Tin vui: Từ 1/7, chữa bệnh tại nhà vẫn được hưởng BHYT, chi trả 100% chi phí khi vượt tuyến

Đây chính là cách né nồm, tránh nồm rẻ nhất hiệu quả nhất miền Bắc!

Theo Luật BHYT thì từ 1/7, người dân chữa bệnh tại nhà vẫn được hưởng BHYT, chi trả 100% chi phí khi vượt tuyến.

Ngày 23/5/2025, Thời báo VHNT đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Tin vui: Từ 1/7, chữa bệnh tại nhà vẫn được hưởng BHYT, chi trả 100% chi phí khi vượt tuyến". Nội dung như sau:

Từ ngày 1/7/2025, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2024 chính thức có hiệu lực, mang đến nhiều thay đổi tích cực về quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Trong đó, đáng chú ý là việc mở rộng phạm vi hưởng BHYT, bao gồm cả khám chữa bệnh tại nhà và được thanh toán chi phí khám chữa bệnh vượt tuyến trong một số trường hợp đặc biệt.

Theo khoản 16 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế năm 2024, người tham gia BHYT sẽ được Quỹ BHYT chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại nhà. Đây là nội dung mới được bổ sung vào Điều 21 Luật BHYT năm 2008, mở rộng quyền lợi cho người bệnh trong bối cảnh nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng ngày càng tăng.

Cụ thể, Quỹ BHYT chi trả các chi phí sau:

Khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm cả khám, chữa bệnh từ xa, hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa, y học gia đình, khám chữa bệnh tại nhà, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con;

Vận chuyển người bệnh trong trường hợp điều trị nội trú hoặc cấp cứu phải chuyển tuyến đối với các đối tượng thuộc nhóm ưu tiên theo quy định tại khoản 3 Điều 12 của Luật;

Chi phí sử dụng dịch vụ kỹ thuật y tế, thuốc, thiết bị y tế, máu và các chế phẩm từ máu, khí y tế, vật tư, hóa chất phục vụ khám chữa bệnh trong phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT.

Ảnh minh họa

Đáng chú ý, việc khám chữa bệnh tại nhà lần đầu tiên được đưa vào phạm vi hưởng BHYT. Điều này mở ra cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế thuận tiện, đặc biệt có ý nghĩa đối với người cao tuổi, người khuyết tật, bệnh nhân mãn tính hoặc gặp khó khăn trong di chuyển.

Được thanh toán 100% chi phí khi vượt tuyến trong trường hợp bệnh hiếm, hiểm nghèo

Bên cạnh đó, khoản 14 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung cũng bổ sung thêm khoản 4 vào sau Điều 22 của Luật BHYT hiện hành, quy định rõ việc người bệnh được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khi khám chữa bệnh vượt tuyến theo tỷ lệ phần trăm của mức hưởng trong một số trường hợp đặc biệt, không cần giấy chuyển tuyến như trước đây.

Cụ thể, người tham gia BHYT nếu đi khám chữa bệnh không đúng tuyến, không đúng nơi đăng ký ban đầu, sẽ được quỹ BHYT thanh toán toàn bộ chi phí khám chữa bệnh theo mức hưởng thông thường nếu rơi vào các trường hợp: Chẩn đoán xác định mắc bệnh hiếm gặp; Mắc bệnh hiểm nghèo; Cần điều trị bằng phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

Quy định mới này nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế chuyên sâu, đồng thời giảm áp lực thủ tục hành chính trong tình huống cấp thiết, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị và đảm bảo quyền lợi thiết thực của người dân tham gia BHYT.

Cải cách để tiến gần hơn tới mục tiêu BHYT toàn dân

Những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT 2024 cho thấy nỗ lực của ngành y tế và cơ quan lập pháp trong việc cải thiện chất lượng phục vụ, mở rộng độ bao phủ, nâng cao hiệu quả và tính nhân văn của chính sách BHYT.

