Toàn cảnh vụ tàu Vịnh Xanh 58 bị lật trên vịnh Hạ Long: Chuyến du lịch thành thảm họa

Đây chính là cách né nồm, tránh nồm rẻ nhất hiệu quả nhất miền Bắc!

Tàu du lịch Vịnh Xanh 58 bị lật trên vịnh Hạ Long do giông lốc, khiến 35 người thiệt mạng, 4 người còn mất tích. Lực lượng cứu hộ huy động hàng trăm người, xuyên đêm tìm kiếm trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Theo báo Vietnamnet ngày 21/7 có bài Toàn cảnh vụ tàu Vịnh Xanh 58 bị lật trên vịnh Hạ Long: Chuyến du lịch thành thảm họa. Nội dung như sau:

Giông lốc dữ dội và thảm họa bất ngờ

Vào lúc 12h55 ngày 19/7, tàu Vịnh Xanh 58 chở 49 người gồm 46 du khách và 3 thuyền viên tham quan tuyến 2 trên vịnh Hạ Long (bao gồm hang Sửng Sốt - đảo Ti Tốp). Đến 13h30 cùng ngày, tàu gặp giông gió mạnh và sau đó bị lật úp. Một số hành khách kịp mặc áo phao và nhảy xuống biển. Tuy nhiên, phần lớn bị mắc kẹt trong cabin hoặc khoang máy. Tàu mất tín hiệu định vị lúc 14h05, đánh dấu thời điểm xảy ra tai nạn.

Tàu Vịnh Xanh 58 chở 49 người gồm 46 du khách và 3 thuyền viên bị lật sau cơn giông bất ngờ. Ảnh: Phạm Công. 

Đây là tàu vỏ gỗ, được đóng mới năm 2015, đã được đăng kiểm và cấp phép hoạt động du lịch. Tuy nhiên, tình huống bất ngờ và tốc độ giông lốc quá mạnh khiến thuyền viên không kịp phản ứng. 

Cứu hộ xuyên đêm và những con số lạnh lùng

Ngay sau vụ tai nạn, tỉnh Quảng Ninh đã huy động gần 1.000 người cùng hàng trăm phương tiện, trong đó có tàu cứu hộ, thuyền ngư dân, ca nô chuyên dụng, đội thợ lặn đặc công và nhiều thiết bị sonar dò tìm dưới nước.

Đặc biệt, lực lượng công an đã huy động 14 tàu, xuồng cao tốc và hơn 200 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp phối hợp với các lực lượng chức năng, triển khai các biện pháp tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ xuyên đêm, trong điều kiện thời tiết rất xấu. Các tổ công tác liên tục lặn tìm, cào lưới đáy và mở rộng bán kính tìm kiếm xung quanh khu vực tàu bị lật.

Tỉnh Quảng Ninh huy động gần 1.000 người cùng hàng trăm phương tiện hỗ trợ cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân xuyên đêm. Ảnh: Phạm Công. 

Trong số 49 người trên tàu, hiện có: 10 người sống sót; 35 người tử vong (đã tìm thấy thi thể); 4 người còn mất tích gồm: Hoàng V. T., Hoàng V. H., Hoàng T. Q. và Nguyễn DK. P (SN 2019).

Đến sáng 20/7, 35 thi thể nạn nhân tử vong được tìm thấy đã hoàn tất thủ tục pháp y, bàn giao cho gia đình để tổ chức mai táng. 

Bên cạnh đó, con tàu Vịnh Xanh 58 cũng được trục vớt ngoài khơi vịnh Hạ Long, sau đó được lực lượng chức năng lai dắt về bờ để chờ xử lý.

Tàu Vịnh Xanh 58 được lai dắt về bờ để kiểm tra. Ảnh: Thạch Thảo

Lực lượng công an tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên trách, huy động tối đa nhân lực và phương tiện với tinh thần khẩn trương nhất, tích cực nhất, mở rộng tìm kiếm trên diện rộng, kể cả trong các rạn san hô và hốc đá ven các đảo, tranh thủ giờ vàng tìm kiếm các nạn nhân. Theo dự báo, cơn bão số 3 đã vào biển Đông, nếu bão vào buộc phải dừng công tác tìm kiếm. 

