Quyết định 'sinh tử' của người đàn ông khi thấy 30 du khách kêu cứu trên biển do chìm tàu

Đây chính là cách né nồm, tránh nồm rẻ nhất hiệu quả nhất miền Bắc!

Trên đường di chuyển vào bờ, anh Lĩnh bắt gặp một đoàn du khách gặp nạn trên biển Thiên Cầm, Hà Tĩnh. Sau phút suy nghĩ, anh quyết định quay lại ứng cứu và đưa họ vào bờ an toàn.

Ngày 21/7/2025, báo Vietnamnet đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Quyết định 'sinh tử' của người đàn ông khi thấy 30 du khách kêu cứu trên biển do chìm tàu". Nội dung như sau:

Phút quyết định 'sinh tử'

Ngày 20/7, trao đổi với PV VietNamNet, anh Lê Văn Lĩnh (SN 1984, trú xã Thiên Cầm, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, khoảng 19h tối 19/7, anh cùng 3 thuyền viên khác dùng thuyền công suất nhỏ đi đánh bắt hải sản trên biển Thiên Cầm.

Đến khoảng 20h, vùng biển Thiên Cầm bất ngờ nổi gió, sau đó cơn giông lốc nổi lên. Lo sợ gặp nạn, anh Lĩnh cùng 3 thuyền viên nhanh chóng di chuyển đưa thuyền vào bờ trú ẩn.

Đến 22h, khi đang trên đường về bờ, ở gần đảo Bớc, cách bờ biển Thiên Cầm khoảng 0,5 hải lý, anh Lĩnh phát hiện chiếc tàu du lịch đang gặp nạn, hàng chục khách du lịch phát tín hiệu cầu cứu.

"Trên đường trở về đất liền, lực lượng Đồn Biên phòng Thiên Cầm đã liên lạc, nhờ tôi ứng cứu chiếc tàu đang gặp nạn.

Lo sợ tài sản trên thuyền cũng gặp sự cố khi trời nổi giông, nên tôi đã đắn đo suy nghĩ: "Liệu cứu người tài sản của mình có bị ảnh hưởng hay không?". Sau vài phút, tôi đã quyết định quay lại ứng cứu và nói với những người đi cùng: "Đằng nào cũng phải cứu vì hàng chục người đang nguy hiểm đến tính mạng, mình không thể bỏ qua được", anh Lĩnh chia sẻ.

z6823060470808_93bd837321b37d1fd1fc3adade3186e8.jpg
Anh Lê Văn Lĩnh. Ảnh: CTV

Theo anh Lĩnh, thời điểm trên, hàng chục du khách hoảng loạn, òa khóc kêu cứu và nôn ói do say sóng.

"Tôi và 3 thuyền viên dùng thuyền thúng di chuyển lại tàu đang gặp nạn, đưa lần lượt từng người qua thuyền của tôi. Vừa đưa được các du khách di chuyển sang thuyền của tôi thì con tàu kia bị chìm, úp xuống biển. Rất may tôi đã hành động kịp thời, nếu chậm khoảng 10 phút, du khách cũng bị chìm theo tàu. Tổng cộng cứu được 26 du khách từ tàu du lịch", anh Lĩnh kể.

Du khách.jpg
Nhiều người đã òa khóc khi trở về được đất liền. Ảnh: CTV

Sau khi cứu được du khách, do sóng đánh mạnh, gió lớn, thuyền không thể vào bờ nên anh di chuyển vào đảo Bớc để trú ẩn, chờ thời tiết ổn định.

