Người đi bơi bị cá sấu ăn thịt trên bãi biển
Sadarwinata, 51 tuổi, tử vong do cá sấu tấn công tại bãi biển Talise, tỉnh Sulawesi Tengah, khi đang đi bơi hôm 27/3.
Ngày 31/3/2025, Vnexpress đưa tin "Người đi bơi bị cá sấu ăn thịt trên bãi biển". Nội dung chính như sau:
Người đi bơi bị cá sấu ăn thịt trên bãi biển
Cá sấu ngoạm thi thể người đàn ông 51 tuổi trên bãi biển ở Indonesia hôm 27/3. Video: Viral Press
Theo người dân địa phương, họ nhìn thấy bóng cá sấu nổi lên và lao về phía nạn nhân. Mọi người đều cố gắng hét lên cảnh báo nhưng Sadarwinata đang mải bơi. Tiếng quạt tay trên nước quá mạnh khiến nạn nhân không nghe thấy những âm thanh khác.
Ông Sadarwinata, 51 tuổi, trước khi bị cá sấu giết hại. Ảnh: Viral Press
Con cá sấu dùng hàm răng sắc nhọn, ngoạm chặt nạn nhân và lôi ra xa bờ. Đội cứu hộ địa phương nhận được tin báo lúc 7h15. Họ ngay lập tức sử dụng thiết bị bay không người lái có gắn camera nhiệt để theo dõi vị trí của nạn nhân. Đến 8h, hình ảnh từ camera cho thấy Sadarwinata đã thiệt mạng. Thi thể của ông bị con cá sấu ngậm trong miệng, bơi lượn lờ gần bờ.
Ông Deny Abrahams, đại diện cảnh sát thành phố, cho biết: "Theo lời khai của nhân chứng, nạn nhân bơi quá gần con cá sấu. Mọi người đã hét lên để cảnh báo, nhưng nạn nhân ở dưới nước nên không nghe thấy".
Đội cứu hộ trục vớt thi thể nạn nhân. Ảnh: Viral Press
Đội cứu hộ nhanh chóng triển khai công tác tìm kiếm. Một thành viên của lực lượng cảnh sát cơ động tỉnh Sulawesi Tengah buộc phải bắn con cá sấu để nó thả nạn nhân. Thi thể Sadarwinata sau đó được đưa lên bờ và chuyển đến Bệnh viện Bhyangkara để khám nghiệm tử thi.
Quốc đảo Indonesia là nơi sinh sống của 14 loài cá sấu, trong đó có những loài cá sấu cửa sông khổng lồ và hung dữ. Các nhà bảo tồn động vật hoang dã cho rằng cá sấu đã di chuyển sâu hơn vào đất liền, đến gần các làng mạc do tình trạng đánh bắt quá mức làm giảm nguồn thức ăn của chúng.
Hoạt động khai thác khoáng sản tràn lan cũng khiến dân làng xâm phạm vào môi trường sống tự nhiên của cá sấu, đẩy loài vật này đến gần nhà dân hơn. Đồng thời, người dân ở Indonesia vẫn tắm và đánh bắt cá trên sông. Sự kết hợp của những yếu tố trên đã dẫn đến số vụ cá sấu tấn công ngày càng tăng.
Ngày 15/03/2025, Dân trí đưa tin "Hái rau muống ở ven sông, người phụ nữ bị cá sấu kéo xuống ăn thịt". Nội dung chính như sau:
Nạn nhân mới nhất trong vụ cá sấu tấn công con người ở Indonesia là Tarti Kolengsusu, 43 tuổi. Khi đang cùng bạn bè đi hái rau muống ở sông Air Biak, bỗng một con cá sấu khổng lồ nổi lên và ngoạm vào chân nạn nhân. Vụ việc xảy ra hôm 12/3.
Bị tấn công bất ngờ, chị Tarti kêu khóc cầu cứu, cố sức vung tay lên để cơ thể nổi lên mặt nước. Được bạn bè tóm chặt lấy tay, họ cố gắng kéo nạn nhân trở lại bờ sông nhưng con vật hung dữ đã giật mạnh hơn.
Hái rau muống ở ven sông, người phụ nữ bị cá sấu kéo xuống ăn thịt (Nguồn video: Mail).
Những người sống sót vội chạy về làng để báo động. Khi đội cứu hộ cùng người địa phương tới hiện trường thì Tarti đã tử vong trong hàm của con vật hung tợn.
Đoạn video được các nhân chứng ghi lại sau vụ tấn công cho thấy, con vật vẫn bơi gần bờ với thi thể nạn nhân ngậm trong miệng. Nó tiếp tục bơi vòng quanh bờ sông khiến nạn nhân trôi bồng bềnh dưới nước. Trong khi đó, người dân địa phương không có cách nào tiếp cận.
Khoảng 2 tiếng sau, khi con vật há miệng nhả nạn nhân ra, họ mới đưa được thi thể lên bờ. Theo cảnh sát khu vực, hiện gia đình đã đưa thi thể về nhà để tổ chức tang lễ.
"Cảnh sát Nam Buru sẽ họp với chính quyền địa phương và cơ quan liên quan để thảo luận về việc giảm thiểu những trường hợp tương tự. Hy vọng thời gian tới người dân cần nâng cao cảnh giác, tránh những cuộc đụng độ bất ngờ với cá sấu", vị cảnh sát trưởng cho biết.
Chân dung của nạn nhân xấu số (Ảnh: Mail).
Quần đảo Indonesia hiện là nơi sinh sống của 14 loài cá sấu với số lượng lớn cá sấu cửa sông cực lớn và bản tính hung dữ.
Các nhà bảo tồn tin rằng cá sấu đã di chuyển sâu hơn vào đất liền và gần các ngôi làng hơn do tình trạng đánh bắt quá mức làm giảm nguồn cung cấp thức ăn tự nhiên của cá sấu. Cùng với đó, cá sấu bị mất môi trường sống do người dân phát triển các vùng ven biển thành trang trại.
Việc khai thác thiếc tràn lan cũng khiến dân làng xâm phạm môi trường sống tự nhiên của cá sấu, đẩy chúng đến gần nhà dân hơn.
Indonesia thường xuyên ghi nhận các vụ cá sấu tấn công con người (Ảnh minh họa: News).
Người dân địa phương vẫn tiếp tục sử dụng các con sông để tắm và câu cá bất chấp nguy hiểm.
Theo số liệu thống kê mới nhất, Indonesia chứng kiến nhiều vụ cá sấu nước mặn tấn công nhất thế giới. Trong vòng 10 năm qua, nước này ghi nhận khoảng 1.000 vụ, khiến 450 người tử vong.