Nạn nhân tàu Vịnh Xanh 58 ám ảnh với lời từ biệt 'thôi chào anh em, tôi đi'

Đây chính là cách né nồm, tránh nồm rẻ nhất hiệu quả nhất miền Bắc!

Thoát chết sau vụ lật tàu, anh Quân vẫn chưa nguôi ám ảnh bởi lời từ biệt của người đàn ông buông tay khỏi chiếc ghế gỗ giữa biển khơi: "Thôi chào anh em, tôi đi".

Ngày 21 tháng 7 năm 2025, báo điện tử VTC đã đăng tải bài viết với tiêu đề "Nạn nhân tàu Vịnh Xanh 58 ám ảnh với lời từ biệt 'thôi chào anh em, tôi đi'". Nội dung như sau:

Là một trong những người may mắn sống sót sau vụ lật tàu du lịch Vịnh Xanh 58 trên vịnh Hạ Long, anh Nguyễn Hồng Quân (SN 1985, quê Nghệ An) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại thảm kịch đã cướp đi sinh mạng của 35 người và khiến 4 người khác mất tích.

Anh Quân kể, sáng 19/7, sau khi hoàn thành công việc được công ty giao tại Quảng Ninh, anh ngồi cà phê ở phường Bãi Cháy và nảy sinh ý định mua vé tham quan các hang động ngoài khơi.

"12h55, tàu xuất bến từ Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long trong tiết trời nắng đẹp. Chúng tôi di chuyển được khoảng 30 phút thì bất ngờ gặp mưa lớn. Ít phút sau, gió nổi lên dữ dội, rồi một con sóng lớn ập tới khiến con tàu bị lật úp", anh Quân nhớ lại.

Anh Nguyễn Hồng Quân kể về thời điểm tàu du lịch bị lật. (Ảnh: Minh Đức)

Trước khi mọi thứ chìm vào bóng tối, anh nghe thấy tiếng hét thất thanh của một nữ nhân viên làm ở quầy bếp. Khoang khách trở nên hỗn loạn rồi nhanh chóng lặng đi. Trong khoảnh khắc định thần, anh Quân nghĩ rằng mình khó có thể sống sót.

May mắn thay, trong giây phút sinh tử, anh phát hiện ánh sáng le lói từ khu vực bếp, liền lần theo cầu thang để tìm lối thoát khỏi thân tàu, cố gắng ngoi lên mặt nước.

Sau khi bơi được khoảng 50m, anh nhìn thấy một chiếc ghế gỗ trôi bồng bềnh, có lẽ bị văng ra từ con tàu gặp nạn. Như chiếc phao cứu sinh giữa biển tuyệt vọng, anh dồn hết sức giữ lấy ghế để níu sự sống.

" Ít phút sau, ba người đàn ông khác cũng trồi lên mặt nước và bám vào chiếc ghế, nghĩ cách bơi vào bờ. Nhưng chỉ được khoảng 15 phút, một người đàn ông khoảng 40 tuổi đuối sức, tự buông tay, có lẽ anh ấy quá mệt khi lặn từ trong tàu ra khỏi mặt nước. Anh ấy bảo 'thôi chào anh em, tôi đi' rồi buông xuôi, dần chìm vào làn nước. Câu từ biệt và đôi mắt tuyệt vọng của anh ấy khiến tôi rất ám ảnh ", anh Quân nghẹn ngào chia sẻ.

Ba người còn lại cố gắng động viên nhau bơi về phía luồng tàu thuyền qua lại với hy vọng mong manh được cứu.

Giữa biển khơi mênh mông, mỗi khi thấp thoáng thấy bóng tàu ở phía xa, ba người đàn ông lại hét khản cổ "cứu với! cứu với! " và không ngừng vẫy tay trong vô vọng.

Sau hơn 3 giờ vật lộn giữa sóng nước, một ngư dân đi thuyền gần đó nghe thấy tiếng kêu yếu ớt, lập tức lái thuyền tới ứng cứu và đưa các nạn nhân lên bờ.

