Giá vàng bật tăng trở lại, cơn bão lớn trước đợt suy yếu mới?
Giá vàng tăng vọt hai phiên liên tiếp và vượt 3.300 USD/ounce. Bối cảnh địa chính trị bất ổn, đồng USD suy yếu và dữ liệu kinh tế kém lạc quan từ Trung Quốc là động lực chính. Liệu vàng có tăng tiếp rồi lao dốc?
Ngày 22 tháng 5 năm 2025, báo Vietnamnet đưa tin "Giá vàng bật tăng trở lại, cơn bão lớn trước đợt suy yếu mới?". Nội dung như sau:
Giá vàng bứt tốc
Trong phiên giao dịch 20/5 trên thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng vọt thêm 2%, lên 3.295 USD/ounce. Tại thị trường châu Á, phiên 21/5, giá vàng tiếp tục tăng mạnh, vượt mốc 3.300 USD/ounce, đánh dấu sự trở lại ấn tượng sau nhiều tuần chịu áp lực giảm khá mạnh.
Trong nước, tính tới chiều 21/5, vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 118,5-121 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1,7 triệu đồng mỗi lượng so với phiên trước. Giá vàng nhẫn cũng không nằm ngoài xu hướng, đạt 112-115 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng/lượng.
Vàng thế giới tăng giá trong bối cảnh đồng USD chịu áp lực suy yếu sau khi tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s hạ bậc xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Mỹ từ “Aaa” xuống “Aa1” vào ngày 16/5 do lo ngại về nợ công ngày càng tăng. Đồng bạc xanh bị bán tháo, tạo điều kiện cho vàng - một tài sản định giá bằng USD - trở nên hấp dẫn hơn.
Giá vàng còn được thúc đẩy bởi những cảnh báo thận trọng từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về triển vọng kinh tế, cũng như nỗi lo suy giảm tăng trưởng ở nhiều quốc gia. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) và Ngân hàng Trung ương Úc vừa hạ lãi suất cơ bản nhằm hỗ trợ kinh tế.

Căng thẳng địa chính trị cũng góp phần quan trọng đẩy giá vàng tăng trở lại. EU và Anh áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Nga vào ngày 20/5, trong khi cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin không mang lại một cam kết ngừng bắn tại Ukraine.
Thêm vào đó, CNN dẫn nguồn tình báo Mỹ cho biết Israel có thể đang chuẩn bị tấn công cơ sở hạt nhân Iran đã làm dấy lên lo ngại về bất ổn khu vực, đẩy dòng tiền vào vàng - tài sản trú ẩn an toàn truyền thống.
Dữ liệu kinh tế không mấy tích cực từ Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng là một yếu tố quan trọng. Việc PBoC hạ lãi suất đã làm gia tăng dòng tiền tìm đến vàng, trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trên thị trường nội địa, nhu cầu vàng vật chất tăng mạnh, đặc biệt là vàng miếng và vàng nhẫn, khi một số người dân xem vàng như một kênh đầu tư an toàn trong thời kỳ biến động.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán Mỹ quay đầu giảm điểm khi nhà đầu tư tập trung vào cuộc bỏ phiếu về kế hoạch cắt giảm thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Điều này khiến dòng tiền chuyển dịch từ chứng khoán trở lại sang các tài sản an toàn hơn như vàng.
Thị trường tiền số cũng chứng kiến sự chững lại khi Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác không còn giữ được sức hút như trước, một phần do lo ngại về quy định chặt chẽ hơn từ chính quyền Mỹ.
Liệu có nguy cơ một cú lao dốc?
Nhìn về ngắn hạn, giá vàng được nhiều tổ chức dự báo tiếp tục tăng. Mặt hàng kim loại quý được hỗ trợ bởi các yếu tố địa chính trị và kinh tế. Thông tin tình báo Mỹ về khả năng Israel tấn công cơ sở hạt nhân Iran, dù chưa được xác nhận, là một yếu tố rủi ro lớn.
Nếu căng thẳng leo thang, đặc biệt trong trường hợp Mỹ và Iran không đạt được thỏa thuận hạt nhân, giá vàng có thể chạm mức 3.400 USD/ounce hoặc cao hơn như dự báo của một số tổ chức lớn như Goldman Sachs.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng là một động lực quan trọng. Giám đốc điều hành JP Morgan, Jamie Dimon, cảnh báo rằng tác động của cuộc chiến thương mại này vẫn chưa được cảm nhận đầy đủ và thị trường chứng khoán Mỹ có thể lao dốc, đẩy dòng tiền tiếp tục chảy vào vàng.
Tuy nhiên, một số yếu tố có thể kìm hãm đà tăng hoặc thậm chí đẩy giá vàng giảm mạnh.
