Máy bay Ấn Độ bị ngắt nhiên liệu trước thời điểm lao xuống đất khiến 260 người tử vong
Công tắc nhiên liệu trên máy bay Air India bị ngắt ngay trước khi xảy ra tai nạn thảm khốc 260 người tử vong.
Ngày 12 tháng 7 năm 2025, báo Đời sống Pháp luật đăng tải bài viết với tiêu đề "Máy bay Ấn Độ bị ngắt nhiên liệu trước thời điểm lao xuống đất khiến 260 người tử vong". Nội dung như sau:
Cục Điều tra Tai nạn Hàng không Ấn Độ ngày 11/7 công bố kết quả điều tra sơ bộ vụ rơi máy bay Boeing 787 chở 242 người của hãng Air India hồi tháng trước. Theo đó, các công tắc điều khiển nhiên liệu vào hai động cơ đã bị gạt từ vị trí "hoạt động" xuống "ngắt", lần lượt cách nhau một giây, trước khi máy bay giảm tốc độ.
"Trong đoạn ghi âm buồng lái, một trong hai phi công hỏi tại sao người kia lại ngắt nhiên liệu. Phi công còn lại đáp rằng anh ta không làm vậy", báo cáo nêu ra, nhưng không nhận định vì sao điều này xảy ra.

Vị trí công tắc điều khiển nhiên liệu trên máy bay Boeing 787 - Đồ họa: Seattle Times
Máy bay nhanh chóng mất độ cao sau đó. Công tắc được gạt lên và động cơ bắt đầu hoạt động trở lại, song một phi công đã phát tín hiệu khẩn nguy "Mayday". Sau khi hỏi tổ bay chuyện gì đã xảy ra, đài kiểm soát không lưu thấy phi cơ bị rơi và gọi lực lượng ứng phó khẩn cấp tới hiện trường.
Cục Điều tra Tai nạn Hàng không Ấn Độ cho biết sẽ không đưa ra khuyến cáo nào đối với các hãng khai thác, cũng như hãng máy bay Boeing và nhà sản xuất động cơ General Electric, cho thấy đây dường như không phải lỗi kỹ thuật liên quan đến máy bay hay động cơ.
Cơ quan này nói rằng cuộc điều tra đang tiếp diễn và đã yêu cầu các bên liên quan cung cấp thêm thông tin và bằng chứng.
Tai nạn xảy ra với chuyến bay số hiệu AI171, cất cánh từ sân bay Ahmedabad, bang Gujarat vào chiều 12/6. Máy bay rơi chỉ vài chục giây sau khi cất cánh, đâm xuống khu ký túc xá của một trường y gần đó.
Trên khoang có 230 hành khách, trong đó có 169 công dân Ấn Độ, 53 người Anh, 7 người Bồ Đào Nha, một người Canada và 12 thành viên phi hành đoàn.

