Suy nghĩ quá mức phát bệnh tâm thần

Lướt Facebook xem bạn bè khoe một căn nhà mới, Hiệp, 26 tuổi, cảm thấy bản thân thật thất bại do không mua được nhà, dẫn đến mất ngủ, bị sa thải.

Báo Vnexpress ngày 24/6 đưa thông tin với tiêu đề: Suy nghĩ quá mức phát bệnh tâm thần. Với nội dung như sau: 

"Tôi lo lắng, mệt mỏi tự hỏi không biết bao giờ mình mới mua được nhà giống họ", Hiệp nói, thêm rằng tình trạng này kéo dài liên tục trong nhiều tháng. Chàng trai làm trong ngành truyền thông doanh nghiệp, tự nghĩ đến vô số điều tiêu cực xảy đến trong tương lai, như "sẽ không ai chịu lấy mình", "giá nhà ngày càng tăng, mình mãi không thể mua", hay "không có nhà bị bạn bè khinh thường"...

Hiệp tìm vui trong các cuộc nhậu để vơi cảm giác buồn chán và hoài nghi về tất cả hành động của bản thân, thường xuyên mất ngủ, sống thu mình, ngại giao tiếp. Đến Bệnh viện Tâm thần Mai Hương khám vào tháng trước, anh tâm sự với bác sĩ rằng bị sa thải vì hay nghĩ quẩn quanh, không thể tập trung vào công việc. Bác sĩ chẩn đoán Hiệp mắc hội chứng overthinking - suy nghĩ quá mức, lâu ngày dẫn đến trầm cảm nặng, phải nhập viện điều trị.

Cũng hoài nghi bản thân, Ngân, 20 tuổi, thường suy nghĩ về những khả năng tiêu cực và tình huống xấu nhất có thể xảy ra trong quá trình học tập của mình. Với bạn bè, Ngân có thành tích học tập đáng ngưỡng mộ, nhưng cô ít khi hài lòng về bản thân. Cô luôn tự đặt ra hàng loạt câu hỏi "tôi đã làm đủ tốt chưa", "có thể làm tốt hơn không", "người khác đánh giá tôi thế nào khi kết quả không hoàn hảo", khiến nhiều vấn đề rất nhỏ lại trở nên nghiêm trọng.

Ngân nhận ra mình mắc chứng overthinking, muốn thoát khỏi suy nghĩ tiêu cực bằng cách đọc sách, chơi game, nghe nhạc. Tuy nhiên, những cách này chỉ mang tính ngắn hạn, sau đó Ngân lại lâm vào tình trạng như trước cho đến kiệt sức, phải vào bệnh viện điều trị tâm lý.

Người có xu hướng overthinking thường không thể dứt ra khỏi một chuỗi suy nghĩ tiêu cực hoặc không cần thiết. Ảnh: Pexels

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hương Lan, Học viện Hạnh phúc Việt Nam, cho biết hội chứng overthinking (còn gọi hội chứng rối loạn lo âu) là tình trạng suy nghĩ quá nhiều hay quá mức cần thiết của người bệnh. Người mắc chứng overthinking luôn liên tục nghĩ nhiều, trằn trọc và có thể kèm tình trạng giàu cảm xúc, quá trình này diễn ra liên tục.

Một nghiên cứu do giáo sư tâm lý học Susan Nolen-Hoeksema của Đại học Michigan cùng cộng sự thực hiện, ghi nhận 73% người 25-35 tuổi và 52% người 45-55 tuổi tham gia nghiên cứu thường "suy nghĩ quá nhiều". Năm 2022, Bộ Y tế thống kê 12% người trẻ mắc các bệnh rối loạn tâm thần, tương đương hơn ba triệu trẻ tại Việt Nam có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Thạc sĩ Vương Nguyễn Toàn Thiện, Giám đốc chuyên môn Trung tâm tham vấn và trị liệu tâm lý Lumos, cho biết cảm giác căng thẳng và lo lắng liên tục có thể khiến người ta dễ bị overthinking. Những người có mức độ lo lắng cao thường xu hướng suy nghĩ nhiều về tình huống tiêu cực hoặc các kịch bản tương lai xấu. Nguyên nhân của những cảm giác căng thẳng và lo lắng này có thể đến từ những khó khăn tâm lý cá nhân.

Những người thiếu tự tin thường có xu hướng nghi ngờ và tự chất vấn, đặt nhiều câu hỏi về bản thân và quyết định của mình. Điều này cũng có thể dẫn đến overthinking khi họ cố gắng tìm kiếm sự chắc chắn trong các quyết định và hành động của mình. Một số người sợ hãi trước sự không chắc chắn và muốn kiểm soát mọi tình huống cũng dễ bị overthinking khi cố gắng dự đoán và chuẩn bị cho mọi khả năng có thể xảy ra.