Việc cho phép thanh toán BHYT với hình thức khám chữa bệnh tại nhà hay vượt tuyến đối với các trường hợp đặc biệt không chỉ giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến đầu, mà còn thể hiện rõ định hướng lấy người bệnh làm trung tâm trong chính sách y tế hiện hành.

Với những thay đổi thiết thực này, Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT năm 2024 kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao niềm tin và sự chủ động tham gia của người dân.

Trước đó, báo Tuổi Trẻ đã đăng tải bài viết với tiêu đề: "Từ ngày 1-7 khám chữa bệnh với bảo hiểm y tế, người bệnh thêm nhiều quyền lợi". Cụ thể như sau:

Người dân khám chữa bệnh BHYT - Ảnh: HÀ QUÂN

Chia sẻ tại hội nghị triển khai quy định mới của Luật BHYT và lấy ý kiến cho dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của luật ngày 27-3, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá Luật BHYT sửa đổi là bước ngoặt hoàn thiện chính sách, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Tăng quyền lợi cho người tham gia

Trong đó, luật đã quy định mức hưởng BHYT khi thực hiện thông cấp khám chữa bệnh (KCB) BHYT theo hướng không phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh. Người bệnh được chi trả 100% mức hưởng khi KCB tại cấp ban đầu trong toàn quốc. 

Hưởng 100% mức hưởng khi KCB nội trú tại cấp cơ bản trong toàn quốc, 100% mức hưởng khi KCB tại bất kỳ cơ sở y tế cấp cơ bản, chuyên sâu trước 1-1-2025 được xác định là tuyến huyện.

"Đặc biệt, trong một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo..., người bệnh được lên thẳng cơ sở KCB cấp chuyên sâu", ông Thuấn nói.

Ông Đoàn Quốc Dân, chuyên viên cao cấp Vụ BHYT, Bộ Y tế, cho biết thêm luật cũng mở rộng tỉ lệ mức hưởng KCB ngoại trú ở cấp cơ bản. Hiện nay khi KCB ngoại trú tại cơ sở KCB cấp cơ bản (dưới 50 điểm tính trên thang điểm 100) người dân sẽ được chi trả 100% mức hưởng.

Đến 1-7-2026, khi KCB ngoại trú tại cơ sở KCB cấp cơ bản (từ 50 điểm đến dưới 70 điểm); bệnh viện trước đó là tuyến tỉnh, tuyến trung ương, người dân sẽ được quỹ BHYT thanh toán 50% mức hưởng, thay vì không được chi trả như hiện nay.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã ban hành thông tư hướng dẫn danh mục bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo được chuyển thẳng đến tuyến cuối. Sau ba tháng triển khai danh mục bệnh được chuyển thẳng cơ sở KCB chuyên sâu, bà Trần Thị Trang - vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế - cho hay chính sách đã nhận được sự quan tâm của người dân và các đơn vị liên quan.

"Chính sách không chỉ mang giá trị nhân văn tích cực mà còn giảm thủ tục hành chính cho người dân; giúp người dân được tiếp cận cơ sở KCB nhanh chóng, bình đẳng và công bằng. Tuy nhiên, chính sách mới đưa vào thực hiện nên thời gian đầu còn một số khó khăn nhất định.

Chúng tôi cũng đang rà soát để bổ sung một số bệnh "xứng đáng" được vượt lên cấp cao hơn để người bệnh được điều trị kịp thời, hoặc loại bỏ những bệnh mà ở cấp cơ bản đã có thể điều trị. Trong quá trình thực hiện, Bộ Y tế tiếp tục lắng nghe, giải đáp những vướng mắc của người dân và cơ sở KCB để tháo gỡ kịp thời, đảm bảo quyền lợi của người bệnh", bà Trang nói.

Tỉ lệ khám bệnh tại y tế cơ sở giảm, có đáng lo?

Ông Dương Tuấn Đức, trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho hay tỉ lệ tham gia BHYT của người dân và cơ sở KCB ngày càng gia tăng.