"Tôi để ý trên tàu có nhiều du khách với nhiều độ tuổi khác nhau, trong đó có cả phụ nữ và một cháu bé chừng 5 tuổi. Du khách bị ướt và lạnh. Nhiều người đã nôn ói và mệt mỏi sau sự cố. Tôi lấy chăn cho đứa trẻ đắp cho đỡ lạnh. Đến 1h ngày 20/7, sau khi biển lặng, tôi đã dùng thuyền chở các khách du lịch vào bàn giao cho lực lượng Biên phòng Thiên Cầm", anh Lĩnh nhớ lại.

z6822343037759_43a89e470903fb8c6c242c5a60739bc5.jpg
27 du khách được cứu đưa lên bờ sau sự cố chìm tàu. Ảnh: CTV

Cũng theo anh Lĩnh, trên tàu có 30 người, tuy nhiên anh cứu được 26 người, số còn lại được tàu khác cứu và đưa vào bờ an toàn.

Huy động tàu thuyền đang đánh bắt tham gia cứu nạn

Anh Nguyễn Trọng Hoàng (chủ nhân của con tàu gặp nạn) cho hay, sau sự cố, anh đã đến công an tường trình toàn bộ sự việc. Hiện nay, hành khách đã ổn định sức khỏe và trở về nhà an toàn.

Theo anh Hoàng, khoảng 17h ngày 19/7, tàu du lịch của anh chở theo 27 hành khách (trong đó có 1 trẻ nhỏ) cùng 3 thuyền viên đi câu mực trên biển Thiên Cầm cách bờ khoảng 600m. Đến khoảng 20h30, khi du khách đang câu thì trời bắt đầu nổi gió mạnh, xuất hiện giông lốc.

"Gió kèm theo mưa lớn, khiến sóng đánh mạnh, nước tràn vào khoang tàu, không thể hút kịp. Các thuyền viên đã bắn pháo sáng, phát tín hiệu cầu cứu. Mọi người trên tàu được trang bị áo phao, sẵn sàng cho tình huống xấu. Nhận tin tàu gặp sự cố, tôi đã liên hệ với lực lượng biên phòng và tàu của ngư dân, trong đó có tàu của anh Lĩnh đã kịp thời đến để ứng cứu du khách", anh Hoàng nói.

Cũng theo anh Hoàng, đến khoảng 1h, du khách đã vào bờ an toàn. "Tôi mới mua lại con tàu du lịch này, sau đó sửa chữa, tổng cộng hơn 1,5 tỷ đồng. Vậy nhưng mới khai thác du lịch biển được 1 tháng thì gặp nạn. Hiện nay toàn bộ tài sản đã đổ xuống biển và đang thuê người trục vớt tàu. Rất may tàu bị chìm trên biển nhưng không gây thương vong về người, nhưng sau lần này, chắc tôi cũng bỏ nghề vì ám ảnh về việc du khách gặp sự cố", anh Hoàng bày tỏ.

Lãnh đạo Đồn Biên phòng Thiên Cầm cũng cho biết, khi tiếp nhận thông tin tàu gặp sự cố, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai công tác cứu nạn, cứu hộ.

Thời điểm đó, do ca nô của biên phòng không tiếp cận được vị trí gặp nạn nên lực lượng biên phòng đã huy động tất cả các tàu thuyền đang đánh bắt ở trên biển có công suất lớn, phối hợp để tham gia cứu nạn, trong đó có thuyền của anh Lĩnh.

"Sau khi thuyền của ngư dân đưa được các du khách vào bờ, chúng tôi tiếp nhận ở cảng, hướng dẫn các hành khách lên các phương tiện xe điện, đưa về các khách sạn nghỉ ngơi. Sau khi lên bờ, sức khoẻ của các du khách đã ổn định”, lãnh đạo Đồn Biên phòng Thiên Cầm nói.

Báo VnExpress ngày 20/7 đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Tàu du lịch chìm trên biển Thiên Cầm, 34 người được cứu". Nội dung cụ thể như sau:

Tối 19/7, tàu du lịch Nguyễn Ngọc chở 30 khách và 4 thuyền viên đi câu mực tại đảo Bớc, cách bờ biển Thiên Cầm khoảng 0,5 hải lý thì gặp giông lốc, mưa lớn. Khoảng 19h20, sóng mạnh đánh chìm tàu, toàn bộ người trên tàu nhảy xuống biển. Trước khi chìm, tàu đã phát tín hiệu cầu cứu đến trạm cứu hộ gần nhất.

