452 giáo viên, nhân viên nhà trường bất ngờ là “con nợ” BHXH
Trong quá trình rà soát hồ sơ, bất ngờ phát hiện 452 giáo viên, nhân viên nhà trường nợ BHXH nhiều tỉ đồng
Báo Người Lao Động ngày 30/03 đưa thông tin với tiêu đề: "452 giáo viên, nhân viên nhà trường bất ngờ là “con nợ” BHXH" cùng nội dung như sau:
Ngày 30-3, ông Vương Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cho biết huyện đang yêu cầu Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện rà soát việc các giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn bị truy thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) để báo cáo UBND tỉnh, xin phương án xử lý.
Trước đó, trong quá trình giải quyết hồ sơ nghỉ hưu cho 3 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trường học trên địa bàn, BHXH huyện Nam Đàn phát hiện 311 người lao động thuộc các trường học đang nợ 1,9 tỉ đồng tiền bảo hiểm. Số tiền lãi suất đối với khoản nợ bảo hiểm này là 2,6 tỉ đồng.
Được biết, đây là những giáo viên và nhân viên này đã ký hợp đồng lao động với UBND huyện Nam Đàn từ năm 1998 đến 2003. Năm 2006, UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định nâng bậc lương cho các giáo viên này, nhưng đến năm 2012, UBND huyện Nam Đàn mới có quyết định truy lĩnh bậc lương cho họ.
Việc truy thu bậc lương mà không truy thu tiền lương và không thông báo về các khoản bảo hiểm phải đóng đối với bậc lương chênh lệch đã khiến các giáo viên và nhân viên trường học tại Nam Đàn rơi vào tình trạng nợ bảo hiểm.
"Việc mắc nợ bảo hiểm trong suốt thời gian dài các giáo viên, nhân viên nhà trường không hay biết. Trong số 311 trường hợp trên, giờ nhiều người đã nghỉ hưu, chuyển cơ quan khác, có người đã mất nên việc truy thu tiền nợ, tiền lãi suất đối với họ cũng khó. Quan điểm của huyện là sẽ đề xuất bên bảo hiểm không tính tiền lãi suất đối với khoản nợ. Ngoài ra, nếu tỉnh cho chủ trương, huyện sẽ trích ngân sách truy đóng khoản tiền mà trước đây các giáo viên chưa đóng"- ông Thái cho biết thêm.
Ngoài ra, mới đây qua rà soát, BHXH huyện Nam Đàn phát hiện thêm 141 giáo viên và nhân viên trường học đang nợ các khoản bảo hiểm, tuy nhiên chưa xác định được số tiền nợ cụ thể. Đây là những lao động ký hợp đồng với UBND huyện từ năm 2007 đến năm 2013.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Nam Đàn có tổng cộng 452 giáo viên và nhân viên trường học được xác định nợ bảo hiểm. Việc bỗng dưng nhận được thông tin còn nợ tiền bảo hiểm, phải trả một khoảng tiền lãi suất lớn khiến nhiều giáo viên bất an, lo lắng.
Trước đó, báo Đại đoàn kết ngày 24/03 cũng có bài đăng với thông tin: "Nghệ An: 311 giáo viên bị truy thu tiền bảo hiểm?". Nội dung được báo đưa như sau:
Giáo viên thành “con nợ”
Những ngày qua, dư luận tại Nghệ An xôn xao chuyện hơn 311 giáo viên từ các bậc học tại huyện Nam Đàn bị truy thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với số tiền hơn 4,5 tỷ đồng. Trong đó, tiền nợ gốc là hơn 1,9 tỷ đồng và tiền phạt do chậm đóng bảo hiểm hơn 2,6 tỷ đồng. Nhiều người nợ từ 40 - 50 triệu đồng, cá biệt có giáo viên nợ 65,6 triệu đồng, thậm chí, có một số giáo viên dù đã nghỉ hưu nhưng chưa được bảo hiểm chi trả lương hưu vì món nợ này.
Được biết, hơn 20 năm trước, do thiếu giáo viên, UBND các huyện ở Nghệ An phải tự tuyển dụng hợp đồng giáo viên và nhân viên trường học để đáp ứng nhu cầu giảng dạy. Tuy nhiên, các giáo viên này không được nâng bậc lương theo quy định.
Trước thực trạng đó, năm 2006, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản số 3434 ngày 26/6/2006 chỉ đạo các sở, ngành xem xét, hướng dẫn để thực hiện nâng bậc lương. Đến cuối tháng 6/2007, các Sở: Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính và BHXH tỉnh Nghệ An có văn bản liên ngành hướng dẫn việc xếp lại bậc lương. Sau chủ trương này, các giáo viên thuộc diện này đã được nâng từ bậc 1 lên bậc 4 nhưng không được truy lĩnh tiền lương và không được thông báo để đóng bù tiền bảo hiểm cho khoản nâng bậc lương.
