Phát hiện chất độc hại gây UT, suy thận, dậy thì sớm ở trẻ vượt mức 30 lần cho phép trong loạt ốp lưng điện thoại bán chạy nhất trên sàn thương mại điện tử
Các loại ốp lưng điện thoại này được phát hiện chứa chì, formaldehyde và benzen đều vượt ngưỡng cho phép.
Ngày 16 tháng 7 năm 2025, tạp chí Thanh Niên Việt đã đăng tải bài viết với tiêu đề "Phát hiện chất độc hại gây ung thư, suy thận, dậy thì sớm ở trẻ vượt mức 30 lần cho phép trong loạt ốp lưng điện thoại bán chạy nhất trên sàn thương mại điện tử". Nội dung như sau:
Mới đây, Cục Quản lý Thị trường tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đã tiến hành giám sát rủi ro đặc biệt đối với chất lượng sản phẩm ốp lưng điện thoại di động, mua ngẫu nhiên 20 ốp lưng điện thoại di động có giá từ vài chục nhân dân tệ đến gần 100 nhân dân tệ (khoảng gần 35.000 đồng đến dưới 350.000 đồng) từ các kênh bán hàng khác nhau trên các sàn thương mại điện tử, đồng thời tiến hành đánh giá chất lượng và an toàn sản phẩm dựa trên các chỉ số như hàm lượng chất độc hại.
Kết quả đánh giá cho thấy hàm lượng chì trong một số ốp lưng điện thoại di động giá rẻ đạt 3000ppm, vượt xa tiêu chuẩn (100ppm) gấp 30 lần, đáng nói nhiều sản phẩm trong số đó bán rất chạy, đạt lượt mua "khủng" vì giá thành rẻ, đa dạng mẫu mã, màu sắc.
Được biết, tiêu chuẩn gia nhập ngành ốp lưng điện thoại di động tại quốc gia tỉ dân cực kỳ thấp, và việc sản xuất hàng loạt có thể được thực hiện đơn giản bằng cách mua khuôn. Để giảm chi phí, nhiều xưởng nhỏ sử dụng nhựa tái chế, thuốc nhuộm công nghiệp, thậm chí còn thêm phụ gia rẻ tiền một cách bất hợp pháp. Một số doanh nghiệp có thể tái chế rác thải y tế và rác thải điện tử, sau đó xử lý chúng trước khi ép phun. Những loại ốp lưng điện thoại di động này thường chứa các chất độc hại như chất hóa dẻo, hydrocarbon thơm đa vòng và kim loại nặng.
Chất hóa dẻo thường là phthalate, có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua tiếp xúc với da và hô hấp. Tiếp xúc lâu dài có thể gây ra các bất thường về phát triển ở trẻ em, dậy thì sớm, suy giảm sự phát triển của hệ thống sinh sản, rối loạn tăng động giảm chú ý; tăng nguy cơ mắc các bệnh như hen suyễn, dị ứng và ngộ độc kim loại nặng mãn tính; giảm chất lượng tinh trùng ở nam giới trưởng thành và rối loạn nội tiết ở phụ nữ.
Một số thành phần của PAH có khả năng gây ung thư cao. PAH có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể con người thông qua tiếp xúc với da và hô hấp, tích tụ trong cơ thể. Tiếp xúc lâu dài sẽ được chuyển hóa và biến đổi trong cơ thể con người, gây đột biến gen và làm tăng nguy cơ ung thư.
Hàm lượng kim loại nặng trong ốp lưng điện thoại di động được sản xuất bằng thuốc nhuộm giá rẻ có khả năng vượt quá tiêu chuẩn. Ví dụ, hàm lượng chì quá mức không chỉ gây hại cho tế bào người mà còn có thể gây tổn thương xương và suy thận.
Việc sử dụng keo dán công nghiệp có thể khiến hàm lượng formaldehyde và benzen trong ốp lưng điện thoại di động vượt quá tiêu chuẩn, kèm theo mùi hăng. Tiếp xúc lâu dài có thể gây nguy cơ ngộ độc mãn tính.