Lời kể bàng hoàng về phút giây sinh tử

Vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ tai nạn, thuyền viên Vũ Anh Tú (SN 2000, trú tại Quảng Ninh), là 1 trong 10 người được cứu sống cho biết, sự việc chỉ diễn ra trong khoảng 10 giây, khi một cơn sóng lớn đánh mạnh vào mạn phải, khiến con tàu đổ từ phải sang trái. “Lúc ấy, tôi đang trong cabin, mọi thứ tối đen, tôi chẳng biết mình thoát ra bằng cách nào, chỉ thấy sau đó đang nổi trên mặt biển”, anh Tú nhớ lại.

Anh Tú chưa hết bàng hoàng sau khi sự việc xảy ra. Ảnh: Thạch Thảo

Cùng cảnh ngộ, anh Nguyễn Hồng Quân (SN 1985, quê Nghệ An), hành khách đi tham quan vịnh Hạ Long sau chuyến công tác, kể lại khoảnh khắc kinh hoàng: chỉ sau 30 phút xuất phát, giông lốc nổi lên, mưa gió quất thẳng vào người khi anh đang đứng tầng 2 của tàu. Tàu bị lật quá nhanh, anh chỉ kịp nín thở lần mò theo cầu thang để thoát ra ngoài. “Tôi bị va đập vào nhiều thứ, nhưng cố bơi theo ánh sáng để ngoi lên mặt biển”, anh Quân nói.

Anh Đặng Anh Tuấn (36 tuổi, trú tại Hà Nội) may mắn thoát chết cho biết, tàu du lịch vừa rời bến thì trời đổ mưa to, du khách yêu cầu trở về cảng nhưng chủ tàu Vịnh Xanh 58 động viên đi tiếp vì sắp đến điểm tham quan đầu tiên.

Cháu bé Hoàng Nhật M. (SN 2015) trú tại phường Hoàng Mai, Hà Nội là một trong những nạn nhân nhỏ tuổi nhất may mắn được cứu sống. M. kể, thời điểm xảy ra sự cố, cháu đi du lịch cùng gia đình. Khi tàu bị lật, cháu may mắn vào được khoang có không khí, nơi cháu cố gắng giữ bình tĩnh và chờ lực lượng cứu hộ đến ứng cứu. Sau một thời gian mắc kẹt, cháu tìm cách thoát ra ngoài và may mắn được lực lượng chức năng phát hiện, đưa lên tàu cứu hộ an toàn... 

Câu hỏi trách nhiệm và những hỗ trợ kịp thời từ chính quyền 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, cùng lãnh đạo các bộ ngành đã trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ và điều tra nguyên nhân vụ việc. Nhiều câu hỏi được đặt ra là: Vì sao không có cảnh báo thời tiết sớm hơn? Tại sao không dùng trực thăng cứu hộ? Liệu có truy cứu trách nhiệm chủ tàu?

Ông Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch UBND giải đáp thắc mắc việc sao không dùng máy bay trực thăng để cứu hộ. Theo đó, qua đánh giá tình hình, cơ quan chức năng cho rằng việc dùng máy bay trực thăng cứu hộ không phù hợp trong trường hợp này vì đi từ bờ đến hiện trường khoảng 15 đến 20 phút. Ngoài ra, tại đây không có điểm đáp. Vì vậy, tránh trường hợp phức tạp, nguy hiểm khác nên máy bay trực thăng không được sử dụng.

Theo ông Nguyễn Văn Công, việc dùng máy bay trực thăng cứu hộ là không khả thi. Ảnh: Thạch Thảo

Tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu kiểm tra toàn bộ đội tàu du lịch đang hoạt động, siết chặt quy trình xuất bến, đặc biệt trong điều kiện thời tiết bất thường. Các tàu vỏ gỗ tương tự tàu Vịnh Xanh 58 cũng được rà soát lại hồ sơ kỹ thuật và quy trình vận hành.

Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, sẽ xử lý nghiêm vụ việc sau khi kiểm tra, sai tới đâu xử tới đó. Tuy nhiên, thời điểm này có thời gian rất gấp nên Công an tỉnh đang tập trung vào công tác tìm kiếm, cứu hộ. Vì vậy, việc xử lý sẽ được thông báo công khai sau khi điều tra các nguyên nhân liên quan.

Sau thảm hoạ, UBND tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ 25 triệu đồng/người tử vong, 8 triệu đồng/người bị thương, đồng thời lo toàn bộ chi phí vận chuyển thi thể về quê. Ủy ban MTTQ tỉnh tri ân thêm 5 triệu đồng và nhiều doanh nghiệp hỗ trợ đến 40 triệu/người tử vong, 25 triệu/người bị thương.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng đã ký ban hành công điện về việc hỗ trợ, thăm hỏi gia đình nạn nhân trên địa bàn TP trong vụ lật tàu du lịch Vịnh Xanh 58 tại tỉnh Quảng Ninh. Chủ tịch UBND TP yêu cầu: Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu UBND TP chính sách hỗ trợ nạn nhân tử vong và người bị thương. Bố trí các điều kiện y tế tốt nhất để cứu chữa người bị thương. Sở Nội vụ chủ trì thực hiện hỗ trợ các điều kiện tổ chức tang lễ chu đáo cho các nạn nhân.

Ngày 20 tháng 7 năm 2025, chuyên trang Đời sống & Pháp luật đã đăng tải bài viết với tiêu đề ""Nạn nhân vụ lật tàu Vịnh Xanh không có lỗi" - Chuyên gia khí tượng giải đáp hàng loạt câu hỏi “vì sao”". Nội dung như sau:

Sau hơn 1 ngày trôi qua kể từ khi xảy ra vụ tàu du lịch Vịnh Xanh gặp nạn tại khu vực Gia Luận, Cát Hải đã để lại nỗi bàng hoàng và xót xa khi cướp đi sinh mạng 35 người, trong đó 4 người mất tích, chỉ khoảng 10 người sống sót trở về.. Tính đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng đang khẩn trương triển khai tìm kiếm trước khi thời tiết trên biển diễn biến xấu bởi cơn bão số 3.

Những câu chuyện sinh tồn trong khoang tàu chật hẹp, khoảnh khắc một hành khách lặn ngụp kéo thêm vài người ra khỏi dòng nước lạnh, hay tiếng khóc nấc của thân nhân bên bờ biển… càng khiến nhiều người xót xa, tiếc thương. 

Thế nhưng, giữa muôn vàn những nỗi xót xa ấy, không ít ý kiến trái chiều xuất hiện trên mạng xã hội. Nhiều người đặt câu hỏi: "Tại sao trời báo bão mà vẫn đi biển?", "Sao không hoãn chuyến tham quan để giữ an toàn cho mình và người khác?". Một số bình luận còn gay gắt hơn khi cho rằng việc đi du lịch, tắm biển trong thời điểm gió mùa, giông lốc đang hình thành là quá liều lĩnh.

Ở chiều khác, không ít người bày tỏ sự bức xúc hướng về lực lượng quản lý: Tại sao tàu vẫn được phép xuất bến khi đã có cảnh báo thời tiết xấu? 

Bên cạnh tranh luận, vẫn có những ý kiến kêu gọi mọi người tránh đổ lỗi nạn nhân, bởi thực tế trước khi xảy ra vụ việc đau lòng tại Hạ Long trời vẫn nắng đẹp. 

