Ngân hàng cảnh báo hình ảnh tuyệt đối không nên lưu trong điện thoại
Khách hàng được khuyến cáo không chụp/lưu ảnh này trên điện thoại và gửi qua mạng xã hội để tránh bị kẻ xấu lợi dụng.
Ngày 6 tháng 7 năm 2025, báo Đời sống Pháp luật đã đăng tải bài viết với tiêu đề "Ngân hàng cảnh báo hình ảnh tuyệt đối không nên lưu trong điện thoại". Nội dung như sau:
Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Thanh Hóa đăng tải thông tin cho biết, một người phụ nữ tại Thanh Hóa vì nghe lời đối tượng giả mạo công an, tải app dịch vụ công giả mạo, chụp ảnh 2 mặt thẻ ngân hàng và nhập mã xác nhận. Ngay sau đó, tài khoản của chị lập tức bị trừ 70 triệu đồng.
Cụ thể nạn nhân trong câu chuyện là chị Lê Thị Liên, xã Xuân Dương, huyện Thường Xuân. Sau 1 vài cuộc điện thoại từ số lạ, tự xưng là cán bộ Công an với lý do hướng dẫn cập nhật điểm giấy phép lái xe trên ứng dụng VNeID giả mạo, chị đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt hơn 70 triệu đồng trong tài khoản.
Chị Liên cho biết: "Cài xong app đó, hắn bảo chị đem hết giấy tờ chụp lên cho tôi để tôi đưa lên hệ thống, thế là tôi chụp cả 2 mặt, sau khi chụp thẻ ngân hàng thế là bị hack thẻ. Lúc đó cuống lên nhập mã xác nhận là chuyển lần đầu tiên 70 triệu sau bàng hoàng là mình bị lừa rồi".

Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, việc giả danh cán bộ Công an, cán bộ Viện kiểm sát, Tòa án Nhân dân hay các cơ quan chức năng khác là thủ đoạn không mới, nhưng để tạo lòng tin, các đối tượng lừa đảo thường xuyên thay đổi "chiến thuật", bám sát vào các quy định mới, như: Tích hợp thông tin cá nhân trên ứng dụng VNeID, hay trừ điểm giấy phép lái xe… để lừa người dân cài đặt ứng dụng giả, từ đó chiếm quyền sử dụng thiết bị thông minh và chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, các thủ đoạn lừa đảo nhắm đến chủ thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng cũng có xu hướng tăng cao, như Lừa đảo mời rút tiền từ thẻ tín dụng, Lừa đảo hỗ trợ đóng phí bảo hiểm thẻ tín dụng hoặc hoàn phí tham gia bảo hiểm, hoặc Lừa đảo mở thẻ tín dụng giả...
Trước đó, cơ quan chức năng và ngân hàng đã nhiều lần cảnh báo tới người dân thủ đoạn lừa đảo tinh vi của tội phạm công nghệ cao và hướng dẫn giao dịch thẻ, giao dịch ngân hàng trực tuyến an toàn.
Hiệp hội ngân hàng Việt Nam dẫn khuyến cáo của ngân hàng BAC A BANK cho biết, nhằm bảo vệ tài sản của khách hàng, ngân hàng này đã đưa ra 10 khuyến cáo như sau:
- Khách hàng cần hết sức CẢNH GIÁC với các tin nhắn, cuộc gọi, email yêu cầu truy cập đường link/quét mã QR Code dẫn đến trang web lạ hoặc cung cấp các thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng.
- Tuyệt đối KHÔNG lưu trữ trên thiết bị di động: Ảnh chụp 2 mặt CCCD/Hộ chiếu cá nhân, ảnh chụp 2 mặt thẻ ngân hàng/thẻ tín dụng và gửi qua mạng xã hội để tránh bị kẻ xấu lợi dụng.
- KHÔNG cung cấp thông tin số thẻ, số CVV (ba số bảo mật ở mặt sau thẻ tín dụng), mật khẩu hoặc bất kỳ thông tin cá nhân cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là Nhân viên ngân hàng.
- Tuyệt đối KHÔNG cung cấp mã xác thực OTP/Smart OTP cho bất kỳ ai.
- Khi thanh toán tại cửa hàng, Khách hàng cần trực tiếp quẹt thẻ, tuyệt đối KHÔNG trao thẻ cho nhân viên thu ngân để thanh toán.
- Tắt tính năng thanh toán mua sắm trực tuyến (Online) cho thẻ tín dụng khi không có nhu cầu sử dụng hoặc đăng ký điều chỉnh hạn mức giao dịch phù hợp với nhu cầu thực tế.
- KHÔNG lưu thông tin thẻ, cho phép điền tự động trên các nền tảng thanh toán trực tuyến.
- KHÔNG liên kết thẻ với ví điện tử thiếu kiểm chứng về uy tín.
- KHÔNG cho người khác mượn thẻ dưới bất cứ hình thức nào.
- KHÔNG sử dụng các dịch vụ rút tiền mặt qua POS, đáo hạn/đảo nợ thẻ tín dụng, giải ngân trên hạn mức thẻ...
Trước đó, năm 2024, tạp chí Người đưa tin cũng đăng tải bài viết tương tự với tiêu đề "3 bức ảnh tuyệt đối không nên lưu trong điện thoại kẻo "mất sạch" tiền". Nội dung như sau:
Ảnh chứa mật khẩu tài khoản
Để tránh quên mật khẩu ngân hàng, mật khẩu Facebook hay Gmail,... nhiều người có thói quen lưu ảnh chụp màn hình của từng tài khoản và mật khẩu tương ứng. Việc này tuy tiện lợi nhưng một khi bị kẻ xấu lấy mất điện thoại bạn rất dễ bị đánh cắp thông tin hoặc tiền trong tài khoản. Vì vậy, nếu có loại ảnh chụp lại mật khẩu cá nhân trên điện thoại của mình, tốt nhất bạn nên xóa nó đi.
Ảnh giấy tờ tuỳ thân
Thẻ căn cước hay căn cước công dân là giấy tờ tùy thân quan trọng. Vì để thuận tiện trong xử lý công việc, làm giấy tờ,… nhiều người lấy điện thoại chụp hình và lưu lại trên điện thoại để phòng trường hợp cần dùng.