Hiện trường vụ tai nạn máy bay của Air India - Ảnh: Xinhua
Thảm kịch khiến 241 người trên máy bay và 19 người dưới mặt đất thiệt mạng, chỉ một hành khách người Anh sống sót. Hàng chục người khác dưới mặt đất cũng bị thương.
Air India khẳng định chiếc Boeing 787 được bảo dưỡng định kỳ và không phát sinh lỗi kỹ thuật trước khi gặp nạn. Đây là tai nạn chết người đầu tiên của dòng máy bay này kể từ khi đưa vào khai thác thương mại năm 2011.
Cục Điều tra Tai nạn Hàng không cho biết hiện chưa đưa ra khuyến cáo nào với Air India, Boeing hay nhà sản xuất động cơ General Electric, hàm ý sự cố không xuất phát từ lỗi kỹ thuật hệ thống. Cơ quan này đang tiếp tục điều tra và yêu cầu các bên liên quan cung cấp thêm bằng chứng, tài liệu làm rõ vụ việc.
Cùng ngày, báo Đời sống Pháp luật cũng cung cấp thêm thông tin về sự việc trên qua bài viết có tiêu đề "Vụ rơi máy bay ở Ấn Độ, 260 người thiệt mạng: Đoạn ghi âm buồng lái hé lộ "chứng cứ" quan trọng". Nội dung như sau:
Công an Nhân dẫn dẫn nguồn từ tờ Independent đưa tin, Cục Điều tra Tai nạn Máy bay Ấn Độ (AAIB) sáng nay (12/7) công bố kết luận điều tra sơ bộ về vụ rơi máy bay Boeing 787 Dreamliner của hãng Air India ngày 12/6, trong đó xác nhận chiếc máy bay hiện đại bậc nhất thế giới đã rơi xuống đất do mất lực đẩy.
Đáng chú ý, sau khi phân tích dữ liệu hộp đen, các nhà điều tra Ấn Độ cho hay, công tắc nguồn cung cấp nhiên liệu cho động cơ đã bị tắt một cách khó hiểu ngay sau khi chiếc máy bay vừa rời khỏi mặt đất. Chưa có thông tin về lí do tại sao công tắc đó bị tắt.
Các chuyên gia an toàn hàng không Mỹ nói với Reuters rằng, phi công sẽ không thể vô tình bật hoặc tắt công tắc nhiên liệu. Việc tắt nhiên liệu sẽ khiến động cơ dừng hoạt động, nên công tắc bật-tắt đó chỉ được sử dụng khi máy bay đã tiếp cận sân bay (khi hạ cánh) và trong trường hợp khẩn cấp (như cháy động cơ).
Trong đoạn ghi âm buồng lái của chiếc Boeing 787, một trong hai phi công đã hỏi người kia về lí do tại sao lại tắt nhiên liệu đến động cơ.
"Phi công còn lại trả lời rằng ông ấy không hề làm vậy", báo cáo nêu. Chưa rõ phi công nào là người hỏi và người nào trả lời.

Hiện trường vụ máy bay Boeing 787 rơi sau khi cất cảnh ở Ấn Độ. Ảnh: New York Times
Reuters tiết lộ thêm, cơ trưởng điều khiển chiếc máy bay trong vụ việc là Sumeet Sabharwal, 56 tuổi, có tổng cộng 15.638 giờ bay. Ông cũng là một giáo viên hướng dẫn bay kì cựu của Air India. Cơ phó của chuyến bay là phi công Clive Kunder, 32 tuổi, có tổng cộng 3.403 giờ bay.
Pháp luật TP.HCM dẫn lời chuyên gia phân tích an toàn David Soucie của CNN, các công tắc nhiên liệu này được thiết kế chỉ nhằm cho thao tác có chủ ý, các trường hợp tất cả các công tắc bị thay đổi một cách vô tình là “cực kỳ hiếm”.
“Trong suốt nhiều năm qua, các công tắc này đã được cải tiến để đảm bảo rằng chúng không thể bị chuyển vị trí một cách vô ý và chúng cũng không hoạt động tự động. Chúng không thể tự di chuyển theo bất kỳ cách nào”, ông Soucie nói.
Các nhà điều tra cũng ghi nhận rằng các thiết lập khác trên các thiết bị được tìm thấy tại hiện trường vụ rơi máy bay đều ở trạng thái bình thường cho cất cánh. Trọng lượng cất cánh của máy bay nằm trong giới hạn cho phép và không có “hàng nguy hiểm” nào trên máy bay.
Nhiên liệu trên máy bay cũng đã được kiểm tra và xác định đạt chất lượng tốt. Không phát hiện hoạt động đáng kể nào của chim trong khu vực đường bay.
Hãng Air India xác nhận đã nhận được báo cáo và cho biết sẽ tiếp tục hợp tác với nhà chức trách trong quá trình điều tra.
“Air India sát cánh cùng các gia đình và những người bị ảnh hưởng bởi tai nạn chuyến bay AI171. Chúng tôi thương tiếc những mất mát và cam kết cung cấp sự hỗ trợ trong thời điểm khó khăn này”, hãng đăng trên mạng xã hội X ngày 12/7.
Ngày 12/6, chiếc máy bay Boeing 787-8 Dreamliner mang số hiệu AI171, khởi hành từ Ahmedabad (Ấn Độ) đến sân bay Gatwick (London), đã rơi chỉ ít phút sau khi cất cánh.
Báo cáo của AAIB cho biết vụ rơi máy bay đã khiến tổng cộng 260 người thiệt mạng, trong đó có 241 hành khách và phi hành đoàn. Một số người chết dưới mặt đất là do máy bay rơi vào khu ký túc xá của một trường đại học y gần sân bay. Chỉ một hành khách trên chuyến bay sống sót.