Từ 1/4/2025, người hưởng chế độ BHXH qua tài khoản 14 chữ số tại BIDV sẽ chuyển sang tài khoản rút gọn
Thay đổi này không làm ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của khách hàng tại BIDV với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Ngày 31/3/2025, Tạp chí Người đưa tin đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Từ 1/4/2025, người hưởng chế độ BHXH qua tài khoản 14 chữ số tại BIDV sẽ chuyển sang tài khoản rút gọn". Nội dung như sau:
Mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã phát đi thông báo tới khách hàng về việc chi trả BHXH qua số tài khoản rút gọn tại BIDV.
Cụ thể, nằm trong lộ trình triển khai sau khi chuyển đổi Ngân hàng lõi, BIDV thực hiện chuyển đổi các tài khoản có độ dài 14 chữ số sang tài khoản rút gọn, dễ nhớ hơn với chỉ từ 3 đến 8 hoặc 10 chữ số.
Theo đó, từ 1/4/2025, Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH VN) sẽ phối hợp BIDV thực hiện chi trả các chế độ BHXH vào tài khoản rút gọn của khách hàng tại BIDV. Việc sử dụng số tài khoản rút gọn thay thế cho tài khoản có độ dài 14 chữ số không làm ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của khách hàng với BHXH VN.
Khách hàng có thể tra cứu số tài khoản mới trên ứng dụng BIDV SmartBanking hoặc liên hệ Hotline 24/7: 19009248, các Điểm giao dịch của BIDV trên toàn quốc.
Trước đó, BIDV cũng ra thông báo: từ ngày 01/04/2025, khi sử dụng tài khoản tại BIDV làm tài khoản chuyển, hoặc chuyển tiền tới tài khoản người hưởng tại BIDV, khách hàng chỉ sử dụng các tài khoản đã được rút gọn có độ dài từ 3 đến 8 hoặc 10 chữ số, thay vì tài khoản có độ dài 14 chữ số.
Mọi giao dịch đến tài khoản có độ dài 14 chữ số tại BIDV có thể bị từ chối qua các hệ thống thanh toán kể từ thời điểm trên.
Số tài khoản rút gọn của khách hàng sẽ được hiển thị tại: Sao kê tài khoản, chứng từ hạch toán được in từ hệ thống Core Banking của Ngân hàng BIDV.
Để giao dịch được thuận tiện, thông suốt, BIDV khuyến khích khách hàng thông báo về số tài khoản rút gọn của cá nhân/tổ chức mình tại BIDV tới các bên có giao dịch thanh toán, chuyển tiền.
Lưu ý, việc thay đổi số tài khoản không làm thay đổi quyền - nghĩa vụ giữa Ngân hàng và khách hàng như đã thỏa thuận.
Trước đó, báo Đời sống & Xã hội cũng đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Thông báo mới, người dùng ngân hàng Vietcombank, BIDV lưu ý!". Cụ thể như sau:
Vietcombank vừa gửi email cảnh báo về tình trạng kẻ gian mạo danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo, đặc biệt là trong việc mở thẻ tín dụng. Theo nội dung cảnh báo, các đối tượng lừa đảo thường tự xưng là nhân viên ngân hàng, liên hệ qua điện thoại, tin nhắn SMS, Zalo hoặc Messenger để thuyết phục người dùng chủ động mở thẻ ghi nợ phi vật lý hoặc làm hồ sơ phát hành thẻ tín dụng tại ngân hàng.
Một số số điện thoại được xác định có liên quan đến các vụ lừa đảo, bao gồm 02366888766, 02488860469 và 02888865154. Đáng chú ý, kẻ gian còn có thủ đoạn giả mạo tổng đài ngân hàng. Khi nạn nhân nhận cuộc gọi, chúng phát ra thông điệp tự động với nội dung: "Chúc mừng quý khách đã đủ điều kiện phát hành thẻ tín dụng tại ngân hàng. Nếu có nhu cầu, nhấn phím 1 hoặc phím 0 để gặp tổng đài viên".

Nếu người nghe làm theo hướng dẫn, cuộc gọi sẽ bị ngắt. Sau đó, kẻ gian sẽ gọi lại, tiếp tục giả danh nhân viên ngân hàng để yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân và bảo mật như số thẻ, mã OTP hoặc mật khẩu dịch vụ ngân hàng số.
Ngoài ra, một chiêu thức khác được ghi nhận là kẻ gian yêu cầu người dùng cung cấp thông tin thẻ để liên kết với ví điện tử, từ đó chiếm đoạt tiền trong thẻ. Các thông tin thường bị yêu cầu bao gồm hình ảnh thẻ, dãy số in trên thẻ, tên trên thẻ và mã OTP được gửi qua tin nhắn. Trong một số trường hợp, kẻ lừa đảo còn yêu cầu chuyển tiền để thanh toán phí hồ sơ hoặc phí phát hành thẻ, rồi nhanh chóng chiếm đoạt số tiền này.
Không chỉ Vietcombank, BIDV cũng ghi nhận nhiều trường hợp người dùng bị lừa đảo qua hình thức mạo danh shipper. Kẻ gian thường giả làm nhân viên giao hàng từ các đơn vị quen thuộc, gọi điện thông báo về đơn hàng sắp giao hoặc tạo áp lực yêu cầu chuyển khoản trước để tránh bị hủy đơn.
Sau khi nhận tiền, kẻ gian sẽ cắt đứt liên lạc hoặc thông báo khách hàng đã chuyển nhầm tài khoản và hướng dẫn truy cập vào các đường link giả mạo để kích hoạt dịch vụ. Khi người bị hại làm theo, toàn bộ thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng sẽ bị đánh cắp.

Do đó, cả Vietcombank và BIDV đều khuyến cáo người dùng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân và thông tin thẻ cho bất kỳ ai qua điện thoại, tin nhắn hay email. Chủ thẻ cũng không nên nhấn vào các đường link lạ hoặc tải ứng dụng từ nguồn không rõ ràng. Ngân hàng khẳng định không bao giờ yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dùng cần liên hệ ngay với ngân hàng qua tổng đài chính thức để được hỗ trợ kịp thời.