Áo phao trên thuyền: Không phải lúc nào mặc cũng là an toàn, một khu vực được khuyên "chỉ cầm trên tay"
Mặc áo phao đúng lúc, đúng chỗ sẽ giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ mất an toàn với chính các du khách trên thuyền du lịch.
Ngày 20/07/2025, Đời sống Pháp lật đưa tin "Áo phao trên thuyền: Không phải lúc nào mặc cũng là an toàn, một khu vực được khuyên "chỉ cầm trên tay"". Nội dung chính như sau:
Trong các hành trình du lịch bằng đường thủy như đi tàu, phà, ca nô, đò... áo phao luôn được đánh là giá vật dụng bắt buộc của mỗi hành khách. Thông thường, ngay khi bắt đầu hành trình, hành khách sẽ được phát và yêu cầu mặc áo phao ngay để đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên trên thực tế, việc mặc áo phao còn có những lưu ý quan trọng, về thời điểm và không gian sử dụng. Ví dụ như trong các không gian kín trên thuyền, mặc áo phao không đúng lúc có thể trở thành yếu tố làm tăng nguy cơ tử vong trong tình huống tàu bị lật hoặc chìm đột ngột.
Ảnh minh họa
Vì sao nên cân nhắc khi mặc áo phao trong cabin, thuyền kín?
Một số người cho rằng mặc áo phao mọi lúc, kể cả khi ngồi trong cabin, sẽ giúp an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng thực tế và hướng dẫn quốc tế, thực tế không hẳn là như vậy.
Theo Chi nhánh điều tra tai nạn hàng hải Vương quốc Anh (MAIB) thuộc Bộ Giao thông Vận tải Vương quốc Anh, trong vụ lật tàu "Cheeki Rafiki" (2014), thuyền viên mặc áo phao đã bị mắc kẹt bên trong khoang kín khi tàu bị lật ngửa và ngập nước. Tương tự, tài liệu an toàn của Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe Lao động Hoa Kỳ (OSHA) cũng nhấn mạnh: Không nên mặc áo phao cứu sinh trong các khoang kín vì chúng có thể cản trở việc thoát hiểm nhanh chóng trong trường hợp bị ngập nước hoặc lật úp. Thay vào đó, hãy để áo phao cứu sinh trong tầm tay.
Bên trong những khoang kín hoặc cabin kín trên tàu, hành khách không cần mặc xuyên suốt áo phao mà hãy cầm trên tay (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân nằm ở đặc điểm của áo phao: Với lực nổi lớn, áo có thể đẩy người mặc ngược lên trần cabin khi không gian bị lật hoặc ngập nước, khiến họ bị mắc kẹt, hoảng loạn hoặc không thể chui qua các cửa thoát hiểm hẹp. Trong những tình huống như vậy, áo phao – thay vì cứu – lại trở thành rào cản sống sót.
Nếu ở không gian thuyền mở - Hãy mặc áo phao xuyên suốt
Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an Việt Nam), hành khách trên phương tiện thủy nội địa, đặc biệt là thuyền hở như đò ngang, ca nô, tàu nhỏ… bắt buộc phải mặc áo phao suốt hành trình khi di chuyển ở khu vực không có cabin hoặc boong kín. Đây là quy định đã được thể hiện rõ trong các văn bản như Thông tư 15/2014/TT-BGTVT và Thông tư 04/2015/TT-BGTVT về tiêu chuẩn an toàn thiết bị cứu sinh.
Lý do là bởi khu vực không gian mở – tức các vị trí không được bảo vệ bởi cabin, vách ngăn hay boong kiên cố – luôn tiềm ẩn rủi ro ngã xuống nước bất ngờ do sóng lớn, va chạm hoặc trượt chân. Trong các tình huống khẩn cấp như vậy, hành khách thường không có thời gian để tìm và mặc áo phao kịp thời.
