Tử vong thương tâm vì tin ‘bác sĩ’ trên TikTok cam kết chữa khỏi

Đây chính là cách né nồm, tránh nồm rẻ nhất hiệu quả nhất miền Bắc!

Bị ung thư gan, anh T. vô cùng lo lắng, hoang mang. Khi gặp một "thần y" trên mạng TikTok, cả gia đình hy vọng anh sẽ sống thêm vài năm tuy nhiên, bệnh nhân tử vong sau 3 tuần.

Báo Vietnamnet ngày 31/03 đưa thông tin với tiêu đề: "Tử vong thương tâm vì tin ‘bác sĩ’ trên TikTok cam kết chữa khỏi" cùng nội dung như sau: 

Vuột mất cơ hội sống

Đầu năm 2025, anh N.Đ.T (37 tuổi, Hà Nội) phát hiện mắc ung thư gan, được tư vấn điều trị nội khoa. 

Trong lúc hoang mang khi thời gian sống tính bằng tháng, cả gia đình anh T. chia nhau lên mạng, vào các hội nhóm "tìm thầy tìm thuốc". Sau khi xem một clip với thông điệp “Đừng là giai đoạn cuối” chia sẻ về những người bị ung thư giai đoạn cuối được cứu sống, gia đình anh T. tin rằng đây là cơ hội cho nam bệnh nhân. 

Chị Hương - vợ anh T. chia sẻ: “Chúng tôi không rõ đây là bác sĩ hay lang y, chỉ biết họ mặc áo giống bác sĩ. Gửi hồ sơ bệnh án và đặt cọc là sẽ có thuốc. Liệu trình 40 triệu đồng/tháng, cam kết tiêu u. Họ cũng cung cấp một loạt tin nhắn cảm ơn của những người đã khỏi bệnh”. 

Với hy vọng "còn nước còn tát", gia đình đã mua một liệu trình thuốc cho anh T. uống. Hai tuần sau, người đàn ông phải vào cấp cứu vì men gan tăng cao, cổ trướng. Một tuần sau, bệnh nhân qua đời trong sự ngỡ ngàng của mọi người.

Bác sĩ Ngô Văn Tỵ - Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, đây là một trường hợp cực kỳ đáng tiếc. Ung thư gan dù là bệnh nguy hiểm nhưng nếu tuân thủ điều trị theo các bác sĩ, cơ hội kéo dài thời gian sống vẫn rất tốt.

bac si Ty.jpg
Bác sĩ Tỵ thực hiện một ca phẫu thuật. Ảnh: BSCC.

Mới đây, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cũng tiếp nhận một người phụ nữ vào cấp cứu trong tình trạng khối u phát triển to, kích thước như quả bưởi.

Ban đầu, bệnh nhân phát hiện có u vú nhưng không đến bệnh viện. Lướt TikTok nghe quảng cáo tư vấn sản phẩm tiêu u nên người bệnh mua về uống. Ba tháng sau, u to lên tới 20-25cm, lở loét. Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán đó là một thể ung thư vú. 

Theo nữ bệnh nhân, sản phẩm này được nhiều người nổi tiếng quảng cáo nên cô mua về dùng thử nhưng u vẫn to không ngừng. 

Một cô gái 21 tuổi ở Hà Nội vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Người nhà cho biết, cô mua thuốc giảm cân trên TikTok, đã uống liên tục hơn 1 tháng, với liều lượng mỗi ngày 1 viên. Sau thời gian uống thuốc và nhịn ăn, bệnh nhân giảm được 4-5kg. 

Tuy nhiên, các bác sĩ phát hiện sản phẩm chứa sibutramin - một hoạt chất bị cấm ở Việt Nam và trên thế giới vì rất nguy hiểm, gây biến cố với tim mạch, não.

Bác sĩ thật “lép vế”

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lê Văn Thành - Khoa Ngoại Bụng, Bệnh viện K (Hà Nội), những “thần y”, bác sĩ mạo danh trên mạng xã hội rất dễ thu hút bệnh nhân, đặc biệt là những người mắc bệnh nan y như ung thư. Khi đó, người bệnh và gia đình đang trong cơn hoang mang, nếu không tỉnh táo rất dễ rơi vào “những cạm bẫy” được giăng sẵn như vậy, để rồi tiền mất, tật mang, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Bác sĩ Thành từng chứng kiến trường hợp ung thư thực quản tin vào một "bác sĩ" tự nhận hiểu biết về cả Tây Y, Trung y và cam kết chữa khỏi cho bệnh nhân. Tuy nhiên, người bệnh đã chết sau 4 ngày được điều trị. Khi bác sĩ Thành liên hệ với "thần y" trên thì người này khẳng định chữa bệnh bằng năng lượng và thành công trong nhiều trường hợp. 

