Xử phạt người đăng tin sai sự thật về vụ lật tàu du lịch ở Hạ Long
Khoảng 23h30 ngày 19/7, ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, N.H.A.T. đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để bình luận sai sự thật về số lượng người tử vong.
Ngày 21/07/2025, VOV đưa tin "Xử phạt người đăng tin sai sự thật về vụ lật tàu du lịch ở Hạ Long". Nội dung chính như sau:
Ngày 20/7, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp Công an phường Hồng Gai xác minh, làm việc với công dân N.H.A.T. (SN 1982, trú tại tổ 9, khu 3, phường Hồng Gai) về hành vi đăng tải nội dung sai sự thật trên mạng xã hội liên quan đến vụ việc lật tàu du lịch trên vịnh Hạ Long.

Khoảng 23h30 ngày 19/7, ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, N.H.A.T. đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để bình luận sai sự thật về số lượng người tử vong.
Nội dung bình luận này nhanh chóng lan truyền, gây nhiễu loạn thông tin, tác động tiêu cực tới tâm lý người dân và làm ảnh hưởng đến nỗ lực của các lực lượng chức năng đang trực tiếp cứu nạn, cứu hộ tại hiện trường.
Qua xác minh, cơ quan công an xác định nội dung đăng tải là hoàn toàn không có căn cứ, không trích dẫn từ nguồn tin chính thống, vi phạm quy định pháp luật về thông tin trên không gian mạng. Căn cứ Điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 14/2022/NĐ-CP), cơ quan chức năng đã hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với công dân N.H.A.T. theo quy định.
Trong khi các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đang khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân và khắc phục hậu quả vụ lật tàu du lịch xảy ra ngày 19/7 trên vịnh Hạ Long thì trên mạng xã hội, việc xuất hiện những thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng như thế này sẽ gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác cứu nạn, cứu hộ, điều tra và an ninh trật tự tại địa phương.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Quảng Ninh) khuyến cáo: Người dân cần hết sức tỉnh táo, chọn lọc thông tin khi sử dụng mạng xã hội; tuyệt đối không chia sẻ, bình luận các nội dung chưa được kiểm chứng hoặc từ nguồn không chính thống.
Lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm các đối tượng phát tán những thông tin giả, không đúng sự thật nhằm "câu" tương tác, thu hút sự chú ý với mục đích trục lợi cá nhân.
Cùng ngày đời sống pháp luật đư atin "Phẫn nộ chiêu trò dùng AI bịa chuyện thương tâm, tạo ảnh giả mạo để câu tương tác từ vụ lật tàu ở Hạ Long". Nội dung chính như sau:
Những ngày qua, vụ lật tàu du lịch Vịnh Xanh 58 (QN-7105) trên Vịnh Hạ Long vào chiều 19/7, khiến 35 người thiệt mạng và 4 người mất tích đã khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, đau xót.
Tính đến sáng ngày 21/7, lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực chạy đua với thời gian, tìm kiếm những người còn mất tích trước khi bão lớn số 3 đổ bộ vào đất liền.
Bài viết sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để viết câu chuyện không có thật và tạo ra hình ảnh minh hoạ dễ gây hiểu lầm liên quan đến vụ đắm tàu ở Quảng Ninh (Ảnh: Chụp màn hình)
Một bài viết khác cũng nhận về lượt tương tác khủng với gần 10.000 lượt chia sẻ nhờ vào câu chuyện không có thật (Ảnh chụp màn hình)
Trên bờ, không khí tang thương bao trùm gia đình những người gặp nạn. Chuyến đi du lịch được nhiều người chuẩn bị từ lâu, nhưng đã trở thành chuyến đi không ngày trở về. Nhiều người bày tỏ sự xót xa, gửi lời chia buồn, động viên người thân của các nạn nhân vượt qua mất mát quá lớn.
Giữa lúc thông tin chính thức về vụ việc vẫn đang được các cơ quan chức năng cập nhật liên tục, đáng tiếc là trên mạng xã hội lại xuất hiện nhiều bài viết lợi dụng câu chuyện, nỗi đau của các nạn nhân trong vụ lật tàu để câu view, kiếm tương tác.
Dòng chữ "Tất cả các tình tiết đều là hư cấu. Hình ảnh mang tính chất minh họa cho câu chuyện" được chú thích rất nhỏ trong bức ảnh
Đáng nói, một trang fanpage có tên M.C.O lợi dụng thảm kịch này để câu kéo tương tác. Bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), trang fanpge này tự tạo ra các hình ảnh minh hoạ và dựng lên những câu chuyện hư cấu, kịch tính với những nội dung, nhân vật khiến nhiều người lầm tưởng liên quan đến vụ chìm tàu.
Đáng chú ý, nội dung các bài viết thường được dàn dựng chi tiết, xen lẫn nhiều tình tiết bi thương, chia ly, sinh tử, khiến nhiều người lầm tưởng là câu chuyện có thật. Thủ thuật thường thấy là để câu kéo người đọc, bài viết thường kết thúc lửng, kèm dòng chữ in hoa cuối bài “ĐỌC TIẾP DƯỚI BÌNH LUẬN”. Khi bấm vào, người dùng sẽ bị dẫn sang các trang web gắn nhiều quảng cáo, thu lợi cho chủ fanpage.
Nhiều cư dân mạng bày tỏ bức xúc lên tiếng nhắc nhở mọi người cần tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin
Mặc dù trong bài có chèn chú thích như “Đây là các tình tiết hư cấu” hay “Hình ảnh mang tính minh hoạ”, nhưng những dòng chữ này lại được ghi rất nhỏ, khó nhìn, dễ khiến người đọc khó quan sát.
Thực tế, bên dưới các bài viết này, không ít người dùng mạng xã hội đã không nhận ra đây chỉ là chuyện bịa và để lại nhiều bình luận bày tỏ tiếc thương, chia buồn với những nhân vật không có thật. Chỉ trong thời gian ngắn, những bài viết kiểu này đã mọc lên hàng loạt, thậm chí được các fanpage khác chia sẻ lại, góp phần lan truyền thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận và xát muối vào nỗi đau của gia đình các nạn nhân.
Tuy nhiên, cũng đã có nhiều ý kiến kịp thời chỉ ra chiêu trò câu view, lên án hành vi trục lợi trên nỗi đau của người khác, đồng thời nhắc nhở cộng đồng cần tỉnh táo, không chia sẻ, lan truyền những thông tin không kiểm chứng.
Nhiều người nhanh chóng lên tiếng nhắc nhở cộng đồng mạng cần cảnh giác trước các thông tin chưa được kiểm chứng, không vô tình tiếp tay cho những fanpage trục lợi từ thảm kịch. Trong lúc này, điều quan trọng nhất là mỗi người cần tiếp nhận thông tin từ các nguồn chính thống, đồng thời chia sẻ, đồng cảm đúng mực để những gia đình chịu mất mát không thêm tổn thương bởi tin giả.