Ở không gian tàu, thuyền mở, cần mặc áo phao xuyên suốt để đảm bảo an toàn (Ảnh minh họa)
Tổ chức an toàn đường thủy của Hoa Kỳ (U.S. Coast Guard) cũng đưa ra cảnh báo tương tự: “Tai nạn xảy ra quá nhanh, không kịp mặc áo phao. Một chiếc áo phao mặc được có thể cứu sống bạn, nhưng chỉ khi bạn mặc nó”. Tại nhiều bang của Mỹ như Pennsylvania, North Carolina, luật quy định trẻ em dưới 13 tuổi phải mặc áo phao bất kỳ khi nào ở trên boong hoặc khu vực mở của thuyền – trừ khi đang ở trong cabin kín.
Nhiều tai nạn đường thủy nghiêm trọng đã chỉ ra hệ quả thảm khốc khi hành khách không đeo phao ở khu vực boong mở, hoặc mặc phao sai cách, sai thời điểm. Một trong những nguyên nhân phổ biến gây tử vong trong tai nạn tàu chìm là không kịp thoát thân hoặc bị kẹt trong cabin do mặc phao khi tàu đã lật.
Tại Việt Nam, theo hướng dẫn tại các bến đò, bến tàu, hành khách được yêu cầu mặc áo phao trước khi lên thuyền và giữ nguyên suốt hành trình nếu ở khu vực không có cabin. Với tàu lớn có cabin, áo phao được bố trí sẵn ở dưới ghế hoặc gần cửa ra vào cabin, để khi có tín hiệu khẩn cấp, hành khách có thể nhanh chóng lấy và mặc trong thời gian ngắn.
Ảnh minh họa
Tóm lại, việc hiểu rõ thời điểm và vị trí phù hợp để mặc áo phao là yếu tố then chốt trong đảm bảo an toàn. Phao chỉ phát huy tác dụng khi được sử dụng đúng cách, đúng lúc – không chỉ là bắt buộc pháp lý, mà còn là lựa chọn sinh tồn.
Hành khách cần nắm rõ các nguyên tắc an toàn, luôn tuân thủ hướng dẫn của thủy thủ đoàn, và nhận thức rõ vai trò của áo phao trong từng bối cảnh cụ thể. Khi ở không gian mở, hãy luôn mặc áo phao. Khi ở không gian kín, hãy giữ phao trong tầm tay. Đó chính là quy tắc vàng để bảo vệ chính mình và những người xung quanh.
Ngày 20/7/2025, Tạp chí Người đưa tin đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Khoảnh khắc sinh tử trên con tàu bị lật: Bốn người ôm chiếc ghế gỗ nhưng một người kiệt sức đã buông tay". Nội dung như sau:
Thông tin từ Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn vụ lật tàu du lịch Woder Sea mang số hiệu QN-7105 trên vịnh Hạ Long cho biết: lúc 1h30 phút sáng cùng ngày, con tàu đắm đã được lật trở lại. Đến 3h30 phút cùng ngày, tàu Vịnh Xanh QN-7105 được trục vớt, không tìm thấy thi thể bên trong. Các đơn vị đã tiến hành lai dắt con tàu vào bờ và tiếp tục tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân còn mất tích.
Báo VOV đưa tin, đến 7h sáng 20/7, đã tìm được 46 người trong vụ lật tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, trong đó có 36 thi thể và 10 người được cứu sống; còn 5 người đang mất tích.

Sau sự cố lật tàu QN-7105 trên vịnh Hạ Long chiều 19/7, bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh và Bệnh viện Bãi Cháy đã đã tiếp nhận 10 người may mắn được cứu sống. Hầu hết các nạn nhân bị chấn thương phần mềm, trầy xước, chấn thương tay, chân do va đập… Sau khi được nhân viên y tế chăm sóc, sức khỏe những người này đã ổn định dù tâm lý vẫn còn hoảng loạn, bất an.