Bác sĩ Tỵ chia sẻ thêm, hiện nay, những bài viết, video, hình ảnh... về các vấn đề sức khỏe đang được sản xuất với số lượng cực lớn, xuất hiện nhiều trên mạng xã hội. Một số người còn mua cả quảng cáo để thông tin mình đưa ra được tiếp cận rộng khắp. 

Để cung cấp những thông tin khoa học, chính thống tới cộng đồng, bác sĩ Tỵ đã xây dựng kênh TikTok của mình nhưng đôi khi cũng “lép vế” với các thông tin rác. Vì vậy, bác sĩ Tỵ, cho rằng cần có chế tài xác minh tài khoản những người tự nhận là nhân viên y tế tư vấn, chữa bệnh để tránh để lại những hậu quả nguy hiểm cho cộng đồng.

Trước đó, báo VnExpress ngày 06/03 cũng có bài đăng với thông tin: "Sự thật đằng sau những 'bác sĩ rởm' trên TikTok". Nội dung được báo đưa như sau:

Sau khi phát hiện cổ có dấu hiệu sưng và nuốt khó, Giang, 32 tuổi, ở Hà Nội, liền lên TikTok tra cứu thông tin. Chỉ với vài thao tác, hàng loạt video với những tiêu đề gây chú ý như "U tuyến giáp là gì?"; "Mẹo tiêu khối u"; "Coi chừng ung thư!" xuất hiện trước mắt. Loạt clip sử dụng ngôn từ kịch tính như "Ung thư có thể chữa khỏi không?", "Một liệu trình chữa khỏi bệnh nan y," hay "Chữa ung thư không cần thuốc" thu hút sự chú ý, càng khiến chị Giang thêm hoang mang.

Khi tiếp tục tìm kiếm, TikTok không ngừng gợi ý những video với các phương pháp chưa được kiểm chứng như "Uống lá đu đủ," "Nước xạ đen chữa bệnh," hoặc "Chích lể máu độc," khiến chị quyết định thoát ứng dụng.

Giang không phải là trường hợp duy nhất. TikTok từ lâu đã trở thành một trong những nền tảng chính để nhiều người tra cứu thông tin, kể cả về sức khỏe. Theo báo cáo của Adweek, thế hệ Z (những người sinh từ năm 1997 đến 2012) đang sử dụng TikTok để tìm kiếm thông tin nhiều hơn Google. Một nghiên cứu của Superdrug Online Doctor cho thấy khoảng 80% trong 2.000 người được khảo sát thừa nhận họ tìm đến mạng xã hội để tham khảo thông tin y tế. Hashtag #Sứckhỏe trên TikTok thu hút đến 50 tỷ lượt xem, với 1,5 tỷ lượt thuộc về các nội dung sức khỏe nhạy cảm như bệnh tình dục. Những con số này phản ánh rõ ràng sự phổ biến của "HealthTok" - nhóm nội dung liên quan đến sức khỏe trên nền tảng này.

Tuy nhiên, tính chính xác của hàng loạt thông tin sức khỏe được chia sẻ trên TikTok là vấn đề đáng báo động. Rất nhiều cá nhân tự xưng là bác sĩ, chuyên gia y tế nhằm quảng cáo thực phẩm chức năng hoặc các phương pháp điều trị phi khoa học. Các video được đầu tư công phu và thuyết phục, nhưng thực tế, có không ít những nội dung nguy hại.

Năm 2023, TP HCM đã xử phạt "bác sĩ" Hà Duy Thọ 104 triệu đồng với lý do cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động, chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, quảng cáo các sản phẩm hàng hóa dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan thẩm quyền xác nhận nội dung. Trên mạng xã hội, ông Thọ đăng khá nhiều video chia sẻ về kiến thức dinh dưỡng, ăn uống phòng bệnh, cách ăn uống sai gây ung thư... Trong đó, nhiều chia sẻ gây chú ý như "rót ra chén nước mắm, chúng ta ăn không hết lấy đồ đậy lại, 4 tiếng sau thì có chất gây ra ung thư", hoặc "uống sữa càng nhiều thì càng loãng xương", "vỏ củ cải là nguyên nhân gây teo não và ngộ độc máu"... Những thông tin này được cho là không có cơ sở khoa học.

Ngày 14/11/2023, khi lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất căn nhà quận Phú Nhuận, phát hiện "bác sĩ" Thọ khám cho bệnh nhân, bán sản phẩm không rõ nguồn gốc nhãn hiệu "Dr Tho". Ông Thọ không xuất trình được bằng cấp và chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh.

