Luật sư lên tiếng về "drama tình ái" của ViruSs: Cần kiểm soát chặt chẽ hành vi kiếm tiền bất chấp!

Đây chính là cách né nồm, tránh nồm rẻ nhất hiệu quả nhất miền Bắc!

Hành vi sử dụng những lời nói, ngôn ngữ, bịa đặt, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm người khác hoặc những nội dung trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục là hành vi vi phạm pháp luật.

Báo Người đưa tin ngày 29/03 đưa thông tin với tiêu đề: "Luật sư lên tiếng về "drama tình ái" của ViruSs: Cần kiểm soát chặt chẽ hành vi kiếm tiền bất chấp!" cùng nội dung như sau: 

Những ngày qua, mạng xã hội dậy sóng trước loạt lùm xùm liên quan đến streamer ViruSs (Đặng Tiến Hoàng), hotgirl Ngọc Kem (người yêu cũ của ViruSs) và rapper Pháo.

Sự việc bắt đầu khi Ngọc Kem chia sẻ một đoạn video úp mở về việc từng bị đối xử tệ bạc trong mối quan hệ cũ. Mặc dù không trực tiếp nhắc đến tên ViruSs, nhưng nhiều người nhanh chóng suy đoán rằng cô đang ám chỉ anh. Ngay sau đó, Pháo – bạn gái hiện tại của ViruSs – cũng có động thái đáp trả, khiến mâu thuẫn bị đẩy lên cao trào.

Không dừng lại ở tranh cãi cá nhân, ViruSs liên tục livestream về vụ việc, bật chế độ chỉ người đăng ký trả phí mới được bình luận và kiếm được hàng trăm triệu đồng chỉ sau vài buổi phát sóng. Điều này làm dấy lên nghi vấn về việc anh cố tình "kéo dài drama" để trục lợi.

Tuy nhiên, những dấu hiệu bất thường cho thấy đây không chỉ là mâu thuẫn cá nhân mà có thể là một chiến dịch truyền thông bẩn nhằm tận dụng sự chú ý từ dư luận.

Trao đổi với chúng tôi, TS. LS Đặng Văn Cường, cho rằng, đã đến lúc cần kiểm soát chặt chẽ những hành vi của những người muốn nổi tiếng bằng mọi cách, kiếm tiền bất chấp trên mạng xã hội.

Theo ông Cường, nếu như trước đây, những người nổi tiếng một cách truyền thống là những người có đóng góp cho cộng đồng một thời gian rất dài, khẳng định tên tuổi, uy tín của mình thông qua những công việc có hữu ích cho cộng đồng, những người có những năng khiếu đặc biệt, sự nổi tiếng thường bắt đầu từ sự ngưỡng mộ và giá trị cống hiến thực sự trong xã hội, thì ngày nay nhiều người nổi tiếng không phải vì tài năng, cũng không phải vì xinh đẹp hay đóng góp gì lớn lao cho cộng đồng mà chỉ là nổi tiếng bằng thuật toán, bằng xu hướng, thậm chí bằng cách chửi bậy, đấu tố, thể hiện cách nhìn, cách nghĩ không giống ai trên mạng xã hội.

"Không ít người vì muốn thu hút lượt theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội mà sẵn sàng tạo ra drama thậm chí là có những phát ngôn gây tranh cãi, ngôn ngữ phản cảm. Một số người sẵn sàng có hành vi lệch chuẩn trên mạng xã hội để thu hút tương tác, phục vụ mục đích kinh doanh hoặc quảng cáo.." ông Cường cho biết.

Theo luật sư Cường, pháp luật Việt Nam ngày càng mở rộng và đảm bảo các quyền tự do dân chủ của công dân, trong đó có tự do ngôn luận, tự do tiếp cận thông tin, sử dụng các phương tiện điện tử, mạng viễn thông, mạng internet trong công việc và đời sống giải trí.

Tuy nhiên, tự do của các chủ thể cũng có giới hạn của nó để tránh việc thực hiện quyền tự do của chủ thể này có thể gây tổn hại đến quyền lợi của chủ thể khác, hoặc gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn công cộng.

"Bởi vậy, mọi hành vi của các chủ thể trên không gian mạng đều phải tuân thủ pháp luật, trong đó có luật an ninh mạng. Pháp luật nghiêm cấm những hành vi đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật, có những hành động, ngôn ngữ phản cảm không phù hợp với đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục ...", luật sư Cường nhấn mạnh.

Cũng theo luật sư, việc bày tỏ quan điểm thái độ ý kiến của mình đối với các vấn đề xã hội pháp luật không cấm, thậm chí “đấu khẩu” để làm rõ mâu thuẫn cá nhân giữa các bên trên mạng xã hội pháp luật cũng không cấm.

Tuy nhiên, lời lẽ phải ngôn ngữ, thái độ, hình ảnh của những người sử dụng mạng xã hội, đưa thông tin lên mạng internet, phù hợp với chuẩn mực pháp luật và đạo đức xã hội.

