong học tập.
Phòng Công tác chính trị và Quản lý Sinh viên của một số trường cũng phối hợp với một số công ty tổ chức chương trình hỗ trợ sinh viên về quê đón Tết Nguyên đán bằng những chuyến xe miễn phí. Có trường đại học còn trích ngân sách để hỗ trợ cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập về quê đón Tết với mong muốn sẻ chia một phần khó khăn về vật chất và động viên tinh thần đối với các em sinh viên đã vượt lên hoàn cảnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập. Có trường lại tặng tiền mặt cho sinh viên từ 100.000-500.000 đồng. Điều này cho thấy, nhà trường quan tâm, chăm lo chu đáo tới đời sống sinh viên.
Mỗi khi Tết đến, xuân về, những nỗ lực vươn lên của cá nhân mỗi sinh viên cùng với những món quà, sự hỗ trợ tuy không nhiều về giá trị vật chất của các trường đại học, cao đẳng nhưng đã mang lại ý nghĩa to lớn. Năm nay dẫu còn nhiều bạn sinh viên nghèo không có điều kiện về quê đón Tết cùng gia đình nhưng đi làm thêm cũng là cách để các em rèn luyện, trưởng thành hơn và thêm chút niềm vui nhỏ gửi đến bố mẹ ở quê. Dẫu có buồn nhưng biết suy nghĩ về hành động của mình để hướng đến mục đích tốt đẹp thì đó là niềm vui trong năm mới này. Chúc các em đón một năm mới vui vẻ, ấm áp và đầy ý nghĩa.