" Nếu trôi thêm 1 tiếng nữa, có lẽ ba anh em không còn cơ hội sống sót. Khi được cứu, ai cũng kiệt sức, tay chân tê cứng, chỉ còn bám vào chiếc ghế theo bản năng sinh tồn ", anh Quân kể lại.

Anh Vũ Anh Tú, thủy thủ trên tàu Vịnh Xanh 58. (Ảnh: Minh Đức)

Cùng bám vào chiếc ghế gỗ với anh Quân, anh Vũ Anh Tú (SN 2000, trú phường Hà An, tỉnh Quảng Ninh) là thủy thủ trên tàu Vịnh Xanh 58.

Với giọng nói còn run run, anh Tú cho biết, thuyền bị lật chỉ trong tích tắc, 48 hành khách và 3 thuyền viên gần như không kịp trở tay. Chỉ trong vòng chưa đầy 10 giây, nước đã tràn ngập mọi khoang. Buồng lái - nơi anh làm việc - là khu vực chìm đầu tiên.

" Khi ấy tôi đang trên cabin của tàu, sự việc diễn ra quá nhanh khiến tất cả không kịp trở tay. Tôi không kịp phản ứng gì cả, lúc tàu bị lật úp, xung quanh tối om. Chỉ thoáng chốc, tôi thấy mình đã trên mặt biển mà không biết mình thoát ra ngoài bằng cách nào ", anh Tú thuật lại.

Vận dụng kỹ năng bơi lội, nam thuyền viên cố thoát thân ra ngoài qua một ô cửa kính nhỏ đã vỡ nham nhở do bị va đập trong quá trình tàu chìm.

" Lúc rơi xuống biển, có thể tôi bị va đập, tay bị rách và xây xát, khi đó không có cảm giác đau mà chỉ sợ hãi mong tìm cách lên bờ. May mắn nhất là tôi thoát được ra ngoài, cố gắng quan sát mọi thứ xung quanh, trấn tĩnh bản thân. Tôi ngoái lại thì thấy đã bị trôi dạt xa khỏi khu vực tàu bị lật ", anh Tú cho biết thêm.

Trở về từ "cửa tử", điều đọng lại trong tâm trí Tú không phải ký ức về vụ lật tàu mà chính là giây phút được giải cứu. Khi ấy, cả ba người - anh Tú, anh Quân và anh Mai Quân Hải (quê tỉnh Bắc Ninh) - gương mặt tái nhợt, người ướt sũng, kiệt sức sau nhiều giờ chống chọi giữa biển khơi, nghẹn ngào nhìn nhau thốt lên: "Chúng ta được cứu rồi…".

Cùng ngày, chuyên trang Đời sống Pháp luật cũng đăng tải bài viết với tiêu đề "Sức khoẻ của bé trai 10 tuổi được cứu sống trong vụ lật tàu hiện ra sao?". Nội dung như sau:

Vụ lật tàu du lịch Vịnh Xanh 58 tại vịnh Hạ Long ngày 19/7 đã khiến 17 nạn nhân trú tại Hà Nội tử vong, trong đó có nhiều nạn nhân là thành viên trong cùng một gia đình.

Trong số ấy có bé trai tên H.N.M (sinh năm 2015), trú tại phường Hoàng Mai, Hà Nội đã được lực lượng chức năng cứu sống, đưa ra khỏi thân tàu du lịch QN-7105 bị lật úp chiều 19/7. 

Liên quan đến tình hình sức khoẻ của bé M., trao đổi với báo Sức khoẻ & Đời sống, TS.BS Cao Việt Tùng – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh nhi được vào Khoa Cấp cứu chống độc của bệnh viện.

Bé M. thời điểm được cứu sống

Qua thăm khám khi tiếp nhận bệnh nhân, cơ bản bước đầu cho thấy bé ổn định sức khoẻ, bệnh nhi chỉ xây xát ngoài da, tinh thần cơ bản ổn định.