Trước những ý kiên trên, tối ngày 20/7, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy – Chuyên gia nghiên cứu thời tiết và cảnh báo thiên tai cực đoan đã có một bài phân tích về vụ lật tàu trên Vịnh Hạ Long như để trả lời cho hàng loạt thắc mắc của cộng đồng mạng. Tiến sĩ Huy cũng lên tiếng khẳng định "các nạn nhân trong vụ lật tàu ở Vịnh Hạ Long không có lỗi". 

Chúng tôi xin trích nguyên văn bài phân tích của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy: 

"Lẽ ra tôi không phân tích vấn đề này mà dành thời gian theo dõi và dự báo bão Wipha vào thời điểm này sẽ tốt hơn. Tuy nhiên có quá nhiều sự đổ lỗi trên cộng đồng mạng XH mà có thể chúng ta chưa đủ góc nhìn và chuyên môn để hiểu hết vấn đề. Chẳng hạn các câu hỏi như:

- 1."Tại sao biết có bão vào mà vẫn đi chơi trên biển?"

- 2."Tại sao cơ quan chức năng không cấm biển?"

- 3. "Tại sao thuyền trưởng không yêu cầu hành khách mặc áo phao?"

- 4."Tại sao không dự báo dông lốc sớm hơn?"

Tôi lần lượt trả lời các câu hỏi như sau:

1. Tại sao biết có bão vào mà vẫn đi chơi trên biển?

Trước hết! Những du khách trên thuyền rời cảng vào khoảng thời gian buổi trưa. Lúc đó trời đang nắng nóng và không có dấu hiệu của mưa gió. Các bản tin cảnh báo bão cũng nêu rõ ngày 21/7 bão mới vào Vịnh Bắc Bộ. Nếu tôi là khách hàng thì tôi cũng sẽ lên thuyền. Vì vậy không thể trách nạn nhân rằng họ cố đi chơi trong khi bão đang vào. Có 1 clip ghi lại cảnh hành khách mặc áo mưa đi lên tàu và chúng ta nghe giọng chửi của một người đàn ông không lên tàu. Đó là clip ghi lại từ tháng 6. Vào thời điểm trưa hôm qua Quảng Ninh đang nắng nóng.

Ảnh: Facebook Huy Nguyen

2. Tại sao cơ quan chức năng không cấm biển?

Việc cấm biển phải dựa trên bản tin dự báo thời tiết chính thống hoặc quan sát tình hình thời tiết tại chỗ. Bản tin dự báo thời tiết vào buổi sáng thông báo gió cấp 2, cấp 3 (theo thông tin họp báo từ báo Tuổi Trẻ). Bản tin dự báo cập nhật lúc 13h30 báo có mưa và dông lốc. Lúc này tàu Vịnh Xanh đã xuất bến và ban quản lý cảng đã không cho các tàu khác xuất bến.

Theo thông lệ việc cấm biển có thể được đưa ra khi bão cách đất liền 24 giờ di chuyển để đảm bảo các tàu vào cảng neo đậu an toàn. Dự báo bão Wipha tới 21/7 mới vào Vịnh Bắc Bộ nên không thể ban hành lệnh cấm biển từ 19/7 nếu không phát hiện tình huống thời tiết cực đoan.

3. Tại sao thuyền trưởng không yêu cầu hành khách mặc áo phao?

Cơ quan chức năng cho biết, quá trình cứu hộ, cứu nạn phát hiện 80%-90% nạn nhân có mặc áo phao. Chứng tỏ thuyền trưởng có phát lệnh mặc áo phao.

Tuy nhiên điều nguy hiểm khi mặc áo phao trong thuyền kín đó là sẽ khó xoay xở và thoát ra ngoài. Lẽ ra khi mặc áo phao thì hành khách phải lên boong hoặc tất cả các cửa sổ phải mở. Tôi dự đoán rằng khi có mưa lớn và gió tạt mạnh, các hành khách đã đóng kín cửa để mưa không tạt vào trong khoang. Đó là nguyên nhân khiến hành khách không thể thoát ra ngoài khi thuyền bị lật. Đêm hôm qua cũng có 1 thuyền khách dịch vụ câu mực bị lật tại biển Thiên Cầm và 34 người rơi xuống biển. Tất cả họ đều được cứu an toàn vì đó chắc chắn là thuyền mở và hành khách đều ở bên ngoài, có mặc áo phao.