Tại Trung Đông, chuyến công du của Tổng thống Trump tới 3 quốc gia khu vực này đã mang lại các thỏa thuận có tổng trị giá 3.200 tỷ USD, tập trung vào công nghệ và trí tuệ nhân tạo. Nếu các nỗ lực ngoại giao của ông Trump thúc đẩy hòa bình và biến Trung Đông thành một trung tâm phát triển mới, nhu cầu tài sản trú ẩn như vàng có thể giảm.
Tương tự, tại Ukraine, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đang được đẩy nhanh. Nếu xung đột tại đây giảm nhiệt, tâm lý rủi ro trên thị trường toàn cầu sẽ cải thiện, khiến nhà đầu tư chuyển dòng tiền từ vàng sang các tài sản rủi ro cao hơn như cổ phiếu hoặc tiền số.
Đồng USD, dù đang suy yếu, cũng có thể phục hồi nếu Fed thay đổi lập trường chính sách hoặc nếu tâm lý thị trường cải thiện nhờ các thỏa thuận thương mại.
Trong ngắn hạn, vàng vẫn được hỗ trợ bởi bất ổn địa chính trị và kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nếu các nỗ lực hòa bình tại Trung Đông và Ukraine thành công, giá vàng có thể đối mặt với áp lực giảm mạnh, đặc biệt khi dòng tiền quay trở lại thị trường chứng khoán và tiền số.
Dù vậy, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, với các tác động chưa được định lượng đầy đủ, có thể ngăn giá vàng giảm sâu. Giá vàng vẫn được dự báo sẽ duy trì trong khoảng 3.200-3.300 USD/ounce vài tuần tới.
Ngày 18 tháng 5 năm 2025, báo Vietnamnet đưa tin "Giá vàng liên tiếp giảm sâu: Tuần tới phục hồi hay tiếp tục rơi vì ông Trump?". Nội dung như sau:
Tiếp tục giảm mạnh
Tuần từ 12-16/5, thị trường vàng quốc tế chứng kiến một đợt điều chỉnh giảm khá mạnh. Giá vàng giao ngay trên sàn Kitco tại New York chốt tuần ở mức 3.204 USD/ounce, giảm hơn 3% so với mức 3.300 USD/ounce đầu tuần. Trong tuần, giá vàng có lúc chạm đáy 3.127 USD/ounce vào ngày 15/5, phản ánh áp lực bán tháo mạnh mẽ.
So với mức kỷ lục 3.500 USD/ounce vào ngày 22/4, giá vàng đã mất gần 9,4%, tương đương giảm 300 USD/ounce. Dù vậy, tính từ đầu năm 2025, giá vàng vẫn tăng ấn tượng 22,9% từ mức 2.625 USD/ounce.
Tại Việt Nam, giá vàng trong nước cũng chịu áp lực giảm. Vàng miếng SJC chốt tuần ở mức 115,5-118,5 triệu đồng/lượng, giảm 3 triệu đồng so với cuối tuần trước. Giá vàng nhẫn cũng lao dốc, xuống 111-114 triệu đồng/lượng.
Đáng chú ý, giá vàng miếng SJC vẫn cao hơn giá thế giới quy đổi khoảng 16,7 triệu đồng/lượng, cho thấy sự chênh lệch kéo dài trên thị trường nội địa.

Nguyên nhân chính của đợt giảm giá này đến từ nhiều yếu tố. Thứ nhất, thỏa thuận “đình chiến” thương mại Mỹ - Trung Quốc, với việc hai bên giảm thuế quan từ 145% xuống 30% (Mỹ) và từ 125% xuống 10% (Trung Quốc) trong 90 ngày, đã làm giảm nhu cầu trú ẩn an toàn vào vàng.
Thị trường chứng khoán toàn cầu, đặc biệt là Phố Wall, tiếp tục bùng nổ với chỉ số Dow Jones tăng thêm 0,8%, S&P 500 tăng 0,7%, và Nasdaq tăng 0,5%, thu hút dòng tiền từ các tài sản an toàn như vàng sang tài sản rủi ro.
Thứ hai, đồng USD phục hồi, với chỉ số DXY tăng từ 99 lên 101 điểm, gây áp lực lên giá vàng do mối quan hệ nghịch biến truyền thống.
Thứ ba, dữ liệu kinh tế Mỹ tích cực, với lạm phát suy giảm và các báo cáo cho thấy nền kinh tế vững vàng, làm giảm kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trong ngắn hạn, khiến vàng kém hấp dẫn hơn.
Cuối cùng, hoạt động chốt lời sau đợt tăng nóng trước đó cũng góp phần vào nhịp điều chỉnh này.
