Ai được tăng lương hưu 2 lần từ 1-7-2024?

Tổng kinh phí dự kiến để tăng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng 6 tháng cuối năm 2024 là hơn 16.200 tỉ đồng.

Ngày 28/6/2024, báo Người Lao động đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Ai được tăng lương hưu 2 lần từ 1-7-2024?". Nội dung cụ thể như sau:

Theo dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng, từ ngày 1-7-2024, lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng sẽ tăng thêm 15%; Mức trợ cấp xã hội tăng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).

Bên cạnh đó, những người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng trước ngày 1-1-1995, sau khi được điều chỉnh tăng lương hưu mà có mức hưởng thấp hơn 3,5 triệu đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 3,2 triệu đồng/người/tháng; Tăng lên bằng 3,5 triệu đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/người/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, những người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng trước ngày 1-1-1995 được điều chỉnh lương hưu, trợ cấp tới 2 lần.

Lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng sẽ tăng thêm 15% từ 1-7-2024

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sẽ có hơn 3,3 triệu người được điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp BHXH và khoảng 300.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp từ trước ngày 1-1-1995 được điều chỉnh theo số tiền tuyệt đối; ngân sách nhà nước chi trả.

Dự kiến, kinh phí tăng thêm từ ngân sách Nhà nước trong 6 tháng cuối năm 2024 để tăng lương hưu, trợ cấp hằng tháng khoảng 3.700 tỉ đồng. Quỹ BHXH cần hơn 12.500 tỉ đồng để chi trả lương hưu, trợ cấp hằng tháng trong 6 tháng cuối năm 2024. Tổng kinh phí dự kiến để tăng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng 6 tháng cuối năm 2024 là hơn 16.200 tỉ đồng.

Những đối tượng được điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng từ 1-7:

- Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người lao động có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định số 41/2009/QĐ-TTg ngày 16-3-2009 của Thủ tướng Chính phủ);

Quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.

- Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10-6-2023 của Chính phủ, Nghị định số 92/2009 ngày 22-10-2009 của Chính phủ, Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24-4-2019 của Chính phủ, Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21-10-2003 của Chính phủ, Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23-1-1998 của Chính phủ.

- Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 4-8-2000 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 6-5-2010 của Thủ tướng Chính phủ;

Công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 206-CP ngày 30-5-1979 của Hội đồng Chính phủ.

- Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 130-CP ngày 20-6-1975 của Hội đồng Chính phủ, Quyết định số 111-HĐBT ngày 13-10-1981 của Hội đồng Bộ trưởng.

- Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27-10-2008 của Thủ tướng Chính phủ.

- Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20-8-2010 của Thủ tướng Chính phủ.

- Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ.

- Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.

- Người đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng trước ngày 1-1-1995.

Trước đó, báo Tiền Phong đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Điều chỉnh tăng lương hưu từ 1/7, không để ai chịu thiệt thòi". Nội dung cụ thể như sau:

Từ 1/7/2024, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đóng BHXH dự kiến sẽ hưởng mức lương mới cao hơn so với hiện tại. Với cách tính lương hưu dựa trên số năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu như hiện nay, việc tăng mức lương đóng BHXH sẽ dẫn đến việc tăng lương hưu.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức có thời gian hưởng tiền lương mới càng dài thì lương hưu càng tăng cao so với người nghỉ hưu trước 1/7/2024.

Như vậy, người nghỉ hưu sau 1/7/2024 có thể sẽ được hưởng mức lương hưu cao hơn nhiều so với những người nghỉ hưu trước cải cách tiền lương, điều này dẫn đến sự phát sinh chênh lệch lương hưu giữa những người nghỉ hưu trước và sau ngày 1/7/2024 khi cải cách tiền lương.

Theo BHXH Việt Nam, để đảm bảo tính cân đối về mức hưởng giữa những người nghỉ hưu trước và sau 1/7/2024 đồng thời đảm bảo tính cân đối trong khả năng thu - chi, đơn vị đã đề xuất điều chỉnh mức tăng lương hưu từ 1/7 tới với mức tăng khoảng 8%.

Căn cứ vào từng đối tượng cụ thể, mức lương hưu sau cải cách sẽ được xây dựng và điều chỉnh để cả những người nghỉ hưu trước hay sau thời điểm cải cách tiền lương đều không bị thiệt thòi.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sẽ có chính sách đặc biệt để đẩy lương hưu lên cao hơn nữa đối với nhóm đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 (ảnh minh họa: Chí Hiếu).

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, từ 1/7/2024 sẽ có 3 mức điều chỉnh lương hưu cho 3 nhóm đối tượng khi cải cách tiền lương bao gồm:

Với nhóm người nghỉ hưu sau 1/7/2024, hiện nay, mức lương hưu tăng bao nhiêu sẽ được Bộ và các cơ quan liên quan tính toán kỹ lưỡng và hợp lý, hài hòa giữa những người có cùng chức vụ, công việc chuyên môn trước và sau thời điểm cải cách 1/7/2024.

Đối với những người nghỉ hưu trước 1/7/2024, do đây là nhóm đối tượng sẽ được lưu ý khi thực hiện cải cách tiền lương nên Nhà nước sẽ sắp xếp mức bù giảm phần chênh lệch lương giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách tiền lương.

Những người nghỉ hưu trước 1/7/2024 ngoài được áp dụng chính sách BHXH thì sẽ vẫn được đảm bảo đầy đủ các chế độ như người nghỉ hưu bình thường.

Việc điều chỉnh mức lương hưu không được thấp hơn 50% so với mức tăng sau cải cách nhằm đảm bảo sự cân đối, không để người nghỉ hưu trước 1/7 bị thiệt thòi sau cải cách tiền lương.

Đối với những người nghỉ hưu trước năm 1995, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sẽ có chính sách đặc biệt để đẩy lương hưu lên cao hơn nữa đối với nhóm đối tượng này.

Chờ hướng dẫn cách tính lương hưu mới

Theo bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông BHXH Hà Nội, hiện nay chưa có hướng dẫn nào về cách tính lương hưu theo chế độ lương mới. Vì vậy, cần chờ thêm thời gian nữa khi Dự thảo Luật BHXH được Quốc hội thông qua.

Theo đại diện BHXH Hà Nội, khi thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến những người nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024 và trước năm 1995 sẽ được xem xét tăng lương hưu phù hợp để đảm bảo tính hài hòa, cân đối, không để người nghỉ hưu trước 1/7 bị đẩy xa, thiệt thòi hơn khi cải cách tiền lương.

Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, công chức, viên chức được điều chỉnh tăng lương bao nhiêu thì người về hưu cũng phải được điều chỉnh tăng tương xứng. Nếu tăng lương hưu và trợ cấp BHXH quá thấp, người về hưu sẽ bị thiệt do lương tăng, trợ cấp tăng không bù được trượt giá.

Theo ông Lợi, cải cách tiền lương là quá trình tích lũy của nhiều năm mà trong đó thế hệ trước tích lũy cho thế hệ bây giờ. Nguồn quỹ 560.000 tỷ đồng từ quỹ BHXH là quá trình tích lũy của thế hệ trước, nếu tăng lương không phù hợp thì không đảm bảo công bằng với người về hưu.