Cách chọn ốp lưng điện thoại an toàn sức khỏe
Ốp lưng điện thoại di động là phụ kiện bảo vệ bên ngoài điện thoại. Nhiều người sử dụng điện thoại di động hàng ngày. Nếu chất lượng ốp lưng không đạt tiêu chuẩn, nó có thể âm thầm gây hại cho sức khỏe của bạn. Vậy làm thế nào để chọn được một chiếc ốp lưng điện thoại di động an toàn?
- Nhìn vào vật liệu: Ưu tiên mua ốp lưng điện thoại bằng silicon lỏng hoặc TPU, thường không mùi, mềm mại nhưng bền chắc. Nếu ốp lưng có mùi khó chịu, cảm giác quá dính, phai màu, có quá nhiều gờ ở các cạnh hoặc nút bấm bị kẹt, đó có thể là ốp lưng kém chất lượng và không nên mua.
- Tiêu chuẩn chứng nhận: Nếu mua sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc, hãy ưu tiên các sản phẩm đạt chứng nhận 3C và tuân thủ tiêu chuẩn "Yêu cầu Kỹ thuật chung về Ốp lưng điện thoại di động". Ốp lưng điện thoại di động thông thường thường ghi rõ chất liệu trên bao bì, chẳng hạn như silicon cấp thực phẩm. Tiêu chuẩn GB 4806.7-2023 yêu cầu nhựa dùng cho thực phẩm chủ yếu phải đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ thôi nhiễm, tức là các chất hóa học từ sản phẩm nhựa vào thực phẩm không được vượt quá tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn. Người tiêu dùng có thể chú ý đến các tiêu chuẩn thực hiện trên bao bì sản phẩm và ưu tiên mua hàng.
- Những loại ốp lưng điện thoại cần tránh: Những chiếc ốp lưng điện thoại sang trọng, lông thú và rẻ tiền thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Nếu ốp lưng chỉ có mùi nhựa nhẹ và mùi sẽ biến mất sau nửa ngày để thông gió thì thường không phải là vấn đề lớn.
Sáng ngày 17 tháng 7 năm 2025, báo điện tử VTC cũng đăng tải bài viết với tiêu đề " Chuyên gia: Coi chừng trẻ hít chất gây ung thư từ đồ chơi Brainrot nhái". Nội dung như sau:
Những món đồ ngộ nghĩnh lấy cảm hứng từ vũ trụ Brainrot trở thành “cơn sốt” mới trên thị trường đồ chơi trẻ em. Từ các nhân vật có tên gọi lạ tai như Tung Tung Tung Sahur, Tralalero Tralal… đến thú nhồi bông, mô hình nhựa đều đang mạnh mẽ chiếm lĩnh thị trường với mẫu mã bắt mắt. Trẻ nhỏ thi nhau sưu tầm các nhân vật yêu thích, phụ huynh cũng tìm mua những món đồ chơi “hot trend” này để chiều lòng con.
Brainrot là loại đồ chơi đắt đỏ, mỗi món nhỏ xíu có giá từ 20–30 USD (khoảng 520.000–780.000 đồng) trong khi trẻ nhỏ thường thích sưu tầm nhiều món. Vì thế mà thị trường ngập tràn các phiên bản nhái phục vụ khách hàng có thu nhập trung bình trở xuống, vốn chiếm số đông. Mỗi món đồ nhái giá 40.000–50.000 đồng, rẻ bằng 1/10 hàng chính hãng. Tiến sỹ Vũ Thị Tần, giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cảnh báo, mua loại đồ nhái này đồng nghĩa với việc cho trẻ chơi đùa với chất độc.
Hiểm họa từ đồ chơi nhái
Theo Tiến sỹ Vũ Thị Tần, giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, những món đồ chơi không rõ nguồn gốc có thể chứa các chất độc hại, thậm chí chất gây ung thư. Trẻ tiếp xúc thường xuyên với sản phẩm kém chất lượng có thể nhận hậu quả nghiêm trọng mà không phải phụ huynh nào cũng nhận thức được.
Một trong những mối nguy lớn nhất là formaldehyde, hợp chất hữu cơ dễ bay hơi thường có trong các loại nhựa tái chế, vải và nhồi bông không đạt chuẩn.