"Chúng tôi tiếp tục theo dõi thêm sức khoẻ và tâm lý của bệnh nhi khoảng từ 24-48 tiếng. Cùng đó, chúng tôi đã yêu cầu các bộ phận liên quan của bệnh viện làm các thủ tục để hỗ trợ miễn phí toàn bộ viện phí, cũng như theo dõi tâm lý của bệnh nhi sau này"- TS.BS Cao Việt Tùng thông tin.

Được biết, bé M. là con trai của gia đình anh Th. Cả gia đình 4 người gồm hai vợ chồng và hai con nhỏ đã cùng nhau đi du lịch trên chuyến tàu định mệnh tại Hạ Long. Đáng tiếc, trừ bé M. may mắn được cứu sống, vợ chồng anh H.V.Th (sinh năm 1985), chị Đ.T.P (sinh năm 1987) và cháu H.M.T (sinh năm 2020) đã thiệt mạng.

Thi thể chị P và cháu T đã được tìm thấy, trong khi anh Th. vẫn đang mất tích. Gia đình đã làm thủ tục đưa chị P và cháu T về quê nhà tại xã Thanh Lâm, tỉnh Ninh Bình để lo hậu sự.

Theo thông tin trên báo VOV, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt cho biết, phường đã hỗ trợ khẩn cấp 15 triệu đồng cho gia đình nạn nhân. Chiều cùng ngày, lãnh đạo phường, đại diện Đảng ủy, HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc cùng Trường THCS Chu Văn An - nơi cháu M theo học, đã tới quê nhà các nạn nhân để phúng viếng, chia buồn và động viên gia đình. UBND phường cũng chỉ đạo nhà trường miễn toàn bộ học phí, hỗ trợ tối đa để cháu M sớm ổn định tinh thần, tiếp tục học tập. Một tổ công tác cũng đã được cử đến Quảng Ninh để phối hợp tìm kiếm nạn nhân còn mất tích.

Liên quan đến vụ lật tàu trên Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, theo thông tin ban đầu từ các xã, phường trên địa bàn thành phố Hà Nội xác định, thành phố đã có 17 công dân xác nhận tử vong và 1 người bị thương trong vụ tai nạn nghiêm trọng này.

Ngay sau khi tiếp nhận báo cáo từ cơ sở, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã phối hợp cùng các địa phương, đặc biệt là các xã: Thường Tín, Hồng Vân, Đại Thanh, An Khánh và phường Hoàng Liệt, nơi có công dân gặp nạn, để triển khai nhanh việc hỗ trợ, thăm hỏi.

Mức hỗ trợ cụ thể là 5 triệu đồng cho mỗi trường hợp tử vong, 3 triệu đồng cho người bị thương. Đối với các cháu nhỏ mồ côi cha mẹ, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố cũng đang xây dựng kế hoạch chăm lo, hỗ trợ cho các cháu.

Tại các địa phương, công tác phối hợp đang được đẩy nhanh. Danh sách các nạn nhân tiếp tục được rà soát từ nhiều nguồn để đảm bảo không bỏ sót, đồng thời, tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, chia buồn với gia đình. Các xã, phường cũng đang tiếp tục cập nhật diễn biến, con số thương vong có thể thay đổi khi quá trình xác minh vẫn đang diễn ra.

Liên quan đến vụ việc, Sở Y tế TP Hà Nội cũng đề xuất hỗ trợ nạn nhân cư trú tại Hà Nội trong vụ lật tàu tại Hạ Long.

Cụ thể, để kịp thời hỗ trợ các gia đình nạn nhân sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, Sở Y tế kính đề nghị UBND Thành phố trình Thường trực Thành ủy, Thường trực HĐND Thành phố hỗ trợ thêm các nạn nhân bằng 1 lần theo mức quy.

Cụ thể, hỗ trợ người bị thương với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/người. Đối với người tử vong hỗ trợ 25 triệu đồng/người.

Nguồn kinh phí được lấy từ nguồn ngân sách TP, Sở Y tế Hà Nội là đơn vị thực hiện.

Nước giặt quốc dân không cần nước xả vẫn thơm, hơn 1,2 triệu người dùng Shopee cho 5 sao!