Lâu nay mít-dứa-vải chịu “tiếng ác” khiến nhiều người nhịn ăn trong mùa hè vì sợ nóng, sự thật thế nào

Một số loại quả dù đang vào mùa nhưng lại mang tiếng rằng ăn vào bị nóng khiến nhiều người bán tín, bán nghi không dám sử dụng.

Khi bắt đầu hè, thời tiết nắng nóng cũng là lúc vào vụ hàng loạt các loại trái cây như mít, dứa, vải, mận… Thế nhưng, không biết từ bao giờ, những trái cây này luôn bị gán cho cái mác ăn vào gây nóng, vì thế nhiều người cho rằng tốt nhất không sử dụng cho lành.

Vậy những trái cây này có thật sự gây nóng như mọi người vẫn nghĩ và ăn thế nào là hợp lý, nhất là trong thời tiết nắng nóng? TS.BS Từ Ngữ - Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho rằng, về khoa học không có loại rau hay trái cây nào gây nóng, chỉ có cách ăn không đúng, cộng với điều kiện thời tiết nắng nóng nên cơ thể dễ “bốc hỏa”.

Mít không hề gây nóng hay nổi mụn nếu ăn khoa học và hợp lý. (Ảnh minh họa)

 

“Mít, dứa hay vải đều là những loại trái cây ngon, do người dân tự sản xuất ra. Trong khi nước ngoài còn đến tận nơi để thu mua, còn người bản địa lại chê vì lý do rất phản khoa học. Tất cả những loại quả trên đều tốt và nên ăn, kể cả là mùa hè vì chúng là trái cây đúng vụ nên an toàn hơn trái cây trái vụ. Ngoài ra, các loại quả này đều giàu dinh dưỡng cho cơ thể. Tất nhiên cần lưu ý cách ăn sao cho hợp lý, với tôi thì không nên ăn quá nhiều, còn việc ăn như thế nào là nhiều còn tùy vào độ tuổi, bệnh lý”, TS.BS Từ Ngữ chia sẻ.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định, tất cả các loại trái cây không có loại nào gây nóng hay lạnh. Dưới góc độ dinh dưỡng, có thể chia ra thành hai loại chính đó là trái cây ngọt và trái cây ít ngọt, từ đó sẽ có những phân tích, tư vấn hợp lý khi sử dụng. Ngoài ra, việc tư vấn sử dụng cũng còn tùy vào tính thời điểm và tình trạng bệnh lý của mỗi người, chứ không ai giống ai.

Qủa vải rất ngọt, có nhiều đường nên khi ăn sẽ nạp nhiều năng lượng vào cơ thể và gây nóng. (Ảnh minh họa)

Với 3 loại trái cây trên, PGS Nguyễn Thị Lâm cho biết chúng đều có vị ngọt, vì thế hàm lượng đường khá cao, nếu ăn nhiều cũng đồng nghĩa là nạp thêm nhiều calo vào cơ thể, đó chính là nguyên nhân gây nóng. Một số người có hiện tượng nổi mụn, mọc mụn rôm sau khi ăn những loại quả như mít, vải, bà Lâm cho rằng trước hết là do cơ địa, thứ hai là do ăn nhiều khiến lượng đường trong máu tăng, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn trên da phát triển, gây nên tình trạng trên.

Bác sĩ Lâm chia sẻ, bất cứ loại trái cây nào bao gồm cả mít, dứa, vải... đều tốt cho cơ thể vì chúng có nhiều chất xơ, vitamin và cung cấp lượng nước nhất định. Tuy nhiên, với trái cây có vị ngọt nhiều thì ăn hạn chế, như 3 loại quả trên với trẻ nhỏ thì chỉ nên ăn 50 gam/ngày tương đương khoảng 5 múi mít, hoặc 3 quả vải, hoặc 1/8 quả dứa. Còn người lớn không ăn quá 100-150 gam/ngày, tương tương với khoảng 8-10 múi mít; 1/4 hoặc 1/2 quả dứa hoặc 8-10 quả vải).

Tốt nhất không ăn cùng một lúc mà chia ra các thời điểm trong ngày, ví dụ như ăn vào giữa buổi sáng-chiều hoặc dùng sau bữa ăn. Do là quả chứa nhiều đường, nên không ăn trước bữa ăn vì sẽ tăng đường máu, có cảm giác no bụng.

Mọi người nên ăn các loại quả có vị ngọt vừa phải, và chia ra để ăn nhiều thời điểm mỗi ngày. (Ảnh minh họa) 

Đối với những người bị rối loạn đường máu (hay tiểu đường, dư cân, béo phì) nên hạn chế ăn các loại quả cho nhiều vị ngọt vì chúng đồng thời thường cung cấp nhiều năng lượng. Vì thực tế quả ngọt vẫn cung cấp nhiều vitamin (chủ yếu là vitamin C) nên các bạn vẫn ăn được vừa phải.