Hành vi sử dụng những lời nói, ngôn ngữ, bịa đặt, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm người khác hoặc những nội dung trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi đưa những thông tin bị cấm nên không cần mạng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cùng ngày, báo Dân trí cũng có bài đăng với thông tin: "ViruSs kiếm bao nhiêu tiền từ các phiên livestream "đấu tố" bạn gái cũ?". Nội dung được báo đưa như sau:

Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao trước lùm xùm đấu tố sau chia tay giữa streamer ViruSs và TikToker Ngọc Kem. Sau gần một năm gắn bó, Ngọc Kem bất ngờ xác nhận cả hai đã chia tay được 3 tháng. Tuy nhiên, sau đó, cô lên tiếng tố cáo bạn trai cũ không chung thủy, khiến sự việc trở nên căng thẳng.

Đáng chú ý, gần đây, streamer ViruSs liên tục livestream đính chính và giải đáp câu hỏi từ phía dân mạng về những ồn ào chuyện tình cảm. Mới đây nhất, tối 28/3, buổi livestream của nam streamer thu hút tổng 4,8 triệu lượt xem, có thời điểm lên tới hơn 1,5 triệu tài khoản xem cùng một thời điểm khi có sự xuất hiện của rapper Pháo.

Đáng nói, trong các phiên livestream gần đây, ViruSs bật tính năng giới hạn bình luận, chỉ cho phép người đăng ký hội viên mới có thể bình luận hoặc tham gia thảo luận.

Mức phí đăng ký hội viên để tham gia bình luận trong livestream của ViruSs là 155.000 đồng/tháng, giảm còn 130.000 đồng trong 30 ngày đầu. Nếu đăng ký 12 tháng, mức giá giảm còn 124.000 đồng/tháng.

Tính đến 14h ngày 29/3, thông tin từ nền tảng cho biết cộng đồng của kênh TikTok ViruSs đã có 636 người đăng ký. Đây là những tài khoản có thể bình luận trong phiên livestream của nam streamer. Với số lượt đăng ký này, ước tính đem về cho nhà sáng tạo hơn 80 triệu đồng. 

Tuy nhiên, những con số nêu trên chưa trừ đi phần chi phí thanh toán và hoa hồng nền tảng. Theo chính sách của TikTok, sau khi trừ các khoản phí thanh toán, 50% thu nhập ròng sẽ chia cho nền tảng, nửa còn lại được chia cho nhà sáng tạo. TikTok giả sử cộng đồng có 635 người đăng ký thì nhà sáng tạo có thể nhận được hơn 1.330 USD/tháng (tương đương hơn 34 triệu đồng/tháng).

Bên cạnh đó, trong phiên livestream gần đây, nam streamer cũng nhận được rất nhiều vật phẩm ảo ủng hộ từ người xem. Đặc biệt có những món quà như gấu, sư tử, cá heo, TikTok Universe... có giá trị lớn lên đến hàng chục triệu đồng/vật phẩm.

Hiện nay, việc bật chế độ bình luận chỉ cho người đăng ký hội viên cũng được nhiều TikToker khác áp dụng. Sau khi đăng ký, người dùng sẽ nhận được các đặc quyền riêng, chẳng hạn như huy hiệu đặc biệt, biểu tượng cảm xúc độc quyền hay truy cập vào nội dung chỉ dành cho thành viên. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh lùm xùm về chuyện tình cảm, hành động yêu cầu người xem đăng ký hội viên để bình luận trong các phiên livestream lại bị cộng đồng mạng lên án. Không ít người cho rằng anh lợi dụng ồn ào tình cảm để kiếm tiền.

ViruSs tên thật là Đặng Tiến Hoàng, được biết đến nhiều là một streamer đa nền tảng. Tuy nhiên ngoài việc livestream, streamer này cũng tham gia công việc kinh doanh trên nhiều lĩnh vực. ViruSs hiện là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH VR Studio (VR Studio), Công ty TNHH Công nghệ và giải pháp AIVORA, Hộ kinh doanh Đặng Tiến Hoàng.

Thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho biết, Công ty TNHH VR Studio được thành lập ngày 7/12/2016. Công ty có vốn điều lệ 1 tỷ đồng, trụ sở tại quận 1, TPHCM. ViruSs là Giám đốc kiêm đại diện pháp luật của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp thứ 2 do streamer này thành lập là Công ty TNHH Công nghệ và giải pháp AIVORA. Đơn vị này mới được đăng ký kinh doanh vào ngày 10/3 với ngành nghề kinh doanh chính là xuất bản phần mềm. AIVORA có vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Trong đó Đặng Tiến Hoàng góp 9 tỷ đồng, tương ứng 90% vốn, còn lại là Hoàng Bảo Trâm góp 1 tỷ đồng, tương đương 10% vốn.

Nước giặt quốc dân không cần nước xả vẫn thơm, hơn 1,2 triệu người dùng Shopee cho 5 sao!