Khả năng phân tích quá mức có thể là yếu tố tăng nguy cơ overthinking. Hội chứng này thường gặp ở người có tính cách và nhu cầu phân tích, thấu hiểu cao, có kỹ năng phân tích rất tốt. Họ có thể quan tâm quá mức đến những chi tiết mà người khác bỏ qua.

Một nguyên nhân khác chính là ảnh hưởng của mạng xã hội. Sự phổ biến của mạng xã hội khiến người trẻ dễ dàng quan sát được cuộc sống của người khác, sinh ra tâm lý so sánh và cảm thấy thất vọng. Từ đó họ đặt ra những kỳ vọng cao, tiêu chuẩn cao cho cuộc sống của mình. Trong đó, áp lực đồng trang lứa, sự thành công sớm cũng khiến người trẻ dễ suy nghĩ nhiều hơn.

Môi trường xung quanh như áp lực công việc, quan hệ xã hội phức tạp, hoặc các sự kiện khó khăn có thể làm tăng tình trạng overthinking. "Overthinking có thể trở thành thói quen nếu không có cách để xử lý và giải tỏa stress hiệu quả", thạc sĩ Thiện nói.

Dấu hiệu overthinking dễ nhận biết, như phân tích, suy nghĩ quá nhiều về mọi khía cạnh của một vấn đề và không thể dừng lại. Bạn cảm giác lo lắng mà không có lý do cụ thể hoặc căn cứ rõ ràng. Suy nghĩ quá nhiều gây rối loạn giấc ngủ và khó khăn trong việc thư giãn, làm mất tập trung và giảm hiệu suất làm việc.

Người có xu hướng overthinking thường không thể dứt ra khỏi một chuỗi suy nghĩ tiêu cực. Đôi khi họ không thể kiểm soát được sự hoang mang hay căng thẳng mà những suy nghĩ này gây ra, dẫn đến mệt mỏi cả tinh thần lẫn thể chất.

Thiền có thể giảm căng thẳng, cải thiện chứng overthinking. Ảnh: Pexels

Thạc sĩ Hương Lan nhận định overthinking tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần. Người mắc hội chứng này có thể bị mất ngủ, khó ngủ do não luôn hoạt động với những suy nghĩ tiêu cực, từ đó dễ bị trầm cảm, rối loạn lo âu. Nếu kéo dài, hội chứng khiến suy giảm thể chất, bất an tâm lý.

"Nên thẳng thắn thừa nhận cảm xúc tiêu cực, từ đó đưa ra các phương án giải quyết phù hợp, cải thiện tình hình", bà Lan khuyên. Một số hành động giảm căng thẳng có thể thực hiện ngay như tập thở sâu, thiền, thực hành tự nói chuyện tích cực, tránh làm việc quá sức, viết nhật ký căng thẳng để tự theo dõi, trò chuyện với bạn bè, gia đình. Nên học cách thư giãn, tận hưởng cuộc sống trọn vẹn như tập trung cảm nhận từ những hoạt động thường ngày, ví dụ lúc đi bộ từ công ty về nhà, lúc nấu ăn... Chú ý đến các cảm giác vật lý, âm thanh, mùi vị, tiếng gió. Cách này giúp bạn thả lỏng tâm trí, tăng cảm giác yêu đời.

Nếu overthinking ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe tinh thần, bạn cần được chuyên gia như bác sĩ tâm lý, tư vấn viên hỗ trợ. Những nhà chuyên môn có thể cung cấp các công cụ, kỹ năng cần thiết, đồng hành giúp người bệnh hiểu thêm về bản thân, cải thiện cuộc sống và đời sống tâm trí.

Tiếp dến, báo Thanh Niên cũng có bài đăng tương tự với thông tin: Overthinking, có phải là "căn bệnh" đang phổ biến ở người trẻ ?

Nội dung được báo đưa như sau: 

Theo thạc sĩ tâm lý Võ Minh Thành, giảng viên khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, overthinking là biểu hiện của hội chứng rối loạn lo âu. Người bệnh thường có cảm giác lo lắng quá mức đối với một tình huống hoặc sự việc, thậm chí là lo lắng rất vô lý. Tình trạng này kéo dài có thể gây suy giảm trí nhớ, trầm cảm và tự kỷ.

Khi đối mặt với nhiều vấn đề trong cuộc sống, người trẻ thường mắc phải “căn bệnh” overthinking

NGỌC SƠN

“Biết tự làm khổ bản thân nhưng không thể thoát ra”

Mọi vấn đề lớn, nhỏ qua cách nhìn của người mắc “bệnh” overthinking đều trở nên nghiêm trọng. Thường hay lo lắng thái quá về kết quả học tập, định hướng tương lai và các mối quan hệ xung quanh, Nguyễn Như Quỳnh (21 tuổi) ngụ tại số 8, đường số 9, Khu phố 4, P.Bình Chiểu, TP.Thủ Đức (TP.HCM), cho biết bản thân thường xuyên bị cuốn vào trạng thái tiêu cực.