Ảnh minh hoạ.
Tuy nhiên trong trường hợp chẳng may điện thoại di động của bạn vô tình bị mất hoặc ảnh bị rò rỉ thì người khác có thể nhìn thấy căn cước công dân của bạn. Trong trường hợp này, thông tin cá nhân sẽ bị lộ ra ngoài, rất nguy hiểm và nếu người có ác ý lợi dụng sẽ gây ra những tổn thất nghiêm trọng.
Các tội phạm công nghệ cao thường nhắm đến thẻ căn cước công dân gắn chip có mã QR và chip trên thẻ chứa nhiều thông tin cá nhân có thể trục lợi. Các đối tượng có thể dùng hình ảnh của thẻ để đăng ký tài khoản ngân hàng hoặc vay tiền trên app, dùng để đăng ký mã số thuế ảo, đăng ký số điện thoại trả sau,… cùng với nhiều thủ đoạn khác để trục lợi trái pháp luật.

Ảnh minh hoạ.
Ngoài ra bạn cũng không nên lưu trong điện thoại ảnh chụp các giấy tờ tùy thân quan trọng khác như: hộ chiếu, giấy đăng ký xe, bằng lái xe, thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng, tài liệu ngân hàng... vì đây đều là những dữ liệu rất dễ bị lạm dụng nếu rơi vào tay kẻ xấu.
Ảnh có vị trí, thông tin địa chỉ nhà

Ảnh minh hoạ.
Những ảnh có thể tiết lộ địa chỉ, vị trí nhà riêng hoặc nơi bạn thường xuyên lui tới có thể là thông tin có giá trị với kẻ xấu. Hãy hạn chế lưu những ảnh có chứa các chi tiết này.
Ngoài ra, ảnh cá nhân nhạy cảm, ảnh riêng tư giữa bạn và người thân hoặc bạn đời không nên lưu trực tiếp trên điện thoại vì có thể dễ bị lộ khi điện thoại bị hack, bị mất hoặc sửa chữa.
Các ảnh của trẻ em hoặc người thân nếu không được bảo mật kỹ có thể bị chia sẻ hoặc lạm dụng ngoài ý muốn. Tốt hơn hết là lưu những ảnh này trong một nơi an toàn như các ứng dụng lưu trữ đám mây có mật khẩu bảo vệ.