"Phía sau vẻ ngoài dễ thương, bắt mắt của những món đồ chơi giá rẻ là hàng loạt nguy cơ về sức khỏe. Dù ở nồng độ thấp, formaldehyde vẫn có thể gây ra các phản ứng tức thời như ho, kích ứng da, nổi mẩn đỏ hoặc viêm da tiếp xúc. Khi tiếp xúc ở mức độ cao hơn, cơ thể có thể gặp các triệu chứng khó chịu hơn như chảy nước mắt, đau rát mắt, mũi và họng", chuyên gia nhấn mạnh.

Đồ chơi nhựa mô phỏng các nhân vật trong vũ trụ Brainrot. (Ảnh: Chuyên gia cung cấp)
Formaldehyde từ lâu đã bị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) xếp vào nhóm 1 – các chất gây ung thư ở người. Từ năm 2004, formaldehyde được xác định có mối liên hệ trực tiếp với các loại ung thư ở trẻ em.
“Trẻ em có hệ miễn dịch và làn da mỏng manh hơn người lớn rất nhiều. Nếu tiếp xúc thường xuyên với formaldehyde qua các món đồ chơi không rõ nguồn gốc, tổn thương lâu dài là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Cơ thể trẻ dễ bị tác động bởi các hóa chất độc hại trong thời gian dài mà không bộc lộ triệu chứng ngay lập tức. Đây là lý do khiến nhiều phụ huynh chủ quan khi lựa chọn đồ chơi cho con", TS Tần chia sẻ.
Tháng 6/2025, khoảng 2.000 món đồ chơi Baby Three nhái bị thu hồi tại Quảng Ninh vì chứa formaldehyde vượt ngưỡng cho phép. Vụ việc này là lời cảnh tỉnh đối với các bậc phụ huynh trong việc kiểm soát nguồn gốc sản phẩm mà con trẻ tiếp xúc hàng ngày.

Chất Formaldehyde được phát hiện trong 2.000 con Baby Three được thu hồi ở Quảng Ninh. (Ảnh: Chuyên gia cung cấp)
Cách nhận diện và chọn đồ chơi an toàn
Theo TS Vũ Thị Tần, các bậc cha mẹ nên ưu tiên chọn đồ chơi làm từ nhựa ABS nguyên sinh, loại nhựa an toàn, bền, không chứa chất gây ung thư. Hãy tránh những sản phẩm có mùi nhựa nồng, sắc sảo hoặc màu sắc quá rực rỡ bởi đó có thể là dấu hiệu của nhựa tái chế, phẩm màu công nghiệp và hóa chất độc hại.
Đối với thú nhồi bông và các sản phẩm chứa vải, cha mẹ cũng cần cẩn trọng. Formaldehyde thường được sử dụng trong ngành dệt may để giữ cho sản phẩm không nhăn, chống ẩm mốc khi vận chuyển hoặc trưng bày lâu ngày. Những chất này dễ tồn dư trong vải vóc và gây kích ứng da, kích ứng đường hô hấp khi trẻ tiếp xúc lâu dài.
Một mẹo nhỏ nhưng cực kỳ quan trọng là luôn giặt sạch quần áo mới, gấu bông mới trước khi cho trẻ sử dụng. Đây là bước đơn giản nhưng hiệu quả trong việc loại bỏ hóa chất tồn dư mà nhiều phụ huynh bỏ qua vì nghĩ "hàng mới thì sạch".
TS Tần khuyến cáo, cha mẹ thường có xu hướng chiều theo sở thích tức thời của con mà quên đi rằng trẻ em là đối tượng dễ tổn thương nhất trước các tác nhân môi trường, đặc biệt là hóa chất độc hại trong đồ dùng, đồ chơi. Những món đồ chơi rẻ tiền không rõ nguồn gốc có thể để lại hậu quả nặng nề về sau.
Khi mua đồ chơi, cha mẹ đừng chỉ nhìn vào hình dáng hoặc trào lưu mà hãy đọc kỹ nhãn mác, kiểm tra xuất xứ, chất liệu và ưu tiên những sản phẩm có chứng nhận an toàn từ các cơ quan uy tín.