“Suy nghĩ này kéo theo suy nghĩ khác, lẩn quẩn trong đầu khiến mình mất tập trung. Lo lắng quá nhiều cho những chuyện chưa xảy ra làm mình mất đi sự tận hưởng ở hiện tại. Hơn nữa, việc mình tự suy diễn những điều không có thật cũng khiến cho bạn bè xung quanh cảm thấy không thoải mái. Mình biết đây là một hình thức tự làm khổ bản thân, trói buộc mình trong những suy nghĩ do chính mình mổ xẻ, áp đặt nhưng chẳng thể thoát ra được”, Như Quỳnh chia sẻ.

Từng rất vui vẻ, yêu đời nhưng đột nhiên rơi vào trầm cảm và bảo lưu kết quả học tập do suy nghĩ quá mức. Lê Thị Thu Phương, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM kể: “Áp lực học hành, áp lực bạn bè đồng trang lứa khiến mình thường xuyên phải suy nghĩ và mất ngủ thời gian dài. Những suy nghĩ và lo lắng thái quá ở cái tuổi lưng chừng trưởng thành khiến mình không thể nào thoát khỏi trạng thái tiêu cực”.

Phải tìm đến các liệu pháp điều trị tâm lý vì cả ngày chỉ đắm chìm trong những suy nghĩ tiêu cực đến mất ăn, mất ngủ, tinh thần không tỉnh táo, Bùi Thị Thanh Mai (16 tuổi), học sinh Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc (tỉnh Vĩnh Phúc) trải lòng: "Thật đáng sợ khi sáng dậy mở mắt là tưởng tượng ra hàng loạt điều tồi tệ sắp xảy ra, đêm về thì nước mắt ngắn, dài nghĩ về quá khứ xong tự dằn vặt bản thân. Biết là không tốt nhưng không thể ngừng suy nghĩ".

Overthinking khiến "người bệnh" lo lắng thái quá và tự suy diễn mọi chuyện: “Đi thang máy thì lo thang máy rơi, ngồi đằng sau xe máy thì sợ bị cuốn chân hoặc váy vào bánh xe, hay suy nghĩ nhiều bởi lời nói của người khác theo hướng tiêu cực”... Đó là ảnh hưởng của “bệnh” overthinking đến với chị Đặng Thị Hải Yến (29 tuổi), làm nhân viên văn phòng ở tòa nhà CTM Complex 139 Q. Cầu Giấy (Hà Nội).

Những người bị overthinking họ ý thức được “căn bệnh” này đang khiến cuộc sống trở nên tồi tệ hơn nhưng không biết cách nào để thoát ra.

“Liều thuốc” nào để thoát khỏi overthinking?

Thạc sĩ tâm lý Võ Minh Thành cho biết nếu "căn bệnh" này kéo dài, lặp lại nhiều lần có thể dẫn đến trầm cảm, làm giảm chất lượng cuộc sống, gây ra những hệ quả nghiêm trọng.

Thạc sĩ tâm lý Võ Minh Thành, giảng viên khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

NVCC

“Overthinking là biểu hiện của rối loạn lo âu, vì vậy, bệnh này có thể đi kèm với những vấn đề sức khỏe tâm thần khác, làm cho chẩn đoán và điều trị phức tạp hơn. Một số rối loạn thường đi kèm với rối loạn lo âu tổng quát bao gồm: Rối loạn hoảng sợ, trầm cảm, lạm dụng thuốc, rối loạn stress sau chấn thương”, thạc sĩ Thành cho biết.

Để thoát khỏi "bệnh" này, thạc sĩ Thành đưa ra lời khuyên: “Điều quan trọng là phải học cách thích nghi với cuộc sống hiện tại. Cân bằng các mục tiêu trong từng giai đoạn của cuộc đời. Chấp nhận những khó khăn, thử thách, rèn luyện tư duy tích cực: quan sát đa chiều, đặt mình vào nhiều vị trí khác nhau để nhận định chính xác về bản thân. Nếu cảm thấy nghiêm trọng thì cần có sự hỗ trợ của liệu pháp tâm lý từ các chuyên gia tâm lý”.

Ngoài ra, thạc sĩ Thành cũng cho biết thêm, mỗi ngày nên dành thời gian cho bản thân để thư giãn, tập thể dục (đi bộ, chạy bộ, bơi lội, yoga…). Hoạt động thể dục rất cần thiết và hiệu quả đối với những người bị overthinking. Nên chăm sóc giấc ngủ, tránh các thức uống có caffein, hoặc chất kích thích, tập luyện hít thở sâu…