Là người may mắn sống sót khỏi con tàu đắm, anh N.H.Q (40 tuổi, quê phường Trường Vinh, Nghệ An) chưa hết hoảng sợ bởi thời tiết đang đẹp thì giông, lốc đến rất bất ngờ, tàu lật chỉ sau khoảng 10- 15 phút. Hầu hết hành khách và mọi người trên tàu không kịp mặc áo phao, kể cả thuyền trưởng.
"Bốn người ôm chiếc ghế gỗ, nghĩ cách bơi vào bờ, nhưng một người đàn ông kiệt sức không trụ được đã buông tay. Ba người chúng tôi bơi 3 giờ đồng hồ cũng không vào được bờ. Tôi động viên mọi người cố gắng lên, cố gắng bơi để được sống. Sau đó, chúng tôi bơi lại khu vực luồng tàu hay đi qua rồi may mắn gặp một tàu cá, được ngư dân cứu vớt và đưa vào bờ"- anh Quân kể lại với PV báo Pháp luật Tp.HCM.

Còn anh M.X.H. (43 tuổi, quê Bắc Ninh) cùng nhóm bạn gồm 13 người lớn và một trẻ nhỏ đã háo hức mua vé lên tàu du lịch Vịnh Xanh. Thế nhưng, niềm vui chưa kéo dài bao lâu thì tai họa ập đến. Khoảng 13 giờ, tàu bất ngờ nghiêng mạnh do gió lớn thổi tới từng đợt, khiến mọi người chao đảo, ngã nhào trong khoang.
Giữa cơn hỗn loạn, anh H. kịp mặc áo phao, cố trấn tĩnh bằng cách hít một hơi sâu rồi lao mình xuống biển để thoát thân. Nhưng vì bơi không giỏi, anh nhanh chóng bị sóng cuốn trôi xa khỏi con tàu, ước chừng khoảng một cây số. Trong suốt gần ba giờ đồng hồ vật lộn giữa biển khơi, anh H. chỉ còn biết cố gắng giữ mình nổi và cầu mong một phép màu.
Phép màu ấy đã đến khi một tàu cá đi ngang qua phát hiện và cứu vớt anh lên khỏi mặt nước, đưa vào bờ trong tình trạng kiệt sức nhưng may mắn thoát chết.

Một thuyền viên may mắn thoát nạn là em Vũ Anh Tú (SN 2000). Thuyền viên này đang điều trị tại viện, đau lòng kể lại với PV VOV khoảnh khoắc ấy: “Nhanh quá em không kịp nhớ, nó chỉ khoảng mấy giây thôi, em vừa lên trên cabin thuyền trưởng thì mấy giây sau là thuyền lật. Lúc ấy chỉ nghĩ là làm thế nào đi ra ngoài thoát được ra ngoài để sống thôi. Lúc ấy may mình biết bơi, mình bám víu bò ra ngoài, thấy ánh sáng cố ngoi lên”.
Hiện thi thể những người xấu số đã được đưa về Nhà tang lễ Bệnh viện Bãi Cháy. Tỉnh Quảng Ninh đã bố trí nơi ở và hỗ trợ toàn bộ chi phí ăn, nghỉ cho thân nhân những người tử vong trong thời gian ở Quảng Ninh và bố trí xe đưa thi thể người bị nạn về quê quán.
Ngay trong đêm 19/7, lãnh đạo tỉnh, các sở ban ngành tại Quảng Ninh cũng đến thăm hỏi, động viên những người bị thương đang cấp cứu tại bệnh viện và chia sẻ mất mát với gia đình những người không may tử nạn.
Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ gia đình các nạn nhân tử vong 5 triệu đồng/người, nạn nhân bị thương 3 triệu đồng/người. Sẻ chia những mất mát với gia đình người bị nạn, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ các gia đình nạn nhân tử vong 40 triệu đồng/người, nạn nhân bị thương 25 triệu đồng/người.