Một trường hợp khác là Trương Thanh Tịnh, chủ cơ sở thẩm mỹ và được biết đến trên TikTok với tên gọi "Mr. Lee" tuy không có chứng chỉ hành nghề, nhưng đã thu hút hàng trăm nghìn người theo dõi nhờ các tuyên bố gây sốc. Khi bị bắt vào đầu năm nay, Tịnh cho biết chưa có chứng chỉ hành nghề hoạt động dịch vụ thẩm mỹ và chưa học qua trường lớp đào tạo về khám, chữa bệnh, nhưng vẫn lôi kéo người khác đến sử dụng dịch vụ của mình. Các thông tin Tịnh phát ngôn, đăng tải là do tự tìm hiểu trên mạng xã hội và chưa được kiểm chứng, ví dụ: 99% ở Việt Nam thẩm mỹ viện không có bằng cấp, không đủ giấy phép đủ điều kiện để phẫu thuật...

Hiện tượng mạo danh bác sĩ để quảng bá sản phẩm cũng xuất hiện tràn lan. Nhiều trường hợp lạm dụng uy tín của các y bác sĩ tại các cơ sở lớn như Bệnh viện Quân Y 108 hay Bệnh viện Nội tiết Trung Ương để quảng cáo các loại thuốc và thực phẩm chức năng. Những hành vi này không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn làm giảm uy tín của đội ngũ y tế thật sự.

Đơn cử, vào năm ngoái, trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện video nhân vật tự xưng là bác sĩ giới thiệu sách Minh triết trong ăn uống của người phương Đông "có thể chữa bệnh". Video này được chia sẻ lại ở một số trang Facebook, TikTok, có hơn 200.000 người theo dõi, tạo niềm tin rằng "bác sĩ Quân y 108" khẳng định "liệu pháp chữa lành tự nhiên" là "chữa tất cả", sau đó dẫn dắt mua thực phẩm chức năng.

"Tình trạng bác sĩ tự xưng không mới, song ngày càng tinh vi, để lại hậu quả rất nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng", bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng Khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K (Hà Nội), nói.

Lý giải về sức hút của "bác sĩ TikTok", các chuyên gia cho rằng các nội dung trên TikTok thường chỉ tập trung vào yếu tố gây chú ý với lời hứa hẹn "chỉ sau một liệu trình," "kết quả thần kỳ" hay "khỏi bệnh trong một đêm" đánh trúng tâm lý muốn khỏi bệnh nhanh chóng của người xem, nhất là trong bối cảnh nhiều người dân ngại đến bệnh viện do thường phải chờ đợi lâu, chi phí tốn kém và thiếu tin tưởng vào đội ngũ y tế. Một số trường hợp chủ quan, dễ dãi với sức khỏe và tính mạng nên tùy tiện sử dụng đơn thuốc của bác sĩ "TikTok" mà không kiểm chứng.

Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, Phó giám đốc Trung tâm tim mạch và đột quỵ quốc tế, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, nhận xét đặc điểm chung của các "bác sĩ tự xưng" là có khả năng ăn nói rất lưu loát, video xây dựng khá công phu, hình ảnh bắt mắt, thu hút được người xem. Còn bác sĩ chính thống thường khô khan hơn, ngôn ngữ học thuật, chủ yếu "nhìn sờ ngó nghe" nên khó hiểu hơn.

Thực tế, theo các chuyên gia, không phải toàn bộ nội dung trên TikTok là sai, nhưng người xem cần phải hết sức tỉnh táo để lựa chọn thông tin. TikTok ưu tiên định dạng video ngắn, nên việc cung cấp thông tin y khoa đầy đủ rất hạn chế. Điều này khiến nhiều bệnh nhân không chỉ thiếu thông tin chính xác mà còn mất cảnh giác đối với các triệu chứng nghiêm trọng

Các triệu chứng của nhiều bệnh lý có thể giống nhau, nhưng để chẩn đoán chính xác cần đến các xét nghiệm y khoa. Ví dụ, các bệnh nguy hiểm như ung thư, bệnh tim mạch hay đột quỵ đòi hỏi sự đánh giá nghiêm túc và chuyên sâu từ các cơ sở y tế. Những chẩn đoán dựa trên triệu chứng đơn lẻ từ các video ngắn dễ dẫn đến sai lầm, hậu quả là không chỉ mất tiền oan mà thậm chí bệnh tình còn nghiêm trọng hơn.

Bộ Y tế đã từng đưa ra cảnh báo về các video quảng cáo thực phẩm chức năng hoặc phương pháp "chữa mẹo" được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội. Theo Luật An toàn thực phẩm, nhân viên y tế không được phép quảng cáo tên hoặc hình ảnh liên quan đến cơ sở y tế để khuyến khích mua sản phẩm này. Cơ quan chức năng cũng kêu gọi người dân không nên phụ thuộc hoàn toàn vào các thông tin trên mạng, và cần tìm đến các bệnh viện hoặc cơ sở uy tín khi cần thiết.

"Người dân cần tỉnh táo, lựa chọn nguồn thông tin đáng tin cậy và không để những lời quảng cáo 'có cánh' làm ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của mình", bác sĩ Nam khuyến cáo.

Nước giặt quốc dân không cần nước xả vẫn thơm, hơn 1,2 triệu người dùng Shopee cho 5 sao!