Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn cao nhất 1 tháng qua
Mỗi lượng vàng miếng SJC, vàng nhẫn 99,99 lên tới 86 triệu đồng, cao nhất trong khoảng 1 tháng qua.
Ngày 10/1/2025, báo Người lao động đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn cao nhất 1 tháng qua". Nội dung cụ thể như sau:
Sáng 10-1, Công ty SJC niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào 84,5 triệu đồng/lượng, bán ra 86 triệu đồng/lượng, duy trì ở mức cao so với hôm qua. Giá vàng miếng đang ở mức cao nhất trong khoảng 1 tháng qua. Nếu tính từ mốc thấp nhất trong tháng, mỗi lượng vàng miếng SJC đã tăng thêm khoảng 2,5 triệu đồng.
Đây cũng là mức giá bán vàng miếng tại Công ty PNJ, Mi Hồng và một số ngân hàng thương mại như Sacombank, Eximbank, Vietcombank, Agribank, BIDV... Tập đoàn DOJI bán ra vàng miếng SJC ở mức thấp hơn, 85 triệu đồng/lượng. Trong khi ACB bán ra tới 86,5 triệu đồng/lượng, cao hơn nửa triệu đồng so với các đơn vị khác.
Ở chiều mua vào, giá vàng miếng có sự chênh lệch giữa các doanh nghiệp và ngân hàng. Cụ thể, ACB mua 85 triệu đồng/lượng, Eximbank và Sacombank mua vào 84,5 triệu đồng/lượng; Mi Hồng mua vào lên tới 85,3 triệu đồng/lượng. Một số đơn vị khác niêm yết giá mua vào thấp hơn, quanh 83,5 đến 84,5 triệu đồng/lượng.
Tương tự, giá vàng nhẫn và vàng trang sức 99,99 cũng duy trì ở mốc cao. Công ty SJC giao dịch vàng nhẫn trơn mua vào 84,5 triệu đồng/lượng, bán ra 85,8 triệu đồng/lượng, ổn định so với hôm qua.
Một số doanh nghiệp như Công ty PNJ, Mi Hồng bán vàng nhẫn quanh 86 triệu đồng/lượng; Bảo Tín Minh Châu bán ra khoảng 86,2 triệu đồng/lượng trong khi DOJ bán ra thấp hơn, ở mức 85 triệu đồng/lượng.
Giá vàng hôm nay ở thị trường trong nước ổn định bất chấp giá vàng thế giới tăng tiếp.
Trên thị trường quốc tế, kim loại quý được giao dịch ở mức 2.671 USD/ounce, tăng khoảng 10 USD/ounce so với phiên trước.
Đây là phiên tăng thứ 2 liên tiếp của giá vàng thế giới, trong bối cảnh nhà đầu tư chọn vàng như kênh trú ẩn an toàn.
Một diễn biến bất ngờ trên thị trường tài chính quốc tế những ngày qua, là cả giá vàng lẫn chỉ số đồng USD cùng tăng vọt – thay vì diễn biến ngược chiều như trước đó. Chỉ số đồng USD vượt mốc 109 điểm, cao nhất trong hơn 2 năm qua.
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cũng nhận định sự biến động cùng chiều giữa vàng và đồng USD là yếu tố bất ngờ và cho thấy sự khó đoán của thị trường. Bởi thông thường, đồng USD mạnh lên sẽ gây sức ép giảm giá vàng.
Theo giới phân tích, giá vàng đang được hưởng lợi từ yếu tố bất định khi thị trường chờ đợi những chính sách sau khi ông Donald Trump chính thức bước chân vào Nhà Trắng từ ngày 20-1 tới. Nhiều nhà đầu tư tìm đến vàng như kênh trú ẩn an toàn và công cụ phòng ngừa lạm phát.
Giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 82,3 triệu đồng/lượng.
Cùng ngày, báo Pháp luật TP.HCM đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Giá vàng năm 2025 sẽ ra sao, có trở lại mốc lịch sử 92 triệu đồng/lượng?". Nội dung cụ thể như sau:
Năm 2024, giá vàng trong nước và thế giới đều biến động mạnh, có lúc giá vàng SJC đã đạt mốc cao nhất lịch sử là 92 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng trên thế giới đạt đỉnh cao kỷ lục gần 2.790 USD/ounce.
Nguyên nhân chính là do chính sách nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới, căng thẳng địa chính trị và nhu cầu mua vàng như một tài sản bảo đảm tăng cao. Trong nước, giá vàng miếng SJC và giá vàng nhẫn biến động mạnh và liên tiếp đạt các mức cao kỷ lục trong tháng 10-2024.
Giá vàng năm 2025 vẫn là một 'ẩn số'
Dự báo giá vàng năm 2025, TS. Vũ Thị Đào, Viện Kinh tế - Tài chính cho hay, các đợt tăng giá thời gian qua cho thấy, những biến động của giá vàng không tác động tiêu cực đến các biến số kinh tế vĩ mô ở Việt Nam do chủ trương ổn định kinh tế, chống vàng hóa, đô la hóa thông qua việc kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá.
Do đó, nếu tăng trưởng toàn cầu chậm hơn kỳ vọng và khủng hoảng kinh tế xảy ra cùng với các bất ổn địa chính trị gia tăng, nhu cầu vàng toàn cầu có thể tiếp tục tăng, đẩy giá vàng thế giới tăng cao như nhiều nhận định của các tổ chức kinh tế thế giới. Việc này sẽ tác động làm VND giảm giá, tỷ giá USD/VND tăng.