Theo thống kê năm 2024, cả nước có gần 10.000 trạm y tế; 1.300 phòng khám; 437 bệnh viện chuyên khoa và 1.119 bệnh viện đa khoa đăng ký KCB BHYT. Trong số đó, cơ sở ngoài công lập đăng ký KCB BHYT tăng dần qua các năm. Năm 2018 là 647 cơ sở KCB tăng lên 1.132 năm 2024.

Ông Đức đánh giá mức độ phát triển của cơ sở KCB công lập và ngoài công lập hiện nay đã đáp ứng được nhu cầu KCB của người dân. Đặc biệt, mạng lưới phủ rộng của trạm y tế - cơ sở KCB ban đầu trên toàn quốc.

Tuy nhiên, ông Đức cũng đặt ra lo ngại về việc tỉ lệ KCB ở tuyến xã ngày càng giảm. "Chúng ta đang phấn đấu 95% trạm y tế dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm, đến năm 2030 tỉ lệ tham gia BHYT đạt trên 95% dân số; trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở được BHYT chi trả, nhưng thực tế tỉ lệ KCB tại trạm y tế đang ngày càng giảm", ông Đức đặt vấn đề.

Số lượt KCB năm 2022 tại tuyến xã chiếm 14,6%; 2023 là 13,65% và năm 2024 là 12,7%. Tỉ lệ chi trả BHYT cũng giảm từ 1,74% (2022) xuống còn 1,66% (2023) và 1,5% (2024).

Theo ông Đức, việc thông tuyến KCB, miễn cùng chi trả cấp ban đầu (trái tuyến) là nguyên nhân khiến người dân không lựa chọn y tế cơ sở, cần tính toán để người dân lựa chọn KCB ở cơ sở ban đầu.

Về vấn đề này, bà Trần Thị Trang lý giải chức năng của y tế cơ sở, trong đó có trạm y tế, không chỉ có KCB mà còn dự phòng, an toàn thực phẩm, tiêm chủng và truyền thông giáo dục...

"Hệ thống y tế phải đáp ứng được những gì mà người dân cần, phù hợp với năng lực của y tế cơ sở, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT. Tăng cường y tế cơ sở không phải chỉ tập trung thu hút người dân KCB ở trạm y tế xã mà phải thực hiện đồng bộ các giải pháp", bà Trang chia sẻ và nói thêm việc thông tuyến KCB nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế có chuyên môn, kỹ thuật phù hợp.

Đề xuất hỗ trợ học sinh 50% mức đóng BHYT

Điểm mới trong dự thảo nghị định lần này là Bộ Y tế đề xuất nâng mức hỗ trợ đóng BHYT từ ngân sách nhà nước lên tối thiểu 50% (hiện là 30%) mức đóng đối với học sinh phổ thông từ lớp 1 - 12.

Giải thích rõ hơn về đề xuất này, bà Vũ Nữ Anh - phó vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế - cho hay Vụ BHYT đã nhận được nhiều ý kiến cho rằng việc hỗ trợ mức đóng đối với học sinh, sinh viên thấp hơn so với mức giảm trừ khi học sinh tham gia với hộ gia đình.

"Nếu đóng BHYT theo hộ gia đình, học sinh, sinh viên có thể được hỗ trợ nhiều hơn mức hỗ trợ 30% như hiện nay. Vì vậy, Bộ Y tế đề xuất tăng mức hỗ trợ lên tối thiểu 50% để đảm bảo quyền lợi.

Mức hỗ trợ này áp dụng cho học sinh phổ thông từ lớp 1 - 12, riêng sinh viên vẫn giữ nguyên mức hỗ trợ 30%. Theo đánh giá tác động chính sách, ngân sách sẽ chi khoảng 3.700 tỉ đồng để hỗ trợ đóng BHYT cho học sinh phổ thông", bà Anh nêu rõ.

Theo SHTT

Nước giặt quốc dân không cần nước xả vẫn thơm, hơn 1,2 triệu người dùng Shopee cho 5 sao!