4. Vấn đề chính: Tại sao không dự báo dông lốc sớm hơn?

Trong các hình là một loạt các dự báo tôi trích dẫn từ các mô hình dự báo rất mạnh gồm GFS của Mỹ và ECMWF của Châu Âu. Cả 2 mô hình đều không dự báo có dông lốc trên Vịnh Hạ Long vào khung giờ từ 12h đến 14h ngày 19/7. Mô hình GFS dự báo cấp gió 17kt vào thời điểm 12h-15h, cấp gió 27kt vào khung giờ 18h. Trong khi đó mô hình ECMWF dự báo cấp gió 11kt. Tất cả các dự báo này cho thấy các mô hình dự báo KHÔNG HỀ PHÁT HIỆN THẤY CÓ DÔNG LỐC.

Ảnh: Facebook Huy Nguyen
Các mô hình dự báo cấp gió trên Vịnh Hạ Long vào chiều ngày 19/7. Ảnh: Facebook Huy Nguyen

5. Vậy làm sao để phát hiện được dông lốc mà không có mặt ở vị trí đó?

- Ảnh vệ tinh: Tôi phát hiện đám mây phát triển trên ảnh vệ tinh vào khoảng 14h chiều. Lúc đó thì "chuyện đã rồi" vì ban đầu cụm mây rất nhỏ phía bắc VBB phát triển lan dần ra. Nếu theo dõi sớm và liên tục có thể dự đoán được xu hướng phát triển cơn dông. Nhưng khu vực thuyền bị nạn có tốc độ phát triển dông rất nhanh và rất khó phát cảnh báo sớm nếu không có mặt tại đó quan sát.

- Ảnh radar từ đài khí tượng cao không: Ảnh radar quét mây thời gian thực có thể phát hiện cơn dông nhưng cũng giống như ảnh vệ tinh, đó là ảnh thời gian thực. Khi phát hiện cũng đồng nghĩa là cơn dông đã xuất hiện.

- Dấu hiệu phán đoán mây dông: Vào thời điểm xảy ra mây dông khí áp bề mặt cực thấp do áp thấp nóng nhiều ngày liên tục gây ra. Khí áp thấp này kết hợp nền nhiệt cao khi bốc hơi mà gặp không khí lạnh đới cao hội tụ theo dải hẹp thì chắc chắn có mây dông. Tuy nhiên để đo được nhiệt độ và khí áp trên cao ở mực từ 850hpa (1500m) trở lên cần có bóng thám không. Mỗi bóng cao không mỗi lần thả lên trời để thu thập số liệu tốn hơn 1000 usd. Đó là số tiền lớn nếu ngày nào cũng thả bóng.

Do vậy, việc cảnh báo mây dông là tương đối, khó dự báo xa và khó dự báo cấp gió.

Ảnh mây vệ tinh cho thấy khối mưa dông cực lớn ở miền Bắc vào chiều ngày 19/7. Ảnh: Facebook Huy Nguyen
Ảnh: Facebook Huy Nguyen

Cơn dông chiều hôm qua là một siêu mây dông hiếm gặp, quét mạnh từ Bắc vào Nam do không khí lạnh đới cao có hướng Bắc - Nam gặp phải không khí nóng ẩm từ biển vào kết hợp mây đối lưu tại chỗ. Đó là một tình huống hiếm gặp trong khí tượng.

Tình huống chìm tàu hôm qua cũng là một tình huống hy hữu và có thể có lốc xoáy tại chỗ khi mây dông xảy ra. Gặp lốc xoáy thì dù thuyền hiện đại và thuyền trưởng có kinh nghiệm cũng không xử lý được.

Nước giặt quốc dân không cần nước xả vẫn thơm, hơn 1,2 triệu người dùng Shopee cho 5 sao!