Khi giá vàng thế giới tăng kéo theo giá vàng trong nước cũng tăng theo, cùng với những bất ổn thế giới khiến cho nhu cầu tích trữ vàng càng lớn. Nhà nước cần có những giải pháp để thu hút nguồn vàng trong dân để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Còn nếu Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn tăng lãi suất để đưa lạm phát về mức thấp hơn năm 2024 làm cho vàng có thể trở nên kém hấp dẫn hơn. Khi đó, giá vàng thế giới giảm, giá vàng trong nước cũng giảm theo và không gây áp lực lên tỷ giá hối đoái.
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương lại dự báo giá vàng năm 2025 thiên về xu hướng giảm. Tuy nhiên, thị trường sẽ có những thời điểm bứt phá lên mốc 2.800, thậm chí 2.900 USD/ounce nhưng dự đoán là mốc này sẽ không bền vững.
Ông cho rằng, giá vàng thế giới vẫn tăng trong hai quý đầu năm, nhưng đà tăng không mạnh, chỉ tăng khoảng 200-250 USD/ounce so với mức giá đóng cửa năm 2024.
“Giá vàng sẽ tăng lên khoảng 2.900 USD/ounce, khó có khả năng cao hơn. Lý do, các ngân hàng lớn trên thế giới có thể giảm tốc độ cắt giảm lãi suất, Fed dự kiến cắt giảm lãi suất 1-2 lần, căng thẳng địa chính trị tại nhiều nơi trên thế giới có thể suy giảm hoặc kết thúc... nên giá vàng sẽ mất đi yếu tố hỗ trợ tăng. Từ quý 3, quý 4-2025 trở đi, giá vàng có thể suy giảm trở lại”, ông Phương nhận định.
Với diễn biến đó, ông Phương dự đoán giá vàng trong nước hai quý đầu năm tới sẽ tăng lên 90 triệu đồng/lượng với vàng nhẫn và 92-93 triệu đồng/lượng với vàng SJC.
Tuy nhiên, ông lưu ý, rất có khả năng từ quý 3 trở đi, giá vàng thế giới chịu áp lực giảm giá thì giá vàng trong nước cũng giảm theo.
TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế lại nhận định giá vàng năm 2025 vẫn là ẩn số, bởi còn phụ thuộc vào chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng các vấn đề địa chính trị tại Ukraine và Trung Đông.
“Giá vàng trong nước và thế giới năm 2025 có thể có nhiều biến động. Liệu giá vàng thế giới có tăng trở lại mức 2.800 USD/ounce hay lên 3.000 USD/ounce như nhiều chuyên gia dự báo không là khó đoán.
Cũng khó có thể dự đoán giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn trong nước có trở lại mức 92 triệu đồng/lượng trong năm 2025 hay không”, ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn kiểm soát thị trường vàng miếng SJC và vẫn giữ chương trình bình ổn giá nên sẽ có khó sự bứt phát cho đến khi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng được sửa đổi.
Đề xuất bỏ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng
Từ tình hình thực tế, TS. Vũ Thị Đào đưa ra một số khuyến nghị trong công tác quản lý thị trường vàng thời gian tới. Bà cho rằng cần xây dựng mục tiêu trong hoạt động quản lý Nhà nước đối với thị trường vàng linh hoạt với từng giai đoạn nền kinh tế.
Sau 12 năm triển khai cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng của NHNN, thị trường vàng cũng cho thấy những diễn biến tích cực, hiện tượng “vàng hóa” nền kinh tế đã giảm và giá vàng cũng không còn tác động tiêu cực đến kinh tế vĩ mô.
Do đó, Nhà nước cần cân nhắc có nên tiếp tục độc quyền sản xuất vàng miếng nữa không, hay để cân đối cung - cầu, giảm bớt chênh lệch so với giá thế giới và bắt kịp với xu hướng tự do hóa thị trường vàng đang khá phổ biến.
Thứ hai, dỡ bỏ chính sách độc quyền sản xuất vàng miếng, đơn giản hóa chính sách nhập khẩu vàng nguyên liệu.
Bà Đào cũng kiến nghị, khi dỡ bỏ chính sách độc quyền sản xuất vàng miếng, NHNN cần chuyển hướng tập trung kiểm soát chất lượng vàng. Thay vì hướng tới một thương hiệu vàng quốc gia duy nhất, những quy định về tiêu chuẩn cần được bổ sung để trao quyền kinh doanh cho các cơ sở đáp ứng đủ điều kiện.
Bên cạnh đó, NHNN nên cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho một số doanh nghiệp đã được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng, trang sức, mỹ nghệ. Số vàng nhập khẩu phải được kiểm soát chặt chẽ về mục đích sử dụng. Để điều tiết, Nhà nước có thể dùng chính sách thuế và phí thay vì sử dụng mệnh lệnh hành chính.
Thứ ba, xây dựng cơ chế pháp lý cho sàn vàng và sở giao dịch vàng để tạo kênh đầu tư chính thức thu hút nguồn vàng trong dân
Theo bà Đào, sàn vàng phải được đặt dưới sự giám sát trực tiếp của NHNN về mọi hoạt động và các giao dịch diễn ra. Và kinh doanh sàn giao dịch vàng phải được xác định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được sự chấp thuận của cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, giống như đầu tư vào các kênh khác phải chịu thuế thu nhập cá nhân, Nhà nước cũng nên thực hiện đánh thuế đối với mỗi giao dịch mua, bán vàng.
Thứ tư, tất cả các điểm kinh doanh vàng phải đăng ký và quản lý chặt chẽ về khối lượng giao dịch. Có như vậy mới triệt tiêu các lợi ích, động cơ không trong sáng với thị trường vàng.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường; kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.