Chính sách của ông Donald Trump và xu hướng giá vàng
Chính sách kinh tế và đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục là tâm điểm chi phối thị trường vàng thế giới. Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung tạm thời làm dịu căng thẳng, nhưng giới đầu tư vẫn thận trọng. Nhiều chuyên gia cho rằng đây chỉ là bước đi chiến thuật.
Nếu đàm phán không đạt kết quả sau 90 ngày, nguy cơ chiến tranh thương mại tái bùng phát vẫn hiện hữu. Ngoài ra, ông Trump đang cân nhắc áp thuế đối ứng trong vài tuần tới với nhiều quốc gia khác, gây lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, có thể đẩy giá vàng tăng trở lại.
Căng thẳng địa chính trị trên phạm vi toàn cầu, dù có dấu hiệu hạ nhiệt ở Trung Đông, vẫn là yếu tố hỗ trợ giá vàng. Chuyến thăm Trung Đông của ông Trump mang về 3.200 tỷ USD hợp đồng đầu tư từ UAE, Qatar và Saudi Arabia. Đồng thời, chuyến đi cũng góp phần thúc đẩy Hòa ước Abraham và đưa Mỹ tiến gần tới một thỏa thuận hạt nhân với Iran. Những bước tiến này làm giảm nhu cầu trú ẩn vào vàng trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, đàm phán Nga - Ukraine vẫn còn căng thẳng và kéo dài. Rủi ro địa chính trị có thể kích hoạt làn sóng mua vàng nếu tình hình xấu đi.
Nền kinh tế Mỹ đang cho thấy sức mạnh với lạm phát giảm và các chỉ số kinh tế tích cực. Điều này làm thị trường nghiêng về khả năng Fed giữ lãi suất ở mức 4,25-4,5% đến tháng 9, thay vì cắt giảm sớm. Đồng USD phục hồi từ mức thấp nhất 3 năm cũng gây áp lực lên giá vàng.
Thế nhưng, nếu các chính sách thuế quan của ông Trump gây lạm phát gia tăng, Fed có thể nới lỏng tiền tệ, hỗ trợ giá vàng trong trung hạn.
Nhu cầu vàng từ các ngân hàng trung ương, đặc biệt Trung Quốc, Nga và Ấn Độ, vẫn mạnh mẽ. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) mua thêm 2,2 tấn vàng trong tháng 4, nâng tổng số vàng mua từ đầu năm lên 14,9 tấn.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu vàng từ các ngân hàng trung ương có thể vượt 500 tấn trong năm 2025, là lực đỡ quan trọng cho giá vàng. Tuy nhiên, dòng vốn vào các quỹ ETF vàng có dấu hiệu chững lại trong tháng 5, với khả năng rút ròng do tâm lý ưa rủi ro tăng lên.
Sự dịch chuyển vàng vật chất giữa New York và London cho thấy dòng chảy đầu cơ bất thường. Các quỹ ETF vàng tại New York ghi nhận hoạt động mua ròng trở lại sau nhịp điều chỉnh, trong khi London chứng kiến dòng vàng vật chất chảy ra, có thể do các nhà đầu tư châu Âu chuyển hướng sang chứng khoán. Điều này phản ánh sự phân hóa trong tâm lý đầu tư, nhưng không đủ để đảo ngược xu hướng giảm ngắn hạn của giá vàng.
Dòng tiền đang dịch chuyển mạnh sang các tài sản rủi ro như chứng khoán và tiền số. Chỉ số Bitcoin đạt 103.000 USD, trong khi chứng khoán Mỹ và châu Âu tăng mạnh nhờ tâm lý lạc quan. Ngược lại, vàng và các tài sản trú ẩn như trái phiếu kho bạc Mỹ chịu áp lực. Nếu tâm lý rủi ro đảo chiều do bất ổn địa chính trị hoặc thương mại, vàng có thể thu hút dòng tiền trở lại.
Trong tuần 19-23/5, giá vàng thế giới có thể tiếp tục chịu áp lực giảm do hoạt động chốt lời và tâm lý ưa rủi ro. Mức hỗ trợ quan trọng nằm ở 3.100-3.200 USD/ounce. Các yếu tố như bất ổn địa chính trị, nhu cầu từ ngân hàng trung ương và rủi ro lạm phát do chính sách của chính quyền ông Trump có thể đẩy giá vàng phục hồi trong trung và dài hạn.
Một số dự báo vẫn cho rằng, vàng có thể đạt 3.500 USD/ounce vào cuối năm.
Tại Việt Nam, giá vàng trong nước sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ giá thế giới, nhưng chênh lệch cao so với quốc tế có thể thu hẹp nếu Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý thị trường.