Nghỉ hưu hơn 2 năm, nhưng bà Lê Thị Thủy (57 tuổi) - nguyên giáo viên Trường Mầm non Làng Sen (huyện Nam Đàn, Nghệ An) vẫn chưa được nhận lương hưu. Nguyên nhân là bà Thủy chưa nộp 65 triệu đồng nợ bảo hiểm, trong đó có hơn 28 triệu đồng tiền BHXH, BHYT, BHTN và hơn 37 triệu đồng tiền lãi do chậm đóng. “Tôi nghỉ hưu đã hơn 2 năm, nhưng đến nay chưa được nhận lương hưu. Do hay đau ốm, nên nhiều lần tôi đã ủy quyền cho chồng đến UBND huyện Nam Đàn hỏi chế độ nhưng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng” - bà Thủy cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Lam (45 tuổi) - giáo viên Trường THCS Anh Xuân (xã Anh Xuân, huyện Nam Đàn) cũng nhận được thông báo của BHXH huyện về việc đóng hơn 38 triệu đồng, gồm 18 triệu đồng tiền BHXH, BHYT, BHTN và hơn 20 triệu đồng tiền lãi chậm đóng. Căn cứ thông báo kèm theo danh sách của BHXH huyện Nam Đàn cho thấy: Có tổng 311 giáo viên, nhân viên nhà trường rơi vào tình cảnh này. Được biết, các khoản tiền trên bao gồm 5% của người lao động và 15% của đơn vị sử dụng lao động, nhưng lại được thông báo cho giáo viên đóng.
Đảm bảo quyền lợi cho giáo viên
Bà Nguyễn Thị Thái Huyền - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Đàn cho biết: Sau sự việc, Phòng đã có báo cáo số 452 gửi UBND huyện, Phòng Nội vụ nhằm tháo gỡ vướng mắc trong việc giải quyết chế độ nghỉ hưu cho người lao động, hiện các cơ quan chức năng đang rà soát, xử lý.
Theo bà Huyền, năm 2011, BHXH huyện Nam Đàn không thông báo cho các cơ sở giáo dục biết để điều chỉnh mức lương đóng BHXH, BHYT, BHTN cho các giáo viên này. Đến năm 2024, phía BHXH huyện mới thông báo khiến nhiều giáo viên bất ngờ vì những khoản nợ hàng chục triệu đồng. Họ cho rằng, nếu biết thời điểm đó phải đóng BHXH theo mức lương mới thì đã đóng luôn, không đợi đến bây giờ phải đóng thêm tiền lãi suất chậm đóng còn cao hơn khoản tiền bảo hiểm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Ngọc - Giám đốc BHXH huyện Nam Đàn cho biết: Quyết định 3434 có tính chất đặc thù của tỉnh Nghệ An. Trong hướng dẫn 884 ngày 29/6/2007 của liên Sở Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Nội vụ và BHXH thực hiện nội dung quyết định trên, các giáo viên này chỉ được truy lĩnh bậc lương chứ không được truy lĩnh tiền lương. Hướng dẫn này cũng ghi rõ các đơn vị sử dụng lao động trực tiếp đến cơ quan tài chính và BHXH để được cấp kinh phí giải quyết chế độ BHXH cho những người này.
"Năm 2011, UBND huyện Nam Đàn có quyết định cho lao động trong các cơ sở giáo dục vào biên chế được truy lĩnh bậc lương. Tại thời điểm này, các cơ sở giáo dục phải làm việc với Phòng Tài chính để có kinh phí giải quyết, đồng thời yêu cầu người lao động phải làm hồ sơ gửi BHXH huyện để giải quyết nhưng họ không làm. BHXH huyện không có trách nhiệm phải thông báo cho các cơ sở giáo dục. Theo Luật BHXH, để giải quyết chế độ hưu trí và các chế độ liên quan khác, cơ quan quản lý phải truy thu mức tiền lương đóng BHXH này” - ông Ngọc cho biết thêm.
Về vấn đề này, ông Vương Hồng Thái - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết: Liên quan việc 311 giáo viên bị truy thu tiền bảo hiểm, huyện đang tiếp tục kiểm tra, rà soát kỹ để bàn giải pháp tháo gỡ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết: Trách nhiệm về vấn đề trên thuộc UBND huyện Nam Đàn, hàng năm tuyển dụng, bổ nhiệm và trả lương cho giáo viên. Trước sự việc này, các bên cùng bàn bạc, thống nhất và tìm giải pháp tối ưu để giải quyết chế độ cho giáo viên, nhân viên đúng theo quy định của pháp luật.