Đồn Biên phòng Thiên Cầm phối hợp với chính quyền địa phương điều hai tàu cứu hộ và huy động thuyền ngư dân gần đó tiếp cận hiện trường. Sau khoảng 10 phút, toàn bộ 34 người được cứu lên thuyền an toàn.

Trung tá Nguyễn Văn Khởi, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thiên Cầm, cho biết do sóng to, gió lớn, lực lượng chức năng không thể đưa các nạn nhân vào bờ ngay mà phải neo đậu tại chỗ để trú ẩn. Đến 0h30 ngày 20/7, các thuyền cứu hộ mới đưa được toàn bộ người gặp nạn vào bờ với sức khỏe ổn định.

Tàu du lịch Nguyễn Ngọc làm bằng gỗ với sức chứa tối đa 40 người, thường chở khách từ bãi biển Thiên Cầm ra khơi 1-3 km để trải nghiệm câu mực đêm.

Lực lượng chức năng đưa một số nạn nhân vào bờ an toàn, rạng sáng 20/7. Ảnh: Hùng Lê

Cùng thời điểm, nhiều xã ở Hà Tĩnh xuất hiện giông lốc, mưa lớn, làm tốc mái nhiều nhà dân và công trình. Vùng biển ghi nhận sóng cao, gió mạnh. Tại xã Cổ Đạm, 6 thuyền đánh cá cỡ nhỏ đang neo gần bờ bị sóng đánh lật. Đến sáng 20/7, lực lượng chức năng đã lai dắt các thuyền vào bờ. Riêng ngư dân Hoàng Văn Minh, 57 tuổi, ra khơi đánh cá một mình hiện chưa liên lạc được, chính quyền đang tổ chức tìm kiếm.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của bão Wipha, từ ngày 21/7 vùng biển Hà Tĩnh sẽ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng cao 2-4 m. Trên đất liền, từ chiều mai đến ngày 23/7, hoàn lưu phía Tây và Tây Nam của bão gây mưa diện rộng. Khu vực phía Nam Hà Tĩnh lượng mưa phổ biến 50-100 mm, phía Bắc 100-200 mm, có nơi trên 250 mm.

Tàu cá Quảng Trị bị sóng đánh chìm

Sáng 19/7, tàu cá do ông Phạm Văn Trị (55 tuổi, trú xã Phú Trạch, tỉnh Quảng Trị) điều khiển cùng 6 thuyền viên đang đánh bắt cách cửa Ròn khoảng 35 hải lý thì gặp sóng to, gió lớn và bị đánh chìm. Trước khi mất liên lạc, tàu đã kịp phát tín hiệu cầu cứu.

Khoảng một giờ sau, tàu cá của ông Phạm Ngọc Hương, trú xã Hòa Trạch, đang đánh bắt gần đó đã tiếp cận, cứu toàn bộ 7 người đưa vào bờ an toàn.

Tỉnh Quảng Trị cho biết toàn tỉnh hiện có 8.267 tàu cá với 25.801 lao động. Đến 10h ngày 20/7, còn 617 tàu với hơn 3.100 lao động đang hoạt động trên biển. Trước diễn biến phức tạp của bão Wipha, tỉnh đã yêu cầu các địa phương ven biển phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản, Kiểm ngư và các cảng vụ tại TP Huế, Hà Tĩnh tăng cường thông báo, cảnh báo tàu cá về vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão, chủ động không đi vào vùng nguy hiểm.

Cũng trong ngày 19/7, tàu du lịch Vịnh Xanh 58 bị giông gió mạnh xô lật trên vịnh Hạ Long, cách bờ gần 3 hải lý. Hậu quả 35 người chết, 4 người mất tích, 10 người được cứu sống.

Nước giặt quốc dân không cần nước xả vẫn thơm, hơn 1,2 triệu người dùng Shopee cho 5 sao!